Mẹo Vặt

Dọn nhà dọn cả… vườn cây

Tuesday, 18/03/2014 - 10:22:16

Sau đây là câu hỏi một bạn đọc nêu lên về chuyện dọn nhà, nhưng lại dính líu nhiều tới vườn cây, có lẽ vì bạn ấy rất yêu cây. Các bạn xem có từng rơi vào hoàn cảnh này hay không nhé: “Tôi sắp dọn nhà, muốn mang theo mấy cây ăn trái đã khá lớn ở vườn sau.

Vũ Hằng


Sau đây là câu hỏi một bạn đọc nêu lên về chuyện dọn nhà, nhưng lại dính líu nhiều tới vườn cây, có lẽ vì bạn ấy rất yêu cây. Các bạn xem có từng rơi vào hoàn cảnh này hay không nhé: “Tôi sắp dọn nhà, muốn mang theo mấy cây ăn trái đã khá lớn ở vườn sau. Có người nói tôi nên vặt lá tỉa cành bớt trước khi đánh cây lên. Nhưng không biết làm như vậy có đúng không. Tôi muốn hỏi lại cô Hằng cho chắc ăn. Xin cám ơn.”

Cám ơn bạn đã tín nhiệm. Trong trường hợp này, Hằng có ý kiến ngược lại, và câu trả lời tức thời là không. Theo các thầy cô tại trường Đại Học Clemson, tiểu bang South Carolina, thì đừng tỉa cành vặt lá trước khi đánh cây lên. Trừ những cành gẫy, lá khô phải cắt đi, bạn nên giữ lại các phần trên cây – bao gồm thân, lá, cành… – y nguyên như cũ, nhờ đó tiến trình phục hồi của cây khi về tới nhà mới sẽ mau chóng hơn.

Nhưng nếu có thể dàn xếp được, hãy chờ tới thời gian cây rũ hết lá vào cuối thu và bước vào giấc ngủ mùa đông (dormant) mới nên đánh cây. Tại sao vậy? Là vì trong lúc cây ngủ, ảnh hưởng của cơn khủng hoảng gây ra do sự di dời sẽ bớt đi rất nhiều. Giống như trước khi giải phẫu, chúng ta phải được gây mê để mất cảm giác đau đớn khi dao kéo xẻ trên da thịt, cơn khủng hoảng mà bạn gây ra cho cây cối khi bứng chúng lên trồng vào vùng đất khác cũng cần phải được thực hiện trong thời gian cây đang “ngủ”. Nếu không thể chủ động được thời gian dời nhà thì đành chịu, và chúng ta lại càng phải chú ý hơn để giúp cây sớm ổn định trong vùng đất mới.

Thời gian khủng hoảng và tiến trình phục hồi

Đào gốc và trồng lại trong một vùng đất khác là sự kiện gây nhiều căng thẳng nhất trong đời sống của cây. Chủ yếu là vì bầu rễ, nơi cây hấp thụ dưỡng chất, bị chặt đứt khá nhiều, trong khi cây vẫn phải nuôi dưỡng nhánh cành và tàn lá. Vì thế có nhiều người cho rằng nên chặt bớt cành lá trước khi đánh cây để hạn chế nhu cầu về dưỡng chất mà rễ phải cung cấp trong thời gian khủng hoảng. Nhưng sự việc không đơn giản như thế, là vì lá không ăn “báo cô”, mà lá cần có mặt để cung cấp carbohydrates, một dưỡng chất rất cần để nuôi cây và giúp rễ phục hồi trong thời gian khủng hoảng này.

Khi cây bị đào lên, dù cố cách mấy chúng ta cũng chỉ có thể giữ được một số rễ chính, còn 95% rễ phụ đều bị chặt bỏ cả. Với 5% rễ còn lại, cây mới trồng đương nhiên không đủ phương tiện để hút nước nuôi lá. Trong khi đó, dàn lá trên cây vẫn tiếp tục thoát nước vào khí trời, nên tình trạng mất nước càng trầm trọng hơn, đưa đến khô vàng, và cong lên quanh mép lá. Hiện tượng này xảy đến trước hết cho những lá non, vốn còn mong manh và dễ tổn thương do thiếu nước… rồi dần dần sẽ đến những cánh lá đã trưởng thành, và sau cùng những mỏm đầu cành cũng héo hắt và cong lại.

Bị thiếu nước như vậy, ngay cả “mạng sống” của mình chiếc lá còn không giữ được, nói chi đến nhiệm vụ tổng hợp carbohydrate để nuôi cây. Tình trạng này tạo thành một cái vòng luẩn quẩn: Cây không đủ rễ để hút nước nuôi lá và lá không tổng hợp được carbohydrate để giúp cây đủ sức khỏe chống lại bệnh tật và sâu bọ….. Nếu không kịp thời thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đó, cây sẽ chết, một kết cục thường xảy ra với rất nhiều cây bị di dời.

Để tránh tình trạng đó, chúng ta không nên vặt lá bỏ đi, mà cần phải góp phần giải quyết cơn khủng hoảng về nước cho cây: Ngoài việc cung cấp đủ nước cho rễ, chúng ta còn cần giúp cho lá tươi lâu bằng cách phun nước thêm trên lá: Giữ ẩm độ cho lá là một cách cụ thể chúng ta có thể làm để giảm bớt căn bệnh thiếu nước trong lúc cây phục hồi.

Dĩ nhiên, nếu di dời trong lúc cây đã trụi lá vào cuối thu, trong thời gian cây ngủ, mình đỡ phải tưới lá, mà chỉ cẩn tưới rễ như bình thường. Rễ cây sẽ âm thầm, tự thích ứng trong lòng đất, để rồi khi mùa xuân đến sẽ thức dậy cùng với chồi non và lộc mới.

Ngoài vấn đề bạn đặt ra, Hằng xin góp thêm một vài ý khác:

Đào lỗ nông nhưng rộng, và khi lấp đất, cây sẽ có một vùng đất xốp chung quanh để dễ đâm rễ. Nói là xốp, nhưng đất vẫn phải được nén chặt, mới có thể giữ vững thân cây và tạo điều kiện cho rễ phát triển lành mạnh.

Để hở phần chóp rễ (phần cuối của thân, nơi thân cây bắt đầu phình ra để phát triển thành rễ) trên mặt đất. Nếu lỗ quá sâu, lấp cả phần chóp rễ, cây bị “ngộp”, có thể bị chết, hoặc tiến trình phục hồi sẽ kéo dài.

Không nên bón phân ngay sau khi mới trồng cây, bởi vì rễ không thể hấp thụ được gì, mà còn có thể gây sốc cho rễ.

Với vài ý mọn như trên, Hằng tin là bạn có thể yên tâm dọn cả vườn cây về nhà mới.

Vuhang231@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT