Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Dư âm đẹp từ đêm nhạc “Hội Trùng Dương 2015 - Phạm Đình Chương“

Saturday, 18/04/2015 - 12:49:05

Các ca sĩ và nhạc sĩ đã góp phần tạo nên một sự gắn kết vô hình, cuốn hút khán giả sống trong không khí đêm nhạc thấm đẫm chữ tình cùng sự hoài niệm, da diết.

Bài Băng Huyền

Tối thứ Bảy, 11-4-2015 tuần qua, tại thính đường PYLUSD Performing Arts Center, thuộc thành phố Placentia, quận Cam, đã diễn ra đêm nhạc “Hội Trùng Dương 2015 - Phạm Đình Chương” do ca sĩ Phạm Thành, trưởng nam của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương tổ chức. Với 21 ca khúc và bài trường ca Hội Trùng Dương, chương trình được chia làm 2 phần, phần đầu là nhạc và lời của Phạm Đình Chương, phần 2 là những ca khúc Phạm Đình Chương phổ thơ. Những ca khúc ấy là những bài hầu hết khán giả yêu nhạc Phạm Đình Chương đều đã thuộc "nằm lòng", nhưng đã được các nhạc sĩ Quốc Vũ, Nguyễn Quang Phúc, Hoài Phương, Uyên Phương khoác lên một chiếc áo mới, từ nhẹ nhàng, thánh thót đến việc đẩy mạnh tiết tấu và dung lượng âm thanh ở đoạn cao trào đem lại cho các ca khúc một diện mạo tuyệt đẹp, mang hơi thở thời đại. Những bản phối mới này đã được ban nhạc của nhạc sĩ Quốc Vũ với Vũ Anh Tuấn chơi Bass, tiếng piano của Quốc Vũ, Guitare Trung Nghĩa, tiếng vĩ cầm dịu ngọt của Lina Nguyễn, keyboard của Trúc Sinh...vân vân... đã đem đến sự tươi mới, trẻ trung, ru hồn khán giả, để cảm xúc trôi theo những kỷ niệm qua tiếng hát của các ca sĩ Phạm Thành, Bích Vân, Trần Thái Hòa, Teresa Mai, Hoài Phương, Vương Dzung, Nam Khánh và ban hợp xướng Ngàn Khơi, đã tạo nên một bầu không khí ấm áp, cuộn trào cảm xúc, đậm chất trữ tình, gần gũi.

Ban hợp xướng Ngàn Khơi hát trường ca Hội Trùng Dương




Sân khấu đơn giản, chủ yếu sử dụng ánh sáng, xuyên suốt chương trình không có những màn múa minh họa hay chiếu slideshow trong mỗi bài hát, chỉ có tiếng hát và âm nhạc nhưng vẫn đủ sức giữ chân khán giả suốt gần 3 giờ. Các ca sĩ và nhạc sĩ đã góp phần tạo nên một sự gắn kết vô hình, cuốn hút khán giả sống trong không khí đêm nhạc thấm đẫm chữ tình cùng sự hoài niệm, da diết.

 

Ca sĩ Teresa Mai và nhạc sĩ Hoài Phương thể hiện ca khúc “Đêm màu hồng”



Khi nghe nhạc Phạm Đình Chương, trong từng giai điệu, trong từng ca khúc, mỗi người đều có thể tìm thấy một góc của riêng mình, mỗi bài hát, mỗi câu từ đều sâu lắng, thấm thía, lay động với những nốt trầm bổng da diết vô cùng. Khán giả yêu nhạc Phạm Đình Chương thưởng thức âm nhạc của ông như thưởng thức những câu chuyện đã cũ nhưng chưa bao giờ thôi hấp dẫn, trong từng ca khúc ấy, dù là do ông viết nhạc và lời, hay ông phổ thơ ghép nốt nhạc vào, cho từng lời từng câu ngân lên cũng đều là những tuyệt phẩm đối với những tâm hồn đồng điệu, những tâm hồn lúc nào cũng chất chứa thương yêu. Những tiếng hát của các ca sĩ tham gia trong đêm nhạc “Hội Trùng Dương 2015 - Phạm Đình Chương“lần này mỗi người một vẻ, đã truyền cảm xúc của người hát, của bài hát đến với người nghe thật đầy đặn.

Ca sĩ Bích Vân trình bày “Nửa hồn thương đau”

Vẻ đẹp trong từng giọng hát
Giọng nam trầm ấm, ru êm như cỏ mềm của Trần Thái Hòa đã thật sự làm lay động cả khán phòng với những nốt trầm bổng da diết, nét buồn bâng khuâng luyến nhớ, đã lan tỏa sự ấm áp, yếu mềm trong từng giai điệu, lời ca của các ca khúc “Đêm cuối cùng” (Nhạc và lời Phạm Đình Chương), “Xuân tha hương” (Nhạc và lời Phạm Đình Chương), “Mắt buồn” (Nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ theo ý thơ của thi sĩ Lưu Trọng Lư); “Đêm nhớ trăng Sài Gòn” (phổ thơ Du Tử Lê).
Vẫn giọng hát mượt như nhung, kỹ thuật điêu luyện, ca sĩ Bích Vân khiến khán giả cảm thấy “đã” vô cùng khi nghe cô ngân những quãngdài, khi thánh thót lên cao haynhững lờithì thầm, nỉ non. Ở Bích Vân, người nghe luôn thấy được sự đa dạng của cô với giọng hát luôn biến hóa giàu cảm xúc, lúc nồng nàn, say đắm, lúc cháy bỏng, khát khao. Từng tràng pháo tay không ngừng vang lên mỗi khi Bích Vân cất giọng từng câu hát, giai điệu quen thuộc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Với các ca khúc: “Xóm đêm” (Nhạc và lời Phạm Đình Chương), “Định mệnh buồn” (Là ca khúc mà khán giả ít được nghe, vì theo ca sĩ Phạm Thành giới thiệu, sau khi nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác thì ca khúc này không thu băng và cũng ít được ca sĩ hát. Ngày xưa thì chỉ có ca sĩ Thái Thanh hát), “Ta ở trời Tây” (phổ thơ Kim Tuấn) Bích Vân hát như để giải tỏa chính những tâm trạng của mình, diễn đạt tâm hồn mình, kể câu chuyện của mình. Đặc biệt ca khúc “Nửa hồn thương đau” (Ý thơ Thâm Tâm Tuyền) Bích Vân đã để lại những ấn tượng đặc biệt cho người nghe, tiếng hát ấy đã tỏa sáng trong sự thán phục của nhiều khán giả khi cô xuất sắc chuyển tãi nỗi lòng của tác giả, những day dứt, u uẩn, cái bi ai, đau thương của cuộc tình chia xa không chỉ bằng giọng hát hực lửa bên ngoài mà còn chinh phục người nghe bằng sức nặng nội tâm rất sâu bên trong.
Tiếng hát đầy đặn, uyển chuyển, sâu lắng gợi mở cho người nghe cảm xúc thênh thang, cháy bỏng của Vương Dzung đã thành công khi gửi đến người nghe ca khúc “Lá thư mùa xuân” (Nhạc và lời Phạm Đình Chương) và “Người đi qua đời tôi” (phổ thơ Trần Dạ Từ)
Chất giọng nhẹ và bay của Teresa Mai dịu êm, tươi mát nhưng cũng đầy sức mạnh, đem lại cho người nghe sự dễ chịu, thích thú khi nghe cô trình bày “Thuở ban đầu” (Nhạc và lời Phạm Đình Chương), “Mỗi độ xuân về” (Nhạc và lời Phạm Đình Chương), “Đêm màu hồng” (Phổ thơ hâm Tâm Tuyền).
Ca nhạc sĩ Hoài Phương tham gia đêm nhạc với nhạc phẩm “Đón xuân”, là ca khúc được nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác theo nhịp Swing vui tươi, lời ca là những ước vọng một mùa Xuân thái hòa, tái dựng lại một cuộc sống vui tươi, xóa đi những đau thương buồn khổ. Ca khúc này trong đêm nhạc do chính Hoài Phương soạn hòa âm vừa hát, vừa trình tấu solo tiếng kèn phiêu lãng của mình, lúc lại hòa tấu cùng tiếng đàn dương cầm của Uyên Phương theo thể điệu nhạc jazz, đem lại sức sống mới cho nhạc phẩm “Đón Xuân”. Tiếng kèn của Hoài Phương còn dìu nâng tiếng hát của Teresa Mai trong ca khúc “Đêm màu hồng” cũng do chính Hoài Phương soạn hòa âm cho phần trình diễn trong đêm nhạc.
Ca sĩ Nam Khánh (từng là huấn luyện của cuộc thi Việt Nam Idol, là cựu thành viên của nhóm ca Acappella AC&M tại Sài Gòn) dù tham dự trong chương trình chỉ hát 1 bài nhưng đã để lại cảm xúc sâu lắng nơi người nghe bằng chất giọng tenor mạnh mẽ, chất chứa cảm xúc, thật truyền cảm của mình. Anh vừa tự đệm dương cầm vừa hát, từng lời bài hát “Đợi chờ” (Nhạc và lời Phạm Đình Chương) qua phần trình diễn của Nam Khánh toát lên một tình cảm sâu sắc, đậm đà và thiết tha, đã lay động mọi người bên dưới khán đài.

Các ca sĩ và ban nhạc cùng chào khán giả kết thúc đêm nhạc

Và với tiếng hát của Phạm Thành, trưởng nam của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương (anh cũng là người thực hiện đêm nhạc này và làm mc giới thiệu chương trinh) đã nhận được nhiều thiện cảm của người nghe, anh mở đầu đêm nhạc bằng ca khúc “Tiếng Dân Chày” (Nhạc và lời Phạm Đình Chương) cùng với ba giọng hát bè gồm Teresa Mai và 2 giọng ca nam của ban hợp xướng Ngàn Khơi, chỉ tiếc rằng âm thanh của phần hát bè quá nhỏ, đã bị âm thanh của ban nhạc quá to nhấn chìm, nên người nghe không thưởng thức được phần bè minh họa trong ca khúc này. Trong phần 2 Phạm Thành tiếp tục gửi đến khán giả 2 ca khúc “Màu kỷ niệm” (Nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ từ 4 câu thơ trong bài thơ dài của thi sĩ Nguyên Sa) và “Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển” (phổ từ thơ Du Tử Lê), anh đã chinh phục khán giả thật dễ dàng với lối hát phóng khoáng, ấm áp nhưng cũng đầy màu sắc. Nét hay của Phạm Thành chính là lối hát mộc mạc, giản dị đã tạo cho anh một phong cách riêng biệt, người nghe cảm nhận được sự ấm áp trong từng câu chữ qua cách cách ngân nga thật dung dị như kể chuyện, thỏa sức lả lơi, phiêu lãng cùng giai điệu, lời ca mang lại nhiều tình cảm cho người nghe.
Ngoài phần trình diễn đơn ca của các ca sĩ, tiếng đàn dương cầm tuyệt vời của dương cầm thủ Uyên Phương và ban nhạc ban nhạc Berklee Jazz Band do cô làm trưởng nhóm, đã cống hiến cho người nghe vẻ đẹp của giai điệu ca khúc Mộng dưới hoa (Phổ thơ Đinh Hùng, nhạc Phạm Đình Chương) theo thể điệu jazz do Uyên Phương soạn hòa âm, đầy ngẫu hứng, phiêu linh mà người nghệ sĩ đã “tung hứng” giai điệu theo cảm xúc và cảm hứng sáng tạo riêng đầy màu sắc, hòa quyện tinh tế giữa tiếng dương cầm, tiếng cello, tiếng trống, cùng những đoạn solo của các nhạc sĩ qua những nhạc cụ trên thật độc đáo.

Ca sĩ Phạm Thành



Phần hợp xướng Trường ca Hội Trùng Dương
Trong chương trình, ban hợp xướng Ngàn Khơi không chỉ hát trường ca Hội Trùng Dương, mà trong phần đầu, còn thể hiện ca khúc “Bài ca tuổi trẻ”, chỉ tiếc là âm thanh của phần hát lúc này quá nhỏ so với âm thanh của ban nhạc, nên người nghe không thể thưởng thức được trọn vẹn vẻ đẹp của phần hát hợp xướng qua ca khúc này. Nhưng đến phần kết chương trình, âm thanh đã được “cải thiện” tốt hơn, nên phần trình diễn của Ngàn Khơi với trường ca Hội Trùng Dương đã để lại nhiều dư âm tuyệt đẹp cho người nghe. Những tiếng hát của các ca viên Ngàn Khơi dưới sự bắt nhịp của ca trưởng Nguyễn Hoàng Hương và phần trình tấu của ban nhạc qua hòa âm của nhạc sĩ Quang Phúc đã đem lại cho khán giả cảm giác say đắm khi lắng nghe tâm sự của 3 dòng sông lớn tượng trưng cho 3 miền đất Việt: Tiếng Sông Hồng (Bắc), Tiếng Sông Hương (Trung), và Tiếng Cửu Long (Nam), mỗi dòng sông cũng là tâm sự của người dân địa phương về dân sinh, về nỗi khó khăn trong sự khuất phục với thiên nhiên, về sự can trường tranh đấu với nạn ngoại xâm. Ban hợp xướng Ngàn Khơi và ban nhạc đã đem lại cho người nghe cảm xúc “như muốn bay bổng giữa trời, như muốn lướt qua các ngọn sóng trùng dương, khi cuồn cuộn dâng trào, lúc sâu lắng trầm tư, khi tự tình đắm say, lúc mênh mang phiêu bạt.”
Đêm nhạc kết thúc khi tất cả các ca sĩ và ca đoàn Ngàn Khơi cùng hát vang bài “Ly rượu mừng” đem lại niềm hoan ca rộn ràng tiễn người nghe rời rạp hát, ca sĩ Phạm Thành cũng không quên nhắn gửi trong lời chào kết chương trình, mời những khán giả tri âm tiếp tục hạnh ngộ cùng ban tổ chức trong chương trình “Đêm nhớ trăng Sài Gòn” sẽ ra mắt vào tháng 8 năm 2016 nhân dịp giỗ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
(B.H)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT