Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Dư âm từ đêm nhạc Biệt Ly

Friday, 18/09/2015 - 08:49:52

Hàng triệu người con đất Việt đã phải đành đoạn bỏ lại những gì thương yêu nhất của mình nơi mảnh đất quê hương, với những cuộc ra đi âm thầm, trốn chạy không người đưa tiễn cũng không thể tiễn đưa, để vượt biển, vượt biên trong đêm tối kinh hoàng với con đường sống mong manh như sợi chỉ, tìm “sự sống trong cái chết” chỉ để đến được bến bờ tự do.

Bài BĂNG HUYỀN


    Nhạc trưởng Trần Chúc cùng các thành viên ban hợp xướng và ca sĩ tham gia trong chương trình chào tạm                                                 biệt khán giả. (Băng Huyền/ Viễn Đông)
 
 

Âm điệu buồn miên man, lời ca tha thiết như nói thay niềm nhớ nhung của những đôi tình nhân chia xa: “Biệt ly. Nhớ nhung từ đây. Chiếc lá rơi theo heo may. Người về có hay. Biệt ly. Sóng trên dòng sông. Ôi còi tàu như xé đôi lòng. Và mây trôi nước trôi…” (Trích ca khúc Biệt Ly, sáng tác của nhạc sĩ Dzoãn Mẫn) qua tiếng hát của Kim Thoa và Kim Yến đã truyền được cảm xúc nồng nàn tới người nghe. Đây là tiết mục mở màn trong đêm nhạc “Biệt Ly”, là chương trình thơ nhạc do Câu Lạc Bộ Văn Nghệ - Viện Việt Học tổ chức vào tối Thứ Bảy, ngày 12 Tháng 9 tuần qua, tại phòng sinh hoạt của Viện. Với sự góp mặt của ban hợp xướng Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học, các ca sĩ thân hữu Lâm Dung- Xuân Thanh- Hồng Tước, Vương Lan, Như An, Kim Yến, Kim Thoa, Kỳ Hương, Nguyên Phong, Phi Lan, Xuân Mai, Kim Ngân, Phi Loan, Quỳnh Giao, Duy Tân, Hàn Phúc, Quỳnh Như, LiLy Nguyễn…và ban hợp ca câu lạc bộ học sinh-thanh niên-sinh viên Viện Việt Học, đặc biệt là tiếng hát, giọng ngâm thơ của nghệ sĩ Hồng Vân (thành viên của nhóm tam ca Đông Phương) đến từ Việt Nam. Phần giới thiệu chương trình do Quỳnh Như, Lily Nguyễn, Kim Ngân đảm nhận. Nhạc trưởng là nhạc sĩ Trần Chúc, với tiếng đàn dương cầm của Mỹ Lệ, Keyboard: Huy Cường, Guitar: Trần Toản, Ngọc Thạch, Violin: Uy Vũ, Sáo: Ngọc Nôi, đàn tranh: Tường Vi. Âm thanh: Quốc Đông.

Vẻ đẹp trong từng tác phẩm

Người hát và người nghe đều gặp nhau trong tình hoài hương, cảm xúc về những hoài niệm xa xăm, man mác, nhưng cũng thật bi thiết, trầm hùng. Từ ca khúc mở đầu “Biệt Ly” (Dzoãn Mẫn), đến những ca khúc tiếp theo như “Một Mẹ Trăm Con' (Phạm Duy), 'Khối Tình Trương Chi' (Phạm Duy), 'Tình Ca' (Phạm Duy) “Thuyền Viễn Xứ “ (thơ Huyền Chi - nhạc Phạm Duy), 'Những Dòng Sông Chia Rẽ' (Phạm Duy), 'Nỗi Lòng Người Đi' của Anh Bằng; 'Nghìn Trùng Xa Cách' (Phạm Duy); “Nương Chiều” (Phạm Duy), “Nhắn chim trời” (Lê Văn Khoa), “Trách thân” (Phan Bá Chức- Nguyễn Hữu Ninh); Ngâm thơ “Hận sông Gianh” (Đằng Phương, tức cố giáo sư Nguyễn Ngọc Huy), “Tiễn chân anh Khóa xuống tàu” (Á Nam Trần Tuấn Khải), “Tống Biệt hành” (Thâm Tâm), “Đêm buồn” (Văn Phụng), “Tiễn anh rời K 18” (Phan Văn Hưng), “Người tình không chân dung” (Hoàng Trọng/ Dạ Chung)à Chỉ cần nghe danh sách tên các ca khúc, bài thơ, khán giả cũng dễ dàng mường tượng bức tranh âm nhạc về chủ đề “Biệt Ly” của đêm nhạc. Sự ly biệt không chỉ mô tả về thân phận tình yêu, mà còn có thân phận của quê hương cùng những thăng trầm của đất nước.

Một trong tám loại khổ não mà “chúng sanh luân hồi sanh tử trong Lục đạo luôn gánh chịu” theo thuyết của nhà Phật, đó là “ái biệt ly khổ” ( khổ vì phải biệt ly với những người và những gì mình thương quý nhất ). Có sự chia ly nào mà không mang những nỗi đau, tiếc nuối. Từ những cuộc tình tan vỡ, đôi lứa chia ly, và những kiếp người, những thân phận điêu linh vô tội, chìm lấp trong khói lửa chiến tranh. Nỗi khổ đau của người mẹ mất con, đứa trẻ bơ vơ mất cha, vợ mất chồng, lứa đôi ly tán, mảnh đất Việt Nam ngập chìm trong bom đạn chiến tranh. Để rồi ngày hòa bình lập lại, hai miền Bắc Nam nối lại bờ cõi, chiến tranh không còn nữa, nhưng một quê hương Việt Nam vẫn còn trầm luân, dân tiếp tục sống trong đau khổ cùng những thảm trạng bi thương của những cựu quân nhân VNCH trong tù “cải tạo” dưới chế độ Cộng Sản sau năm 1975.

Hàng triệu người con đất Việt đã phải đành đoạn bỏ lại những gì thương yêu nhất của mình nơi mảnh đất quê hương, với những cuộc ra đi âm thầm, trốn chạy không người đưa tiễn cũng không thể tiễn đưa, để vượt biển, vượt biên trong đêm tối kinh hoàng với con đường sống mong manh như sợi chỉ, tìm “sự sống trong cái chết” chỉ để đến được bến bờ tự do.

 Từ Biệt Ly và ước vọng trùng phùng
Một quê hương có tự do và có tình thương là ước vọng của những người Việt vì hai chữ tự do mà đành đoạn phải ly hương. Ước mong một quê hương tự do, tươi đẹp, không còn những tao loạn của thời cuộc. Biệt ly để rồi được trùng phùng trong tự do. Chính là thông điệp mà ban tổ chức đêm nhạc “Biệt Ly” muốn gửi đến khán giả khi chọn bài trường ca “Hội trùng dương” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương kết thúc đêm nhạc qua phần trình diễn của ban hợp xướng Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học, do nhạc trưởng Trần Chúc chỉ huy. Tác phẩm đã nói lên đủ ý nghĩa về sự trùng phùng của những người Việt từ khắp nơi, như từ hình ảnh 3 dòng sông: sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long trong bài trường ca “Hội trùng dương”.

“. . . Ba chị em là ba miền nhưng tình thương đã nối liền
Gặp nhau bên trời biển Đông thắm duyên
Hẹn nhau, pha hòa sóng lan bốn phương trời, đem tự do tranh đấu bao người, cho quê hương ấm no muôn đời.Giờ đây bao tâm tư, rộn ràng như câu thơ
Hội trùng dương tay tay siết chặt cùng hô
Dựng mùa vinh quang hoa đời tự do.”
(Trích trường ca “Hội Trùng Dương”).

  Em Lily Nguyễn hát “Tình ca” Phạm Duy với phần đệm đàn tranh của Tương Vi và dương cầm của nghệ sĩ Mỹ                                                   Lệ. (Băng Huyền/ Viễn Đông)
 

 Vẻ đẹp của những tiếng hát, giọng ngâm thơ

Kết cấu của chương trình “Biệt ly” và việc tạo nên điểm nhấn cho mỗi giọng ca, giọng ngâm thơ hay màn song ca, tam ca, hợp ca, hợp xướng đều rất hợp lý khiến khán giả được đắm chìm vào nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau trong không gian tự sự - tự tình qua 22 tác phẩm được chọn lọc đã được những tiếng hát của các ca sĩ thân hữu câu lạc bộ văn nghệ Viện Việt Học thể hiện giàu cảm xúc. Mỗi tiếng hát, mỗi người một vẻ, đều mang đến cho khán giả những dư vị tuyệt vời, đưa người nghe vào những giây phút lắng đọng cùng những cung thanh, cung trầm hòa theo giọng hát, giọng ngâm thơ.

Anh Quỳnh Giao, một thành viên của ban hợp xướng Ngàn Khơi giúp người nghe lần giở những hồi ức của một cuộc tình xưa, đủ để đánh thức trong tâm hồn người nghe những day dứt của một cuộc tình lỡ, qua ca khúc “Tiễn em” (Nhạc Phạm Duy, thơ Cung Trầm Tưởng). Giọng hát đằm thắm, đượm nồng của Ngọc Diệp với “Đêm buồn” (Văn Phụng). Khắc khoải, phiêu linh là cảm giác của khán giả khi nghe Kim Thoa hát “Nghìn trùng xa cách” (Phạm Duy). Giọng hát Nguyên Phong ấm nồng, tình cảm với “Nỗi lòng người đi” (Anh Bằng). Hàn Phúc đã thể hiện rất sâu lắng nỗi niềm của tác giả Phan Văn Hưng qua ca khúc “Tiễn em rời K 18”, về thảm trạng bi thương của những cựu quân nhân VNCH trong tù “cải tạo” dưới chế độ Cộng Sản sau năm 1975. Giọng hát da diết, khắc khoải và nồng nàn của Kim Yến đã thể hiện thành công ca khúc đầy tâm trạng hoài hương, mang nỗi buồn man mác của “Thuyền viễn xứ” (Nhạc Phạm Duy, thơ Huyền Chi). Còn khi chị và Kim Ngân cùng song ca “Người tình không chân dung” những âm thanh được tiếng hát của cả hai ngân dài càng làm cho câu hát thêm day dứt, quẩn quanh khiến người nghe ám ảnh khôn cùng.

Giọng hát của em Quỳnh Như trong vắt như sương ban mai, nhẹ nhàng như làn gió, cuốn người nghe vào vẻ đẹp của giai điệu, ca từ và không khí lãng mạn, trong sáng dịu dàng của nhạc phẩm “Nương chiều” (Phạm Duy). Ngoài ra, em còn thể hiện thành công ca khúc “Hello Việt Nam” (Marc Lavoine).

Với giọng hát lảnh lót, ngọt ngào và đáng yêu, giọng hát trẻ Lily Nguyễn đã nhận được rất nhiều tình cảm của khán giả, mọi người không ngừng cổ vũ, vỗ tay nhiệt tình khi nghe em hát “Tình ca” của Phạm Duy, trên nền nhạc dương cầm của nghệ sĩ Mỹ Lệ và tiếng đàn tranh của em Tường Vi. Dù ca khúc khó cả về nội dung lẫn lời nhạc, với rất nhiều các trường đoạn khác nhau, khi mạnh mẽ, khi lại hiền hòa, sâu lắng, nhưng em đã hát khá tốt. Cả khán phòng đã vang rền tiếng vỗ tay khích lệ của khán giả khi nghe Quỳnh Như và Lily Nguyễn hát, vì các em đều sanh ra và trưởng thành tại Hoa Kỳ, các em không chỉ nói tiếng Việt rõ ràng, rành mạch, mà còn có thể hát nhạc Việt thật nhiều rung động.

Vẻ đẹp của vùng đất Duy Xuyên (Tỉnh Quảng Nam) với con sông Thu Bồn khiến ai cũng ngất ngây: “Con sông quê mềm như lụa, anh mãi gọi, mãi gọi ơi Thu Bồn, mãi gọi ơi Thu Bồn. Dòng sông xanh bên bờ dâu xanh, tay em hái lá dâu ngon, tay em chăm nong tằm nhỏ, tay đưa thoi dệt lụa, dệt tình quê hương...” (Trích ca khúc “Thu Bồn ơi” của Lê Anh) được giọng ca của Duy Tân thể hiện thật ngọt ngào, ca khúc càng độc đáo hơn khi anh hát đặc sệt giọng “Quảng”, với những nét riêng đã tạo nên một bản sắc độc đáo nhưng lại không hề dễ nghe của vùng đất “à chưa mưa đõa thám” (chưa mưa đã thấm). Rượu Hồng đồ chưa nhám đõa sa” (rượu Hồng đào chưa nhắm đã say), đã mang đến cho khán giả một trải nghiệm hoàn toàn mới, một cảm xúc lạ lẫm trong từng câu hát. Tiếng hát Kỳ Hương tiếp tục tô đậm thêm giọng hát đặc trưng mộc mạc, thân thương, lối phát âm “đặc sệt” Phú Yên, khi hát ca khúc “Than thân” (Phan Bá Chức) với lời lẽ chơn chất quê mùa, cảm động: “Thân trách thân, thân sao lận đận, mình trách mình số phận sao quá hẩm hiu, bởi thân tui, tui cực khổ, tui eo nghèo nên vợ tui nó không ở nữa mà nó theo nẫu rầu!” khiến người nghe không khỏi thương cảm người chồng nghèo bị vợ phụ bạc.

Nét độc đáo của chương trình còn được thể hiện qua phần hát song ca của Vương Lan- Như An thể hiện ca khúc “Nhắn chim trời” (Lê Văn Khoa), sự hòa quyện trong giọng hát và bè phối của Vương Lan- Như An đã chuyển tải trọn vẹn vẻ đẹp cho ca khúc này, đem lại thích thú cho người nghe.

Bằng cách phối bè đặc biệt vừa thể hiện được sự đồng điệu của các giọng ca, lại vừa khoe được chất giọng riêng của từng người, phần tam ca với tiếng hát Lâm Dung- Xuân Thanh- Hồng Tước thể hiện thật “đắt” khi cùng kể lại một tình yêu sâu nặng của những con người vì những trở ngại mà chẳng đến được với nhau qua ca khúc “Khối tình Trương Chi” (Phạm Duy). Những lời than thở của nàng Mỵ Nương đã làm cho “Khối tình Trương Chi” cũng bớt đi những hờn tủi.

Vẻ đẹp của nghệ thuật ngâm thơ truyền thống miền Bắc kiểu sa mạc theo thang âm xừ - xang - xê - cống - liu - ú, ngâm thơ theo hát nói (theo điệu hát xẩm và chầu văn) lần lượt đã được gửi đến người nghe qua giọng ngâm của Phi Loan ngâm bài “Hận sông Gianh” (Đằng Phương, tức cố giáo sư Nguyễn Ngọc Huy), Xuân Mai diễn ngâm “Tiễn chân anh Khóa xuống tàu” (Á Nam Trần Tuấn Khải), và nghệ sĩ Hồng Vân diễn ngâm “Tống Biệt Hành” (Thâm Tâm), giọng ngâm như bay bổng hơn với phần hòa điệu của tiếng sáo Ngọc Nuôi. Khán giả đã dành những tràng pháo tay tặng cho những giọng ngâm thơ tuyệt đẹp này, đặc biệt là tình thương mến dành tặng cho nghệ sĩ Hồng Vân, một giọng ngâm truyền thần đầy xúc cảm, dường như thời gian càng làm cho chất giọng của nghệ sĩ Hồng Vân càng thêm chín muồi. Trước tình cảm của khán giả, nghệ sĩ Hồng Vân đã tặng thêm ca khúc mượt mà, day dứt “Đêm giã từ” của Y Vân, bằng giọng hát tự sự đầy biểu cảm thật cuốn hút đã làm dâng trào cảm xúc của người nghe.

Phần trình diễn của ban hợp xướng Viện Việt Học có gần 40 ca viên dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Chúc là tiết mục được khán giả chờ đợi nhất vì phần trình diễn này rất công phu, đòi hỏi sự tập luyện của mỗi thành viên ban hợp xướng với nhạc trưởng Trần Chúc mỗi tuần một lần suốt hơn 3 tháng trời, chỉ để hát 2 tiết mục “Những dòng sông chia rẽ” (Trích trường ca Mẹ Việt Nam của Phạm Duy) và trường ca “Hội Trùng Dương” của Phạm Đình Chương. Cả hai tiết mục này ít nhiều đã đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả, giúp khán giả hiểu hơn nét đẹp của tác phẩm qua phần trình diễn hợp xướng đủ 4 bè giọng. Vì với 2 tác phẩm trên, chỉ có thể hát hợp xướng thì mới phô diễn được hết giá trị và vẻ đẹp của tác phẩm. Chỉ khi hát hợp xướng, các bè hòa lại thành một tổng thể nhiều tầng, nhiều lớp giọng, khi kết hợp 4 bè thì âm vực của hợp xướng được mở rộng, mỗi bè đều phát huy được đặc điểm của giọng hát trong âm vực của mình, khi đó hiệu quả của hòa thanh cũng được tăng lên rõ rệt.

Chỉ tiếc là với màn trình diễn trường ca “Hội trùng dương”, với phần lĩnh xướng của một nữ ca viên khi hát sông Hương và sông Cửu Long, do giọng hát quá mỏng, không vang, lại không sử dụng micro để tăng âm thanh, nên những khán giả ngồi ở cuối phòng hầu như chẳng nghe được phần lĩnh xướng này, khiến tiết mục không được hoàn hảo lắm. Ngoài khiếm khuyết này, phần hát hợp xướng dưới tài chỉ huy của nhạc trưởng Trần Chúc và tiếng đàn dương cầm của nghệ sĩ Mỹ Lệ đã đem lại nhiều cảm xúc cho người nghe.
Đêm nhạc “Biệt ly” đã kết thúc, nhưng nhưng dư âm của vẻ đẹp trong từng câu ca, bài thơ, điệu đàn, tiếng sáo của người nghệ sĩ sẽ vẫn lưu lại với các khán giả sau chương trình. Người hát và người nghe sẽ cùng giữ cảm xúc đó thật lâu và nhẹ nhàng tận hưởng chúng mỗi khi hoài vọng về quê hương bên kia bờ đại dương, với ước mong sau “biệt ly” rồi sẽ có ngày hội ngộ trùng phùng.
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT