Mẹo Vặt

Dùng máy báo khói và dò độc khí trong nhà thế nào?

Tuesday, 17/03/2015 - 11:47:00

Đừng đặt máy gần cửa sổ, cửa ra vào, và những nơi có hơi nước bốc lên như phòng tắm, phòng giặt, phòng xông hơi (sauna) vì đây là những chỗ có luồng hơi thổi mạnh làm nhiễu loạn hoạt động của máy. Cũng đừng sơn, đừng dán sticker hoặc bất cứ một hình trang điểm gì lên máy.

Bài VŨ HẰNG

Chúng ta đang nói về hai dụng cụ cần có trong mọi nhà, những dụng cụ bảo vệ mà Hằng thường gọi là “vệ sĩ”. Đó là cái máy báo khói và máy dò độc khí carbon monoxide, đặc biệt cần thiết để báo động nguy cơ hỏa hoạn. Những cái máy gắn đâu đó trên trần hoặc trên tường, thường rất ít khi được lưu ý cho đến khi trong nhà có chỗ bốc cháy. Nhưng xin đừng nghĩ lầm rằng, đó là lúc duy nhất chúng làm việc, mà thực ra chúng luôn “căng tai, căng mắt” cảnh giác không ngừng suốt 24 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần, để đánh hơi về tình trạng không khí trong nhà và báo động khi cần thiết. Thật là bất công khi những “vệ sĩ” phải làm việc căng thẳng như vậy mà chẳng ai hay biết, rồi “họ” gục ngã lúc nào cũng chẳng ai hay, và khi có biến thì lại không còn sức để bảo vệ chủ nhân được nữa. Vì thế, chúng ta cần lưu ý một chút, chỉ một chút thôi cũng đã đủ để bảo đảm sự hữu hiệu của những cái máy này.

Không muốn điều xui xẻo, nhưng phải chuẩn bị để đối phó khi nó xảy ra



Vị trí đặt máy

Máy báo khói (smoke alarm): Khói bay lên cao, nên máy báo khói cần gắn trên trần hoặc tường cao (không cách trần hơn 1 foot). Nên có máy báo khói trong mỗi phòng ngủ và ở mỗi tầng nhà, kể cả tầng hầm (basement). Để tránh trường hợp máy báo động “sảng”, tức là có khói có lửa nhưng không có hỏa hoạn, chúng ta nên gắn máy cách xa bếp lò ít nhất 10 feet (3 mét) vì nếu gần quá, khói bếp hoặc bánh mì cháy khét có thể làm cho máy … giật mình không cần thiết.
Đừng đặt máy gần cửa sổ, cửa ra vào, và những nơi có hơi nước bốc lên như phòng tắm, phòng giặt, phòng xông hơi (sauna) vì đây là những chỗ có luồng hơi thổi mạnh làm nhiễu loạn hoạt động của máy. Cũng đừng sơn, đừng dán sticker hoặc bất cứ một hình trang điểm gì lên máy.
Máy dò độc khí (carbon monoxide detector): Cần được đặt ở mỗi phòng ngủ. Nhưng khác với máy báo khói phải đặt trên cao do khói và hơi nóng bay lên, máy dò độc khí lại phải đặt ở dưới thấp vì carbon monoxide hòa lẫn với không khí có khuynh hướng chìm xuống. Vị trí thích hợp là ở gần nền nhà, tốt nhất là ở khoảng đầu gối một người đứng, tức là ngang tầm mũi và miệng một người đang nằm ngủ.
Nếu sợ trẻ con hoặc chó mèo nghịch máy, chúng ta có thể đưa lên cao hơn, ngang tầm ngực, hoặc đặt ở một chỗ kín đáo. Nhưng kín đáo không có nghĩa là giấu nó dưới gầm giường, gầm tủ, gầm ghế hoặc phủ lấp bằng màn cửa… Làm như vậy là cản luồng không khí, và cái mũi của máy không còn đánh hơi được nữa.
Đừng đặt nơi có ánh nắng chiếu vào. Đừng đặt gần các dụng cụ nấu nướng, gần lò sưởi hoặc bình nấu nước nóng. Và đặc biệt tránh những nơi có nhiều gió, chẳng hạn: Gần quạt, lưới thoát hơi của máy lạnh (vent), cửa mở…. Là vì, khí mát có thể làm loãng nồng độ carbon monoxide ở những nơi này, khiến máy cứ tưởng “everything is OK” trong lúc độc khí ở những vùng khác trong nhà đã tích lũy tới mức báo động.

Hết pin hay hết xíu quách?

Tuy ít khi lên tiếng nhưng “vệ sĩ” vẫn dõi mắt canh chừng ngày đêm cho sự an nguy của chúng ta, vì thế mà “chàng” bị … hao pin. Nên sau một thời gian, chúng ta cần phải tiếp pin mới. Rất may, trong bụng máy có sẵn một cơ chế làm bật ra những tiếng “chíp, chip” báo hiệu hết pin. Chúng ta chỉ việc thay pin mới là “chàng” không còn kì kèo gì nữa.
Nhưng sẽ có lúc khói bay mù trời và độc khí đậm đặc làm chúng ta ngạt thở, mà máy thì vẫn trơ trơ chẳng khọt khẹt lấy một tiếng, ngay cả khi vừa mới thay pin. Đó là lúc bộ phận cảm ứng của máy không còn nhạy bén: Máy đã bị liệt và “chàng” đã hết xíu quách! Vì các nhà bác học không chịu bỏ công để tìm ra một loại Viagra đặc trị để chữa, nên chúng ta phải cho “chàng” về hưu.
Tuy nhiên, không giống như khi hết pin thì kêu chip chip để báo hiệu, “chàng” chẳng hề lên tiếng đòi về hưu (vì đã bị liệt rồi còn đâu). Sự im lặng ấy sẽ đẩy chúng ta vào một tình trạng rất nguy hiểm nếu trong nhà có biến mà đội vệ sĩ lại không thể lên tiếng báo động. Bình thường, một cái máy báo khói có thể phục vụ được 10 năm, máy dò độc khí được 5 năm. Nhưng không cần phải chờ đến lúc đó, lâu lâu chúng ta phải thử bằng cách bấm nút “test” để thử nghiệm xem máy có báo động không. Nếu không là máy đã đến ngày về cõi!

Cần thiết thao dượt

Nhưng thử nghiệm gì chăng nữa cũng không bằng thử nghiệm với chính bản thân mình. Không muốn chuyện xui xẻo, nhưng phải chuẩn bị để đối phó một khi nó xảy đến. Ngoài “đội vệ sĩ” trải quanh nhà, ngoài việc mua bảo hiểm cháy nhà, chúng ta cũng cần phải thao dượt để đối phó khi tai họa xảy ra. Đó là điều rất cần thiết mà rất tiếc đa số chúng ta bỏ qua: Nếu không thao dượt cho quen thì khi ngọn lửa bốc lên, có lẽ chúng ta sẽ cuống cuồng, không biết chạy thứ gì trước, thứ gì sau. Có khi chỉ ôm theo được đám quần áo cũ, mà những gì quí giá nhất, cần thiết nhất thì để lại, làm mồi cho thần lửa.
Các vị sư phụ của em bảo rằng, việc tổ chức cho gia đình thao dượt để thoát hiểm khi cháy nhà cần phải được thực tập ít là mỗi năm một lần, hoặc tốt hơn, 6 tháng một lần. Dàn vệ sĩ chỉ báo động để chúng ta thoát thân và bảo hiểm chỉ giúp ích khi chúng ta còn tồn tại. Điều quan trọng là làm sao để tồn tại, đó là mục tiêu của thao dượt.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT