Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Giáo sư Nguyễn Châu, người nặng lòng với âm nhạc dân tộc

Saturday, 21/02/2015 - 08:17:03

Trong những sáng tác của ông, người nghe có thể cảm nhận được những nét nhạc giàu tính đồng quê, đượm hồn dân tộc, nhưng cũng rất hòa hợp với âm hưởng thời đại, là sự kết hợp khá hài hòa tinh hoa vốn liếng âm nhạc cổ truyền của các dân tộc Việt Nam với phương pháp sáng tạo âm nhạc đương đại.

Bài BĂNG HUYỀN


Những khán giả yêu nhạc dân tộc tại Mỹ nói chung và tại quận Cam nói riêng, có dịp thưởng thức những chương trình ca vũ nhạc dân tộc của đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng, đều mang trong tâm trí nhiều cảm xúc đặc biệt qua những bài dân ca ba miền, Chèo, Ca Trù, Huế Cải lương..., những điệu vũ dân tộc, những bài hòa tấu, tam tấu, song tấu, độc tấu với những nhạc khí cổ truyền. Có nhìn thấy những bạn trẻ gốc Việt sinh tại Mỹ miệt mài kéo từng tiếng đàn nhị, gãy từng tiếng đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt... mới hiểu được phần nào tấm lòng của những người thầy đã dìu dắt các em. Bởi không như bộ môn hát hay múa, để có được một ban khí nhạc với đầy đủ nhạc khí dân tộc như: tranh, sáo, bầu, tì bà, nguyệt, nhị, trống, phách... cần cả một quá trình đào tạo và tập luyện miệt mài. Có cảm thấy sự háo hức của rất nhiều em từng học các nhạc khí phương Tây giờ lại hãnh diện khi cầm các nhạc khí Việt Nam tấu lên những khúc nhạc dân tộc, mới thấy yêu biết bao sức sống mãnh liệt của âm nhạc dân tộc đã được những thầy, cô của đoàn Lạc Hồng truyền sang cho các em, giúp những người trẻ ấy hiểu rằng bản sắc văn hóa chính là điều làm mình tự tin và tự hào khi bước ra thế giới rộng lớn. Và một trong những vị thầy đáng kính đã góp phần gieo những hạt giống văn hóa dân tộc thông qua âm nhạc, để dưỡng nuôi tâm hồn và tình cảm của những bạn trẻ gốc Việt nơi xứ người mà bài viết này gửi đến độc giả, chính là giáo sư Nguyễn Châu (Nguyễn Văn Châu). Ông là một trong những người sáng lập và là giám đốc nghệ thuật đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng từ năm 1989 đến nay.

Giáo sư Nguyễn Châu với nhạc cụ đàn cò. (Băng Huyền/Viễn Đông)



Người nghệ sĩ đa tài, người thầy tận tâm
Giáo sư Nguyễn Châu là một nghệ sĩ rất đa tài. Hầu hết những tác phẩm do các em của đoàn Lạc Hồng biểu diễn đều do ông biên soạn, hòa âm. Ông còn sáng tác nhiều tác phẩm âm nhạc cho các nhạc cụ dân tộc độc tấu và hòa tấu cùng dàn nhạc. Trong đó mỗi bản nhạc là một bức tranh sinh động, ghi lại những cảm xúc về cảnh sắc, con người hồn hậu, thật mộc mạc, duyên dáng, thấm đẫm phong vị của từng vùng miền thuộc dải đất hình cong chữ S, nhưng nó cũng rất sống động trong những mạch đập, hơi thở của cuộc sống hiện đại. Trong những sáng tác của ông, người nghe có thể cảm nhận được những nét nhạc giàu tính đồng quê, đượm hồn dân tộc, nhưng cũng rất hòa hợp với âm hưởng thời đại, là sự kết hợp khá hài hòa tinh hoa vốn liếng âm nhạc cổ truyền của các dân tộc Việt Nam với phương pháp sáng tạo âm nhạc đương đại.


Giáo sư Nguyễn Châu hướng dẫn đàn bầu cho học viên lớn tuổi của đoàn. (Băng Huyền/Viễn Đông)



Không chỉ sáng tác, ông còn tâm huyết, tận tâm với công việc giảng dạy cho các học viên trên những nhạc cụ cổ truyền như đàn nhị, đàn nguyệt (đàn kìm), đàn bầu, đàn tỳ bà, đàn tranh, sáo, trống... Ông còn là một nghệ sỹ biểu diễn thành thạo với một khả năng biểu cảm tinh tế đầy sức thuyết phục trên nhiều cây đàn dân tộc như đàn nhị, đàn kìm, đàn bầu, đàn tranh... và nhạc cụ Tây Phương như guitare, keyboard. Bên cạnh những chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc của đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng, ông còn cộng tác với nhiều trung tâm nhạc tại miền Nam California, chuyên về phối âm cho các nhạc cụ dân tộc và trực tiếp biểu diễn để thu âm những nhạc cụ dân tộc như đàn nhị, đàn bầu, đàn kìm cho một số trung tâm nhạc tại quận Cam.

 

Giáo sư Nguyễn Châu đang hướng dẫn đàn bầu cho em David. (Băng Huyền/Viễn Đông)


Cơ duyên với nhạc dân tộc

Qua buổi trò chuyện thân tình với ông, được nghe ông tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề, người viết cảm nhận được tình yêu dành cho âm nhạc dân tộc trong ông thật sâu nặng. Tình yêu ấy không chỉ đơn thuần là một nghề tay trái (vì để mưu sinh nơi xứ người, ông có một công việc khác) mà hơn hết nó còn là cái “nghiệp”. Ông đem theo mình một sứ mệnh vô cùng lớn lao, sứ mệnh ngàn đời mà cha ông tổ tiên đã gìn giữ và nay ông tiếp nối để truyền lại cho thế hệ sau.
Tâm sự về duyên cớ đã đưa ông đến với âm nhạc dân tộc, giáo sư Nguyễn Châu kể: “Hồi nhỏ, ở trong nhà có một ông bác rất thích đàn, chơi đàn cò kiểu tài tử trong ban nhạc tài tử ở đình ở trong xóm chợ 20 (quận 3) tại Sài Gòn. Thỉnh thoảng đình tổ chức cúng tổ, những bậc trưởng thượng có mời nghệ sĩ hát bội về đình hát, lúc đó tôi chỉ mới 5- 6 tuổi, nhưng cứ nghe trống chiêng hát bội là háo hức lắm, vì còn nhỏ, nên hay leo lên mái nhà, chui vào đình để “coi cọp”, thích lắm.
Ông bác tôi có 2 người con học trường Quốc Gia Âm Nhạc&Kịch Nghệ tại Sài Gòn, cả hai anh đều học đàn tranh. Ông anh họ về kêu tôi đi học đàn cò, đàn kìm tại trường, vì bộ môn này đang thiếu học viên, khi đó tôi chỉ mới 7, 8 tuổi, lúc đó tôi nghe theo, vì ông anh này rất có uy với tôi, do anh học trường Tây, thường dạy kèm tôi học tiếng Pháp. Nhưng muốn vào học thì phải thi, khi đó ông anh bắt tôi đi luyện thi tại trường, khi ghi danh vào luyện thi, lúc đó mấy ông thầy ngó bàn tay tôi, thì chê, vì bàn tay tôi ngắn, mà muốn học đàn cò thì ngón tay phải dài. Thấy vậy tôi nản quá, muốn nghỉ, nhưng ông anh cứ nhất quyết ép tôi học.”

Thầy trò đang hòa đàn với nhau. (Băng Huyền/Viễn Đông)



Giáo sư Nguyễn Châu kể tiếp: “Khi học nhạc, quan trọng nhất là năng khiếu và thẩm âm, vì nếu học nhạc dù có nhìn nốt nhạc giỏi, nhưng không có khả năng thẩm âm thì cũng rất khó học. Dù khi đó tôi chưa biết đàn nhạc cụ nào, chỉ mê nhạc thôi, nhưng nhờ thẩm âm giỏi nên đã thi đậu vào trường Quốc Gia Âm Nhạc và học cho đến khi tốt nghiệp ra trường lúc 16 tuổi. Ông anh họ kêu tôi ghi danh học đàn cò, đàn kìm và đàn bầu. Tôi phải nghe theo, dù thật bụng thì lúc nhỏ rất mắc cỡ khi bị bắt học mấy nhạc cụ này. Thời tôi vào học, thường người miền Nam sẽ chọn học tài tử cải lương, người gốc miền Trung thì học ca Huế, còn gốc Bắc thì học hát chèo. Nhưng anh họ tôi khuyên tôi học hết cả ba, thành ra tôi học cực lắm. Khi đó tôi học văn hóa vào buổi chiều, còn buổi sáng thì tôi học nhạc ở trường Quốc gia Âm Nhạc. Sau khi tôi học được 1 năm, thì nhà trường cũng ra quyết định các học sinh vào học cổ nhạc đều phải học hết nhạc Nam Trung Bắc, không chỉ thế, chúng tôi còn phải học chính tả piano theo nhạc lý Tây Phương.”
Nói về kinh nghiệm nhờ được dạy rất bài bản nên ông có đủ kiến thức để dạy lại các học trò của mình tại đây, giáo sư Nguyễn Châu cho biết: “Thời tôi học, trường ra quy định thế này, dù học viên đàn có giỏi mấy, nhưng thi lý thuyết không đậu, thì cũng không được thi đàn. Về lý thuyết, đòi hỏi học viên phải biết về hòa âm, về nhạc Tây Phương, cổ nhạc, lịch sử âm nhạc, phải nghe đánh piano, viết hòa âm ra, và phải đọc được hò xự xang xê cống bên cổ nhạc Việt, chứ không phải kiểu học truyền ngón với các nghệ nhân đâu. Sở dĩ họ dạy rất căn bản về mặt lý thuyết như vậy là để đào tạo học viên đó nếu sau khi tốt nghiệp được giữ lại dạy, sẽ biết ghi chép tất cả những bài bản cổ truyền bằng những ký âm Tây Phương.
Nhờ được đào tạo kỹ như vậy, khi sang đây tôi có thể dễ dàng dạy cho các em nhỏ bên này là vì tôi lấy kinh nghiệm mình từng học trước đây, những ghi chú ký âm... để dạy lại cho các em. Hơn nữa cũng nhờ viết theo nốt nhạc Tây phương Do, Ré, Mi, Fa, Sol, La, Si, nên khi viết bài hòa tấu được dễ vì có nhiều bè, viết nó chồng lên giống như một bản tổng phổ bên Tây phương thì tôi mới viết hòa tấu cho các em tập được, chứ nếu viết hò xự xang xê cống thì rất khó. Ngoài ra hồi tôi đi học, thầy dạy tôi rất khó, bắt học trò khi đàn một bài ví dụ như Nam Ai, thì phải thuộc lòng, mà khi đã thuộc rồi, thì đàn qua nhạc cụ khác rất dễ. Nên tôi chuyển sang học các nhạc cụ như đàn tỳ bà, đàn sến, đàn tranh và cả đàn đáy nữa rất dễ dàng.”
Kể về nỗi xấu hổ lúc nhỏ của mình khi học nhạc, ông tâm sự: “Khi đậu vào trường quốc gia âm nhạc, tôi học nhạc cụ chính là đàn cò, đàn kìm và đàn bầu. Lúc đó tuổi nhỏ, tôi rất mặc cảm khi học đàn này, vì sợ bị bạn bè chọc ghẹo là học nhạc đám ma, nên tôi luôn giấu bạn bè trong trường học chữ về việc học nhạc của mình. Có lần đi xe bus, tôi ôm cây đàn cò giấu trong áo gối mẹ may, một ông đi cùng xe phát hiện ra cây đàn cò, khen là tôi còn nhỏ mà đã biết đàn đám ma, lúc đó tôi không hề thấy tự hào mà xấu hổ lắm. 16 tuổi sau khi tốt nghiệp trường nhạc xong, tôi ngưng ngay và không hề có ý định tiếp tục theo đuổi công việc này. Nên tôi tập trung học chữ và sau khi hoàn tất bậc trung học, tôi thi vào ngành luật kinh tế. Khi đó trường nhạc được mời đi diễn ở Pháp, do bộ môn đàn cò, đàn kìm thiếu người, trường có mời tôi vào ban nhạc để đi diễn.


Thầy trò cùng nhau hòa đàn. (Băng Huyền/Viễn Đông)


Ông nói chính thời gian đi diễn ở Pháp, ông mới thấy người ta trân trọng âm nhạc của dân tộc mình như thế nào. Vì âm nhạc dân tộc chính là một yếu tố cấu thành bản sắc. Người ta trọng mình cũng vì lẽ đó. Khi ấy ông cũng đã trưởng thành rồi, ý thức được việc mình đã quá thờ ơ với những giá trị làm nên một nền văn hóa độc đáo của dân tộc mình, đã quá hững hờ trước sự sống còn của những giá trị cổ truyền sắp rơi vào quên lãng và thậm chí, mai một dần. Nên khi về lại Việt Nam, song song với việc học tại trường Quốc Gia Hành Chánh, ông vào làm phụ giảng một thời gian tại trường và sau đó làm giảng viên chính thức dạy ngành quốc nhạc của trường. Đến năm 1975, trường Quốc Gia Âm Nhạc bị tách ra làm hai, những giảng viên của ngành quốc nhạc phải chuyển qua trường Nghệ Thuật Sân Khấu để đào tạo những người nghệ sĩ đàn cho sân khấu cải lương. Riêng ông, được giữ lại để dạy ở trường, khi đó đổi tên là Nhạc Viện, dạy trong khoa đào tạo các học viên tiến lên bậc đại học (lúc trước trường nhạc chỉ có hệ Cao Đẳng). Ông dạy đến năm 1986 mới qua định cư Hoa Kỳ, nhờ đi diện bảo lãnh, nên ông đem được sang đây một số nhạc cụ cổ nhạc.

Sự ra đời của đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng
Kể về cơ duyên là một trong những thành viên sáng lập ra đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng, giáo sư Nguyễn Châu cho biết: “Khi sang định cư tại quận Cam, bấy giờ tôi đang làm công việc cán sự xã hội, lúc đó vào năm 1988, quận Cam kỷ niệm 100 năm thành lập, khi đó những sắc dân sống tại đây đều có đoàn nghệ thuật dân tộc của họ, riêng Việt Nam lúc đó chưa có đoàn nào hết. Bấy giờ cộng đồng chúng ta quyết định gấp rút thành lập ban nhạc dân tộc trong vòng 6 tháng để kịp đi trình diễn. Lúc đó vũ sư Lưu Hồng lo về vũ dân tộc, còn tôi lo về nhạc, tôi viết bài, tìm người biết chơi nhạc cụ trong cộng đồng và tập dợt. Sau lễ 100 năm thành lập quận Cam rồi, mọi người thấy nếu “rã đám” nhóm nhạc vũ dân tộc này thì uổng quá, nên tiếp tục duy trì luôn và quyết định mở lớp nhạc, lớp vũ do vũ sư Lưu Hồng và Luân Vũ hướng dẫn.”
Đoàn Lạc Hồng lúc bấy giờ được lập ra dưới sự tài trợ của California Art Council, và năm 1990, Hội Phát Triển Nghệ Thuật Truyền Thống và Trung Tâm Lạc Hồng ra đời, trở thành trụ sở chính thức của Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng, do giáo sư Nguyễn Thị Mai (tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn với các môn nhạc khí là đàn tranh và sư phạm âm nhạc), là chủ tịch hội.
Khi người viết hỏi, nhìn lại chặng đường 25 năm qua với việc duy trì hoạt động âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam ở hải ngoại, ông có những điều tự hào nào và những khó khăn nào không? Giáo sư Nguyễn Châu cho biết: “Hồi đầu đoàn chỉ có vài chục thành viên, khi đó chưa có các em nhỏ, đến nay đoàn đã có hơn 100 thành viên với ba bộ môn ca - vũ - nhạc, thành viên nhỏ nhất 6 tuổi, và người lớn nhất đã ngoài 70, nhưng đa số là các đoàn sinh ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Chúng tôi chú ý lớp trẻ vì chỉ có các em mới có đủ thời gian và sức lực để gìn giữ, bảo tồn nền nghệ thuật cổ truyền. Chúng tôi rất trân trọng sự giúp sức của các phụ huynh, họ đã khuyến khích các con mình tham gia các buổi học, tập luyện, trình diễn. Hiện nay đoàn đã đào tạo được một số em có kỹ thuật trình diễn rất vững vàng. Các em đã sắp xếp thời giờ dạy lại cho các em trẻ. Còn chúng tôi thì lui về sáng tác, biên soạn hoặc chỉ tham dự những chương trình quan trọng. Không chỉ có cá nhân tôi mà có rất nhiều người tiếp tay xây dựng cho đoàn suốt 25 năm nay và tất cả đều hoạt động với tính cách thiện nguyện. Thường khoảng một năm đoàn có một buổi trình diễn lớn của riêng mình, 2 tháng có một chương trình tại hội quán Lạc Hồng, còn các buổi trình diễn nhỏ theo lời mời của các trường học, các bảo tàng Mỹ, các tổ chức, hội đoàn của người Việt cũng khá nhiều.
Còn về khó khăn nhất với ông hiện nay chính là việc phải biên soạn những bài bản cho các nhạc cụ dân tộc để các thành viên của đoàn trình diễn vì không thể cứ trình diễn hoài những bài bản cổ, cũ, nếu không khán giả và chính các em sẽ chán, hơn nữa phần hòa âm cho các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam thường không có sẵn.
Giáo sư Nguyễn Châu bảo rằng, với âm nhạc dân tộc ông đã gắn bó cả cuộc đời mình, nên ông sẽ luôn cố gắng đến lúc nào còn có thể, ông ước mong góp phần gìn giữ nét độc đáo của âm nhạc dân tộc Việt và truyền ngọn lửa yêu thương đó đến nhiều người, nhất là những bạn trẻ thanh thiếu niên. “Tôi chỉ mong sao có thêm nhiều mạnh thường quân và nhất là các khán giả hãy ủng hộ cho những chương trình nhạc dân tộc thật đông để các đoàn sinh của đoàn thêm tinh thần mà rèn luyện và trình diễn, vì hiện nay sự ủng hộ cho nhạc dân tộc trong cộng đồng chúng ta vẫn còn khiêm tốn lắm.”
(B.H)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT