Người Việt Khắp Nơi

Giáo Sư TS. Lewis Lancaster Với Đề Tài “Thoáng Nhìn Về Phật Giáo Của Thế Kỷ 21“

Thursday, 27/08/2015 - 02:19:56

Giáo sư Nguyễn Trung Quân, nguyên Hiệu Trưởng Trường Trung Học Phan Thanh Giản - Đoàn Thị Điểm Cần Thơ, thay mặt Ban Điều Hành Hội PHĐT hướng dẫn giáo sư Lancaster lên bàn chủ tọa. Nhạc sĩ Võ Tá Hân và cư sĩ Tâm Minh Trí hát bài “Đuốc Tuệ Ca” chào mừng diễn giả và phái đoàn.

Bài THANH PHONG


                                Diễn giả, giáo sư TS Lewis Lancaster (Thanh Phong/Viễn Đông)



HUNTINGTON BEACH- Trong chương trình quảng bá giáo lý Giác Ngộ Tỉnh Thức đến quảng đại quần chúng, Hội Phật Học Đuốc Tuệ (PHĐT) tại Nam California đã mời được giáo sư tiến sĩ Lewis Lancaster, Khoa Trưởng Phật Học Của Đại Học UC Berkeley, đến Trung Tâm Shanga, Huntington Beach vào chiều Chủ Nhật 23.8.2015, để nói chuyện với Phật tử về đề tài: “Catching Glimpses of The 21st Century Buddhism” dịch là “Thoáng Nhìn Về Phật Giáo Của Thế Kỷ 21.

Ngoài giáo sư Lewis Lancaster còn có phu nhân, hai người con và mấy học trò của ông cũng lần đầu tiên có mặt trước cộng đồng Việt Nam và được Hội Phật Học Đuốc Tuệ chào đón nồng nhiệt.
Giáo sư Nguyễn Trung Quân, nguyên Hiệu Trưởng Trường Trung Học Phan Thanh Giản - Đoàn Thị Điểm Cần Thơ, thay mặt Ban Điều Hành Hội PHĐT hướng dẫn giáo sư Lancaster lên bàn chủ tọa. Nhạc sĩ Võ Tá Hân và cư sĩ Tâm Minh Trí hát bài “Đuốc Tuệ Ca” chào mừng diễn giả và phái đoàn. Tiếp theo, cư sĩ Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả, Hội Trưởng Hội PHĐ, ngỏ lời chào mừng giáo sư Lewis Lancaster bằng tiếng Anh. Sau đó, hướng về phía Phật tử người Việt, cư sĩ Mật Nghiêm nói: “Buổi hội thảo hôm nay là buổi Pháp Hội thứ 252, và đề tài “Thoáng Nhìn Về Phật Giáo Của Thế Kỷ 21” là đề tài thứ 152 do Hội PHĐT tổ chức. Đề tài “Một Thoáng Nhìn Về Phật Giáo Của Thế Kỷ 21” là một đề tài đáp ứng những thắc mắc của cộng đồng chúng ta trong việc hội nhập vào nền văn hóa và xã hội Hoa Kỳ, ông mong rằng , qua sự trình bày của tiến sĩ Lancaster, mọi người có mặt sẽ có cái nhìn sâu rộng và uyên bác của một vị Khoa Trưởng Khoa Phật Học tại đại học danh tiếng UC Berkeley, và nhất là chúng ta sẽ biết cách đem các bạn trẻ VN sinh trưởng tại Hoa Kỳ đến với Phật Giáo”.
Để thêm lời chào mừng diễn giả, cư sĩ Mật Nghiêm đọc bài thơ “Chào Nguyên Xuân” của cố thi sĩ Bùi Giáng bằng tiếng Việt, nữ Phật tử Tịnh Tánh đọc phần tiếng Anh. Bài thơ gồm 6 đoạn, trong đó có 2 đoạn:
“Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người.
Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày bóng con
Thưa rằng những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau..”
Dứt bài thơ, hai học trò của giáo sư Lancaster là cô Thúy Loan và cô Margaret Meloni lên giới thiệu tiểu sử diễn giả: Giáo sư Lancaster sinh tại tiểu bang Virginia, ông bắt đầu học Phật học năm 1954 tại University of Southern California. Năm 1967 được tuyển dụng vào dạy tại trường UC Berkeley, sau đó tốt nghiệp tiến sĩ Phật Học ở University of Wisconsin. Chương trình Tiến Sĩ Phật Học ở Đại học Wiscosin là chương trình đầu tiên được mở ra trên nước Mỹ, và GS Lancaster là người đầu tiên nhận văn bằng này. Ông dạy tại UC Bekeley 33 năm , trong đó 5 năm là Khoa Trưởng khoa Ngôn Ngữ và Văn Hóa Đông Á. Năm 1972 ông vận động mở chương trình Tiến Sĩ Phật Học tại UC Berkeley và phụ trách ban hướng dẫn luận án tiến sĩ cho đến ngày về hưu năm 2000. Ông có nhiều học trò trở thành những giáo sư tên tuổi tại các trường Harvard, Chicago, Stanford, UCLA, UC Santa Barbara, Washington, Đại Hàn, Đài Loan, Thái Lan..
Ông đã được Đại Học UC Berkeley bổ nhiệm vào chức vụ D.H. Chen Distinguished Professorship Chair. Ông là người đầu tiên được trao tặng giải thưởng này của trường và đã được giải Grand Award trọn đời từ Dòng Thiền Phật Giáo Hàn Quốc. Dù ở tuổi 83, giáo sư Lancaster vẫn còn mải mê trong việc nghiên cứu Phật giáo và trong năm vừa qua, ông đã tổ chức thuyết trình tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam về việc dựng lên một hệ thống Atlas of Maritime.
Sau đó, Giáo Sư Lancaster bắt đầu vào đề tài. Bài nói chuyện của ông được Đại Đức Thích Thiện Tâm, một học trò của giáo sư Lancaster dịch ra tiếng Việt. Hình ảnh đầu tiên được chiếu lên màn ảnh là quả địa cầu nơi chúng ta đang sống. Diễn giả nói: “Mọi tiên đoán về tương lai Phật giáo đều không đúng, vì thế hệ sau chúng ta, họ sẽ không nhìn quả địa cầu như chúng ta đang nhìn thấy đây. Tấm hình thứ hai là bản đồ châu Á, diễn giả cho biết, Phật giáo phát sinh từ châu Á, nhưng ngày nay nó đã lan ra nhiều quốc gia trên thế giới, không còn khoảng cách giữa các quốc gia. Tại miền tây Hoa Kỳ, Phật giáo đang phát triển mạnh, chỉ đứng sau Thiên Chúa giáo. Khi xưa, các chùa chiền Phật giáo chỉ có ở các vùng làng mạc, thôn quê hay ngoại ô, ngày nay ông rất ngạc nhiên khi qua Tân Gia Ba, ngay giữa những cao ốc mọc lên một ngôi chùa, cũng như khi xưa hàng ngũ tăng sĩ nam không được ngồi cạnh các ni (nữ), nay nhìn lên màn hình, chúng ta thấy trong một buổi lễ Phật giáo, tăng sĩ và phật tử nam nữ ngồi cạnh nhau.
Diễn giả tỏ ý quan ngại cho tương lai của những người già vì sẽ không biết lấy ai trông nom, săn sóc họ khi người già ngày càng nhiều mà người trẻ ngày càng ít đi, và một quan ngại khác là hiện nay nhiều người không nhận mình thuộc một tôn giáo nào. Hai điểm đặc biệt này là hai vấn đề khó khăn mà Phật giáo cần quan tâm.
Sau khi nêu một số vấn đề như vừa trình bày, Giáo sư Lancaster đặt câu hỏi, chúng ta phải làm gì trước hai vấn nạn này? Và ông trả lời ngay. Thứ nhất là cần phổ biến Thiền Chánh Niệm. Tuy một số trường đại học lớn tại California, Massachusetts, Pennsylvania, Wisconsin v.v..đã đưa Thiền vào chương trình giảng dạy nhưng chúng ta cần phổ biến Thiền rộng hơn nữa. Ông nêu trường hợp Tổng Giám Đốc Công Ty Google Sundar Pichai, ông này đã khuyến khích các công nhân, mỗi ngày phải dành thời gian Thiền trước khi làm việc, và công ty đưa ra lý thuyết “Cockroach” (Con Gián) để khuyên khích mọi người hãy hành xử khôn ngoan, bình tĩnh như con gián hầu tránh đổ vỡ trong giao tiếp cũng như tránh đưa ra những quyết định trong lúc đang giận dữ, mất bình tĩnh. Diễn giả cũng cho biết, các Dân Biểu Anh Quốc, trước giờ họp Quốc Hội, phải thực tập Thiền.
Giáo Sư Lancaster đặc biệt lưu ý vấn đề truyền thông, ông nói rằng chương trình truyền hình Lisa Simpson được rất nhiều người xem, gia đình Simpson là gia đình Thiên Chúa giáo, chỉ có cô bé Lisa thích Phật giáo, nhiều người Mỹ biết Phật giáo nhờ cô Lisa Simpson. Xem thế đủ biết truyền thông quan trọng như thế nào. Ngoài ra, diễn giả cũng lo ngại có sự kiện nổi bật trong thế kỷ này là hiện tượng thế giới ảo mà các bạn trẻ đang sa lầy. Chúng ta nhìn vào hai tấm hình, thật khó phân biệt hình nào thật, hình nào giả. Ông khẳng định 90% DNA trong cơ thể con người chúng ta không phải của chúng ta, vì theo Phật giáo, tất cả các pháp chỉ là tên gọi mà không có tự ngã, không có thực tế độc lập. Ngoài ra, ông cũng đề cập đến mối tương quan giữa những con người trên hành tinh này, thí dụ tình trạng hạn hán tại California đã ảnh hưởng đến nhiều người.
Diễn giả đặt câu hỏi cuối cùng trước khi kết thúc buổi nói chuyện lâu khoảng 1 giờ đồng hồ: “Ai sẽ làm cho Phật giáo tồn tại trong thế kỷ 21?” và cũng chính ông trả lời: “Đó là tất cả Tăng, tín đồ Phật giáo. Hãy sử dụng ưu thế của Phật giáo là “Từ Bi” để đóng góp hữu hiệu cho nhân loại, lòng từ bi không chỉ giới hạn trong một tổ chức, một xã hội , một tôn giáo mà nó cần trải rộng không biên cương, lãnh thổ, không phân biệt giàu, nghèo, sang, hèn. Có như thế sự tồn tại của phật giáo mới vững bền được.
Sau khi nghỉ giải lao 15 phút, Giáo sư Lancaster trở lại giải đáp những câu hỏi của các Phật tử, và sau cùng, ban tổ chức cảm tạ Giáo Sư cùng phái đoàn cũng như quý Phật tử tham dự buổi hội thảo đặc biệt này.
Muốn biết các chương trình thuyết pháp do Hội PHĐT tổ chức hay liên lạc với Hội PHĐT xin gọi số (714) 454-6286 & (714) 425-3938 hoặc email: duoctue@gmail.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT