Mẹo Vặt

GMO Foods: Những trận đánh lớn

Thursday, 21/01/2016 - 08:42:07

Năm 2012, phán quyết thượng thẩm đã buộc đại công ty Nestle – và từ đó, mọi nhà sản xuất khác - phải ghi rõ GMO trên nhãn hiệu nếu thực phẩm chứa 1% thành phần đã bị biến đổi di truyền.

Bài VŨ HẰNG

Như chúng ta đã biết thực phẩm GMO Foods là những nông sản mà bản tính thiên nhiên của chúng đã biến dạng qua sự can thiệp của khoa học. Càng ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng GMO Foods sẽ tác hại lâu dài cho sức khỏe người tiêu thụ. Nhưng giới sản xuất lại cam kết rằng đó là sự lo âu vô căn cứ, và Monsanto - một cái tên mà chắc chắn các bạn đã nghe hoặc sẽ phải nghe nếu theo dõi đề tài này vì đây là công ty sản xuất nông sản GMO lớn nhất thế giới – đang tung ra một cuộc chiến toàn cầu nhằm bịt miệng những tiếng nói chống đối họ. Sau đây, xin mời các bạn xem một vài “trận đánh lớn” đã xảy ra trên thế giới giữa một bên là các lực lượng dân chúng và bên kia là kỹ nghệ GMO.

Nghị sĩ Noreen Evans: Buộc thực phẩm biến tính dán nhãn GMO, nhưng vẫn được phép xưng là “thực phẩm thiên nhiên”

Pháp

Pháp đã cấm trồng tất cả các nông sản GMO. Nhưng năm 2011, kỹ nghệ GMO đã lật ngược thế cờ sau khi vận động được tòa án bãi bỏ luật cấm ban hành từ năm 2008, làm dấy lên cuộc chiến tranh “nhân dân”: Dân chúng biểu tình, lập kiến nghị, thúc đẩy Bộ Trưởng Nông Nghiệp Pháp tái lập lệnh cấm vào tháng Năm, 2012, chống trồng bắp lấy giống từ Monsanto.

Nhật Bản

Nhật Bản có luật cấm trồng nông phẩm đã bị biến đổi di truyền. Tuy nhiên, kỹ nghệ chế biến thực phẩm tại Nhật lại ồ ạt nhập cảng hạt cải Canola của Canada về để làm dầu ăn (oil). Mà cải Canola chính là nông phẩm GMO thứ thiệt, đã được biến dạng di truyền để không bị thuốc diệt cỏ Roundup làm tổn hại. Kết quả là “trống đánh xuôi kèn thổi ngược,” mặc dầu Nhật bản có luật cấm chính thức, những cải Canola đã biến dạng di truyền mọc dại đầy hai bên đường. Nhiều tổ chức chống GMO lâu lâu lại phải huy động thành viên của mình xuống đường làm công tác cleanup.

Ba Tây

Ba Tây (Brazil) là một quốc gia mà nông trường lớn thì sản xuất GMO Foods, trong khi các nhà trồng tỉa nhỏ lại vận động chính phủ ra luật cấm chỉ thực phẩm biến dạng di truyền. Năm 2012, phán quyết thượng thẩm đã buộc đại công ty Nestle – và từ đó, mọi nhà sản xuất khác - phải ghi rõ GMO trên nhãn hiệu nếu thực phẩm chứa 1% thành phần đã bị biến đổi di truyền.

Ấn Độ

Từ hậu quả mất mùa do hạt bông GMO gây ra vào năm 2010, chính phủ Ấn đã ra luật cấm trồng cà GMO biến dạng di truyền. Cà đặc sản Bt Brinjal cũng bị cấm vì sợ làm ô nhiễm các loại hoa mầu khác. Công ty Monsanto sau này đã tung vào Ấn Độ một loại hạt rất lợi hại, chỉ gieo trồng được mùa thứ nhất, số hạt thâu hoạch đời thứ hai thì vô sinh, không thể tái gieo trồng được, buộc nhà vườn lại phải tìm đến Monsanto mua hạt với giá đắt hơn cả ngàn lần, so vói những loại hạt rau, hạt đậu thiên nhiên.

Mexico

Kể từ tháng Mười, 2013, tòa án đã buộc chính phủ Mễ cấm gieo trồng loại bắp đã được biến đổi di truyền, cũng như cấm tất cả cuộc xét nghiệm biến đổi di truyền các thực phẩm khác. Tuy nhiên, thực phẩm biến đổi di truyền thì lại không bị cấm nhập cảng.

Hoa Kỳ

Tại Hoa Kỳ, không có lệnh cấm trên cả nước. Nhưng ở cấp tiểu bang, nhiều nơi muốn cấm trồng nông sản GMO hoặc buộc phải dán nhãn ghi rõ GMO trên sản phẩm, tuy nhiên chưa nơi nào được như ý trọn vẹn, vì các hãng thực phẩm đã tận dụng các kẽ hở trong luật pháp để… cù cưa!

Các tiểu bang lớn, như California và Washington, chỉ mới có thể vận động được một vài cuộc trưng cầu dân ý, mà phần thắng luôn luôn nghiêng về phía kỹ nghệ thực phẩm lắm bạc nhiều tiền, để rồi GMO foods vẫn lan tràn chẳng sợ ai phát giác.

Vào tháng Hai, 2014, Nghị Sĩ Tiểu Bang California, bà Noreen Evans đã đề nghị một dự thảo luật buộc ghi nhãn GMO cho các thực phẩm vượt quá 1% yếu tố biến tính di truyền. Nhưng luật của bà không dám đi tới bến, tuy nó buộc nhà sản xuất phải khai báo GMO, nhưng lại cho phép họ gọi sản phẩm của mình là “natural” (thiên nhiên). Đã “biến tính di truyền” mà còn xưng là “thiên nhiên” được? Thật lạ lùng quá nhỉ!

Tháng Tư 2014, Thống Đốc Vermont, tiểu bang tí hon của Hoa Kỳ, diện tích chưa bằng Quận Cam, đã ban hành luật ghi nhãn GMO. Tức thì giới nhà buôn và nhà nuôi trồng nông sản toàn quốc - như Hiệp Hội Chế Biến Đồ Khô (Grocery Manufacturers Association), Hiệp Hội Các Nhà Chế Biến Toàn Quốc (National Association of Manufacturers), Hiệp Hội Quốc Tế Chế Biến Sản Phẩm Từ Sữa (International Diary Foods Association) và Hiệp Hội Thực Phẩm Snacks…. – ào lên chống đối, và khiếu nại trước tòa vì tính vi hiến của luật trên. Thật là tội tình cho cái số phận tí hon trước sự chèn ép của các thế lực khổng lồ!

****

Trong lúc cuộc chiến pháp lý vẫn còn cù cưa thì nếu không thích GMO Foods, chúng ta phải làm sao? Tuyệt thực luôn cho an toàn chăng? Tội gì, Hằng đề nghị các bạn di cư sang các xứ đã có luật cấm chỉ hoặc dán nhãn GMO rõ ràng như Úc Châu, Tân Tây Lan, Ái Nhĩ Lan, Đức, Thụy Sĩ, Costa Rica, Madeira, Venezula…!

Bằng không, chúng ta phải kiếm cho ra những thực phẩm ghi nhãn hiệu: Non-GMO, All Natural, hoặc Organic. Khó tìm và hơi đắt hơn một chút, nhưng bảo đảm an toàn cho mọi người trong gia đình.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT