Người Việt Khắp Nơi

Hai anh em gốc Việt giúp chống bệnh Ebola ở Sierra Leone

Thursday, 29/01/2015 - 07:57:31

Anh của cô là Alex, một người tốt nghiệp khoa y tế quốc tế, phục vụ với tư cách là chuyên gia chính về dịch tễ học của IMC, tại Sierra Leone.

Alex Trần và Jen Trần tại miền tây Phi Châu.


HOA THỊNH ĐỐN – Cô Jen Trần và anh Alex Trần nằm trong số những người đầu tiên được gởi đến Phi Châu để đối phó dịch Ebola. Họ thuộc Đoàn Y Khoa Quốc Tế (IMC) và tới Sierra Leone để giúp ngăn chặn dịch Ebola bùng phát tại nước này.
Theo tin của phân khoa School of Nursing & Health Studies tại trường Đại Học Georgetown, cô Jen là một cựu sinh viên khoa điều dưỡng. Cô gia nhập toán chẩn y của IMC, với tư cách là một y tá cấp cứu tại Trung Tâm Điều Trị Ebola ở Lunsar, nơi bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh này.
Anh của cô là Alex, một người tốt nghiệp khoa y tế quốc tế, phục vụ với tư cách là chuyên gia chính về dịch tễ học của IMC, tại Sierra Leone.
Cả hai đều tốt nghiệp từ trường Nghiên Cứu Điều Dưỡng & Y tế, thuộc trường Georgetown University. Jen Trần ra trường năm 2011 và Alex Trần tốt nghiệp năm 2008. Mẹ của họ là bà Mai Đào, một người cũng đang làm việc tại trường đại học.
Trong chuyến công tác luân chuyển kéo dài sáu tuần, Jen quản trị một toán y tá địa phương gồm 15-20 người; giúp đỡ các bác sĩ với những biểu đồ y tế và những phiên làm việc; phối hợp tiếp nhận bệnh nhân, cho bệnh nhân về nhà, và chuyển chỗ trong các khu điều trị; và chăm sóc các bệnh nhân trong những khu vực có nguy cơ mức cao.
“Phần khó nhất khi làm việc với các bệnh nhân Ebola là đặt sự an toàn lên ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, bạn không thể đáp ứng với bệnh nhân ngay lập tức,” cô Jen nói với tác giả Masha Mikey của bài viết.
Các nhân viên y tế phải đi vào vùng có mức nguy cơ cao, tại những thời điểm cụ thể, đều mặc đầy đủ bộ y phục bảo vệ PPE chống nhiễm trùng. Có những hạn chế về thời gian liên quan tới việc mặc đồ PPE trong thời tiết nóng, vì nguy cơ mắc những chứng bệnh liên quan đến nhiệt độ.
Jen Trần giải thích, “Mặc đầy đủ PPE thì nóng vô cùng. Trong vòng 15-20 phút là cặp kiếng bảo vệ tỏa hơi sương, bất chấp bình xịt chống sương của bạn, và có thể bạn thực sự không nhìn thấy rõ.”
Trong cuộc phỏng vấn để gia nhập IMC, Jen đã được hỏi rằng cô cảm thấy thế nào về chuyện có khoảng 60-70 phần trăm trong tổng số bệnh nhân của cô sẽ chết.
Cô trả lời, “Tôi không chắc chắn là tôi có hoàn toàn sẵn sàng cho điều ấy hay không.” Jen lưu ý rằng sự hỗ trợ của toán chẩn y của cô sẽ giúp ích trong việc đối diện với nghịch cảnh và đau thương.
Một bài hát để chống Ebola đã xuất hiện ở Sierra Leone trong thời gian gần đây, theo cô cho biết. Các lời ca khuyến cáo người dân về những triệu chứng của bệnh Ebola, và khuyến khích họ đi tìm sự chăm sóc y tế.
Jen nói, “Bài ca này là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi. Chúng tôi càng có thể giáo dục và khuyến khích việc kiểm soát triệu chứng sớm, thì xác suất sống sót càng ở mức cao hơn.”
Alex đã trở về Washington, D.C.. Anh nói rằng tình hình đã được cải thiện từ khi anh mới đến.
Anh nói, “Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình bị bắt buộc phải làm bất cứ điều gì trong cuộc sống của tôi nhiều hơn so với khi tham gia cuộc chiến chống lại Ebola. Đó đã là một vinh dự khi tôi làm việc cùng với em gái của tôi, cũng như với những người tuyệt vời khác từ Sierra Leone và trên khắp thế giới.”
Jen nói rằng chuyện giúp đỡ vào việc giáo dục các y tá địa phương là một kinh nghiệm rất bổ ích.
Cô cho biết, “Tôi đã cố gắng truyền tất cả các kiến thức của tôi để củng cố khả năng hành nghề của họ trong thời kỳ Ebola này, cũng như cho sự nghiệp tương lai của họ.”
Cả Alex lẫn Jen đều tin rằng các giá trị của đại học Georgetown đã thúc đẩy họ ra tay hành động chống lại Ebola.
Jen nói, “Tôi tận tụy phục vụ cho những người khác và luôn luôn nhìn vào phương châm “Cura personalis” (Chăm Sóc Toàn Bộ Con Người), như là một tiêu chuẩn hành nghề của mình.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT