Mẹo Vặt

Hiểu rõ Nutrition Facts - Total Carbohydrates

Tuesday, 24/11/2015 - 07:10:50

Sau Total Fat, Cholesterol và Sodium, là tới Total Carbohydrates. Thật đúng là một tay giang hồ có hạng, bởi vì chẳng những nó làm phiền người ta ở cái tên trúc trắc khó đọc, mà còn ở tính cách nửa thiện nửa tà, như các bạn sẽ thấy sau đây.

Bài VŨ HẰNG

Trong những bài trước, chúng ta chủ yếu nói về những điều phải hạn chế trong ăn uống. Của đáng tội, thưởng thức “đệ nhất khoái” mà bảo phải bớt cái này, nhịn cái kia thì quả là khổ sở. Thậm chí có bạn còn trách Hằng là tại sao lại dùng chữ “độc hại” để nói về các chất như Total Fat, Cholesterol và Sodium trong đồ ăn, và “Nếu thực sự độc hại, tại sao chúng lại được phép có mặt trong những thứ được bán hợp pháp trên thị trường? Tại sao nhà nước không cấm luôn đi?”

Thực ra, đa số chúng ta đã từng nghe danh những “tay anh chị” này từ lâu, chả cần phải chờ đến lúc đọc ba dòng mẹo vặt ở đây mới biết sợ. Nhưng câu hỏi nêu ra trên đây rất hợp lý và cần được trả lời: Chất béo (fat), mỡ (cholesterol), muối (sodium) là những thứ vốn có trong đồ ăn, hoặc phải được thêm vào để làm cho chúng ngon miệng, nên loại bỏ chúng hoàn toàn là điều không thể được. Vì thế, chúng mới cần được liệt kê ra rõ ràng cùng với “tỷ lệ giá trị trong ngày” (% Daily Value). Và kèm thêm lời dặn riêng của các bậc thầy về dinh dưỡng: “Ăn càng ít những thứ này càng tốt cho cơ thể”. Để cụ thể hóa thế nào là “càng ít càng tốt,” các vị sư phụ đưa ra tiêu chuẩn sau:

Fiber, chất xơ, là thứ Carb tốt, có nhiều trong rau quả, và ngũ cốc nguyên hạt



- Dưới 5%: Ưu tiên chọn thực phẩm có tỷ lệ Total Fat, Cholesterol và Sodium dưới 5%
- Trên 20%: Hạn chế tối đa, và nếu có thể được, bỏ hẳn những thực phẩm có trên 20% những chất đó.
Ngoài ba “tay anh chị” được vạch mặt chỉ tên trên đây, chúng ta còn phải lưu ý thêm một “tay giang hồ” khác:

Total Carbohydrates

Sau Total Fat, Cholesterol và Sodium, là tới Total Carbohydrates. Thật đúng là một tay giang hồ có hạng, bởi vì chẳng những nó làm phiền người ta ở cái tên trúc trắc khó đọc, mà còn ở tính cách nửa thiện nửa tà, như các bạn sẽ thấy sau đây.

Trước tiên, chẳng vị sư phụ nào biết tên tiếng Việt của nó là gì. Trên thế giới này, ai cũng phải dùng cái tên dài lòng thòng như vậy, hoặc gọi tắt là Total Carbs.

Total Carbs là tên gọi chung, bao gồm nhiều loại Carbs, tiêu biểu nhất là hai thứ sau:

- Dietary Fiber (chất xơ): Là thứ Carb tốt, là phần “thiện” mà các vị sư phụ luôn luôn khuyên chúng ta phải ăn nhiều hoặc ít nhất là ăn cho đủ. Dietary fiber, thúc đẩy hoạt động của ruột già, giúp chống táo bón, thậm chí có thể giúp trị tiểu đường

- Ngược lại, Sugar (đường) là thứ Carb bị lên án mạnh mẽ. “Ác” một nỗi, nó lại ngon ngọt và hấp dẫn khó ai chê. Các bác HO kể lại, hồi còn ở trong tù cộng sản, họ rất thèm đường, vào những ngày thăm nuôi, có được một cục đường ngậm trong miệng là thấy sướng “lòi củ tỉ” (chả hiểu sao các bác nói thế). Nhưng ăn quá nhiều đường sẽ bị … tiểu đường, đưa đến nhiều biến chứng khác.

Hai thứ Carbs trên đây luật pháp đòi phải liệt kê ra trên bảng Nutrition Facts. Nhưng còn nhiều loại Carbs khác nữa thì không buộc, ghi ra hay không là tùy nhà sản xuất. Và, không phải mọi thứ Carb đều có tác dụng giống nhau. Chẳng hạn, đường – mà chúng ta vẫn dùng để nấu chè, để pha nước chanh, pha cà phê, pha nước mắm… - là thứ Carb “độc hại” tiêu biểu, là vì nó sẽ biến thành đường trong máu (blood sugar). Ngoài ra, Carbs có thể mang nhiều dạng khác như:

- Sugar Alcohols, cũng gọi là đường nhưng chỉ nhập vào máu một nửa, còn nửa kia trôi ra ngoài.
- Starches: Gọi là tinh bột (starches), có trong gạo, bột mì, khoai tây, khoai lang, v.v.. Tinh bột không ngọt lắm, nhưng nó cũng chính là đường, ăn nhiều tinh bột làm tăng lượng đường trong máu, và phát sinh Calories.

Những người bị tiểu đường cần đặc biệt chú ý đến những gì được liệt kê trong phần Total Carbs. Rất tiếc, ngoài Dietary Fiber và Sugar, luật pháp không buộc nhà sản xuất phải ghi ra một thứ Carbs nào khác. Nhưng cũng rất may, không cần phải có nhiều chữ nghĩa mới có thể tính toán xem thực phẩm tác dụng đến bệnh tình mình ra sao. Trong các thứ Carbs chỉ có Dietary Fiber (chất xơ) là không ảnh hưởng, còn tất cả mọi thứ Carbs khác đều làm tăng đường trong máu cả. Vì thế, những người bị tiểu đường cần để ý đến những gì được ghi trong phần Total Carbs.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT