Mẹo Vặt

Kẹt cổ cò

Tuesday, 10/02/2015 - 06:27:49

Vũ khí trước mặt chỉ là cây ống thụt (plunger). Xin nhắc bạn một mẹo nhỏ này: Nên mua ống thụt có thêm “cái lõi” đính vào “vành chuông” để tăng cường sức hút sức đẩy, giúp việc giải tỏa chướng ngại hiệu quả hơn.

Nhà vệ sinh (kỳ 10)


Bài VŨ HẰNG

“Con cò có cái cổ cong cong, có cái cẳng cao cao, cổ cong cẳng cao con cò, cò cắn cò, cái cắn cái, con cò cái cắn cổ cắn cẳng con cò con, con cò con cào cào cấu cấu con cò cái, con cò cái cú cú con cò con, con cò con cười cười….”

Nghi ngờ nghẹt, đừng giật nước kẻo tràn. Hãy từ từ kéo flapper lên để xem tình trạng nước rút thế nào.

 

Đó là bài “con cò” mà thằng bé hàng xóm hát tặng “cô Hằng” khi mẹ nó gọi “cô Hằng” sang nhà để hỏi về cái bồn cầu bị nghẹt. Thật là may, với một dụng cụ đơn giản gọi là cái Plunger, em chỉ thụt xuống kéo lên chừng 30 phút là bồn cầu thông, nuớc không còn dềnh lên nữa. Thằng bé đứng xem, vỗ tay hoan nghênh, rồi thấy cái ống cong cong uốn nổi dưới bồn, liền tức cảnh sinh tình, đứng múa hát ngay bài con cò cho hai bà già thưởng thức. Thật là vui quá sức, đối với “cô Hằng” thì chả có phần thưởng nào hơn cái hoạt cảnh dễ thương này. Nhưng cũng phải nhận là may, bởi vì cái bồn cầu hôm đó bị nghẹt ngay khúc “cổ cò”, nên dễ chữa. Chứ nếu kẹt ở chỗ khác thì thợ vườn này đành bó tay. Vậy bồn co thể bị kẹt vì những nguyên do nào?

Kẹt nơi cổ cò

Nguyên nhân đầu tiên là kẹt nơi đường uốn cổ cò do chúng ta bỏ quá nhiều giấy vào trong bồn mà không chịu giật nước. Trẻ em có thể làm rớt đồ chơi, hoặc oái oăm hơn, các em còn muốn thử liệng đồ chơi của mình vào đó rồi giật nước thử xem có trôi đi được không. Ngoài ra, bồn cầu có thể phải đón nhận những thứ không phải của mình như túyp kem đánh răng, nắp hộp xà bông, hộp xịt thoáng hơi (air freshners)… Những trường hợp đó nếu xảy ra vì tai nạn, hoặc vì sự ngây ngô của trẻ con thì đành chịu. Nhưng có nhiều người ném cả giấy lau tay, vốn làm bằng chất liệu dai bền không dễ tan mục trong nước, những nùi tóc rối, hoặc cả băng vệ sinh vào bồn cầu nữa… thì đúng là vô tâm. Bởi vì bồn cầu không thể nhận gì khác hơn là những thứ được dành riêng cho nó!


Nếu phải ra tay, đừng quên đóng valve nước




Bồn cầu nghẹt có hai mức độ: Nghẹt hoàn toàn hoặc nghẹt phần nào. Bị nghẹt hoàn toàn, nước sẽ đầy lên tới miệng bồn và có thể tràn ra ngoài, nếu bạn vô ý giật cầu xả nước. Trong trường hợp này, phải chờ cho tới khi nước rút cạn phần nào, rồi mới bắt đầu sửa chữa. Tuy nhiên, đa số trường hợp còn lại đều là nghẹt phần nào, tức là nước có đầy lên và rút đi từ từ. Phải đến 1 hoặc 2 phút sau đó nước mới rút bớt và trở về mức bình thường, nhưng chất thải thì vẫn … nằm lại.
Nếu nghi ngờ bồn cầu có vấn đề, xin đừng giật nước, kẻo tràn bồn, làm cho nước dơ và chất thải lênh láng ra sàn nhà. Chúng ta có thể thử bằng cách mở nắp bể (tank) và nâng flapper (tức là nắp đậy trên lỗ thông giữa bể và bồn) để nước từ từ chảy xuống, và quan sát xem mực nước trong bồn. Nếu mực nước dâng cao, đó là dấu hiệu bồn đã bị nghẹt.
Bình thường, nếu bồn cầu chỉ nhận những thứ dành riêng cho nó mà vẫn bị nghẹt, thì cách chữa không mấy khó khăn. Vũ khí trước mặt chỉ là cây ống thụt (plunger). Xin nhắc bạn một mẹo nhỏ này: Nên mua ống thụt có thêm “cái lõi” đính vào “vành chuông” để tăng cường sức hút sức đẩy, giúp việc giải tỏa chướng ngại hiệu quả hơn.
Dùng ống thụt là một việc đơn giản, nhưng các bạn cũng nên lưu ý một vài mẹo vặt sau đây:
- Khóa Valve nước!
- Để ống thụt thẳng đứng, với cái lõi khít trong miệng lỗ, và vành chuông úp chặt.
- Giữ đủ nước trong bồn để mực nước lên tới ngang hông vành chuông. Nếu thiếu nước thì đổ thêm nước ở ngoài vào.
- Xuống tay lần đầu, đẩy nhè nhẹ để đẩy hết không khí ra khỏi “vành chuông”. Xuống tay quá mạnh ngay trong lần đầu có thể khiến không khí bắn ngược lại, làm bắn nước tung tóe ra ngoài, và dĩ nhiên nó cũng chẳng kiêng nể gì gương mặt bạn đang lom lom nhìn xuống đâu.
- Sau đó, đẩy và kéo ống thụt lên xuống, mạnh tay và liên tục, nhưng không để cho “vành chuông” bị hở, như vậy sẽ làm giảm bớt sức tác động lên chướng ngại vật bên dưới lòng cầu. Phải đeo kính bảo vệ mắt, nếu trước đó đã thả một thứ hóa chất khai thông nào vào bồn.
- Cò cưa liên tục chừng 20 lần lên xuống. Duy trì sức đẩy đều đặn, rồi lâu lâu nhấn một cái thật mạnh.
- Sau cùng, kéo mạnh ống thụt lên: Hy vọng chướng ngại đã được khai thông, và nước bắt đầu rút. Nếu chưa thì lập lại như trên. Bình thường, phải làm chừng 30 phút mới có kết quả.
Nhưng nếu không thành công thì vẫn chưa hết phép: Chúng ta còn “con rắn” và nhiều phương thế khác. Hẹn gặp các bạn lần sau.
vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT