Mẹo Vặt

Kẹt “cửa sau”: Nguyên nhân và cách ngăn ngừa

Tuesday, 25/03/2014 - 11:09:42

Một chút mẹo vặt chúng ta đã bàn để giúp giải quyết chuyện “kẹt cửa sau” ai ngờ làm nhỏ bạn bác sĩ của Hằng nóng máu. Cô ta không phản bác những điều mình đã bàn trong bài trước, nhưng yêu cầu em phải nói thêm những điều sau đây cho đủ bộ, đó là những nguyên nhân khả dĩ dẫn tới tình trạng kẹt cửa

Vũ Hằng

 



Những thanh sô cô la có tăng cường sinh lực không? Chưa biết, nhưng ăn nhiều là táo bón
 
Một chút mẹo vặt chúng ta đã bàn để giúp giải quyết chuyện “kẹt cửa sau” ai ngờ làm nhỏ bạn bác sĩ của Hằng nóng máu. Cô ta không phản bác những điều mình đã bàn trong bài trước, nhưng yêu cầu em phải nói thêm những điều sau đây cho đủ bộ, đó là những nguyên nhân khả dĩ dẫn tới tình trạng kẹt cửa như vậy. Dĩ nhiên bài viết có nhiều kiến thức bác học, nhưng nhỏ bạn biết xuất thân quê mùa của con bé này, nên giản lược đi nhiều. Hằng ghi lại đây để các bạn tham khảo theo sự tiếp nhận hạn hẹp của em nhé.

Hậu quả của các thứ thuốc trị bệnh

Narcotics: Các loại thuốc giảm đau, nhất là những thứ gọi là Narcotics, rất dễ gây táo bón. Nhưng người bị đau không có thuốc không được. Vì thế nếu cần uống thuốc giảm đau, chúng ta nhớ hỏi bác sĩ đó có phải Narcotics không. Nếu đúng, mình nên xin các ngài ghi thêm một loại thuốc làm mềm phân (stool softeners). Hy vọng họ nhớ, nhưng nếu họ quên thì mình nhắc một tiếng cũng không vi phạm gì đâu.

Ngoài ra, những người phải thường xuyên dùng các thứ thuốc giảm đau khác như aspirin hoặc ibuprofen, cũng có nguy cơ bị táo bón. Tránh được những thứ này là loại trừ được một đối thủ.

Antacids, Antidepressants: Antacid là thuốc mua tự do ngoài quầy để trị chứng ợ chua, nóng ruột (Heartburn). Antidepressant là thuốc an thần, giúp những người chán đời, trầm cảm, hoặc lo lắng thái quá lấy lại được đôi phần bình tĩnh. Những thứ thuốc này có hiệu quả không? Chưa ai dám nói chắc. Nhưng hậu quả? Chắc chắn làm bệnh nhân rước thêm chứng táo bón.

(Thú thực với bạn, Hằng không tin rằng thuốc có thể làm tâm hồn mình phấn chấn lên được. Nhưng nói như vậy là mình chống lại một ngành y khoa đã có bề dầy cả trăm năm lịch sử. Em không dám lộng ngôn, nhưng mỗi lần căng quá thì em cầu nguyện, rồi ra... làm vườn. Chẳng thuốc men gì cả, mà bao nhiêu lo âu buồn chán tan hết, tối về ngủ khò, ông Cả Đẫn có lăn mình đi đâu cũng chẳng biết.)

Thêm vào đó là các thứ thuốc cao máu, thuốc trị dị ứng, thuốc tiểu đường và thuốc trị các thương tổn thần kinh…. Đối với phụ nữ lại có một thứ tội nợ khác: Táo bón do mang thai và sau khi sinh em bé.

Kẹo sô cô la

Có nhiều nghiên cứu nói rằng, kẹo sô cô la tốt cho tim (và làm hưng phấn sinh hoạt vợ chồng – Hằng cho câu này vào trong ngoặc hy vọng phần nào che mắt ông già libido nhà mình.) Nhưng sô cô la có thể gây ra táo bón. Vậy bạn phải cân nhắc, đằng nào lợi hơn: ăn cho cố để có sinh lực? Hay là hạn chế để ngõ sau khỏi bị kẹt đây?

Vitamin: Sắt và vôi

Vitamins nói chung không gây ra táo bón, nhưng nếu có chứa chất sắt (iron) và chất vôi (calcium) thì lại có thể gây trở ngại đường thông thương. Nếu bắt buộc phải dùng những vitamin này, nhớ xin bác sĩ ghi luôn thuốc làm mềm phân.

Lạm dụng thuốc xổ

Như tên gọi (laxatives) các loại thuốc xổ Dulcolax, Ex-Lax, Senna, và nhiều tên khác, là thứ thuốc uống vào để cặn bã bên trong xổ ra. Nhưng phải dùng một cách hạn chế như một biện pháp tạm thời, chứ không thể luôn nhờ vào đó để làm sạch ruột được. Bởi vì, nếu dùng quá nhiều, quá thường xuyên, nó sẽ có tác dụng ngược: Cơ thể sinh ra ỷ lại, không thể bỏ thuốc được nữa. Vì thế nếu cần dùng thuốc xổ, cần phải theo đúng sự hạn chế về thời gian và liều lượng, nếu không muốn đi đến một hậu quả tai hại hơn.

Ngừa táo bón?

Cô bác sĩ định kê thêm nhiều nguyên nhân khác, nhưng cái đầu em sắp vỡ rồi, không thể chứa thêm tên chứng bệnh và thuốc men nào nữa. Nên phải vô phép ngắt lời để hỏi về điều quan trọng hơn: Làm thế nào để ngừa táo bón?

Chúng ta đã được nghe đầy tai về các biện pháp như ăn nhiều rau quả, uống nhiều nước và siêng năng vận động, tránh ăn thịt cá và các món chiên xào nhiều dầu mỡ. Nhưng thành thật mà nói, các sinh hoạt tưởng là bình thường này coi vậy nhưng khó giữ lắm. Nói một câu đơn giản, có ai hy sinh được những món chiên xào hấp dẫn để chiếu cố cái đĩa rau đạm bạc trên bàn tiệc không? Khó lắm. Trừ khi mình là nhà tu!

Nhưng cô bác sĩ dường như có bí quyết, cô chỉ tủm tỉm cười: Ăn thua là mình phải... làm nhiều! “Làm nhiều? Đêm bảy ngày ba chăng? Sức đâu?” Ông Cả Đẫn hấp tấp chen lời. Có lẽ ổng bị… ám ảnh. Nhưng cô bác sĩ vẫn thủng thẳng, “được mà, sẽ có cách cho anh làm….”

Đề tài này hấp dẫn đây, hẹn bạn lần sau nhé.

Vuhang231@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT