Thế Giới

Kết quả sơ khởi: Scotland chọn ở lại Anh

Thursday, 18/09/2014 - 08:18:27

Kết quả từ những khu vực cử tri đầu tiên của tổng cộng 32 khu vực cho thấy phía chống độc lập đã giành được nhiều phiếu hơn. Tại Clackman, một nơi có phong trào ủng hộ độc lập khá mạnh, kết quả cho thấy tỉ lệ “No” chống độc lập là 54%. Tại Orkney, một vùng khác tương đối nhỏ, lực lượng “No” thắng với 67% số phiếu.


Những lá phiếu định đoạt quyền độc lập
Các nhân viên của chính phủ đang chuẩn bị kiểm phiếu tại Ingleston Hall ở thủ đô Edinburgh vào đêm thứ Năm. Người Tô Cách Lan đã tham gia một cuộc trưng cầu dân ý với tỉ lệ cao kỷ lục 91%. Khoảng 4 triệu cử tri cần chọn “Yes” hay “No” về việc độc lập cho đất nước Scotland của họ. (Hình: Jeff J Mitchell/Getty Images)

Kết quả sơ khởi: Scotland chọn ở lại Anh

EDINBURGH – Từ thủ đô Edinburgh đến những đảo hẻo lánh miền Shetland Islands, người Scotland (Tô Cách Lan) đã hồi hộp chờ đợi trong một thời điểm lịch sử, trong khi người dân trên khắp phần còn lại của Vương Quốc Anh cũng nín thở vào đêm thứ Năm. Họ chờ nghe kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý về việc Scotland có nên trở thành một quốc gia độc lập và tách ra khỏi Vương Quốc Anh. Scotland đã sáp nhập vào Anh Quốc 307 năm trước đây.
Sau khi các phòng phiếu đóng cửa vào chiều tối thứ Năm, hầu hết người Tô Cách Lan đã thức suốt đêm ở nhà để chờ nghe kết quả bỏ phiếu. Kết quả này có thể thay đổi cuộc sống của họ, gây chấn động trên thị trường tài chánh thế giới và đồng thời khuyến khích những phong trào độc lập ở nhiều quốc gia khác, từ vùng người Hòa Lan sống ở miền bắc nước Bỉ, người dân Catalina cho đến người nói tiếng Pháp sống ở Quebec, Canada.
Cuộc đếm phiếu bắt đầu tại 32 trung tâm trên toàn Scotland. Kết quả đếm phiếu tại tất cả 32 khu vực sẽ được chính thức thông báo vào sáng thứ Sáu.
Tuy nhiên, sau nửa đêm, một số địa phương đã cho thấy kết quả nghiêng về phía chống độc lập.
Những kết quả này được ghi nhận vào sáng sớm thứ Sáu cho thấy thành phần người Scotland chống tách rời ra khỏi Vương Quốc Anh đã thắng. Tin này đã giúp cho đồng Pound của Anh được tăng nhẹ trên các thị trường tài chánh. Giới đầu tư không muốn Scotland được độc lập và tách ra khỏi nước Anh, một điều sẽ gây xáo trộn cho nền kinh tế tại đây và đồng thời ảnh hưởng đến các quốc  gia khác.
Trước câu hỏi Scotland có nên tách ra khỏi Vương Quốc Anh và trở thành một quốc gia độc lập, các cử tri Tô Cách Lan phải chọn “Yes” hoặc “No.” Nơi đây đang có hơn 4.2 triệu cử tri ghi danh, kể cả những thiếu niên 16 tuổi. Số người tham dự bầu cử đã lên tới 91%. Đây là một kỷ lục cao chưa từng có Scotland.
Kết quả từ những khu vực cử tri đầu tiên của tổng cộng 32 khu vực cho thấy phía chống độc lập đã giành được nhiều phiếu hơn. Tại Clackman, một nơi có phong trào ủng hộ độc lập khá mạnh, kết quả cho thấy tỉ lệ “No” chống độc lập là 54%. Tại Orkney, một vùng khác tương đối nhỏ, lực lượng “No” thắng với 67% số phiếu.
Đối với một số người, đây là ngày mà họ đã chờ đợi suốt mấy thập niên qua. Một số người khác cho rằng đã đến lúc họ cần phải quyết định về tương lại của Scotland, cho chính họ và cho Vương Quốc Anh.
Câu hỏi trên lá phiếu đã được viết một cách không thể nào đơn giản hơn: “Scotland có nên trở thành một quốc gia độc lập hay không?"
Thế nhưng suốt mấy tháng qua, cuộc tranh cãi đã gây chia rẽ người Tô Cách Lan sâu rộng chưa từng thấy, đưa đến sự tham dự đông đảo chưa từng thấy của người dân vào một cuộc tranh luận chung của đất nước. Tinh thần dân chủ của người Tô Cách Lan đã được thế giới ngợi khen. Họ không cần sử dụng những phương pháp bạo động để thay đổi tương lai.
Theo phân tích tại đây, phía vận động cho “Yes” nhận được sự ủng hộ của giới trẻ và giới lao động bất mãn trước tình trạng kinh tế.
Trước ngày bỏ phiếu, các cuộc thăm dò cho thấy kết quả sẽ quá khít khao để có thể nói chắc chắn bên nào thắng, bên nào thua. Kết quả thăm dò cuối cùng của Ipsos MORI công bố hôm thứ Năm cho thấy thành phần “No”, tức là chống độc lập, được 53%, và thành phần “Yes” được 47%. Kết quả này đã dựa trên cuộc phỏng vấn bằng điện thoại với gần 1,000 người và tỉ lệ sai lệnh lên tới 3%.
Những cuộc thăm dò trước đó cũng cho thấy kết quả rất sát nút. Gần một nửa người được tham khảo ý kiến không muốn tương lai họ tiếp tục tùy thuộc vào Nghị Viện Anh.
Cuộc trưng cầu dân ý cho phép người Tô Cách Lan được lên tiếng về quyền tự trị rộng rãi hơn và cũng có thể sẽ mở ra một cuộc trưng cầu dân ý khác.
Nhiều người không biết rằng trong tương lai, một khi tách rời khỏi Vương Quốc Anh, Scotland có còn sử dụng đồng bảng Anh nữa hay không. Cũng như cử tri muốn biết rằng ai sẽ giữ trách nhiệm bảo đảm an ninh cho Scotland.
Phe chủ trương đòi độc lập đang hướng về một tương lai tươi sáng, còn phe chống đối thì báo trước, tách rời khỏi Luân Đôn sẽ dẫn tới tai họa.
Scotland chiếm 32% diện tích của toàn quốc Anh, với 8% dân số Anh là người Tô Cách Lan. Với lượng kinh tế chưa đầy 10% GDP của toàn quốc, nhưng Scotland lại kiểm soát gần như toàn bộ các nguồn dự trữ dầu hỏa và 50% khí đốt.
Ngoài ra, Scotland còn chiếm một vị trí chiến lược đối với an ninh của Vương Quốc Anh : phần lớn các cơ sở hạt nhân quân sự của Anh Quốc hiện đang được đặt tại miền tây của Scotland. Trong trường hợp Edinburg giành được độc lập việc trao trả lại các cơ sở quân sự đó cho Luân Đôn sẽ rất tốn kém và phức tạp về phương diện kỹ thuật.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT