Thế Giới

Khủng hoảng tại Hy Lạp: Ngân hàng sắp cạn tiền, dân giành mua thức ăn

Tuesday, 07/07/2015 - 12:06:53

Nikos Archondis, thuộc Hiệp Hội Xuất Cảng Panhellenic (PEA), nói, “Một số siêu thị rất lo lắng, vì họ không thể dự báo tình hình sẽ tiến triển như thế nào.”

Nhiều người xếp hàng để rút tiền tại máy ATM bên ngoài một ngân hàng ở thủ đô của Hy Lạp. Trong ngày thứ Ba, Liên Hiệp Âu Châu sẽ họp khẩn cấp về tình trạng tại Hy Lạp. (Milos Bicanski/Getty Images)

 

ATHENS – Các lãnh đạo tại Âu Châu đã gặp một tình trạng khó xử, chưa biết có nên nhượng bộ trước sự việc người Hy Lạp bỏ phiếu chống lại những điều kiện khắt khe mà Âu Châu đã đưa ra đi kèm với sự tài trợ để cứu Hy Lạp trong cơn khủng hoảng tài chánh hiện nay.
Tại Hy Lạp, tình hình cũng khó xử không kém. Các ngân hàng đang có nguy cơ bị cạn sạch tiền trong vài ngày, và điều đó khiến chính quyền phải xét lại việc có nên hòa giải với Âu Châu. Trong khi đó, người dân trên toàn Hy Lạp đã tranh nhau mua các món nhu yếu phẩm, như bột mì, đường trong các siêu thị, vì không ai biết ngày mai đất nước Hy Lạp sẽ ra sao trong cuộc giằng co giữa Hy Lạp và khối Liên Hiệp Âu Châu.
Hy Lạp đã bị khủng hoảng tài chánh và suy thoái kinh tế trong mấy năm qua, cần phải vay tiền của Liên Hiệp Âu Châu để trang trải các chi tiêu. Thế nhưng Liên Hiệp Âu Châu mà cầm đầu là Đức Quốc, đã đưa ra những điều kiện tiết kiệm ngân sách mà Hy Lạp phải tuân thủ để nhận tiền tài trợ. Hy Lạp cho rằng các điều kiện quá khắt khe, và trong một cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ Nhật vừa qua, người dân đã bỏ phiếu chống điều kiện của Âu Châu.
Trong ngày thứ Ba, Liên Hiệp Âu Châu sẽ có một cuộc họp khẩn cấp mà theo đó Âu Châu cam kết sẽ đưa ra một giải pháp dứt khoát đối với Hy Lạp.
Áp lực đối với Hy Lạp đã gia tăng trong ngày thứ Hai, sau khi Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu quyết định không gia hạn thêm cho chương trình tài trợ cứu nguy cho các ngân hàng tại Hy Lạp, và quyết định này đưa đến nguy cơ các ngân hàng Hy Lạp có thể bị cạn sạch tiền sớm nhất là trong ngày thứ Tư tuần này. Sự việc này có thể khiến Hy Lạp bị loại ra ngoài khối quốc gia dùng chung đồng tiền Euro. Trong 28 thành viên của Liên Hiệp Âu Châu thì có 19 quốc gia đang dùng đồng Euro.
Trong ngày thứ Hai, các siêu thị ở Hy Lạp đã bán sạch các loại lương thực cần thiết, trong lúc những người mua hàng lo lắng tích trữ các nhu yếu phẩm. Tình trạng này xảy ra trong bối cảnh người HY Lạp càng ngày càng không chắc chắn về các hậu quả của cuộc việc bỏ phiếu chống lại những điều kiện do Liên Hiệp Âu Châu đưa ra nhằm giữ cho quốc gia bị phá sản này tồn tại.
Các kệ trong siêu thị đều trống trơn, khi những người tiêu thụ mua sạch các thứ nhu yếu phẩm căn bản. Trong số đó, có gạo, bột mì, đường, đậu khô và dầu ăn, tại các cửa hàng ở thủ đô Athens.
Các quản đốc siêu thị tìm cách trấn an khách hàng của họ rằng kho lương thực vẫn còn chứ không cạn kiệt. Khi tiếp xúc với báo chí, những người mua hàng phủ nhận chuyện họ “mua đồ trong cơn hoảng loạn.”
Thế nhưng hành động của họ cho thấy điều ngược lại. Trong khu vực khá giả Glyfada ở Athens, các cư dân chất đống mọi thứ lên xe hơi của ho, từ nhiều gói đậu lăng cho tới những cuộn giấy vệ sinh lớn, từ cuối tuần qua.
Andreas Koustras, một nhân viên tài chánh 51 tuổi, nói với báo Daily Mail, “Lúc này hầu hết người ta giành mua thực phẩm, vì họ sợ điều tệ hại nhất xảy ra.”
Nhân viên bán lẻ Marilena nói thêm rằng gia đình cô đã mua thực phẩm, chỉ lương thực mà thôi chứ không mua gì khác. Chỉ có những thứ cần thiết.
Tại siêu thị Sklavenitis, trong quận trung lưu Nea Chalkidona ngày thứ Hai, những người mua hàng đã vét sạch gạo và bột mì khỏi các kệ. Các khách hàng chen lấn để lấy những gói đậu lăng và đậu khô còn sót lại.
Nikos Archondis, thuộc Hiệp Hội Xuất Cảng Panhellenic (PEA), nói, “Một số siêu thị rất lo lắng, vì họ không thể dự báo tình hình sẽ tiến triển như thế nào.”
Từ sáng sớm thứ Hai, người ta xếp hàng dài trước những máy ATM của ngân hàng, để rút tiền trước tin đồn các ngân hàng sắp cạn sạch tiền.
Tuy nhiên một số người Hy Lạp vẫn giữ thể diện khi nói chuyện với các phóng viên ngoại quốc, luôn phủ nhận tình trạng hoảng loạn đi mua đồ tích trữ ở thủ đô, mặc dù họ vừa mới đi ra khỏi các siêu thị, với những xe đẩy chất đầy nhu yếu phẩm.
Giáo sư Anh ngữ Ioanna Kalaitzi, 54 tuổi, nói với Mail Online, “Các kệ đều trống trơn, nhưng viên quản đốc nói rằng họ còn nhiều gạo ở trong kho.”
Lefteris, 81 tuổi, cựu giám đốc điều hành một hãng hàng không, bày tỏ sự hoang mang của người khi Hy Lạp nói với Mail Online, “Tôi không biết cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý này sẽ đưa chúng tôi tới đâu. Tôi chẳng biết gì về chuyện sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới.”
Trong khi đó, ở những nơi khác tại thủ đô Athens, một y tá về hưu đã bị buộc phải xếp hàng chung cùng với những kẻ du thử du thực, những người nghiện ma túy và các bệnh nhân tâm thần, để nhận được bữa ăn chính của bà trong ngày, do một nhà thờ cung cấp.
Bà y tá về hưu Cleanthi, 65 tuổi, nói, “Lợi tức của tôi là 400 đồng euro ($442 Mỹ kim) một tháng từ lương hưu trí của tôi. Nhưng số tiền đó không đủ cho tôi thanh toán mọi hóa đơn, như tiền thuê nhà và tiền điện, và mua thực phẩm.
“Thức ăn này giúp tôi sống sót. Hôm nay ngon, có thịt gà và cơm. Một số ngày khác thì không khá lắm. Tôi đến đây mỗi ngày. Đây là bữa ăn chính của tôi. Tôi có con trai của tôi để chăm sóc. Anh ấy 33 tuổi và đang thất nghiệp.
“Tôi đã là một y tá. Đó là một công việc quan trọng. Bạn có phải đặt toàn tâm toàn trí của mình vào đó. Tôi đã đóng tiền hưu trong 28 năm làm việc. Nhưng bây giờ tôi không thể đắp đổi qua ngày được. “Tôi đã bỏ phiếu Không. Tôi thích Thủ Tướng Tsipras. Tôi đổ lỗi cho tất cả các chính trị gia trước ông, vì họ đã đưa chúng tôi vào sự hỗn loạn này.”
Nhà thờ nơi bà nhận thức ăn phải cung cấp thực phẩm cho ít nhất 1,500 người mỗi ngày, nếu không thì họ sẽ bị đói. Và đó là một trong hàng trăm cơ sở từ thiện đang hoạt động trên khắp Hy Lạp.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT