Mẹo Vặt

Làm sao phân biệt mật ong tốt và mật ong xấu

Tuesday, 08/09/2015 - 07:34:17

Bên cạnh đó, mật ong hàng chợ có thể ghi thêm những chữ sau đây: Additives (chất phụ gia), Added Flavors (thêm hương vị)…. Nhìn vào Label mà thấy những chữ đó là biết chai mật ong không phải là hàng thật.

Bài VŨ HẰNG

Chúng ta đã biết sự khác biệt giữa mật ong thiên nhiên và mật ong hàng chợ. Muốn có được những lợi ích thật sự, đương nhiên chúng ta phải tìm cho được thứ mật thiên nhiên tinh ròng, và bỏ qua những thứ được gọi là mật mà thực ra chỉ là nước đường, hoặc si-rô mà thôi. Nhưng làm sao phân biệt tốt xấu bây giờ?

Phân biệt theo Label

Label là tờ giấy dán bên ngoài chai, thường được gọi là “nhãn hiệu”. Nhưng Label không chỉ nói về nhãn hiệu, nó còn cung cấp thêm chi tiết về sản phẩm và thành phần cấu tạo sản phẩm. Những người thật thà thường chỉ nhìn label mà phán đoán: Mật ong nguyên chất sẽ ghi các chữ “pure (tinh ròng), natural (thiên nhiên), raw (nguyên chất), unprocessed (không điều chế), unheated (không đun nóng)…..
Mật ong hàng chợ theo lý thì không được phép ghi những chữ như trên, bởi vì nó không có tinh ròng, không nguyên chất, mà đã được pha chế tùm lum, và đã được đun nóng lên rồi. Bên cạnh đó, mật ong hàng chợ có thể ghi thêm những chữ sau đây: Additives (chất phụ gia), Added Flavors (thêm hương vị)…. Nhìn vào Label mà thấy những chữ đó là biết chai mật ong không phải là hàng thật.
Thực ra, cách nhận định như trên cũng đồng nghĩa với … “ngố rừng”, bởi lẽ chỉ sống giữa rừng chúng ta mới có thể hoàn toàn thành thật mà thôi. Sống với con người, ngay cả những xã hội có nền nếp chưa chắc đã kiểm soát được mọi sinh hoạt của thị trường, là nơi mà những anh nổi tiếng gian thương cũng cho rằng mình bán đồ thật 100%, thì cái phương thức “thật thà” trên đây không có hiệu quả. Qua mặt khách hàng bằng cách in ba cái chữ Pure, Natural, Raw, Unprocessed… trên tờ label, rồi dán trên chai mật là một điều thật quá dễ dàng.

Thật thà nhất là đọc nhãn hiệu để xem có tinh ròng không, hay là được chế biến?

Vỏ quít dầy có móng tay nhọn

Trước những trò qua mặt của nhà sản xuất, chúng ta vẫn chưa hết phép đâu. Sau đây, Hằng xin cống hiến một vài “móng tay nhọn” để xem có thể đối phó với “vỏ quít dầy” không nhé.

1. Thử nước
Rót một muỗng mật cho vào nước ấm, quậy lên chầm chậm rồi quan sát kết quả:
- Mật thiên nhiên nguyên chất: Sẽ không hòa tan, mà dồn lại thành cục, nguyên khối nằm dưới đáy chén nước.
- Mật pha chế với si-rô: Sẽ từ từ hòa tan ra trong nước.
Thực ra, bằng phương pháp này, chúng ta mới có thể nhận diện được một đặc tính của mật thật, đó là không tan trong nước. Nhưng mật giả có thứ tan mà cũng có thứ không tan trong nước. Nên, dù giọt mật không tan, chúng ta vẫn chưa thể nói chắc đó là mật thật được.

2. Thử lửa
Người ta vẫn nói “vàng thật không sợ lửa”, tức là vàng thật có đốt cũng không cháy. Nhưng mật thật thì ngược lại! Nhúng một miếng giấy, một nùi bông, hoặc cái tim nến vào chai mật, rồi lấy ra đem đốt:
- Mật thật: Nếu đốt là cháy liền.
- Mật giả: Nếu có pha thêm nước, mật sẽ không cháy.
Nhưng không phải bất cứ thứ mật giả nào cũng pha nước. Người bán có thể pha thêm những chất khác, làm cho mật loãng ra nhưng vẫn bắt lửa. Như vậy, kết quả thử nghiệm vẫn nhập nhằng giống trường hợp trên: Mật thật chắc chắn sẽ bén lửa, nhưng không phải thứ nào bốc cháy cũng là mật thật.

                                               Mật tốt đọng lại, không thấm ướt giấy


3. Giấy thấm
Lấy một tấm khăn giấy, hoặc bất cứ thứ giấy xốp thấm nước nào cũng được, và nhỏ một giọt mật trên đó:
- Mật tốt tinh ròng sẽ không thấm mà vẫn đọng thành cục trên giấy thấm.
- Mật xấu có pha nước sẽ thấm vào giấy và loang ra.
Nhưng nếu mật không pha nước mà pha các loại si-rô đường, thì cũng không thể nói rằng đó là mật tốt mặc dầu nó không thấm nước.

4. Thử móng tay
Nhỏ một giọt mật trên móng tay cái, và quan sát kết quả:
- Mật thật: Sẽ gom lại thành cục, không chảy tràn xuống
- Mật pha nước sẽ tràn ra khỏi móng tay nhanh chóng và dễ dàng.
Nhưng cũng giống như thí nghiệm số 3, nếu không pha nước mà pha si-rô đường, mật có thể đọng lại trên ngón tay mà vẫn không phải mật thật.
Tóm lại những mẹo vặt vừa kể chỉ có thể làm được ở nhà, tức là phải mua mật trước đã. Và thử xong có biết cũng đã muộn, không thể mang ra trả lại được nữa. Nhưng dù sao, bị gạt một lần thì vẫn hơn là bị gạt hoài hoài. Thêm nữa, như các bạn thấy, những đặc tính trên là chính xác với đồ thật, nhưng vẫn không thể loại trừ đồ giả, bởi vì đồ giả cũng có thể mang những đặc tính giống như vậy. Rõ ràng, gian thương họ khôn hơn chúng ta nhiều. Vì thế, cần phối hợp nhiều “ngón tay” và thử bằng nhiều phương pháp, thế nào rồi chúng ta cũng sẽ lật được cái “vỏ quít” dù nó có dầy tới đâu.
Vuhang231@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT