Thế Giới

Lở tuyết trên Everest, 12 người chết

Friday, 18/04/2014 - 09:06:27

Một trận lở tuyết lớn đã quét xuống một con đường leo núi ở ngọn Everest, giết chết ít nhất 12 người dẫn đường Nepal và khiến cho 4 người vẫn còn mất tích hôm Thứ Sáu. Đây được xem là tai nạn tuyết lở tồi tệ nhất trong lịch sử của ngọn núi cao nhất thế giới này.

Kho vũ khí hóa học của Syria đã được hủy bỏ 72%

HÒA LAN - Với hạn chót 27 tháng 4 gần kề, một Ủy Ban của Liên Hiệp Quốc hôm Thứ Sáu loan báo là kho vũ khí hóa học của chính phủ Syria đã được hủy bỏ đến 72.3%. Chính phủ Damascus đã giao chuyến hàng thứ 15, chở vũ khí hóa học đến bến cảng Latakia vào ngày 16 tháng 4.

Ủy Ban OPCW-UN Joint Mission xác nhận là ‘tỷ lệ tổng cộng của số vũ khí hóa học bị tháo gỡ hay tiêu hủy của Cộng Hòa Ả Rập Syria đã đạt đến 72.3%’. Trước đây, theo một thỏa thuận đã được các siêu cường chấp nhận, thì hạn chót cho việc tháo gỡ hay tiêu hủy số vũ khí này là ngày 27 tháng 4. Nghị Quyết 2118 của Hội Đồng Bảo An của Liên Hiệp Quốc về chương trình tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria đã được thông qua vào ngày 27 tháng 9 năm 2013.

Lở tuyết trên Everest, 12 người chết

NEPAL - Một trận lở tuyết lớn đã quét xuống một con đường leo núi ở ngọn Everest, giết chết ít nhất 12 người dẫn đường Nepal và khiến cho 4 người vẫn còn mất tích hôm Thứ Sáu. Đây được xem là tai nạn tuyết lở tồi tệ nhất trong lịch sử của ngọn núi cao nhất thế giới này. Những người Sherpa dẫn đường đã ra đi vào sáng sớm để sửa chữa các đoạn dây cho người leo núi thì tuyết lở tràn xuống vào khoảng 6 giờ 30 phút.

Một người dẫn đường bị thương cho hay là, con đường đưa họ lên núi sáng hôm đó có vẻ không vững vàng, sau đó thì tuyết tràn xuống. Các toán cấp cứu đã lôi được từ đống tuyết ra 12 thi thể và tiếp tục tìm kiếm dấu vết của 4 người vẫn còn mất tích, theo lời ông Krishna Lamsal, đại diện Bộ Du Lịch Nepal cho hay. Hàng trăm người leo núi quốc tế đang chuẩn bị chinh phục ngọn núi trong tháng 5, khi điều kiện thời tiết được xem là lý tưởng nhất.

Phe đòi ly khai tại Ukraine không buông vũ khí

KIEV - Những nhóm vũ trang đòi ly khai, vốn đã chiếm giữ nhiều tòa nhà công sở phía đông Ukraine, hôm Thứ Sáu cho hay họ muốn phải có điều khoản bảo đảm an toàn cho họ. Mặc dù một thỏa thuận quốc tế nhằm làm nguội tình hình đã được đạt tới vào hôm Thứ Năm tại Geneva giữa đại diện Hoa Kỳ, Nga, Ukraine và khối EU. Thỏa thuận này có điều khoản yêu cầu những người thuộc phe ly khai phải ra đi, song họ từ chối.

Việc thực hiện các điều khoảng của thỏa hiệp ngay tại chỗ sẽ rất khó khăn, vì hai bên không hề tin tưởng lẫn nhau. Đã có máu đổ ở cả hai phía, khi chính phủ Kiev ra lệnh bắn vào những người gây bạo động. Thỏa thuận này cũng khiến nhiều người ngạc nhiên vì nó khá đột ngột, hiện chưa rõ chuyện gì đã xảy ra bên trong hậu trường khiến Moscow phải chấp nhận nhượng bộ như thế.

Không có dấu hiệu mới trong vụ tìm máy bay mất tích

ÚC - Chiếc tàu ngầm tự hành đã lặn xuống đáy biển hôm Thứ Sáu để tìm dấu vết chiếc phi cơ Malaysia bị mất tích, và đây là lần lặn thứ 5 của nó ở Ấn Độ Dương. Đã có dấu hiệu thất vọng sau khi robot tự hành Bluefin 21 rà soát thêm 110 cây số vuông dưới đáy biển mà vẫn không tìm thấy bất cứ dấu hiệu đáng quan tâm nào, dù chỉ là một mảnh vỡ nhỏ của máy bay.

Lẽ ra con tàu này không thể dò tìm sâu quá 4,500 mét, nhưng các kỹ sư đã sửa đổi các lập trình của con tàu Bluefin 21 để nó có thể xuống sâu đến 5,000 mét, dù chuyện này đã gây tốn kém lên đến nhiều triệu đô la. Cùng lúc đó, thân nhân của những hành khách Trung Quốc trên chuyến bay MH370 cũng thảo ra 26 câu hỏi và đưa cho các viên chức Malaysia, để chuẩn bị cho cuộc họp báo dự trù sẽ tổ chức ở Bắc Kinh vào tuần tới.

Đất trồng ở TQ bị ô nhiễm

BẮC KINH - Một báo cáo của chính phủ Trung Quốc vừa cho hay, đã có đến 1 phần 5 diện tích đất trồng của quốc gia này đã bị ô nhiễm. Bộ Bảo Vệ Môi Sinh và Tài Nguyên Đất Đai của Trung Quốc cho biết, có 16.1% đất đai nói chung của Trung Quốc hiện đã bị ô nhiễm, và 19.4% diện tích đất trồng trọt của giới nông gia cũng gặp tình trạng tương tự.

Theo nhà chức trách, có 2 nguyên nhân chính đưa đến tình trạng này là các nhà máy công nghiệp và việc canh tác đất đai sử dụng quá nhiều các loại phân bón hóa học. Bảng báo cáo dựa trên kết quả điều tra đất đai khắp Trung Quốc từ năm 2005 đến năm 2013. Các tác giả bảng báo cáo cho hay, nền công nghiệp được đẩy hết tốc độ của Trung Quốc, cộng với hệ thống pháp luật lỏng lẻo và ham lợi trước mắt đã là những tác nhân quan trọng đưa đến tình trạng ô nhiễm này. Ba hóa chất độc hại nhiều nhất trong đất đai ở Trung Quốc là cadmium, nickel và arsenic.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT