Mẹo Vặt

Lợi hại của mật bắp

Tuesday, 29/09/2015 - 07:36:12

Mật bắp, tức Corn Syrup, được chắt ra từ bột bắp (ngô), rất ngọt, có thể ngọt hơn cả đường cát chúng ta thường ăn. Corn syrup có màu vàng đậm, trông gần giống như mật ong, nhưng thường được chứa trong những bình lớn cỡ nửa gallon, trong khi mật ong thứ thiệt được chứa trong những bình nhỏ hơn.

Bài VŨ HẰNG


Qua đề tài “mật,” chúng ta đã nói về mật ong (honey), về mật mía (molasses). Nhưng chưa hết, chúng ta còn có một thứ mật khác, cũng rất phổ thông trên các quầy hàng ở chợ mà Hằng tin rằng các bạn đã từng dùng qua, đó là MẬT BẮP (corn syrup). Cũng chính vì sự phổ thông của nó mà nhiều người chúng ta tưởng lầm, và thắc mắc rằng tại sao giá cả hôm nay lại khác, có phải là on sale không? Hay là một loại mật khác?

Trái bắp trông hiền lành, nhưng “mật bắp” có thể là… vô số tội.

Mật bắp là gì?

Mật bắp, tức Corn Syrup, được chắt ra từ bột bắp (ngô), rất ngọt, có thể ngọt hơn cả đường cát chúng ta thường ăn. Corn syrup có màu vàng đậm, trông gần giống như mật ong, nhưng thường được chứa trong những bình lớn cỡ nửa gallon, trong khi mật ong thứ thiệt được chứa trong những bình nhỏ hơn.

Có thể so sánh mật bắp với đường, và gọi nó là “đường lỏng,” dùng thay đường trong các công thức nấu nướng, làm bánh, và trong một thời gian rất dài, nó được dùng với các thứ nước giải khát công nghiệp như Coke và Pepsi-cola. Để có thể hiểu rõ hơn về tác dụng (hoặc tác hại) của Corn Syrup, chúng ta cần phải nói thêm đôi lời về mối liên hệ giữa Corn Syrup và các thứ nước giải khát lừng danh thế giới này:
Từ ban đầu, nhà sản xuất vẫn pha đường để làm ngọt Coca-Cola và Pepsi. Về sau, do những biện pháp thuế khóa của chính phủ khiến giá đường càng lúc càng đắt, ngành công nghiệp giải khát không thể tiếp tục sử dụng đường được nữa, nên vào tháng 11, 1984, họ tung ra một tuyên bố có sức công phá như một quả bom trên thị trường: Kể từ nay họ sẽ ngưng dùng đường, mà thay vào đó là mật bắp. Quyết định này làm cho nhu cầu tiêu thụ đường giảm đến 500,000 tấn một năm riêng tại Hoa Kỳ, và thúc đẩy kỹ nghệ sản xuất mật bắp bùng lên như pháo thăng thiên.


Mật bắp có tỷ lệ “chất ngọc đặc biệt” cao là phải tẩy chay



Tuy nhiên, các cuộc khảo cứu khoa học sau đó cho thấy hiện tượng béo phì, tiểu đường, dị ứng và ung thư tăng lên… đặc biệt trong số những người thường uống Pepsi và Coke. Kết quả là, giới sản xuất phải bỏ, không dùng mật bắp trong những cơ sở chế Pepsi và Coke tại nước ngoài vào năm 2009, và tại Hoa Kỳ một năm sau đó. Vì người ta qui kết rằng, mật bắp là nguyên nhân dẫn đến các chứng bệnh đó.
Giải thích về việc này, các nhà khoa học cho rằng Fructose, tức “chất ngọt đặc biệt” gây ra các chứng bệnh kể trên, chiếm tới 55% trong mật bắp, so với tỷ lệ Fructose là 50% trong đường,

Như vậy, so sánh với đường, mật bắp còn bị coi là “tệ” hơn, và chúng ta được khuyên nên hạn chế dùng mật bắp tới mức tối đa, nếu có thể tránh nó càng xa càng tốt.

Hai loại mật bắp

Thực ra, trên thị trường hiện nay có hai loại mật bắp:
- Loại có tỷ lệ Fructose cao như trên được gọi là High Fructose Corn Syrup, thường viết tắt là HFCS,
- Và loại “mật bắp thường” gọi là Regular Corn Syrup. Chất ngọt trong “mật bắp thường” là hoàn toàn do glucose, chứ không có tí phần trăm nào của Fructose cả. “Mật bắp thường” cũng được chứng minh là vô tội, không dính líu gì tới những cuộc khảo cứu dựa trên mật bắp có tỷ lệ Fructose cao (FFCS) đưa tới nhiều bệnh nan y mãn tính cả.

Nếu bạn cảm thấy nhức đầu về những chữ “tô tô, cô cô” trên đây, thì Hằng xin bạn nhớ mấy điều này:
- Nếu có thể được, nên bỏ qua những quầy hàng mật bắp, dù cái chai trông hấp dẫn và giá cả có mềm đến đâu

- Nếu chân đi mà mắt còn ngoảnh lại, bạn phải xem kỹ nhãn hiệu ghi ra sao: Có đề chữ High Fructose Corn Syrup không? Nếu có, nên chạy xa, đừng tiếc nuối. Ấy, nhưng cũng có nhà sản xuất thích chơi chữ, họ đề rõ: NO high fructose corn syrup, tức là mật bắp thường, không có “chất ngọt đặc biệt”. Gặp trường hợp này, bạn có thể xài tạm.

Dĩ nhiên, giống như với tất cả mọi chất ngọt, mật bắp – dù biết chắc là loại “mật thường” chăng nữa – cũng phải được sử dụng một cách rất chừng mực: Một vài lần trong một năm, vào những dịp lễ lớn, chúng ta có thể cho phép mình “xả trại” một chút cũng không sao. Với điều kiện, phải ăn chay bù vào những ngày sau đó nhé.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT