Mẹo Vặt

Maple Syrup: Mật phong

Thursday, 01/10/2015 - 07:28:50

Sau khi mang đi lược lại để tẩy trừ những chất vẩn cặn, chúng ta sẽ có mật Maple Syrup hoàn toàn thiên nhiên. Thứ mật hoàn toàn thiên nhiên này có ích lợi gì đặc biệt?

Bài VŨ HẰNG

Hôm nay chúng ta nói về một thứ mật khá phổ thông trên thị trường, gọi là Maple Syrup, tức là mật lấy ra từ cây phong. Nhiều người cho rằng, maple syrup là hoàn toàn thiên nhiên, có nhiều chất bổ dưỡng và ích lợi hơn đường. Có đúng vậy không và chúng ta nên áp dụng nó như thế nào?

Cây phong và lá phong, đặc sản của vùng Bắc Mỹ

Mật Cây Phong là gì?

Mật phong là thành phẩm được chế ra từ chất mủ (sap) của cây phong, một thứ cây đặc sản của vùng Bắc Mỹ, cụ thể là Mỹ và Canada. Vào thu, lá phong đổi màu, toàn bộ tán lá xanh chuyển sang một màu khác, hoặc đỏ tím, đỏ hồng, hoặc vàng au … sáng rực một khoảng trời, trước khi rủ nhau rơi rụng vào cuối thu. Hiện nay, trên 80% số mật phong cung cấp trên toàn thế giới là được sản xuất tại Canada.
Làm maple syrup thì rất dễ dàng chứ không rắc rối như các thứ mật khác, miễn là bạn có được ít nhất một cây phong trong vườn nhà mình. Trước tiên, chúng ta khoét một lỗ trong thân cây phong, để cho sáp chảy ra. Cột một cái chai, tô, hoặc bình vào thân cây để hứng sáp, một chất lỏng màu trong và khá ngọt. Sau đó đem đun lên cho nước bay hơi, để lại chất mật đặc và rất ngọt trong nồi chưng.

Sau khi mang đi lược lại để tẩy trừ những chất vẩn cặn, chúng ta sẽ có mật Maple Syrup hoàn toàn thiên nhiên. Thứ mật hoàn toàn thiên nhiên này có ích lợi gì đặc biệt?

Mật cũng hại như đường

Trước khi nói về những điều “lợi”, xin nói ngay về điều “hại” để mọi người biết trước: Mặc dầu mật maple syrup tốt hơn đường, nhưng giống như bất cứ một loại mật nào khác (như honey, molasses, corn syrup…), nó cũng là đường.

Theo phân tích của các nhà khoa học, nó có chứa tới 67% sucrose. Để hiểu sucrose là cái gì, lợi hại ra sao, chúng ta chỉ cần biết rằng sucrose chính là đường cát trắng, thứ “gia vị” rất hấp dẫn không thể thiếu trong các thứ nước giải khát và đồ ăn, nhưng chúng ta lại được khuyên là không nên ăn nhiều đường, bởi vì nó chính là nguyên nhân của những căn bệnh hiểm nghèo như béo phì, tiểu đường và bệnh tim.

Mật phong và màu sắc từng bậc, đậm nhất (bên trái) và nhạt dần




Tắt một lời, cho dù có thích mật – maple syrup, hay bất cứ thứ mật gì chăng nữa – hoặc có nghe thiên hạ ca rằng thứ mật ấy tốt đến đâu, chúng ta cũng phải ăn một cách rất chừng mực. Chừng mực là thế nào? Chúng ta sẽ lấy đường cát trắng làm tiêu chuẩn để từ đó tính ra mức độ an toàn khi sử dụng mật hoặc các loại chất ngọt khác:

Các vị sư phụ của Hằng dạy rằng, với đường thứ thiệt (sucrose) một phụ nữ khỏe mạnh chỉ nên ăn tối đa 25 gram (tương đương 6 thìa cà phê, hoặc 3 thìa canh) một ngày, còn đàn ông khỏe mạnh có thể ăn thêm một chút, nhưng cũng không hơn 37.5 gram (tương đương 9 thìa cà phê, hoặc 4.5 thìa canh) một ngày. Con số này là tính tổng cộng tất cả những thứ ngọt tiêu thụ trong ngày, kể cả đường pha nước chanh, pha cà phê, pha nước mắm, đường trong trái cây chín….

Từ đó suy ra, vì maple syrup có ít sucrose hơn đường, nên mình có thể nâng mức sử dụng tối đa lên một chút. Một mẹo vặt thực tế có thể áp dụng ở đây là: Trong những món ăn hoặc món uống bắt buộc phải có đường, chúng ta nên dùng một lượng maple syrup tương đương để thay thế, nhằm giảm sự độc hại của đường, phần khác tận dụng được những ích lợi của thứ mật thiên nhiên này.

Mật tốt hơn đường

Đúng vậy, mật maple syrup có nhiều điểm tốt hơn đường, là vì nó còn lưu giữ được nhiều khoáng chất và những chất antioxidants, những chất mà các thầy cô em gọi là “chống ốc-xít hòa”, nhưng em chỉ hiểu bình dân là chất ….. chống già, giữ lại sự trẻ trung.

Về khoáng chất, maple syrup có Calcium, Potassium, Iron, Zinc và nhiều nhất là Manganese.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cho biết, maple syrup có chứa tới 24 loại Antioxidants giúp cơ thể chúng ta chống lại bệnh tật và tuổi già.

Phân loại Maple Syrup

Dĩ nhiên là không phải chai mật maple nào cũng như nhau. Trong lúc chế biến, người ta phân chia ra làm 5 bậc mật, tùy theo cái màu của nó:
- Bậc A (grade A): Gồm có màu vàng nhạt (light amber), vàng trung (medium amber) và vàng đậm (dark amber)
- Bậc B (grade B): Có màu đậm đen, đen nhất trong 4 thứ maple syrup.
Mật càng đậm màu thì cái mùi “lá phong” của nó càng nặng và dĩ nhiên càng rẻ hơn. Lý do là vì, mật được chiết ra trong những ngày cuối mùa thu hoạch vốn bắt đầu ngay từ tháng Ba đầu mùa xuân. Nhưng oái oăm một điều, mật càng đen (grade B) tuy ăn kém ngon vì cái mùi lá phong hăng hắc thì lại càng có nhiều chất antioxidants.

Thực ra…

Các thứ đường mật, được coi là cần thiết để thỏa mãn cái miệng mình thôi. Nhưng “sướng cái miệng thì lại khổ cái bụng”, các thầy cô em khuyên rằng, nếu chúng ta muốn xuống cân hoặc cải thiện hệ thống tiêu hóa của mình, tốt nhất là tránh nạp đường mật vào miệng, chứ thay thế thứ “tệ” bằng thứ “kém tệ” hơn một chút thì không biết đời nào mới đạt được mục đích.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT