Mẹo Vặt

Máy báo khói và dò độc khí nào hiệu quả nhất?

Thursday, 19/03/2015 - 07:20:55

Thực tế thì ngược lại: Mua một máy báo khói giá chừng $12, và dò độc khí chừng $30 là có thể dùng được. Dĩ nhiên, nếu có tiền, chúng ta có thể mua những máy đắt tiền hơn. Sau đây là những điều bạn cần suy xét khi mua máy

Bài VŨ HẰNG

Với sự canh chừng ngày đêm của dàn “vệ sĩ” là những cái máy báo khói và dò độc khí, chúng ta sẽ có thể ngủ ngon giấc suốt một đêm. Người ta nhận thấy với những gia đình không có máy thì rủi ro thương tích vì hỏa hoạn cao hơn gấp 9 lần. Thống kê từ các bệnh viện Hoa Kỳ cho hay, có tới 15,000 trường hợp phải đưa đi cấp cứu hằng năm chỉ vì bị ngạt độc khí Carbon Monoxide.
Ấy vậy mà trên toàn nước Mỹ chỉ có chừng 1/3 gia đình là có gắn đủ máy báo khói và dò độc khí thôi. Điều đó khiến cho chúng ta nghĩ rằng, chắc đây là những bộ phận cầu kỳ hoặc đắt tiền lắm nên ít người có thể sắm được chúng. Thực tế thì ngược lại: Mua một máy báo khói giá chừng $12, và dò độc khí chừng $30 là có thể dùng được. Dĩ nhiên, nếu có tiền, chúng ta có thể mua những máy đắt tiền hơn. Sau đây là những điều bạn cần suy xét khi mua máy:

Ionization hay Photoelectric?

Dựa vào kỹ thuật đánh hơi của máy báo khói, các nhà chế tạo chia chúng thành 2 loại - Ionization và Photoelectric. Đối với những người đi tìm mua, chúng ta chỉ cần biết rằng:
- Ionization: Sử dụng kỹ thuật Ionization, máy giỏi đánh hơi trong những trường hợp lửa bùng nhanh, mau chóng bốc lên thành ngọn, giống như ngọn lửa đốt giấy. Tuy nhiên, đối với những ngọn lửa cháy âm ỉ, như khi cháy nệm, cháy sofas thì khả năng của máy Ionization lại không được nhạy bén.
- Photoelectric: Ngược lại, máy photoelectric có thể đánh hơi được những đám lửa âm ỉ, mà ngọn lửa bùng phát ngay trước “mũi” thì lại … mít đặc.
Vì thế, để máy có thể phục vụ hiệu quả trong mọi tình huống, chúng ta nên chọn những máy tổng hợp được cả hai kỹ thuật đánh hơi – ionization và photoelectric. Những cái máy này dĩ nhiên đắt hơn, có thể tới cả trăm đồng. Nhưng bạn đừng lo, chúng ta sẽ có cách…. mua rẻ mà vẫn có máy tốt.
Nguồn điện:
Máy báo khói và máy dò độc khí có thể chạy bằng nhiều nguồn:
- Nối dây điện (hard-wired): Máy được mắc vào nguồn điện chung của cả nhà, có thể kết nối tất cả mọi máy trong cùng một hệ thống. Việc này rất phức tạp, cần phải thuê thợ chuyên môn, chứ tay mơ không thể làm được. Máy hard-wired chỉ thích hợp với nhà mới xây, được lắp đặt ngay trong tiến trình dựng nhà. Công phu như vậy, mà nếu gặp ngày điện bị cúp thì cả dàn vệ sĩ đành bất lực, có biến cũng chỉ trố mắt nhìn, chứ không kêu được tiếng nào.

Máy chạy pin thì “ba thằng nhỏ” cũng lắp được



- Chốt cắm (plug-in): Máy có 2 hoặc 3 trụ ở lưng, có thể cắm ngay vào lỗ điện (power outlet) ở trên tường, chẳng cần phải nối dây phức tạp như trên. Nhưng lỗ điện thường khoét dưới chân tường, trong khi máy báo khói cần gài trên cao, nếu vị trí thích hợp lại không có lỗ cắm điện thì máy báo khói plug-in sẽ không có đất dụng võ.
- Chạy Pin: Loại này tiện hơn, bởi vì chúng ta lấy pin ngoài đưa vào, rồi gắn máy ở bất cứ chỗ nào thích hợp. Thêm nữa, chạy bằng pin, máy vẫn có thể hoạt động ngay khi cả nhà bị cúp điện. Bất tiện duy nhất là phải thay pin hằng năm. Nhưng có thể coi đó là chuyện nhỏ, miễn là chúng ta đừng bực mình vì những tiếng “chip chip” báo hiệu, rồi thay vì lắp pin mới thì lại gỡ máy liệng luôn vào thùng rác.

Kết nối

Máy có thể hoạt động độc lập (stand alone), chỉ khi nào bị kích thích trực tiếp mới lên tiếng báo động. Nhưng nếu các máy trong nhà được kết nối với nhau thì một “em” báo động ở bên đông, các “em” còn lại ở bên tây cũng gào lên theo. Đây là một điều cần thiết đối với những building lớn, có nhiều tầng. Công trình kết nối phải được lắp đặt ngay khi đang xây nhà. Nhưng nếu nhà đã xây dựng cả nửa thế kỷ trước thì sao? Chúng ta có thể mua những máy có khả năng kết nối vô tuyến (wireless connection).



                                      Nhưng máy “hard wired” thì phải có thợ chuyên môn


Chọn máy

Ngoài vài điểm tiêu biểu trên đây, bạn còn có thể nhận thấy nhiều đặc tính khác trong vô vàn kiểu máy trưng bầy trên thị trường. Bạn có thể thấy những cái máy rất “hoành tráng” giá cả trăm đô hoặc hơn nữa, được xếp cạnh những cái máy chỉ có … $15! Đương nhiên, máy đắt tiền sẽ có nhiều chức năng hoặc công dụng, nhưng không nhất thiết là tốt hơn hoặc được việc hơn đâu nhé. Nếu bạn phân vân chưa biết rước “em” nào về dinh, thì Hằng xin góp một vài ý kiến, đúc kết từ những lời khuyên của các chuyên viên nhiều kinh nghiệm sau khi đã thử qua mọi loại máy:
- Rẻ nhất: Bạn có thể mua máy báo khói Kiddle PE9N (kỹ thuật photoelectric) với giá $15, và máy dò độc khí First Alert CO 615 với giá $30.
- Đắt nhất là máy báo khói Nest Protect hoặc máy dò độc khí Nest Protect 05A (có khả năng kết nối vô tuyến) với giá $129.
Nhưng xin đừng vội quyết định trước khi đọc lời khuyên sau đây của các thầy cô:
- Máy báo khói (smoke alarms) tổng hợp cả 2 kỹ thuật Ionization và Photoelectric được điểm cao nhất là First Alert 3120B, giá chỉ có $30, và Kidde PI2010, cũng giá $30. Nhiều cuộc thử nghiệm cho thấy 2 máy báo khói này được chấm điểm vượt mặt những loại đắt tiền hơn, và cả loại đắt tiền nhất là Nest Protect.
- Máy dò độc khí (CO detector): First Alert CO615, cũng chỉ có $30 mà được đánh giá cao hơn tất cả các đàn anh đàn chị khác
Ngạc nhiên không? Đúng là “mẹo vặt ích lớn,” phải không bạn? Thực ra, thầy cô của em* đã phải bỏ ra rất nhiều tiền mua đủ mọi loại máy về thử nghiệm mới dám đúc kết để công bố được ba cái mẹo vặt này đó, chứ không dễ dàng gì đâu. Hằng rất thương mến và tín nhiệm các vị.
Vuhang231@yahoo.com
* Các chuyên viên trong tập san nổi tiếng Consumers Reports.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT