Mẹo Vặt

Máy giặt Top hay Front?

Tuesday, 17/06/2014 - 10:02:32

Muốn cho có trước có sau thì phải nói, Top-Load Washer (máy giặt có nắp mở từ trên đỉnh để chất đồ vào), có lợi hại gì so với máy Front-Load Washer (máy giặt chất đồ có cửa mở ngang hông). Nói chung, máy front-load được ghi nhận là tốt hơn máy top-load, nhưng tốt hơn là thế nào? Tại sao lại tốt hơn? Và nó có khuyết điểm gì không?

Vũ Hằng



Trục xoay, đứng sừng sững hiên ngang ở giữa, là linh hồn của máy top-load



Máy Front-Load không có trục xoay đứng giữa, chỉ có cái thùng trống tuếch trống toác, với đôi mái chèo khiêm tốn.



Chỉ một góc nhỏ cũng xếp được 2 máy chồng lên nhau với điều kiện máy giặt là front-load.

Muốn cho có trước có sau thì phải nói, Top-Load Washer (máy giặt có nắp mở từ trên đỉnh để chất đồ vào), có lợi hại gì so với máy Front-Load Washer (máy giặt chất đồ có cửa mở ngang hông). Nói chung, máy front-load được ghi nhận là tốt hơn máy top-load, nhưng tốt hơn là thế nào? Tại sao lại tốt hơn? Và nó có khuyết điểm gì không?

Linh hồn của máy

Top-Load là kiểu máy cũ, nhưng hiện nay vẫn có nhiều người sử dụng. Mở cửa từ trên đỉnh nhìn xuống, chúng ta sẽ thấy một cái “rổ” lớn thẳng đứng, với một trục xoay ở giữa. Còn máy Front-Load là sản phẩm mới xuất hiện khoảng chục năm nay, có cửa mở ngay ngang hông với cái rổ nằm ngang, rỗng tuếch rỗng toác và không có trục xoay. Thực ra, cả hai loại máy đều có ưu và khuyết điểm của chúng.

Ở máy Top-Load, quần áo đập vào các “cánh quạt” của trục giữa trong lúc trục này xoay nhanh, và đổi chiều liên tục, tạo ra chuyển động chà xát để “cạo” chất dơ từ trong quần áo. Có thể nói, cái trục là “linh hồn” của máy top-load kiểu cũ.

Máy Front-Load thì không có… linh hồn, mà chỉ có một cái thùng trống rỗng, với 2 “mái chèo” hơi nhô ra từ cạnh thùng. Khi cái thùng xoay kéo theo 2 mái chèo khuấy động luồng nước, quần áo sẽ tung lên đập xuống trong lúc lăn tròn theo thùng xoay. Và khác với máy top load, chất dơ trong quần áo bong ra là do đập vào nước, chứ không đập vào cái trục nào cả.

Tiết kiệm điện nước

Nếu không có yêu cầu của Bộ Năng Lượng và Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường thì có lẽ giờ này máy Top Load vẫn đang làm vua thị trường. Nhưng vào thập niên 1990, chính quyền Mỹ bắt đầu gây áp lực bằng cách đặt ra những giới hạn về mức sử dụng nước và điện. Bên cạnh đó, Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường còn đặt ra danh hiệu Energy Star để tuyên dương những sản phẩm có hiệu quả năng lượng cao, tiết kiệm nhiều năng lượng. Các đòi hỏi trên đây đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành sản xuất khắp thế giới, và từ đó, máy Front Load ra đời để thay thế cho những máy Top Load xài nhiều điện và hao nước trước nay.

Máy Front Load xài ít nước – chỉ bằng 1/3 lượng nước cần dùng cho máy Top Load - mà vẫn làm bong chất dơ. Là vì, thùng nước nằm ngang, khi quay nó có thể vận dụng được cả sức kéo của trọng lực, để ném quần áo trở lại luồng nước một cách mạnh mẽ và đều đặn hơn.

Thêm nữa, trong giai đoạn xả lại bằng nước sạch (rinse), máy top load phải cho rút hết nước xà bông cũ, rồi đổ vào một thùng nước sạch khác để xả. Máy Front Load không cần làm như vậy, nó chỉ cần phun nước vào đám quần áo vẫn đang xoay tròn trong thùng máy, nhờ đó tiết kiệm được rất nhiều nước.

Sau cùng, máy Front Load có thể xoay thùng với vận tốc 1,000 vòng một phút, so với 650 vòng một phút của máy top load, nên quần áo được vắt sạch và khô hơn, làm giảm thời gian sấy và tiết kiệm năng lượng máy sấy. Thùng Front Load tuy nhỏ hơn, nhưng không có trục xoay ở giữa, nên dung tích chứa đồ vẫn là rất đáng kể.

Tiết kiệm không gian

Nếu gian phòng chật hẹp, không đủ diện tích đặt máy giặt máy sấy, chúng ta có thể tận dụng chiều cao bằng cách xếp chồng chúng lên với nhau: Máy giặt Front Loader nằm dưới, cõng cái máy sấy ở trên đầu. Nhưng nếu cái máy giặt thuộc loại Top Load thì vô phương, không thể xếp chồng lên nhau như vậy đươc.

Bảo vệ quần áo

Máy top-load hoạt động bằng cách vật quần áo vào trục xoay ở giữa. Còn máy Front Load chỉ vật quần áo vào nước. So sánh hai kiểu làm việc, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng quần áo giặt bằng máy Front Load sẽ bền hơn.

Tư thế làm việc

Có người thích đứng thẳng, có người thích khom lưng, có người lại thích… quì làm việc. Đối với ông xã Hằng thì không thành vấn đề, ổng bảo là tư thế nào đối với ổng cũng OK. Và xem ra ông có vẻ hãnh diện về cái khả năng ứng biến ấy lắm. Nhưng công bằng mà nói, làm việc trong tư thế đứng thẳng vẫn dễ hơn, và như vậy cái máy top load có ưu điểm hơn về mặt này. Phải khòm lưng để chất quần áo vào khi dùng máy Front Load chắc chắn là bất tiện đối với những người vốn bị đau lưng, phải không bạn?

Nhu cầu ở phút cuối

Nhiều khi mình tưởng là xong rồi, nhưng rốt cuộc lại muốn mở ra để cho thêm vào. Những nhu cầu ở phút chót như vậy có thể chấp nhận được không? Có thể, nếu mình có một cái máy top load: Máy chạy rồi mới chợt tìm thấy một đôi vớ hoặc cái T-shirt còn lạc loài bên ngoài? Cứ việc mở ra, bỏ vào, máy vẫn chạy bình thường. Nhưng với cái front load, làm như vậy là không được: Máy chạy rồi là hết, cửa đã khóa lại, đôi vớ lẻ loi phải chờ chuyến tàu sau thôi.

Mốc và ẩm ướt

Nhưng có lẽ điều phàn nàn lớn nhất của những người dùng máy front load là cái mùi hôi của mốc ẩm do nước đọng lâu ngày trong một khe kẽ nào đó của máy, đặc biệt vào những tháng trời nóng.

Dùng thêm “nước làm mềm quần áo” (Liquid fabric softener) còn phiền nữa. Vì máy Front Load dùng ít nước, rất nhiều khi nó không làm trôi sạch hết những tàn dư của xà bông hay nước softener còn để lại trong kẽ máy. Lâu ngày những tàn dư ấy biến thành nấm mốc, chẳng những bốc mùi hôi khó chịu những khi máy nghỉ ngơi, mà còn chuyển cả vào quần áo khi giặt nữa.

Thế nên, dùng Front Load, chúng ta phải lưu ý hơn về cách làm sạch máy. Biết để đối phó thì cũng không khó gì đâu!

Vuhang231@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT