Hôn Nhân, Cuộc Sống

Mẹ hát giúp trẻ sơ sinh được bình yên, phát triển ngôn ngữ

Sunday, 01/11/2015 - 08:50:05

Các em bé lắng nghe những bản thu âm của những lời nói của người lớn, của tiếng “em bé bi bô nói chuyện,” hoặc tiếng nhạc. Những bản thu âm ấy loại trừ khả năng tương tác xã hội giữa các trẻ em và người trình diễn.

(Getty Images)

 

Nếu bạn muốn giữ cho một em bé đừng khóc trên tay, hãy thử hát một chút cho bé nghe, hoặc bật máy mở nhạc và tìm một số giai điệu làm cho em bé chú ý. Một cuộc nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Infancy (Sơ Sinh), đã cho thấy rằng em bé sẽ bớt quấy khóc gấp hai lần khi nghe một bài hát (từ người ru con hay từ máy phát thanh), so với khi em bé nghe ai đó nói chuyện.

Từ bấy lâu nay người ta đã biết người lớn và trẻ vị thành niên thường cho thấy tác động của âm nhạc thông qua những chuyển động trên cơ thể của họ, như gật đầu, gõ chân theo tiếng nhạc, và đánh trống tay, v.v..

Bà Isabelle Peretz, một giáo sư tại Trung Tâm Nghiên Cứu về Não Bộ, Âm Nhạc và Ngôn Ngữ, thuộc viện đại học University of Montreal, muốn biết các trẻ sơ sinh, vốn không phản ứng theo cách thức này, có cảm nghiệm âm nhạc theo một cách khác hay không so với người lớn và trẻ em.

Bà Peretz giải thích, “Các trẻ sơ sinh không tạo ra hành vi bên ngoài diễn ra đồng thời với âm nhạc. Lý do là vì chúng thiếu khả năng cần thiết về thể chất hoặc tâm trí. Một phần của cuộc nghiên cứu là nhằm xác định xem chúng có khả năng tâm trí hay không. Khám phá của chúng tôi cho thấy rằng các em bé cũng bị âm nhạc cuốn hút.”

Bà Peretz và các đồng nghiệp đã quan sát 30 trẻ sơ sinh khỏe mạnh, từ sáu đến chín tháng tuổi. Để loại bỏ chuyện thiên vị do sự quen thuộc với âm thanh ở chung quanh, việc ca hát lẫn việc nói đều được thực hiện bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Lý do là vì trong nhóm trẻ này không có em bé nào đến từ các gia đình nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

Các em bé lắng nghe những bản thu âm của những lời nói của người lớn, của tiếng “em bé bi bô nói chuyện,” hoặc tiếng nhạc. Những bản thu âm ấy loại trừ khả năng tương tác xã hội giữa các trẻ em và người trình diễn.

Trong khi các đứa trẻ đang ở trong một trạng thái yên tĩnh, cha mẹ của chúng ngồi khuất đi ở phía sau chúng, và các nhà nghiên cứu cho nghe một bài hát hoặc nghe những lời nói. Những bản thu âm này cứ chơi cho đến khi nào các em cho thấy một “gương mặt khóc,” tức vẻ mặt của em bé biểu hiện sự đau khổ, khó chịu, bao gồm những cử chỉ như lông mày hạ thấp, khóe môi kéo sang một bên, miệng há và gò má nâng lên.

Tính trung bình, các em bé vẫn yên tĩnh trong khoảng chín phút khi lắng nghe bài hát. Khi nghe những lời nói, các em bé vẫn ở yên chỉ được chừng một nửa thời gian ấy. Những lời nói của người lớn làm cho các em bé chú ý trong vòng chưa tới bốn phút. Còn những câu bi bô nói chuyện đã cho các em bé yên tĩnh được chỉ chừng bốn phút.

Bà Peretz nhận xét, “Những điều chúng tôi tìm thấy đã chứng tỏ không còn chút nghi ngờ nào về hiệu quả của việc hát những bài đồng dao, để duy trì sự bình tĩnh của các em bé trong những khoảng thời gian lâu. Ngay cả trong môi trường tương đối vô sinh của phòng trắc nghiệm: các bức tường màu đen, ánh sáng lờ mờ, không có đồ chơi, và không có kích thích thị giác hoặc xúc giác của con người, thì tiếng hát của một người phụ nữ trẻ đã làm kéo dài những tình trạng tích cực hoặc trung tính của các em bé, và ức chế cảm giác khổ sở.”

Tất nhiên, âm nhạc đem lại lợi ích cho mọi người. Những cuộc nghiên cứu trước đây đã ghi nhận rằng âm nhạc có thể làm giảm bớt căng thẳng thần kinh, làm dịu cơn đau, và thậm chí giữ cho bộ não được sắc sảo.

Nhưng đối với các trẻ nhỏ, âm nhạc đóng một vai trò cần thiết hơn. Những trẻ em được cho nghe hát trong những năm đầu đời đều phát triển kho ngữ vựng rộng lớn hơn về sau trong cuộc sống, và có thể có một sự thoải mái nhiều hơn khi truyền thông giao tiếp. Lạ thay, âm nhạc kích thích nhiều phần của bộ não hơn, so với bất kỳ chức năng nào khác của con người, và khiến cho não tiết ra chất dopamine, đem lại cho người ta những cảm giác khoan khoái dễ chịu.

Những điều phát hiện mới này càng thêm phần quan trọng, vì các bà mẹ Tây Phương không hát cho con của họ một cách thường xuyên giống như họ nói chuyện với con.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT