Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Nét độc đáo của đàn Guitare phím lõm trong dàn nhạc Tài Tử Cải Lương (kỳ 2)

Saturday, 01/11/2014 - 09:00:53

Âm sắc và lòng bản của đờn Kìm đã trở thành nền tảng. Chính vì vậy vai trò chủ lực, giữ nhịp Song Loan trong dàn nhạc, giữ một vai trò giềng mối cho cả đêm diễn luôn là tiếng đờn Kìm.

Bài BĂNG HUYỀN

Nhạc Tài Tử Cải Lương ra đời khi các nhạc cụ dân tộc đã định hình, trước nhu cầu muốn tìm một nhạc cụ phù hợp với nghệ thuật Tài Tử Cải Lương, các nghệ nhân nhạc Tài Tử Cải Lương giàu sáng tạo đã thử nghiệm trên nhiều nhạc cụ, cả nhạc cụ dân tộc và nhạc cụ Tây phương du nhập vào Việt Nam, và đã cho ra đời cây guitare phím lõm thật độc đáo.

Cận cảnh cây đàn guitar phím lõm điện tử, bên dưới là Song Loan và dụng cụ Effect guitare kèm theo đàn guitar phím lõm điện tử để tăng hiệu quả âm thanh cho nhạc cụ. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Kể từ những năm đầu thập niên 1930 đến nay, từ một cây đàn guitare của Tây phương, các nghệ nhân của Tài Tử Cải Lương đã “Việt Nam hóa” bằng cách khoét lõm phím thành guitar phím lõm để có thể nhấn nhá ra những chữ nhạc cổ truyền dân tộc, lên dây theo nhiều cung bậc khác nhau của đàn Tài Tử. (Chẳng hạn như các loại dây Xề Bóp; Dây Sài Gòn; Dây Rạch Giá; Dây Tứ Nguyệt; Dây Lai; Dây Ngân Giang; Dây bán Ngân Giang; Dây Mỹ Châu, v.v..) Họ vận dụng kiến thức về hệ thống bài bản âm nhạc tài tử để diễn tấu nhạc cụ mới này, tùy bài người ta lên các dây khác nhau để có thể nhấn được các điệu buồn đặc trưng, điệu Nam, Nam Ai, Nam Xuân, Ngũ cung đảo hay Tứ đại oán… trong bài vọng cổ.
Dù là một nhạc cụ Tây Phương nhưng guitare phím lõm hội đủ những yếu tố sáng tạo độc đáo để trở thành nhạc cụ mang âm sắc Việt Nam, là một điều rất đáng để tự hào. Để rồi theo thời gian, cây guitare phím lõm đã khẳng định vai trò của mình trong dàn nhạc cải lương, bất kỳ cuộc hòa đàm nào cũng không thể vắng mặt cây đàn này. Dù là một nhạc cụ “trẻ nhất” trong dàn nhạc truyền thống Việt Nam, nhưng nó đã chiếm vị trí cây đàn chủ lực trong dàn nhạc cải lương, mà khi xưa vị trí đó thuộc về đàn Kìm.
Theo lời của nhạc sĩ cổ nhạc Văn Hoàng thì trước khi đàn guitare phím lõm giữ vai trò chủ lực, giữ nhịp Song Loan trong dàn nhạc cải lương, thì đa số người ca bài bản nhạc tài tử giỏi có xuất thân từ những lớp nhạc tài tử, các thầy đờn thường dùng đờn Kìm để dẫn dắt người học. Âm sắc và lòng bản của đờn Kìm đã trở thành nền tảng. Chính vì vậy vai trò chủ lực, giữ nhịp Song Loan trong dàn nhạc, giữ một vai trò giềng mối cho cả đêm diễn luôn là tiếng đờn Kìm.



                           Cận cảnh một loại Effect guitare thường được gọi là Phơ bàn


“Nhưng từ những năm 1930, khi đàn guitare được đưa vào dàn nhạc tài tử, mang lại một âm sắc mới, hấp dẫn trong ca nhạc tài tử, nên sân khấu cải lương cũng bắt đầu sử dụng guitare vào dàn nhạc của sân khấu cải lương. Nhiều nhạc sĩ đờn Kìm đã chuyển sang luyện tập đàn guitare phím lõm.”
Vì sao đàn guitare phím lõm trở thành một nhạc cụ không thể thiếu đối với ban nhạc Tài Tử, Cải Lương, và đôi khi trong một buổi diễn trích đoạn cải lương hoặc ca vọng cổ, tân cổ giao duyên hiện nay tại hải ngoại, bầu show muốn tiết kiệm tiền, nhưng tránh việc để nghệ sĩ hát trên nền nhạc thu sẵn CD phát ra, chỉ cần mời một nhạc sĩ guitare phím lõm để đệm đàn mà vẫn bảo đảm được buổi diễn sống động.
Giải thích điều này, nhạc sĩ Văn Hoàng cho rằng, “Bởi do cấu tạo khá hoàn hảo và khả năng biểu hiện đa dạng của guitare phím lõm. Đặc biệt là ngày nay với hệ thống dây Lai [Rê, Sol, Rê, La, Rế (có khi 6 dây: Sol, Rê, Sol, Rê, La, Rế) được coi là phổ biến nhất được sử dụng để biểu diễn, giảng dạy và học tập, đặc biệt hai dây đàn số 1 và số 2 có tiết diện nhỏ hơn dây Guitare bình thường để tạo cho âm sắc mềm mại và thanh thoát hơn.], dây này đang thống trị do tính đa năng, đàn thoải mái ba hơi cũng như các giọng nam nữ khác nhau, khỏi phải chỉnh lại dây đàn nếu chuyển sang các điệu khác, nên guitare phím lõm đàn được tất cả các loại bài bản tài tử, cải lương và cả nhạc mới, việc khoét lõm các phím đàn giúp cho guitare phím lõm có những nét nhấn, rung... thể hiện được những sắc thái tinh tế của âm nhạc tài tử. Với hệ thống phím bán cung và số lượng dây tương đối nhiều, guitare phím lõm có những nét lướt nhanh, trong một thời gian ngắn có thể đàn một số lượng nốt khá nhiều và có thể biến âm nhiều kiểu mà không bị hạn chế. Guitar phím lõm là một nhạc cụ có khả năng tạo nên những cái mới vì vậy riêng đối với cải lương, nó là nhạc cụ không thể thiếu.

Nghệ sĩ đàn guitar phím lõm Ngọc Thanh, nghệ sĩ đàn sến Trần Khải đàn cho các nghệ sĩ hát trích đoạn cải lương , tân cổ, vọng cổ trong buổi diễn kỷ niệm “50 năm bảo tồn nghệ thuật Hát Bội của nghệ sĩ Dương Ngọc Bầy. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Cấu tạo của Guitare phím lõm gỗ và điện

Guitare phím lõm có 2 loại là đàn gỗ và đàn điện.
Đàn gỗ được cấu tạo có thùng đàn, mặt đàn phẳng, làm bằng gỗ thông nhẹ, thành đàn thấp làm bằng gỗ cứng có lỗ thoát âm, trên mặt đàn có một bộ phận để mắc dây đàn và một ngựa đàn.
Cần đàn làm bằng gỗ cứng, có tất cả 19 phím bằng kim loại (đồng thau) gắn đàn trên cần đàn: 12 phím đàn gắn đàn trên dọc (cần đàn) và 7 phím gắn trên cần và mặt đàn. Trên dọc (cần đàn), khoảng cách giữa hai ô phím, người ta khoét lỗ sâu xuống cần đàn, để tạo ra hiệu quả âm thanh đặc biệt, như nhấn, rung... thể hiện chữ nhạc dân tộc Việt Nam rõ nét và sâu sắc hơn.
Còn guiatare điện thì thùng đàn có hình vẹt vai, là một khối đặc hoặc có hộp cộng hưởng, dọc theo mặt đàn, ngay dưới các dây đàn, có gắn 1 đến 4 cuộn dây điện tử. Mặt đàn gắn một miếng nhựa để bảo vệ không bị trầy sướt do miếng gảy đàn chạm vào. Có 3 hoặc 4 nút điều chỉnh âm sắc và âm lượng của âm thanh phát ra. Cần đàn Guitare phím lõm điện dài và dẹp hơn cần đàn Guitare phím lõm bằng gỗ, giữa khoảng cách của hai phím đàn, cần đàn cũng được khoét sâu tương tự Guitare phím lõm bằng gỗ.


                              Cận cảnh một loại Effect guitare thường được gọi là Phơ cục

Tính năng đa dạng của Guitare phím lõm điện tử

Khi người viết hỏi vì sao hiện nay hầu hết các nhạc sĩ Guitare phím lõm đều sử dụng đàn điện mà không còn dùng đàn gỗ. Nhạc sĩ Văn Hoàng giải thích: “Ban đầu guitare phím lõm thường thấy là thuộc loại guitare gỗ có hộp cộng hưởng là thùng đàn. Tiếng của guitar gỗ rất hay và ấm nhưng độ vang kém. Ngày nay trong những buổi sinh hoạt đàn ca tài tử nhỏ, người ta vẫn dùng guitare gỗ. Thời trước, muốn chơi trong dàn nhạc trên sân khấu, người ta phải dùng tới guitare điện không còn thùng đàn nhưng tiếng được khuếch đại lên nhiều lần nhờ hệ thống tăng âm điện tử. Lúc đó, chưa có việc để điện vào.
Khoảng những năm cuối thập niên 1940, đầu thập niên 1950, mới gắn điện vào. Guitare điện tiếng đàn chạy lả lướt, đánh rất mau. Ngoài ra ngày nay khi sử dụng guitare điện phím lõm, người ta còn kèm thêm một dụng cụ gọi là Effect Guitare là một trong những thiết bị để biến đổi âm thanh dành cho Guitar điện, tạo ra những sound khác nhau, những effect khác nhau cho Guitare. Giúp âm sắc biến hóa khôn lường, cũng từ một cây đàn nhưng lại có thể cho ra nhiều âm khác nhau. Chính vì thế có thể dễ dàng hiểu được vì sao Guiatare phím lõm đã chiếm vị trí giữ nhịp Song Loan thay cho đờn Kìm trong dàn nhạc Cải Lương.”

                                                        Cận cảnh Song Loan

Song Loan là gì?

Song Loan, là một trong những nhạc cụ nằm trong bộ gõ. Song Loan chỉ là một nhạc cụ thứ yếu trong hệ thống nhạc lễ, vì ngoài Song Loan còn có các nhạc cụ như: Trống, thanh tre, đấu chập cha... Trống lễ mới giữ vai trò chủ yếu và giữ giềng mối trong tổng thể của dàn nhạc lễ. Từ khi nhạc Tài Tử Cải Lương xuất hiện, thì Song Loan được đưa vào dàn nhạc và trở thành một nhạc cụ giữ vai trò rất quan trọng để giữ nhịp.
Có một điều độc đáo là mỗi nhạc cụ trong dàn nhạc là do một nhạc công đảm nhận, nhưng Song Loan thì không cố định, bất cứ nhạc công nào cũng có thể sử dụng nó, nhưng phải là người có năng lực chỉ huy trong dàn nhạc như nhạc trưởng. Mà trước đây là người đờn Kìm, nay thay thế là người đàn Guitare.
“Là một loại mõ nhỏ bằng gỗ cứng hình tròn dẹt, Song Loan có hình dáng bé nhỏ nhất so với các nhạc cụ khác, một mảnh gỗ tròn chưa bằng miệng chén, đường kính 7 cm, cao 4 cm, được xẻ miệng sâu vào thân khoảng 1/3 để thoát âm. Có một cần gõ bằng sừng trâu uốn mỏng hoặc lá thép có độ đàn hồi cao, trên đầu cần có gắn miếng gỗ nhỏ để gõ xuống thân của nó, tạo ra âm thanh đều đặn "Cốp. Cốp.”
Âm thanh của Song Loan có cao độ lớn nhất và âm vực rộng vang rất xa, không cần qua hệ thống khuếch đại âm thanh mà từ xa khan giả vẫn có thể nghe rõ hơn các nhạc cụ khác trong dàn nhạc Tài Tử Cải lương.” (Trích nguồn Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Cận cảnh cây đàn guitar phím lõm điện tử, bên dưới là Song Loan và dụng cụ Effect guitare (kèm theo đàn guitar phím lõm điện tử để tăng hiệu quả âm thanh cho nhạc cụ. (Băng Huyền/Viễn Đông)



Nhạc sĩ cổ nhạc Văn Hoàng cho biết, “Song Loan có vai trò rất quan trọng trong việc giữ trường canh cho các nhạc cụ khác theo đó mà giữ tiết tấu nhịp điệu của mình trong hòa tấu. Người giữ Song Loan ngày xưa là thầy đờn Kìm), sau này thì người giữ Song Loan là Guitare phím lõm, tuy nhiên trong đờn ca tài tử thì đờn Kìm luôn giữ Song Loan.
“Tất cả các nhạc công phải hướng theo tín hiệu Song Loan mà giữ trường canh tiết tấu theo người giữ Song loan và báo hiệu để kết thúc một giai điệu. Trong sân khấu cải lương, không sử dụng hết bài bản mà chỉ một số câu một số lớp nhất định, nên khi gần chấm dứt, người đàn chánh giữ Song Loan sẽ báo hiệu bằng cách đạp lên Song Loan gõ đúp hai cái "Cốp, cốp'' liên tục và hai nhịp sau đó ca đờn ngưng một lượt.



Cận cảnh cây đàn guitar phím lõm điện tử, bên dưới là Song Lan và dụng cụ Effect guitare kèm theo đàn guitar phím lõm điện tử để tăng hiệu quả âm thanh cho nhạc cụ. (Băng Huyền/Viễn Đông)

“Nhờ vào đó, người đờn diễn tấu tự tin một cách độc lập, phóng túng ngón đờn chữ nhạc một cách bay bướm, người ca thể hiện cảm xúc qua lời ca hoặc sử dụng kỹ thuật luyến láy, lạng lánh mà không lo ngại chênh nhịp... Vì vậy Song Loan là nền tảng của nhịp điệu cho cả nhạc và ca, trong các bản ngắn của Cải Lương, người nghệ sĩ đạt yêu cầu là nhờ có tính hiệu của Song Loan.” (bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT