Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Nghệ sĩ Mộng Nguyệt và tình yêu với nghệ thuật đờn ca tài tử cải lương

Saturday, 07/02/2015 - 02:26:12

Chính những cảm xúc rất thật từ sâu trong tâm khảm, qua những làn điệu cải lương trong các sáng tác của chị, người viết tin là bất cứ ai nếu còn chứa đựng trong tim mình hình ảnh một miền quê dễ gần, người miền Nam đôn hậu... thì chắc chắn sẽ không thể nào không rung cảm khi nghe những sáng tác của chị.

Bài BĂNG HUYỀN

Đối với những khán giả yêu cổ nhạc cải lương tại Hoa Kỳ, thường theo dõi chương trình “Cổ Nhạc Phương Nam” do nghệ sĩ Tuấn Châu (ông bầu của đoàn cải lương Tân Dạ Lý), nghệ sĩ Văn Chung, nghệ sĩ Ngọc Đáng phụ trách; phát live vào mỗi Thứ Ba, từ 6 giờ đến 7 giờ 30, trên đài VHN-TV [Đài truyền hình Việt hải ngoại. Băng tần 2073, thuộc hệ thống truyền hình Direct TV] trước đây; và hơn một năm nay (kể từ khi đài VHN đóng cửa), chương trình được phát live cũng cùng thời gian trên vào mỗi thứ ba, trên đài KVLA 56.5; thì nghệ sĩ Mộng Nguyệt là một cái tên rất đỗi thân quen và nhận được nhiều mến mộ của khán giả gần xa, bởi giọng ca ngọt ngào cùng những bài vọng cổ đậm đà tình quê, chất chứa ẩn tình sâu sắc do chính chị sáng tác, đã thấm vào tim người nghe thật nhẹ nhàng, sâu lắng. Gần đây, trong buổi diễn “36 năm- tưởng nhớ nữ hoàng sân khấu Thanh Nga,” để bày tỏ tấm lòng nhớ thương nghệ sĩ tài sắc Thanh Nga, vốn là “đàn chị” từng học cổ nhạc cùng chung một thầy (nhạc sĩ Út Trong) với mình và cũng là người nghệ sĩ đã để lại trong lòng chị sự ngưỡng mộ, yêu thương thuở chị mới chập chững bước vào nghề. Nên chị đã hát một sáng tác của mình, bài ca cổ “Tưởng nhớ Thanh Nga” bày tỏ niềm tiếc thương người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh, đã nhận được những tràng pháo tay ngợi khen của khán giả.

Nghệ sĩ Mộng Nguyệt


Tình yêu với nghệthuậtđờn ca tài tửcải lương
Tên cha mẹ đặt cho chị là Từ Thị Nguyệt. Còn Mộng Nguyệt là nghệ danh do thầy của chị, nhạc sĩ Út Trong đặt cho khi chị trở thành nghệ sĩ ca vọng cổ, xuất hiện hằng tuần trong chương trình trên đài radio Quân Đội, có tên gọi là Giai Điệu Quê Hương, của trung sĩ Quang Thành đảm trách, vào thời điểm những năm 1967- 1968. Chị còn hát trong chương trình ca cổ trên đài radio của nghệ sĩ Ngọc Thạch- Văn Vĩ. Chị cũng là thành viên ban thiếu nhi Trường Giang của nhạc sĩ Út Trong, chương trình dài 45 phút mỗi tuần, trên đài truyền hình số 9, diễn những trích đoạn cải lương.
Trời phú cho chị có làn hơi, chất giọng êm dịu, ngọt ngào, từ lúc nhỏ chị đã đam mê nghệ thuật tài tử cải lương và bắt đầu ngân nga âm điệu ngũ cung. Vì được sống trong gia đình, có cha là nhạc sĩ Út Ngự, ông là một công chức nhà nước, nhưng đồng thời cũng là một nhạc sĩ cổ nhạc, sinh hoạt đờn ca tài tử với các nghệ sĩ ca tài tử cải lương như cô Ba Lệ Liễu, Lý Bạch Huệ... Ông có nhận dạy cho một số học trò vào dịp cuối tuần tại tư gia ở Bình Dương.

                                                           Nghệ sĩ Mộng Nguyệt thời trẻ



Thật khó diễn tả cảm xúc mỗi khi chị nghe tiếng dạo réo rắt của bộ nhạc cụ dân tộc khơi nguồn cảm hứng cho những lời ca mùi mẫn. Các nhạc cụ kết hợp với chất giọng hòa quyện trong giai điệu ngọt ngào, thực sự độc đáo, hút hồn người. Và có lẽ cũng chính bởi sự biến hóa tuyệt diệu của các làn điệu khuôn mẫu, buồn thương sầu thảm, não nề ai oán đấy và cũng mừng vui hạnh phúc đấy trong những bản Vọng cổ, những điệu xàng xê, chân chất, trữ tình. Đã đong đầy trong trái tim thiếu nữ của chị bấy giờ tình yêu với cải lương, với những bài bản vọng cổ. Do thấy ba bận rộn với công việc ở sở làm, lại thêm bận rộn dạy ca cho một số học trò, hơn nữa ông cũng không muốn chị mê ca hát mà bỏ dở học chữ, nên khi mới 15 tuổi, chị đã lén ba, đi “tìm sư học đạo” để giúp chị ca vững vàng hơn nhịp, phách.
Chị đến lò cổ nhạc của nhạc sĩ Út Trong để học ca Tài tử - Cải lương. Nhạc sĩ cổ nhạc Út Trong, thấy chị có sắc vóc và cả giọng ca, tính tình lại hiền lành, lễ phép, nên thầy nhận ngay chị làm đệ tử và tận tình chỉ dạy. Ban đầu chị vừa học phổ thông và học ca, nhưng sau đó, chị rời hẳn trường phổ thông để chỉ chuyên cần học ca. Sau khi học cổ nhạc được 1 năm, vì muốn biết cách ca tân nhạc không lai giọng hát cổ nhạc mỗi khi hát những bài tân cổ giao duyên, chị có ghi danh học tân nhạc với nhóm nhạc Lê Minh Bằng ở Tân Định do nhạc sĩ Lê Dinh dạy, chị là bạn đồng môn cùng thời với ca sĩ Giáng Thu, Trang Mỹ Dung...

           Nghệ sĩ Mộng Nguyệt và con gái Quỳnh Hoa chụp lưu niệm chung với các nghệ sĩ, nhạc sĩ cổ nhạc



Học tân nhạc được khoảng 3 tháng, chị tiếp tục quay lại học cổ nhạc với nhạc sĩ Út Trong một thời gian, nhờ có học hành bài bản, nên chị ca chuẩn, vững nhịp, và nhờ có hơi giọng tốt, truyền cảm qua nhiều thể điệu Tải tử - Cải Lương, nên thầy Út Trong giới thiệu chị vào hát trên đài radio Quân Đội, ban Giai Điệu Quê Hương, và ban thiếu nhi Trường Giang của thầy, trên đài truyền hình số 9.
Thầy Út Trong cũng thường đưa chị đi hát phục vụ các chiến sĩ VNCH tại các tiền đồn. Chính trong lần đi hát tiền đồn tại Cần Giuộc, chị đã gặp ông xã, là một quân nhân VNCH, ông xã cảm mến chị, đã đeo đuổi chị, đến 3 năm sau, chị mới đồng ý kết hôn. Sau khi kết hôn, chị giảm bớt tham gia ca trên đài, dành nhiều thời gian để chăm lo gia đình, nên đường nghệ thuật không thể phát triển được nữa. Với lại, lúc bấy giờ, sở trường của chị chủ yếu là ca tài tử, còn diễn xuất thì chị không mạnh lắm, dù vẫn được thầy Út Trong tận tình chỉ dạy. Chị chỉ hát trên đài, chứ không tham gia vào đoàn hát.


Nghệ sĩ Mộng Nguyệt cùng nghệ sĩ Tuyết Nga trên sân khấu tại Tổ Đình hội bảo tồn nhạc cổ truyền Việt Nam tại Nam California

Biến cố cuộc đời theo phận nước điêu linh
Đến khi chị có con, thì hầu như chị ngưng hẳn việc ca hát. Sau biến cố tháng 4 năm 1975, vì chồng chị là thiếu tá Thiết Giáp của lữ đoàn 2 kỵ binh, anh phải đi tù cải tạo 10 năm. Khi đó con gái lớn của chị mới 3 tuổi, con gái giữa bệnh và mất, con gái út đang nằm trong bụng mẹ mới tròn 5 tháng. Tháng 10, sanh con, thì khoảng hơn 1 tháng sau, chị cũng phải đi lao động cải tạo tại vùng kinh tế mới 15 ngày ở Bà Rịa. Vì cái tội, từng có thời gian hát trên đài Quân Đội. Dù khi chồng chị đi tù, chị vẫn còn trẻ, mới 25 tuổi, nhan sắc vẫn còn mặn mà, “ong bướm” vây quanh rất nhiều. Nhưng chị đã không “phụ” chồng ngày nào. Chị đều đặn đi thăm nuôi chồng từ Bắc vô Nam. Hoàng Liên Sơn, Lào Cai, Yên Bái... đều không vắng bước chân chị tìm đến thăm nuôi chồng.
Những lần đi thăm nuôi chồng, chị đều đưa mẹ chồng cùng đi, có lần nhằm lúc cơn bão số 12 rất nặng, hai mẹ con chị đứng ôm cứng trụ đèn, sợ gió bão thổi 2 mẹ con bay đi, chỉ che người chỉ bằng một thước nylông, hai mẹ con cột cứng với nhau tại đó. Khi đó, chị và mẹ chồng phải lặn lội suốt 15 ngày trường, mới gặp được chồng chỉ 15 phút. Những hình ảnh ấy mãi luôn là ký ức không thể quên của chị.


Tình yêu với cải lương được sống lại

Từ khi qua định cư tại Mỹ đến nay, may mắn chị sống tại quận Cam, miền Nam California. Ban đầu, chị không nghĩ đến chuyện ca hát nữa, mà tập trung đi làm, kiếm sống, lo cho gia đình. Sau vài năm ổn định đời sống, cùng những nỗi buồn đau của đời sống cá nhân mà chị xin phép không tiết lộ, chị đã quay trở lại với cổ nhạc, như một người tình “son sắt thủy chung,” vì hoàn cảnh mà phải chia xa một thời gian. Chị có tham gia gọi điện thoại vào chương trình trên radio của nghệ sĩ Thu Hồng- Hoàng Ngọc Thanh, để hát qua điện thoại. Những lần chị hát, luôn nhận được lời ngợi khen của mọi người. Trong lần chị đến đài để nhận phiếu thưởng, thì gặp lại nhạc sĩ cổ nhạc Huy Thanh, anh vốn là bạn thân của em gái chị hồi còn ở Việt Nam trước năm 1975. Trước đây, khi còn ở Việt Nam, anh cũng thường đến nhà ba chị để luyện đàn ca tài tử với ba và một số nghệ sĩ đàn ca tài tử khác.

            Từ trái qua phải, con gái lớn Quỳnh Hương, nghệ sĩ Mộng Nguyệt và con gái út Quỳnh Hoa

Hai chị em Mộng Nguyệt- Huy Thanh gặp nhau nơi đất khách, quá đỗi vui mừng, duyên tri ngộ với cổ nhạc và ca hát tài tử cải lương cũng đã trở lại với chị vào cuối những năm thập niên 1990, đầu năm 2000. Chị chính thức quay lại với con đường ca hát tài tử cải lương, nhân những lần đi hát tài tử dịp cuối tuần, chị được nhạc sĩ Huy Thanh giới thiệu với chị Tuyết Nga và hội bảo tồn nhạc cổ truyền Việt Nam, chính thức gia nhập hội và đoàn cải lương Nam Bộ Hương Sen từ buổi đầu đoàn thành lập.
Chị Mộng Nguyệt cho biết những năm trước, chị từng mổ bướu cổ, nên chất giọng của chị không còn hay như trước, cộng thêm tuổi tác càng ngày càng cao, giọng hát không còn được như xưa, nhưng khi có dịp được cống hiến giọng ca của mình cho khán giả, chị vẫn hăng hái tham gia. Hai con gái của chị, Quỳnh Hương và Quỳnh Hoa cũng đang nối nghiệp mẹ, rất yêu thích ca tài tử, nhất là với cô gái út Quỳnh Hoa, khi còn ở Việt Nam, em đã từng được ông ngoại dạy ca, dạy đàn Tranh, khi sang đến Mỹ, em vẫn gìn giữ hành trang vô giá mà em đã có, để nhắc nhở mình không được quên cội rễ quê hương. Cả ba mẹ con thường xuất hiện trong chương trình Cổ nhạc Phương Nam, ngoài ra những sinh hoạt ca tài tử do những nghệ sĩ tài tử tổ chức tại tư gia, chị cũng thường góp tiếng hát qua những sáng tác của mình.
Mỉm cười hiền lành, chị nói, “Tôi thường hát bài do mình sáng tác, vì làn hơi do lớn tuổi và từng bị mổ bướu cổ, nên không còn hay như hồi trẻ. Thành ra khi hát những sáng tác theo ý của mình để mình hát không bị hụt hơi, chứ không phải chê những bài cổ nhạc của những tác giả tài danh chuyên nghiệp, vì những sáng tác này đã có nhiều giọng hát hay của các nghệ sĩ thể hiện rồi. Có dịp hát những sáng tác của mình, nhận được sự mến mộ của khán giả qua những bài ca của tôi, tôi vui lắm, vì tôi có thể đóng góp cho cộng đồng của mình tại hải ngoại những bài tân cổ mới.”

      Nghệ sĩ Mộng Nguyệt chụp lưu niệm với các nhạc sĩ cổ nhạc Tấn Sang, Văn Thanh, Út Hòa, Tấn Hải


Trải lòng qua những sáng tác
Chị Mộng Nguyệt quan niệm mỗi người khi đến với nghệ thuật cổ nhạc, cải lương, dù trở thành nghệ sĩ bên đàn ca tài tử, hay trở thành nghệ sĩ của những đoàn hát, hóa thân vào nhân vật vở diễn, hoặc trở thành những soạn giả viết tuồng, viết những bản vọng cổ, tân cổ giao duyên … tùy những điều kiện, cơ hội nghệ thuật khác nhau nhưng cuối cùng tất cả đều nhằm trả ơn tổ nghiệp, trả ơn công chúng.
Chị kể, hồi nhỏ đi học, chị rất thích môn Văn và đọc sách báo đối với chị là một niềm đam mê vô tận. Có lẽ, chính từ những niềm say mê ấy, cộng với chất trữ tình của âm nhạc cải lương đã góp phần bồi đắp cho chị “chất văn chương, ngôn từ trau chuốt, cộ đọng, hàm súc, mượt mà, bay bổng” khi sáng tác.
Chị tâm sự, “Hồi xưa, tôi thường hay hát những bài tân cổ, vọng cổ của soạn giả Viễn Châu, nên tôi rất thích lời văn của bác Viễn Châu, làm như bị nhập tâm, nên các sáng tác của tôi cũng có ít nhiều chịu ảnh hưởng những lời văn đẹp của soạn giả Viễn Châu. Vì cuộc đời tôi có quá nhiều nỗi buồn, thay vì viết nhật ký để giãi bày nỗi lòng, tâm sự trước thực cảnh, tôi lại viết thành những bài vọng cổ.”
Chị ghi lại những khoảnh khắc cảm xúc, tư duy về mình, về người, những điều có thật trong dòng sống tất bật rất dễ biến mất, lãng quên … Đặc biệt đó là hình ảnh về quê hương, những vùng đất miền Nam hào sảng, nghĩa tình với những con người thuần hậu. Lúc đầu, chị không hề có ý định viết để phổ biến, vì ngại ngùng không biết người nghe có phiền lòng với những sáng tác “không chuyên” của mình không? Nhưng khi tham gia vào đoàn cải lương Hương Sen (thuộc hội bảo tồn nhạc cổ truyền Việt Nam tại Nam California), được các nghệ sĩ của đoàn và chị Tuyết Nga tỏ vẻ thích thú khi hát những sáng tác của chị, nên chị đã mạnh dạn phổ biến những sáng tác của mình đến người nghe. Những sáng tác của chị như “Nhớ về quê mẹ,” “Tình mẹ,” “Tình quê,” “Nỗi lòng người vợ trẻ,” “Tiếng hát với cung đàn,” “Đẹp lắm quê tôi,” “Nỗi nhớ niềm thương”… nhận được lời khen ngợi của khán giả.
Chị bảo, “Cũng nhờ tôi học ca, được thầy Út Trong dạy tận tình, tôi nắm vững những bài bản lớn nhỏ, nhịp vững, thuộc hết các điệu lý, hát sao để ăn với tiếng đàn, thầy còn dạy phân nhịp có trường canh, phân theo khung, nhờ vậy nên khi tôi sáng tác rất dễ dàng. Bài của tôi rất dễ ca và khi tiếng đàn dạo lên, bài ca khớp với điệu đàn, khi điệu đàn ghé vào chữ gì, điệu gì. Do tôi không biết đàn, nên những sáng tác mới trước khi trình diễn, tôi thường nhờ nhạc sĩ đánh đàn trước rồi hát thử, xem câu văn có bị sượng, không mượt mà hay không? Nếu sượng, thì tôi chỉnh lại câu văn cho nó mềm mại với tiếng đàn.”
Văn của chị Mộng Nguyệt viết rất vừa khuôn, không khó hiểu nên ai nghe qua một lần là có thể thuộc.
“Anh đi giữ nước non nhà. Hậu phương tiền tuyến kết tình quân dân. Em mến anh, anh trai hùng nước Việt. Lính trận hành quân trên khắp nẻo sông hồ. Anh thương em qua tiếng hát câu hòa tình hậu phương, tình anh lính chiến. Kết hợp chung lòng đi gìn giữ quê hương. Thế rồi mỗi khi lập được chiến công. Anh nghỉ phép ghé thăm người em gái nhỏ, tiếng hát hậu phương đã làm anh xao xuyến? hay tiếng hát hôm nào? Làm rung động trái tim anh?...”
“(Vào vọng cổ câu 5) Thế rồi giông tố nổi lên dòng đời nghiệt ngã. Anh bị tù giam suốt mười mấy năm trời. Em làm thiếu phụ nuôi con trông ngóng tin chồng. Cuộc đời đảo điên trải nhiều sóng gió. Nhưng cũng không làm tơi tả cánh hóa xuân. Chức nữ Ngưu Lang chia cách 3 năm, mà lã chã giọt sầu giọt thảm. Huống chi em hơn mười năm chờ đợi, tích đá vọng phu, cũng đau xót ngậm ngùi (Trích bài “Nỗi lòng người vợ trẻ”)
“Trước đỉnh trầm hương, trước bàn thờ lễ giỗ. Thắp ba nén nhang tôi thành tâm khấn nguyện. Vong hồn cô có hiển linh xin về đây chứng tri cho toàn thể nghệ nhân với tất cả tấm chân tình. Tưởng nhớ Thanh Nga, một nghệ sĩ đa tài, đức độ hiền lương, nói năng nhỏ nhẹ, trai gái trẻ già đều mến mộ thương cô, cô mất lâu rồi mà cứ ngỡ trong mơ, Thái hậu Dương Vân Nga, Mê Linh tiếng trống, Sân khấu về khuya, Nửa đời hương phấn, làm sáng danh cô cho đến muôn đời (xề)….” (Trích bài “Thương tiếc Thanh Nga”)
“(Nói lối) Quê tôi đẹp lắm Bình Dương. Dòng sông uốn khúc hàng dừa lượn quanh. Lúa vàng trĩu nặng quằn bông. Bốn mùa hoa trái nẩy mầm xanh tươi...
”(Vọng cổ câu 6)... Hò hơ! Con đi cách biệt quê nhà. Về thăm quê mẹàờà Hò hơ! Về thăm quê mẹ... mẹ thời còn đâu. Gió chiều lay động hàng cau như trĩu nặng tâm hồn người xa xứ. Văng vẳng bên tai tiếng sáo hòa muôn điệu, như khúc nhạc đồng quê chan chứa ân tình (xề)…” (Trích bài “Đẹp lắm quê tôi”).
Lời ca điệu hát là tâm hồn của người sáng tạo ra nó. Người nghe những sáng tác của chị là đã tiến gần thêm một bước với tiếng lòng thổn thức mà chị muốn giãi bày. Cái khối tình quê mộc mạc, chân chất, phóng khoáng và rất đỗi nên thơ như được chưng cất trong mỗi bản nhạc, đem lại nhiều xúc động cho người hát, người nghe.
Chị nói, “Tôi thường đưa vào những thể điệu quê nhà như Lý Qua Cầu, Lý Chim Xanh, Trăng Thu dạ khúc, Nam Ai, Lý Con Sáo... vì những thể điệu đó thấm tình quê hương, làm cho những người con xa quê luôn nhớ đến cội nguồn. Qua những sáng tác của mình, tôi muốn nhắn gởi đến con cháu của tôi, và những bạn trẻ gốc Việt, dù mình ở đâu, cũng hãy nhớ đến nguồn gốc ông bà, cha mẹ tạo mình ra.”
Chị cho biết gia tài sáng tác của chị hiện nay có khoảng 86 bài (riêng về điệu lý đã có hơn 30 bài. Những bài vọng cổ ca dơn, song ca, tân cổ giao duyên... thì có hơn 40 bài). Dẫu chưa phải là nhiều, nhưng “đứa con tinh thần” nào của chị sinh ra, cũng đều được chị chăm chút cẩn thận. Chính những cảm xúc rất thật từ sâu trong tâm khảm, qua những làn điệu cải lương trong các sáng tác của chị, người viết tin là bất cứ ai nếu còn chứa đựng trong tim mình hình ảnh một miền quê dễ gần, người miền Nam đôn hậu... thì chắc chắn sẽ không thể nào không rung cảm khi nghe những sáng tác của chị.
Chị bảo rằng, chị vẫn tiếp tục sáng tác, bởi chị biết cũng như những người trót mang “nghiệp” sáng tác vào mình, “Viết là phơi bày cả gan ruột, khổ lắm, nhưng không viết thì càng khổ hơn.” Chị ước mong sẽ góp thêm đôi tay của mình cùng những nghệ sĩ tâm huyết khác vào việc gìn giữ nghệ thuật cải lương nơi hải ngoại, và mong rằng những sáng tác của mình sẽ góp phần làm giàu thêm những sáng tác mới, đặc sắc, phong phú cho những bài vọng cổ, tân cổ trong những sinh hoạt đờn ca tài tử ở nơi này. (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT