Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Nghệ sĩ Ngọc Đáng, người nghệ sĩ đa năng của sân khấu cải lương

Friday, 04/12/2015 - 08:54:26

Bà là con gái của cặp đôi nghệ sĩ tài hoa Tư Minh – Ngọc Xứng nổi tiếng trên sân khấu cải lương tuồng cổ các đoàn Phụng Hảo, Tấn Thành, Khánh Hồng cách đây hơn nửa thế kỷ.

Bài BĂNG HUYỀN

Nghệ sĩ Ngọc Đáng là một trong 5 nữ tướng của sân khấu cải lương tuồng cổ tại Việt Nam trước đây, bao gồm Xuân Yến- Thanh Loan- Thanh Thế- Bạch Lê và Ngọc Đáng.
Bà là con gái của cặp đôi nghệ sĩ tài hoa Tư Minh – Ngọc Xứng nổi tiếng trên sân khấu cải lương tuồng cổ các đoàn Phụng Hảo, Tấn Thành, Khánh Hồng cách đây hơn nửa thế kỷ.

Thành công từ những vai diễn

Kể lại kỷ niệm của ngày mới vào nghề, nghệ sĩ Ngọc Đáng cho biết bà được ba mẹ dạy nghề hát từ năm 13 tuổi. Với tình yêu dành cho nghề hát và ước mong nối nghiệp cha mẹ, làm rạnh danh dòng họ, năm 15 tuổi bà đã gia nhập đoàn Kim Mai- Thanh Bình. Trên sàn diễn này bà bắt đầu hóa thân vào sở trường đa dạng, từ các vở hương xa, cho đến các tuồng kiếm hiệp, tâm lý xã hội…

Nghệ sĩ Ngọc Đáng trong vai hoàng hậu Thượng Dương cùng nghệ sĩ Hương Huyền trong vai Gián điệp Vệ Uông đang bày mưu tính kế với Hoàng Hậu Thượng Dương về việc mưu hại Thái Úy Lý Thường Kiệt trong vở cải lương tuồng cổ Câu Thơ Yên Ngựa (kịch bản của Hoàng Yến-Ngọc Văn-Thanh Tòng). (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Khán giả đã từng xem nghệ sĩ Ngọc Đáng diễn cải lương Hồ Quảng, cải lương tuồng cổ, không thể quên được lối diễn có chiều sâu, động tác vũ đạo điêu luyện với các màn: chạy gối, múa gươm loạn trào… qua hàng loạt vai diễn rất đa dạng, từ đào võ, đào thương: Mạnh Lệ Quân, Đào Tam Xuân, Lưu Kim Đính, Tiêu Anh Phụng, Lý Thần Phi, Bàng Quí Phi, Bùi Thị Xuân... hay vai Hoàng Hậu Thượng Dương rất đáo để với sự thâm độc và âm mưu, trong vở Câu Thơ Yên Ngựa do nghệ sĩ Phượng Liên thực hiện, trình diễn tại Quận Cam vào ngày 23-10-2011 tại rạp Saigon Performing Arts Center, Fountain Valley trước đây, là vở diễn đã đem lại nhiều xúc động cho khán giả ngay thời điểm bấy giờ (năm 2011) trước tình hình Biển Đông của Việt Nam đang bị Trung Quốc hăm he xâm chiếm.

Nghệ sĩ Ngọc Đáng trong vai mẹ nuôi của Thanh và nghệ sĩ nghệ sĩ Tuấn Phong (Vai Vịnh) trong trích đoạn Hòn Vọng Phu. (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Nhắc lại một vài vai “để đời” của mình, như vai nữ tướng Bùi Thị Xuân, kịch bản do soạn giả Nhị Kiều (vợ của nghệ sĩ Tám Vân) thực hiện, nghệ sĩ Tám Vân làm đạo diễn, nghệ sĩ Ngọc Đáng kể: “Kịch bản của thím Tám Vân (soạn giả Nhị Kiều) có chi tiết hư cấu tình yêu của nữ tướng Bùi Thị Xuân với Nguyễn Huệ. Nhưng Thái phó Trần Quang Diệu yêu nữ tướng Bùi Thị Xuân. Bà đã chấp nhận ưng Trần Quang Diệu, để Nguyễn Huệ ra Thăng Long cưới công chúa Ngọc Hân.

“Tôi rất yêu lời văn và nhân vật trong kịch bản này, ngoài hướng dẫn cách ca, diễn mà bác Tám Vân chỉ dạy, tôi có sáng tạo thêm nét diễn cho nhân vật, qua lớp diễn Vua Quang Trung đứng ra tác hôn cho nữ tướng Bùi Thị Xuân và thái phó Thần Quang Diệu trước khi lên đường ra thành Thăng Long. Tôi chỉ khóc một con mắt với mối tình đơn phương khi nhìn vua Quang Trung, và con mắt còn lại tươi cười dành cho thái phó Trần Quang Diệu.”

“Hay vai Trần Bá Mẫu (mẹ của danh tướng Trần Nguyên Hãn trong vở Rừng Thần) đã bị tướng Tàu bắt, kêu bà khuyên con đầu hàng. Nhưng bà đã quyết định tuẩn tiết, để con bà sôi sục khí thế để vững vàng đánh giặc. Vai diễn này đã giúp tôi đọat huy chương vàng trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1982.”

Nghệ sĩ Ngọc Đáng trong vai Nhung vợ của tướng cướp Bạch Hải Đường và nghệ sĩ Calvin Hiệp (vai Hai Cang, nhân tình của Nhung) trong vở cải lương tướng cướp Bạch Hải Đường do đoàn cải lương Tân Dạ Lý thực hiện. (Băng Huyền/ Viễn Đông)


“Hoặc với vở cải lương xứ án Bàng Quí Phi, lớp diễn Bàng Quý Phi bị Bao Công xử tội, nhà vua Tống Nhân Tông phải cầm bút phê vào cáo trạng giết quí phi của mình. Tôi phải thể hiện đoạn chạy gối, hai tay chắp phía trước, miệng hát, nước mắt nhạt nhòa. Tôi luôn biết ơn những cơ hội được hóa thân vào những vai diễn hay trên sân khấu và được khán giả yêu thương, khen ngợi. Vì nghề hát không bao giờ như ý mình. Có người hát mãi một vai tuồng cũng không làm người xem yêu thích, có người chỉ mới thế vai một đêm đã sáng rực trên bầu trời nghệ thuật. Mà những người trong nghề hát của chúng tôi thường gọi là được Tổ đãi.”

Nghệ sĩ Ngọc Đáng cho biết, vì được sinh ra và lớn lên trong đoàn hát, nên từ thưở nhỏ, hàng đêm ngồi trong cánh gà theo dõi cha mẹ và các cô chú diễn, từng bộ, từng điệu, từng động tác vũ đạo của cải lương đã ngấm vào bà từ lúc nào không hay.

Năm 13 tuổi, nghệ sĩ Ngọc Đáng được cha mẹ cho theo đoàn đồng ấu Minh Tơ trau dồi khả năng. Sau một thời gian, bà theo học căn bản ở Trường Quốc gia âm nhạc. Năm 15 tuổi, bà trở thành gương mặt trẻ sáng giá của đoàn Thanh Bình – Kim Mai. Năm 1973, bà về đoàn Minh Tơ được đàn anh Thanh Tòng dìu dắt, truyền dạy thêm nhiều kinh nghiệm.

Sau năm 1975, nghệ sĩ Ngọc Đáng cùng nghệ sĩ Vũ Linh rất thành công trên sân khấu đoàn cải lương tuồng cổ Khánh Hồng – An Giang. Những năm 80, bà “phiêu bạt” khắp các tỉnh cùng các đoàn: Nha Trang, Lâm Đồng, Sông Tiền, mãi đến cuối năm 1990, mới quay trở lại đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ ở Sài Gòn.


 
Nghệ sĩ Ngọc Đáng trong vai hoàng hậu Thượng Dương cùng nghệ sĩ Phượng Liên trong vai Thái Hậu Ỷ Lan trong vở cải lương tuồng cổ Câu Thơ Yên Ngựa. (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Nghệ sĩ Ngọc Đáng tâm sự: “Đi với đoàn Minh Tơ, tôi nhớ hoài câu nói của cậu ba Tơ [nghệ sĩ Minh Tơ]: Đoàn hát này là cái trường. Người trước hát sao, người sau hát vậy.

“Ví dụ đêm đó hát vở Phụng Nghi Đình. Có bốn nghệ sĩ vào vai Điêu Thuyền, người thì hát vai Điêu Thuyền bái nguyệt, nghệ sĩ khác diễn cảnh Điêu Thuyền Hý Lữ Bố, đục tường. Một nghệ sĩ khác trong vai Điêu Thuyền Yến Đổng Trác. Màn chót là Phụng Nghi Đình.

 “Cậu ba Tơ yêu cầu các nghệ sĩ phải luôn xem bạn diễn của mình diễn xuất ra sao, để học nét ca, diễn, sáng tạo của nghệ sĩ đó.”

 “Dù mình đã hết vai rồi, vẫn ngồi lại xem bạn diễn để học. Nếu bỏ về trước, hôm sau cậu ba Tơ sẽ cho nghệ sĩ về sớm hôm trước đóng vai Điêu Thuyền màn tiếp theo, nếu diễn không được, thì sẽ bị phạt nặng.”

“Các nghệ sĩ trong đoàn còn phải luân phiên nhau khi thì nữ hát vai nam, nam hát vai nữ, để các nghệ sĩ có thể hóa thân đa dạng qua các nhân vật. Trong cuộc đời đi hát của tôi, được đi đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ, là thời gian tôi học hỏi rất nhiều trong nghề nghiệp. Và hai nghệ sĩ mà tôi ngưỡng mộ nhất trong cuộc đời đi hát của mình, là nghệ sĩ Xuân Yến và nghệ sĩ Thanh Tòng. Đặc biệt nghệ sĩ Thanh Tòng, vừa là người anh, người thầy chỉ dạy cho tôi từng nét ca, diễn rất tận tình.”

Không chỉ diễn thành công những vai diễn trên sân khấu cải lương tuồng cổ, Hồ Quảng, nghệ sĩ Ngọc Đáng khi hát tuồng xã hội thì thật sự “sống” với các nhân vật tuồng xã hội, không có chút nào pha lẫn nghệ thuật hát cải lương tuồng cổ hay Hồ Quảng. Những năm gần đây bà thường xuất hiện đều đặn trên chương trình cổ nhạc Phương Nam cùng với nghệ sĩ lão thành Văn Chung và nghệ sĩ Tuấn Châu.
Chương trình này trước đây phát hình trên đài truyền hình VHN, sau đó chuyển sang phát trên đài KVLA, và hiện nay đang phát live vào mỗi tối thứ Hai trên đài truyền hình SBTN, và phát lại vào tối thứ Bảy trên đài SET. Bà cũng thường tham gia những vai diễn do đoàn cải lương Tân Dạ Lý (do nghệ sĩ Tuấn Châu làm bầu) thực hiện và cộng tác trong nhiều chương trình khác. Bản thân bà không từ chối vai diễn nào, dù đó chỉ là một vai phụ, xuất hiện ngắn bà cũng nhận lời.

Nghệ sĩ Ngọc Đáng trong vai người mẹ, nghệ sĩ Bảo Quốc trong vai người cha của The (ông Sáu Khó) trong trích đoạn cải lương Nửa Đời Hương Phấn (Soạn giả Hà Triều- Hoa Phượng). (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Nghệ sĩ Ngọc Đáng tâm sự, “Yếu tố quyết định cho thành công của một người nghệ sĩ là lòng yêu nghề. Đã dấn thân theo con đường nghệ thuật thì đừng sợ khó, đừng phân biệt vai lớn, vai nhỏ mà phải cố gắng hoàn thành tốt nhất vai diễn của mình. Cậu ba Tơ từng dạy tôi rằng, người nghệ sĩ phải yêu vai diễn, diễn đa dạng các loại vai. Yêu vai không có nghĩa là chỉ chăm chăm vào vai đẹp, vai chính, đôi khi phải chịu xấu, phải chấp nhận làm nhân vật phụ.”

Bà chia sẻ thêm, “Nghệ thuật cải lương hay lắm, tuồng cổ hay xã hội đều có cái hay riêng. Cải lương tuồng cổ kỹ thuật diễn rất quan trọng. Mỗi lời nói, mỗi cách nhấn nhá, mỗi nét mặt, mỗi cái liếc mắt, đảo tròng mắt, mỗi cái phẩy tay đã là một tâm trạng, một sắc thái biểu cảm khác nhau. Khi diễn tuồng cổ bộ tịch phải chuẩn, lời ca, động tác vũ đạo phải có sự hòa nhịp để bật lên tâm trạng nhân vật. Còn các tuồng xã hội thì gần gũi và thật như cuộc đời nên có sao diễn vậy. Không cần cường điệu như hát tuồng cổ, chỉ cần hát thật, khóc thật, sống với cảm xúc thật là đã thể hiện được trọn vẹn một nhân vật trong tuồng xã hội.”

Trăn trở và khát vọng

Trăn trở trước những khó khăn mà nghệ sĩ cải lương hải ngoại đang đối diện, nghệ sĩ Ngọc Đáng nói, “Ngày xưa, khi còn ở trong nước, vì không có nhiều loại hình giải trí, nên cải lương được ưa chuộng, đào kép hát thời đó có nhiều đoàn, nhiều sàn diễn nên cọ xát nghề nghiệp như ngọc càng mài càng sáng. Nghệ sĩ giữ giọng hát thì cũng chẳng có bí quyết gì, giống như kiểu văn ôn võ luyện, càng hát càng ra hơi.

“Vũ đạo cũng vậy, luyện tập để diễn hằng đêm, nên rất nhịp nhàng. Nhờ một vở hát diễn được nhiều đêm, hôm nay mình hát chưa hay, ngày mai hát lại. Nhưng tại hải ngoại này, một kịch bản tập luyện công phu, chỉ diễn được một xuất rồi thôi.

“Nếu sau đêm diễn, về ôn lại, nhận thấy đoạn diễn đó mình có thể sáng tạo thêm để diễn hay hơn, nhưng đâu còn cơ hội nữa. Căn bản nghệ thuật có, nhưng nếu không luyện tập hằng ngày. Thời gian bị đứt đoạn sân khấu làm cho người nghệ sĩ hải ngoại bị thua thiệt rất nhiều.”

Nghệ sĩ Ngọc Đáng thiết tha nhắn gửi: “Là nghệ sĩ, đã trót ăn cơm tổ, chúng tôi luôn ước mong duy trì và gìn giữ bộ môn cải lương, nhất là cải lương tuồng cổ. Nghệ sĩ luôn muốn giữ ngọn lửa nghề luôn cháy mãi, nhưng ai là người đốt lửa, thưa, đó chính là quý khán giả.

“Mong sao công sức anh chị em nghệ sĩ tập luyện để có những vở diễn hay đưa lên sân khấu, sẽ luôn được khán giả ủng hộ. Nếu khán giả ủng hộ, thì nghệ sĩ mới có tinh thần mà ca hay, diễn giỏi. Rất mong khán giả đừng quay lưng với nghệ sĩ và nghệ thuật cải lương, là nghệ thuật rất độc đáo của dân tộc Việt Nam.”
(bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT