Phóng Sự

Người Việt trong nghề giáo tại quận Cam (kỳ 7)

Sunday, 29/03/2015 - 09:36:48

Giống như giáo viên tiểu học, giáo viên dạy trung học cũng phải học để lấy Teaching Credentials và đi thực tập (gọi là Student Teaching) tại trường học để học hỏi từ các giáo viên có kinh nghiệm.

Bài BĂNG HUYỀN

Giáo viên dạy trung học

Ở Hoa Kỳ không có trường chuyên đào tạo giáo viên như tại Việt Nam (ở Việt Nam có Đại Học Sư Phạm, Cao Đẳng Sư Phạm). Cũng như giáo viên dạy tiểu học, muốn trở thành giáo viên dạy trung học (từ lớp 9 đến lớp 12), thầy cô giáo tương lai phải có bằng Cử Nhân của môn chuyên biệt sẽ dạy và phải học những lớp căn bản để làm thầy cô giáo tương lai và phải đi thực tập. Nếu với các giáo viên dạy tiểu học (từ Mẫu giáo đến lớp 6) phải dạy rất nhiều môn trong lớp học, dạy tất cả các môn chính (trường tiểu học nào có ngân quỹ bảo trợ thì sẽ thuê thêm các giáo viên dạy các môn phụ như Hội Họa và Âm Nhạc.), thì các giáo viên dạy tại các trường trung học cơ sở (middle school hay còn gọi là junior high school, từ lớp 7 đến lớp 8) và giáo viên dạy trung học phổ thông (High School, từ lớp 9 đến lớp 12) thì mỗi giáo viên chỉ dạy một môn.

Thầy Khang Bảo



Giống như giáo viên tiểu học, giáo viên dạy trung học cũng phải học để lấy Teaching Credentials và đi thực tập (gọi là Student Teaching) tại trường học để học hỏi từ các giáo viên có kinh nghiệm. Thường trong một ngày, người giáo viên tương lai được trường đại học phân đến một trường trung học để thực tập việc dạy, người đó phải dạy 2 lớp (môn học chuyên biệt của người giáo viên đó như toán, khoa học, lịch sử) của 2 giáo viên khác nhau trong trường, sau đó về lại trường đại học để học tiếp ngay trong ngày hôm đó.
Việc thực tập dạy học này kết hợp với việc học tại trường đại học sẽ diễn ra mỗi ngày trong thời gian thực tập. Nhưng trước khi vào học để lấy Teaching Credentials, người đó phải thi đậu các bài test của tiểu bang. Với giáo viên dạy trung học, phần thi Single Subject chi co 2 bai thi (CBEST, CSET). CBEST (California Basic Educational Skills Test) dành cho những thầy cô giáo tương lai, gồm toán, văn, đọc hiểu, viết 2 bài luận), CSET (gồm môn khoa học, toán).

Thầy Khang Bảo trường trung học Westminster (học khu Hungtington Beach)

Thầy Khang Bảo, giáo viên dạy môn Khoa Học tại trường trung học Westminster (học khu Hungtington Beach) kể về cơ duyên đến với nghề giáo của mình, thầy đến Hoa Kỳ định cư lúc 10 tuổi cùng gia đình theo diện H.O của bố, từng là học sinh trung học từ lớp 9 đến lớp 12 tại trường Westminster high school. Ước mơ ban đầu của thầy là trở thành bác sĩ nhi khoa, sau khi học xong trung học, thầy học Biology tại UCI 4 năm, sau đó nộp đơn vào trường y chuyên khoa, nhưng những trường gần tại Nam California thì không nhận, mà chỉ được những trường ở các tiểu bang xa nhận. Vì muốn cơ hội nộp đơn lần 2 ở các trường gần nhà, nên trong thời gian đợi nộp đơn, thầy nghe người bạn cho biết đã có bằng cử nhân thì chỉ cần học thêm 1 năm nữa để thi lấy bằng dạy học, nên đã học tiếp tại UCI 1 năm nữa và đi thực tập vào năm 2010. Khi đó được phân về thực tập tại trường trung học Westminster mà thầy từng học.
Lúc đi thực tập, thầy Khang Bảo chỉ nghỉ là có thêm bằng này để bổ sung vào hồ sơ nộp vào trường đại học chuyên khoa để học tiếp vào ngành Y. Nhưng đến khi đi thực tập, thầy Khang mới nhận ra là mình yêu thích công việc dạy học vô cùng, vì trong khi dạy, thầy còn để ý đến thời gian trôi qua nữa. May sao thời gian đó trường Westminster có nhu cầu tuyển giáo viên dạy môn Khoa học tổng quát, đã đồng ý nhận thầy Khang Bảo là giáo viên bán thời gian trong 1 năm, sau đó niên học 2011-2012 thầy được dạy toàn thời gian luôn cho đến nay. Vì thấy bản thân yêu thích công việc dạy học, nên quyết định gắn bó với nghề giáo mà không tiếp tục đeo đuổi việc học trở thành bác sĩ Nhi khoa nữa.
Thầy Khang Bảo tâm sự rằng để trở thành một giáo viên không chỉ nắm vững các kĩ năng về giao tiếp với học sinh, với phụ huynh, với đồng nghiệp, kĩ năng giải quyết các tình huống sư phạm, kĩ năng đánh giá, thu thập và xử lí thông tin trong giáo dục, mà còn phải biết sử dụng các phương pháp lên lớp một cách linh hoạt, đa dạng, lúc nào thì đọc chép, lúc nào thì thuyết trình, lúc nào thì tổ chức làm việc theo nhóm...
Theo thầy Khang Bảo, nhà trường là nơi dạy người, mà dạy người thì không chỉ có dạy chữ, dạy kiến thức. Vì vậy cái giỏi của người thầy cô giáo không chỉ thể hiện ở việc nắm vững phương pháp và kĩ năng truyền thụ tri thức mà còn ở năng lực giáo dục, khả năng giúp học sinh hình thành nên một con người có văn hóa, có lòng nhân ái, trung thực, có ý chí vươn lên. Năng lực giáo dục là một yêu cầu rất khó với thầy cô giáo. Ở đây vừa đòi hỏi những kĩ năng sư phạm trong việc giáo dục, những hiểu biết về tâm lí học sinh... Đó là chưa nói đến tấm lòng yêu thương học sinh. Không có cái tâm, lòng yêu thương ấy, dù khéo léo đến đâu, thầy giáo cũng khó cảm hóa được học trò, nhất là trong trường hợp gặp những học sinh cá biệt.

Những môn học trong trường trung học

Thầy Khang Bảo cho biết mỗi giáo viên có một lớp học, và đây là cơ ngơi riêng của họ, trong đó họ bày trí, sắp xếp làm sao để việc học đạt kết quả cao. Học sinh đổi giờ đến lớp khác. Giáo viên dạy toàn thời gian trong trường trung học mỗi ngày trung bình dạy 5 tiết học (mỗi lớp học dài khoảng 55 phút), các lớp học nguyên năm như: Anh văn, các lớp AP..., các lớp chỉ học 1 khoá là xong như: US History, art, PE, electives...Chương trình và cách giảng dạy ở trung học giống như trên đại học, vì vậy học sinh học xong lớp thấp, thì mới được phép học lớp cao hơn.
Ở Mỹ không có học sinh bị ở lại lớp như tại Việt Nam, học sinh nào nếu không qua được kỳ thi môn nào thì năm sau phải học lại môn đó. Do đó thời gian tích lũy tín chỉ sẽ chậm hơn (học sinh đó trong năm sau có thể phải lấy thêm môn hoặc phải học thêm vào dịp hè). Vì vậy trong các lớp học luôn có học sinh lớp 9 và lớp 12 học chung một lớp là chuyện bình thường.
Các em học lớp 9 hay lớp 12, không có gì quan trọng, phải lấy đủ tín chỉ thì mới được ra trường. Với cách tổ chức này, những học sinh xuất sắc có thể hoàn thành đủ tín chỉ sớm hơn, sau đó có thể chọn học các môn của chương trình đại học để khi lên đại học sẽ không phải học lại môn này nữa. Các học sinh mỗi năm học phải học từ 6 - 7 môn, trong đó có 2/3 là các môn bắt buộc và 1/3 là các môn tự chọn.
Vì trình độ khác nhau và mỗi em có sự lựa chọn khác nhau về môn học, nên ở Mỹ không có khái niệm lớp cụ thể. Do vậy đến giờ học mỗi em đến một phòng khác nhau, tùy theo môn mình ghi danh. Tuỳ theo yêu cầu của mỗi tiểu bang, học khu và mỗi trường, học sinh đó phải hoàn tất từ 18 tới 38 tín chỉ. Học sinh lấy đủ tín chỉ và qua được bài thi "High school exit exam" thì sẽ được cấp bằng tốt nghiệp.
Riêng về những môn học bắt buột các học sinh trung học phải học đủ tín chỉ thì mới có bằng tốt nghiệp trung học, thầy Khang Bảo cho biết đây cũng là những bộ môn thường được những ai muốn trở thành giáo viên dạy trung học theo học để lấy bằng đi dạy:
Môn English (Anh văn) gồm Anh ngữ Journalism, public speaking-debate, foreign language, literature, drama, writing. Đây là môn học bắt buộc học sinh học mỗi năm.
Học sinh phải học đủ 4 năm (4 tín chỉ (credit/unit). Riêng với những học sinh là người di dân mới đến định cư Hoa Kỳ khi vào tuổi học trung học, do chưa đủ trình độ Anh ngữ theo học những lớp Anh văn bình thường dành cho học sinh lưu loát tiếng Anh, nên rất nhiều trường trung học có chương trình English as a Second Language (Anh ngữ như một ngôn ngữ thứ hai) ESL. Trình độ Anh ngữ của các học sinh phải ở mức trung bình (Intermediate level). Nếu các lớp ESL dưới mức này không được tính tín chỉ.
Môn Mathematic (Toán) 3 năm (3 tín chỉ), học sinh phải học Algebra 1, algebra 2, và geometry là bắt buộc với những em nào chỉ muốn học xong trung học, rồi vào học cao đẳng cộng đồng để học 1 nghề gì đó để đi làm. Còn những học sinh nào muốn tiếp tục lên đại học, ngoài những lớp trên, bắt buộc phải học thêm lớp Precalculus. Có học lớp này thì lên đại học mới được phép lấy lớp calculus.
Môn Science (Khoa học) 2 lớp có lab 3 năm (3 tín chỉ), học sinh được tự do lựa chọn miễn sao có 2 lớp có giờ thí nghiệm là được, gồm các môn: Biology, physics, chemistry, geology, anatomy, astronomy, health science, environmental science, and forensic science.
Môn Social Studies (xã hội học) 3 năm (3 tín chỉ), những lớp sẽ được tính cho môn social study gồm có U.S History, World History, U.S Government, Economics, Accounting, Business Law, Sociology, Psychology và Criminology. Học sinh chỉ cần lấy 3 lớp trogn số những lớp trên là xem như đã học xong môn Social Studies và muốn học từ lớp 9 hay lớp 12 tùy ý, miễn sao đủ 3 tín chỉ là xong.
Môn Visual Art (Nghệ thuật) 1 năm (1 tín chỉ)
Môn Foreign language (ngoại ngữ) 2 năm (2 tín chỉ)
Ngoài những lớp học bắt buột trên, học sinh trung học còn được tự chọn theo sở thích những môn học như
Fitness/ physical education PE học 1 năm rưỡi (1.5 tín chỉ)
Health science học nửa năm (0.5 tín chỉ)
Occupational education học 1 năm (1 tín chỉ)
Career concentration học 2 năm (2 tín chỉ)
Visual Art (thêm) học 1 năm (1 tín chỉ)
Electives (các lớp tự chọn) học 4 năm (2 – 8 tín chỉ)
(còn tiếp)
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT