Người Việt Khắp Nơi

Nguyễn Duy kể lại cảnh hỗn loạn trong vụ Amtrak trật đường rầy

Tuesday, 19/05/2015 - 08:34:15

Nguyễn Duy, 39 tuổi, ngụ tại Teaneck, bắc Jersey, đang nói chuyện với vợ bằng điện thoại di động thì thảm họa xảy ra cho chuyến tàu Amtrak Northeast Regional Train 188. “Chiếc máy điện thoại văng đi.” Ông kể lại như vậy với tờ Record hôm Chủ Nhật từ nhà của ông.

Giáo sư Duy trong bức hình của AP được đăng đêm thứ Ba, 12 tháng Năm, và từ nơi xa, các bạn đã nhận ra ông và liên lạc để tìm hiểu.


PHILADELPHIA – Một trong hơn 200 người bị thương trong vụ xe lửa Amtrak bị trật đường rầy trong tuần qua là một giáo sư Mỹ gốc Việt. Vài tờ báo địa phương và đài truyền hình quốc gia đã viết tin về giáo sư này. Sau đây là bản tin được viết lại từ một bài báo đăng trên mạng New Jersey Record ngày Chủ Nhật vừa qua.
Thỉnh thoảng ông Nguyễn Duy đi xe lửa đến trường đại học Temple University ở Philadelphia, nơi ông là một giáo sư phụ khảo. Nhưng vào tối thứ Ba tuần qua, 12 tháng 5, 2015, ông đi xe lửa trở về New Jersey không phải từ Philadelphia, mà là từ Washington, D.C., nơi ông đã tham dự một hội nghị thượng đỉnh tại Tòa Bạch Ốc trong ngày hôm đó.
Nguyễn Duy, 39 tuổi, ngụ tại Teaneck, bắc Jersey, đang nói chuyện với vợ bằng điện thoại di động thì thảm họa xảy ra cho chuyến tàu Amtrak Northeast Regional Train 188. “Chiếc máy điện thoại văng đi.” Ông kể lại như vậy với tờ Record hôm Chủ Nhật từ nhà của ông.
Duy cho biết ông đã cảm thấy đoàn tàu nghiêng đi một cách khác thường, nhưng ông không lường trước được chuyện gì sắp xảy ra. Tàu chạy với tốc độ chừng 106 dặm một giờ, và gặp tai nạn ở Philadelphia. Tám hành khách thiệt mạng và hơn 200 người bị thương.
Nguyễn Duy nói, “Tôi bị văng qua lối đi, sang dãy ghế bên phải. Các ghế đều long ra. Những tấm đệm bay lung tung. Tôi biết rằng lưng tôi và hai chân của tôi bị thương.”
Ông bị một vết rách sâu trên đầu, chảy máu, và biết rằng ông phải ra khỏi tàu.
Ông nói, “Tôi đang ngồi trong toa cuối cùng của đoàn tàu về phía sau, vì vậy tôi thoát được ra khỏi tàu khá nhanh. Nhờ may mắn, đó cũng là đoạn mà các cảnh sát viên Philadelphia cắt qua và tìm đến tôi khá sớm. Tôi nghĩ rằng tôi là một trong những người đầu tiên được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Temple University Hospital.”
Sau khi ra khỏi tàu, ông Duy mượn một chiếc điện thoại di động và gọi cho vợ ông là bà Amy Dwyer, 38 tuổi. Ông nói cho bà biết rằng ông đã thoát chết. Ông bị khâu tám mũi trên đầu, và bị gãy ba đốt xương sống. Ông ra khỏi bệnh viện vào hôm thứ Tư tuần qua.
Từ tháng Tám năm ngoái, ông Duy là một giáo sư phụ khảo tại Trường Công Tác Xã Hội thuộc đại học Temple. Ông đã được chú ý sau khi hình ảnh ông trong tai họa được phổ biến. Bạn bè và những người cộng sự ở nơi xa xôi như Texas đã thấy một tấm ảnh thê thảm của ông, do hãng tin AP chụp tại hiện trường tai nạn, và họ liên lạc với ông. Nguyễn Duy kể, “Nhiều người đã nhìn thấy bức ảnh AP chụp cảnh tôi được hai nhân viên cảnh sát Philadelphia giúp đỡ, và tôi đang chảy máu đầm đìa từ trên đầu.”
Ông cũng đã được xướng ngôn viên Anderson Cooper phỏng vấn trên đài CNN.
Bình thường thì ông Duy lái xe tới sở làm ở trường Temple, hoặc đi xe lửa đến Philadelphia từ trạm Metropark ở Iselin. Đó là đích ông đến vào hôm thứ Ba tuần qua. Hôm thứ Hai, ông đi Washington và ở lại qua đêm, để tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Tòa Bạch Ốc đầu tiên về những người Mỹ Gốc Á Châu và Các Đảo Thái Bình Dương vào sáng thứ Ba.
Cha mẹ ông là người tị nạn Việt Nam. Nguyễn Duy sinh ra trong vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Trong lãnh vực nghiên cứu, ông cần tìm cách giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần của những cao niên Mỹ gốc Á Châu.
Vì các tai nạn gây chết xảy ra mới đây, một số hành khách chọn ngồi trong các toa xe lửa ở giữa hoặc ở cuối, trong trường hợp xảy ra tai nạn. Trong trường hợp của Nguyễn Duy, ông đã ngồi ở toa cuối của chuyến tàu Train 188 không phải là do một quyết định có ý thức về sự an toàn.
Ông nói, “Lý do tôi ngồi ở toa cuối cùng là vì đó là cách thức đoàn tàu rời khỏi Washington. Khi bạn bước qua cổng ở nhà ga Union Station, toa cuối nằm ngay ở đó.”
Vợ chồng Nguyễn Duy có một con trai 10 tuổi và một con gái 6 tuổi. Ông và vợ ông đang nói chuyện về những vấn đề đời thường thì tai nạn xảy ra. Ông đã không biết rằng đoàn tàu chạy quá nhanh, và đó chính là điều mà các nhà điều tra nói là đã xảy ra.
Ông nói với báo Record, “Điều mà tôi nhận thấy là độ nghiêng của tàu, độ dốc của đoàn tàu này. Nó đã nghiêng về bên phải nhiều hơn một chút so với mức mà tôi chắc chắn đã thấy.”
Duy cho biết khi ông ra khỏi xe lửa, ông thấy có những người thiệt mạng. Ông nói, “Tôi có thể nhìn thấy, và tôi tự nhủ có những người đã chết trong đó. Tôi không chắc là bao nhiêu người.”
Cảnh sát viên Andy Chan của Philadelphia gọi tới nhà của ông Duy, để nói rằng ông đang trên đường tới phòng cấp cứu của bệnh viện Temple. Cũng vào lúc đó, vợ của ông đang đi trên đường, sau khi sắp xếp nhờ một bạn của gia đình trông coi con cái của họ. Bà lái xe đến nhà của chị mình ở Fords, và họ đi đến Philadelphia, theo ông Duy kể lại.
Giáo sư này nhìn nhận rằng tai nạn còn ám ảnh tâm tư ông và cũng để lại sự thiệt hại về thể xác.
Duy cho biết gia đình ông có sinh hoạt với Liên Đoàn Túc Cầu Thiếu Niên Teaneck, và ông đã có mặt ở một trận đấu vào ngày Chủ nhật vừa qua tại Milton A. Votee Park. Khu công viên này nằm bên cạnh một đường rầy xe lửa CSX, và một trong những đoàn tàu đã chạy qua, dừng lại tại một tín hiệu, sau đó chạy tiếp.
Ông Duy nói, “Chỉ nghe toa tàu dừng lại và tiếng kêu của những chỗ nối toa, tôi nhìn bạn tôi và nói, Những âm thanh kỳ lạ đó sẽ còn ở lại với tôi trong một thời gian lâu. ”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT