Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Nhạc xưa và những tiếng hát trẻ

Băng Huyền/Viễn Đông Wednesday, 09/11/2011 - 11:45:22

Theo lời cô giáo trẻ dạy Việt ngữ của Viện Việt Học, Jenny Trần cho biết, Jenny đến Mỹ từ lúc 9 tuổi. Vì từ nhỏ trong nhà, ba mẹ luôn luôn nghe nhạc tiền chiến, tân nhạc Việt Nam

Băng Huyền/Viễn Đông


Jenny Trần trong nhạc khúc Thu ca (Phạm Mạnh Cương) trong đêm nhạc Tiếng Thời Gian 2
tại Viện Việt Học - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông



Quang Thái và Khang Huy cùng hòa điệu trong nhạc phẩm Bên Nhau Ngày Mưa
(Nguyễn Trung Cang) đầy cảm - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông


Các thành viên tham gia đêm nhạc cảm tạ quý khán giả tri âm - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Một nhóm bạn văn nghệ với tuổi đời khá trẻ, nhỏ nhất trên 20, già nhất không quá 40. Trong số họ, có người đến Mỹ định cư khi vừa tròn 7- 8 tuổi, có người mới định cư chỉ được vài năm. Vì chữ duyên, họ đã gặp nhau, và vì lòng mến yêu dòng nhạc cũ - dòng nhạc trữ tình của tân nhạc Việt Nam trước 1975 - họ gắn kết càng thêm bền chặt.
Sau những nhọc nhằn trong vòng xoay công việc, học hành của đời sống thường nhật, hằng tuần, họ lại đến bên nhau. Cùng tách khỏi những ồn ã của đời sống, cùng thư thả để sống chậm lại. Họ cống hiến cho khán giả và cho chính mình những ca khúc bất hủ, lãng mạn của âm nhạc Việt, đẹp từ giai điệu đến ca từ. Mênh mang với âm nhạc của Phạm Đình Chương, Đoàn Chuẩn; rạt rào của Phạm Duy; khắc khoải của Đặng Thế Phong, Từ Công Phụng, Vũ Thành An; sang trọng của Cung Tiến; tự tình của Lê Uyên Phương; thanh thoát của Văn Cao....

Người hát, khán giả đều tìm thấy sự đồng cảm qua dòng nhạc xưa
Chương trình “Tiếng Thời Gian 2” tại Viện Việt Học, do hai bạn trẻ Hàn Phúc, Jenny Trần tổ chức trong chương trình đêm nhạc mùa thu thời gian qua, rất thành công và được khán giả ngợi khen. Bởi sức hấp dẫn của các ca khúc mà các bạn trẻ trong nhóm nhạc thể hiện. Qua giọng ca dày, ấm áp, bay bổng và đầy truyền cảm của Quang Thái, Khang Huy, Yvonne Trần…. Giọng hát buông lơi của Jenny Trần, cái buồn mới chỉ man mác chứ chưa đến độ đau đáu, vì người hát chỉ chập chững những bước trải nghiệm đầu đời. Hay cách tôn trọng thần thái ca khúc, tạo nên cách hát mộc, nhưng rất sâu và thấm đẫm cảm xúc của Hàn Phúc, Tuấn Nguyên, Thanh Bình, Thái Nguyên….
Các bạn trẻ đã đem lại ngạc nhiên cho khán giả. Không như những bạn bè trang lứa thường tìm nghe những ca khúc nhạc sôi động Âu Mỹ, nhạc trẻ Việt Nam (trong nước), hay một số sáng tác nhạc trẻ của nhạc sĩ hải ngoại…, các bạn chỉ thích nghe và hát dòng nhạc xưa, như tự trong họ đã gắn bó, đã tạo nên một không gian âm nhạc của riêng mình. Họ không cần làm mình “sang hơn” bằng nhạc xưa mà gần như đó là phong cách họ đã tạo dựng được.
Tuy sự trải nghiệm với cuộc sống của họ chưa nhiều, đặc biệt là những bạn đến Mỹ khi còn nhỏ, các bạn đã không “lãng quên” tiếng Việt, mà còn yêu thích và hát được những ca khúc nhạc xưa, vốn là những nhạc phẩm rất khó hát.
Đa phần các bạn đều không được đào tạo bài bản về thanh nhạc, nhưng độ cảm âm nhạc lại rất tinh tế. Các bạn đã thể hiện được những lắng đọng, nhiều cung bậc cảm xúc, nhịp nhàng dìu dặt theo tiếng đàn, cùng với lối hát mộc mạc, tự nhiên.
Theo lời cô giáo trẻ dạy Việt ngữ của Viện Việt Học, Jenny Trần cho biết, Jenny đến Mỹ từ lúc 9 tuổi. Vì từ nhỏ trong nhà, ba mẹ luôn luôn nghe nhạc tiền chiến, tân nhạc Việt Nam, nên Jenny đã yêu thích dòng nhạc này. Khi trưởng thành, Jenny vẫn dễ dàng tìm nghe những ca khúc đó qua các chương trình Đại Nhạc Hội của các trung tâm Asia, Thúy Nga, Vân Sơn… với những giọng hát vang danh một thời, nay vẫn còn hoạt động âm nhạc. Từ yêu thích nghe nhạc, chuyển sang thích hát lúc nào Jenny cũng không rõ. Dù Jenny thích những lời ca, vì rất hay, nghe không bao giờ chán. Nhưng Jenny không thể hiểu hết 100 phần trăm lời bài hát. Nghe nhạc Việt và hát những bài nhạc xưa, cũng là cách để Jenny gìn giữ tiếng Việt, gìn giữ một phần của văn hóa Việt Nam trong tâm hồn mình.
Hàn Phúc thì cho biết, dù đến Mỹ khi mới 8 tuổi, nhưng Hàn Phúc lại yêu thích nhạc Việt Nam, nhất là nhạc xưa, vì người Việt tại hải ngoại nghe âm nhạc này là chính. Nghe riết, bạn ghiền luôn. Và cũng chính từ một lần đi theo những người bạn đến hội quán Thùy Dương, Hàn Phúc đã làm quen và tập hát dòng nhạc này. Dù không học đàn hay nhạc lý, nhưng nhờ nghe nhiều, nên Hàn Phúc khá tự tin hát những ca khúc trữ tình trước 1975. Bởi theo bạn, dòng nhạc này sâu sắc và đem cảm giác ý nghĩa cho tâm hồn và cảm giác thật an lành.
Với Thái Nguyên, mới đến Mỹ được 2 năm, nhưng cho biết khi còn ở Việt Nam, bạn đã mê nhạc Trịnh Công Sơn, sau đó, tìm thêm nhạc Phạm Duy, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên… để nghe. Thái Nguyên cho biết khi nghe và hát những ca khúc này, bạn như sống lại một thời của những tác giả trước đây. Bạn thích được sống thời ấy hơn bây giờ. Vì có chất lãng mạn, chứ không thực dụng như thời nay.
Với Thanh Bình (23 tuổi), đến Mỹ gần 2 năm, thì khi qua Mỹ, bạn mới chính thức sinh hoạt ca hát nhờ một lần được người bạn rủ đến hát tại Lạc Cầm. Vì nhờ có sân chơi cho những ca sĩ nghiệp dư như bạn, yêu thích âm nhạc xưa, nên mới có cơ hội luyện tập và phát triển thêm niềm đam mê âm nhạc. Thanh Bình cho biết bạn thích dòng nhạc này, vì nó sang, hay hơn là nhạc trẻ bây giờ.
Quang Thái đã từng học cao đẳng tại nhạc viện Hà Nội. Đến Mỹ định cư được 3 năm, anh cho biết, từ nhỏ anh đã mê nhạc trữ tình, tiền chiến Việt Nam, anh cũng thường hát dòng nhạc này tại các phòng trà nhỏ ở Việt Nam. Sang Mỹ, nhờ tìm đến những nơi như Lạc Cầm, Như Ý, nhà hàng Paracel Seafood… là những nơi các bạn trẻ hay đến sinh hoạt hát cho nhau nghe, nên anh đã quen những bạn trẻ này.
Để giải thích vì sao còn trẻ mà lại mê nhạc xưa, anh cho rằng nhạc bây giờ ca từ quá rõ ràng, theo anh, có lẽ mấy nhạc sĩ năm xưa đã dùng hết lời hay ý đẹp của Việt Nam, nên bây giờ những nhạc sĩ trẻ bị bế tắc, không tìm ra được những từ đẹp trong ca khúc?
Anh cũng cho biết anh rất ngạc nhiên khi nghe những bạn trẻ tại hải ngoại hát dòng nhạc xưa. Vì anh nghĩ, những bạn trẻ ở bên này từ nhỏ, sẽ bị khuyết điểm về phát âm, vậy mà nhiều bạn trẻ hát, phát âm rất chuẩn, rất tuyệt, hát rất có hồn. Theo anh, các bạn ấy phải yêu thích dòng nhạc này lắm, thì mới thể hiện đạt như vậy. Theo anh, xa quê hương, mà lại có được những người như thế, thì tuyệt quá, và nhất là khán giả đến nghe dòng nhạc này rất nhiều, và cảm thụ âm nhạc rất tốt.

Nhạc cũ lên ngôi bởi thị trường ca khúc nhạc trẻ khan hiếm?
Chính từ những chia sẻ trên và sự đón nhận mỗi ngày thêm đông của người nghe dành cho dòng nhạc xưa, qua những chương trình đại nhạc hội do các trung tâm băng nhạc tại hải ngoại thực hiện, hay những CD, DVD của ca sĩ trong nước đang tràn lan tại đây, là một lời đáp cho điều tất yếu của sự tìm về những giá trị cũ của dòng nhạc xưa.
Theo nhận định của ông Jason Gibbs, một nhà nghiên cứu về âm nhạc Việt Nam, tác giả của nhiều bài viết về đề tài này, cho phóng viên Viễn Đông biết: “Nhạc thị trường tại Việt Nam, hay còn gọi là nhạc Pop, là nhạc của những người trẻ tuổi, dòng nhạc ấy hiện nay rất ít ca khúc tạo được cảm xúc cho người nghe, vì thế khán giả phải đi tìm và thưởng thức những gì là nghệ thuật đúng nghĩa”.
Theo ông Gibbs, cuộc sống hiện nay, khi phương tiện điện toán phát triển, thông tin nhanh, cuộc sống luôn luôn gấp gáp, âm nhạc của hiện đại ngày nay không phải để suy ngẫm, không đọng lại trong trí nhớ của nhiều người, đó cũng là một vấn đề.
Ông nói: “Bấy lâu nay làng nhạc trẻ Việt Nam chỉ phục vụ đối tượng nghe nhạc tuổi teen (vì đây là thị trường đông đảo và dễ nhận biết, ầm ĩ nhất), ca sĩ không cần hát hay, chỉ cần xinh đẹp, biết nhảy và các bầu show biết cách lăng xê ca sĩ, để giúp họ nổi tiếng tại Việt Nam. Các sáng tác âm nhạc được những ca sĩ trẻ này hát, không có nét riêng của Việt Nam, giai điệu, ca từ được copy từ nhạc trẻ của các nước khác, vì vậy không được nhiều bạn bè quốc tế nhắc nhớ và biết đến. Thị trường nhạc trẻ Việt Nam hiện nay chưa mang lại kết quả như ý, chỉ sôi động ở hiện tượng, chứ thật ra, theo tôi, chả có khởi sắc gì. Vì chưa xây được nền móng vững chắc đã vội chạy theo trào lưu của thế giới Âu Mỹ, đã làm cho nhạc Việt chưa có được một thế đứng vững vàng, lâu lâu lại phát hiện một vụ ‘đạo’ ý tưởng… Người làm nhạc cũng ngày càng ít đi vì không ai thích học nhạc, chỉ thích học làm ca sĩ để nổi tiếng! Cần sự hợp tác và nỗ lực từ nhiều phía, đồng bộ, nhất là tự bản thân thị hiếu thẩm mỹ của công chúng cũng được làm mới thì mới hy vọng đời sống âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là nhạc trẻ mới khởi sắc thật sự. Âm nhạc phát triển nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố đã nói trên”.
Vì thị trường ca khúc nhạc trẻ quá khan hiếm nhạc phẩm hay.
Vì dòng chảy âm nhạc trẻ ngày nay đã không thể đồng hành cùng người thưởng thức.
Vì giá trị của những ca khúc xưa đã vượt thoát khỏi sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian.
Vì người hát và người nghe đang xoay xở thật khó khăn trong môi trường âm nhạc đương đại với quá nhiều các sáng tác mới nhạt nhòa.
Vì các ca khúc nhạc trẻ từ trong nước đang phổ biến ra hải ngoại, thiếu ca khúc vừa sôi động về tiết tấu vừa sâu lắng về giai điệu và ca từ. Còn các ca khúc nhạc trẻ có sức hấp dẫn trong tiết tấu, thì lại na ná giống nhau.
Cho nên, giải pháp tuyệt vời nhất cho người nghe và người hát, chính là tìm về những giá trị cũ trong kho tàng âm nhạc xưa.
Chính hiện tượng nhạc xưa “sống lại”, tiếp nối qua những giọng hát trẻ tại hải ngoại, là dấu hiệu đòi hỏi sự tích cực nhiều hơn từ đời sống âm nhạc Việt: làm sao để có những tác phẩm hay, sinh hoạt biểu diễn ngày càng đa dạng hơn, phẩm chất cao hơn. Nhiệm vụ của ca sĩ là đi tiếp chứ không thể cứ bám hoài vào cái cũ. Tuy vậy, phải có những nhạc sĩ mới, có tài sáng tác, may ra sẽ làm thay đổi được tình hình. Nhưng để giải quyết được những vấn đề trên, quả thật không đơn giản… - (BH)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT