Mẹo Vặt

Những tên đường giấu mặt

Tuesday, 03/11/2015 - 08:12:43

Đọc một bảng liệt kê như vậy, người đi chợ sẽ hiểu ra sao? Honey thì vài người có thể nghĩ tới đường, Glucose ít người nhận ra hơn, và Dextrose thì chắc hẳn chỉ những bậc cao minh mới biết nó cũng chỉ là đường!

Bài VŨ HẰNG


Bài này không có ý cạnh tranh với những cái máy navigator chỉ đường đi lối lại cho người lái xe. Nhưng chúng ta cũng đang muốn tìm “đường,” đó là những thứ đường giấu mặt trên nhãn hiệu thực phẩm (food labels). Đành rằng nhãn hiệu là nhắm vào khách hàng, nhưng trong nhiều trường hợp, nhà sản xuất lại cố tình dùng cách nói rắc rối để chúng ta không hiểu. Nhà sản xuất thực phẩm hiểu tâm lý khách hàng không muốn nạp nhiều đường (sugar) vào cơ thể mình, nhưng thiếu đường thì khó có thể chế biến thành món ăn ngon được. Chính vì thế họ phải cho “đường” giấu mặt trong nhiều tên gọi khác nhau, khiến cho ngay cả những người chịu khó xăm xoi nhất cũng khó có thể nhận ra được chúng.


Chất ngọt thêm vào (added sugars) trong thực phẩm gây ra nhiều biến chứng hiểm nghèo trong cơ thể.

Hai cách xâm nhập

Đường xâm nhập cơ thể chúng ta qua hai cách: Chất ngọt có sẵn (naturally occurring sugar) trong trái cây chín; và chất ngọt thêm vào (added sugars) trong các loại thực phẩm được chế biến (processed food) như bánh kẹo, nước uống, đồ ăn…. Các nhà nghiên cứu cho biết, một người Mỹ trung bình ăn ít nhất 64 pounds đường một năm, thiếu niên ở tuổi teen xơi ít nhất 109 pounds một năm. Thật là những con số nghe qua bắt chóng mặt, có ai ngờ chúng ta lại “hảo ngọt” đến thế nhỉ!

Trong khi chất ngọt có sẵn trong trái cây không bị chỉ trích, thì các vị sư phụ trong ngành y tế luôn luôn cảnh giác về số lượng “chất ngọt thêm vào” được tiêu thụ mỗi ngày xuyên qua Processed Foods. Các con số thống kê cho biết, tổng cộng lượng “đường thêm vào” mà một người dân Mỹ ăn mỗi ngày có thể chất đầy 22 muỗng cà phê, thiếu niên tuổi teens thì 34 muỗng.

Trung Tâm Khoa Học Vì Công Ích (Center for Science in the Public Interest, CSPI) báo động, những người thích thực phẩm có “added sugars” thường ăn ít thực phẩm có chất xơ, vitamin, khoáng chất và nhiều yếu tố dinh dưỡng khác, là những thứ mà lẽ ra họ cần phải tiêu thụ nhiều hơn; Và cũng vì cách ăn uống nghịch chiều như vậy, mà “chất ngọt thêm vào” tìm được môi trường thuận lợi để gây ra các biến chứng như rỗng xương, ung thư, cao máu, tiểu đường và nhiều tật bệnh khác….

Ẩn danh giấu mặt

Mặc dầu nhà nước Hoa Kỳ đã ra nhiều điều luật đòi hỏi giới sản xuất phải có bảng liệt kê thành phần trong bảng Ingredients, nhưng sự qui định vẫn còn lỏng lẻo, khiến cho chúng ta không thể thấy được mức độ thực sự về “đường” như thế nào. Đòn phép được giới sản xuất sử dụng nhiều nhất là ẩn danh giấu mặt: Trước hết, họ gọi đường bằng nhiều tên khác nhau. Ngoài ra, họ lại có thể dùng nhiều chất ngọt khác nhau, thay vì dùng riêng một thứ nào đó, để có thể liệt kê ra mỗi thứ một chút, nhằm qua mắt chúng ta. Nhưng cái mánh này đã bị các thầy cô của Hằng “vạch mặt” như sau: Nếu muốn dùng 15 gram chất ngọt để pha vào bột làm bánh, nhà sản xuất sẽ không dùng 15 grams thuần sugar, mà họ chỉ dùng 4 grams sugar; Tiếp đó, họ sẽ kê khai những thứ khác: 4 grams honey (mật ong); 4 grams glucose, và 3 grams dextrose!

Đọc một bảng liệt kê như vậy, người đi chợ sẽ hiểu ra sao? Honey thì vài người có thể nghĩ tới đường, Glucose ít người nhận ra hơn, và Dextrose thì chắc hẳn chỉ những bậc cao minh mới biết nó cũng chỉ là đường!

Tổng cộng, nhà sản xuất vẫn có 15 grams “added sugars”, nhưng đa số người đi mua hàng, mặc dầu đọc kỹ Ingredients, nghĩ rằng chỉ có tối đa 8 grams chất ngọt (4 sugar và 4 honey) trong sản phẩm. Các bạn có thấy họ khôn ghê chưa?

Vạch mặt chỉ tên

Họ khôn như vậy, làm sao chúng ta đối phó được? Nhưng thầy cô em nói như thế này: Đừng lo, chỉ cần vài mẹo vặt là chúng ta có thể “bật mí” được hầu hết những bí mật ấy. Sau đây là cách vạch mặt chỉ tên:

- Những chữ tận cùng bằng – OSE đều là “đường” cả, thí dụ: Sucrose, Maltose, Dextrose, Fructose, Glucose, Galactose, Lactose…

- Ngoài ra, còn một vài chữ đáng nhớ mà bất cứ chúng xuất hiện ở đâu đều có “ngọt” ở đó như: Cane (mía), Date (chà là), Malt (mạch nha), Beet (củ cải đường), Caramel (đường thắng) syrup (xi-rô), juice (nước ép trái cây)….

Chắc cũng còn một vài chữ nữa mà em không nhớ hết, nhưng bấy nhiêu đó cũng đã vạch trần được đa số mánh mung của họ rồi.

À, xin mọi người đừng quên, ngay cả những thứ không ngọt gì cả cũng có “đường,” đó là những sản phẩm làm bằng bột mì, bột gạo … nấp dưới cái tên “enriched flour” có khả năng làm tăng lượng đường trong máu, mà chúng ta đã đề cập trong bài trước đó.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT