Mẹo Vặt

Phẫu thuật lớn

Tuesday, 17/02/2015 - 05:20:17

Việc thay bồn tuy có phức tạp, nhưng không đến nỗi vượt quá tầm tay của…. thợ vườn. Chúng ta sẽ bàn đến chuyện đó trong một dịp khác.

Nhà vệ sinh (kỳ 12)


Bài VŨ HẰNG

Xin lỗi các bạn vì cái tiêu đề “dao to búa lớn.” Đối phó cái bồn cầu nghẹt chứ có gì đâu mà đã “phẫu thuật” rồi lại còn “lớn”? Y như sắp lên bàn mổ không bằng. Đúng, chỉ là chuyện cái bồn cầu bị nghẹt, nhưng nếu bạn đã thử đủ cách, hết ống thụt (plunger) lại cáp ngoáy (closet auger) mà vẫn chưa thông thì sao? Mình đành phải mổ nó ra, và rõ ràng đây là một công tác nặng nhọc, nên các bậc sư phụ mới gọi là “phẫu thuật lớn.”

Luôn luôn đậy nắp bồn sau khi sử dụng



Cụ thể, mình phải gỡ cái bồn ra, khai thông chỗ nghẹt nơi “cổ cò” rồi lại lắp bồn trở lại. Không quen việc, chúng ta có thể mất tới vài tiếng đồng hồ, bởi vì mình phải khóa nước, tháo bộ đinh ốc gắn bồn với nền nhà, gỡ bồn, khai thông cổ cò cho sạch sẽ. Công việc lắp bồn trở lại có thể còn gay go hơn, do phải căn sao cho vòng sáp “ngồi” vừa vặn trên lỗ cống trước khi đặt bồn lên. Nhớ mua vòng sáp và bộ bù loong mới, chứ đừng dùng lại đồ cũ để gắn bồn trở lại.
Cũng có thể khi tháo bồn ra, chúng ta chẳng nhận thấy có gì mắc nghẹn bên trong đường uốn cả. Điều đó cho thấy, vấn đề có lẽ nằm sâu bên dưới cống, vượt ra ngoài tầm với của chúng ta. Để khỏi mất công gỡ bồn một cách vô ích, chúng ta chỉ nên vận dụng “cáp ngoáy.” Nếu ngay cả thứ vũ khí thần lực này cũng không khai thông được chỗ nghẹt, thì mình nên dừng tay và gọi thợ. Thông thường người ta chỉ gỡ bồn cầu ra để vất bỏ, rồi thay vào bằng một bồn khác tốt hơn, tiện lợi hơn mà thôi, chứ chẳng mấy ai gỡ ra để khai nghẹt rồi lắp lại bao giờ. Việc thay bồn tuy có phức tạp, nhưng không đến nỗi vượt quá tầm tay của…. thợ vườn. Chúng ta sẽ bàn đến chuyện đó trong một dịp khác.
Trở về việc khai nghẹt cho bồn cầu, có ít điều chúng ta cần lưu ý:
1. Tránh đổ hóa chất xuống bồn: Đừng nghĩ rằng những thứ hóa chất mạnh đổ vào bồn sẽ giúp giải quyết cái đám bầy hầy đang lềnh bềnh trước mặt. Hiệu quả, nếu có, cũng chỉ là “ăn may” khi vật cản chỉ là giấy chưa kịp rã. Còn nếu vật cản là những cây búp sáp, vài ba “ông lính mủ,” hoăc cái xe hơi đồ chơi thì làm sao hóa chất phá tan được? Trong trường hợp này, hóa chất đọng lại trong lòng bồn sẽ có nguy cơ bắn trở lại vào mặt, vào tay chúng ta, khi mình sử dụng ống thụt hoặc cáp ngoáy để giải tỏa. Nếu chẳng may đã đổ hóa chất vào bồn mà không thấy hiệu nghiệm, chúng ta phải đổ thêm nước vào để pha loãng hóa chất, rồi chờ qua đêm cho hóa chất rút đi, trước khi áp dụng ống thụt hoặc cáp ngoáy. Để tăng cường độ an toàn, nên đeo kính bảo vệ (goggles) và mang găng tay để đề phòng nước dơ lẫn hóa chất bắn ngược trở lại vào cơ thể mình.
2. Đậy nắp bồn sau khi sử dụng: Đây là việc làm dễ dàng, nhưng chắc chả mấy người giữ, và nói ra chắc cũng giống như …. nước đổ đầu vịt thôi. Ít ai nghĩ rằng, nắp bồn cầu chẳng những là một thứ rào cản để ông Batman, người nhái, và “quân lính Hitler” không thể đổ bộ xuống làm kẹt ống, mà nó còn là một cách giữ vệ sinh cho bathroom, và thể hiện tư thế của chủ nhà nữa. Bạn cứ thử đậy lại mà xem có thấy bathroom nhà mình tươm tất hơn lên không nào? Chỉ mất công một chút thôi, nhưng lợi nhiều lắm đấy.
3. Tuyệt đối không bỏ vào trong bồn những gì không thuộc về nó, như khăn giấy lau tay, lau mặt, chỉ xỉa răng, bã cà phê, tóc, dầu mỡ, thuốc, vật dụng vệ sinh phụ nữ…. Thuộc về nó là thứ gì? Chỉ có 2 thứ thôi, “phế phẩm” từ trong ruột và giấy vệ sinh đặc chế phục vụ phế phẩm đó. Ngay cả thứ giấy này, mặc dầu dễ tan rữa, cũng không nên dồn vào một lúc nhiều quá.
Và sau cùng, dùng đủ nước để xả cầu cho sạch sẽ, chứ đừng quá tiết kiệm.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT