Thế Giới

Tại sao phi công phụ Andreas Lubitz lại lao phi cơ giết hết hành khách?

Friday, 27/03/2015 - 01:52:56

Lubitz làm việc cho Germanwings kể từ tháng Chín 2013 và đã bay 630 giờ cho hãng này. Anh từng được huấn luyện tại trung tâm lái phi cơ ở Bremen, Đức, và tại một cơ sở của hãng Lufthansa, công ty mẹ của Germanwings, ở Phoenix, Arizona.

Andreas Lubitz tại San Francisco (Facebook)

 

Anh Andreas Lubitz, viên phi công mà nhà chức trách nói rằng đã cố tình lái chiếc máy bay của hãng Germanwings với 150 người lao xuống miền núi Alps tại miền nam nước Pháp vào ngày thứ Ba vừa qua, là một thanh niên trầm lặng, không có dấu hiệu bất thường về tâm lý, và “hội đủ điều kiện 100 phần trăm” để lái máy bay. Tuy chưa biết rõ, nhà chức trách nhận thấy vụ rớt máy bay Đức cũng có những điểm tương tự với vụ máy bay Mã Lai Á mất tích một năm trước đây.
Trong lúc các điều tra viên xem xét những manh mối trong các quan hệ của Lubitz, với hy vọng tìm ra một lý do khiến anh cố ý sát hại mọi người trên chiếc phi cơ mà anh cầm tay lái, các bạn thân và người quen biết đã tiếp xúc với báo chí. Họ bày tỏ sự ngạc nhiên khi nghe nhà chức trách nói rằng anh Lubitz đã khóa cửa phòng lái, không cho phi công trưởng được bước vào trong khi anh đang lao chiếc Airbus xuống mặt đất. Họ nói Lubitz không phải là một người tàn ác như vậy.
Anh Lubitz, 28 tuổi, là công dân Đức. Chính quyền không có một hồ sơ nào về anh, và họ cũng không thấy bất cứ một mối quan hệ nào giữa anh với các nhóm khủng bố. Trong một cuộc họp báo tại Pháp sáng thứ Năm, công tố viên Brice Robin tránh đưa ra ý kiến về khuynh hướng tôn giáo, sắc tộc hoặc chính trị của Lubitz. Công tố viên nói rằng cảnh sát Đức đã được toàn quyền điều tra vụ rớt máy bay này.
Lubitz làm việc cho Germanwings kể từ tháng Chín 2013 và đã bay 630 giờ cho hãng này. Anh từng được huấn luyện tại trung tâm lái phi cơ ở Bremen, Đức, và tại một cơ sở của hãng Lufthansa, công ty mẹ của Germanwings, ở Phoenix, Arizona.
Lubitz bắt đầu học lái máy bay với Lufthansa từ năm 2008, và có lúc bị gián đoạn nhiều tháng. Hãng máy bay chưa cho biết lý do gì khiến sự học tập của Lubitz bị gián đoạn.
Sau khi hoàn tất các khóa học, anh được tập sự trong vai trò tiếp viên hàng không trong lúc chờ được việc làm của phi công phụ.
Trong cuộc họp báo ngày thứ Năm, ông Carsten Spohr, tổng giám đốc của Lufthansa, cho biết, “Anh ấy đã thông qua tất cả những cuộc trắc nghiệm y khoa, tất cả đều được thông suốt. Anh hội đủ điều kiện 100 phần trăm để lái máy bay mà không có bất cứ một điều kiện giới hạn nào.”
Trước khi xảy ra tai họa, anh Lubitz đã nói chuyện “rất trôi chảy, rất trầm tĩnh” với phi công trưởng, nhà chức trách cho biết dựa theo băng thâu âm mà họ đã lấy được từ hộp đen của phi cơ.
Cũng theo dữ kiện từ hộp đen, nhà chức trách biết anh Lubitz đã cố tình lái chiếc Airbus A320 xuống độ thấp sau khi khóa chặt cánh cửa bảo vệ phòng lái và sau khi phi công trưởng đã bước ra ngoài để dùng phòng vệ sinh.
Phi công phó này đã không hồi đáp bất cứ những cú gọi nào từ trạm kiểm soát không lưu ở thành phố Marseilles. Người ta có thể nghe rõ hơi thở rất bình tĩnh của anh trong tích tắc trước khi chiếc may bay đâm xuống núi ở vùng hẻo lánh và bể tan tành.
Theo những người thân quen ở Đức, Lubitz đã tỏ vẻ vui tươi khi anh được tái cấp bằng lái diều lướt glider ở thị xã Montabaur.
Anh Peter Ruecker, một thành viên của hội lướt glider từng chứng kiến anh Lubitz học lái glider, cho biết, “Anh ta rất hạnh phúc vì có việc làm với Germanwings, và anh làm việc rất khá.”
Peter Ruecker cho biết Lubitz từng có bằng lái glider từ thời mới lớn, và được hãng Lufthansa chọn vào khóa dành cho phi công tập sự sau khi anh hoàn tất chương trình đại học rất gay go tại Đức. Peter cũng mô tả Lubitz là người “trầm lặng” nhưng rất thân thiện.
Trong khi đó, các nhà điều tra muốn tìm hiểu có phải Lubitz đã lấy cảm hứng từ những thảm họa khác xảy ra mới đây hay không. Trong số đó, có vụ mất tích bí ẩn vẫn kéo dài của chiếc phi cơ MH370 của hãng Malaysian Airlines.
Các công tố viên Pháp kết luận rằng phi công Andreas Lubitz đã cố ý lái chiếc Airbus A320 bay thấp xuống, sau khi chờ viên phi công trưởng rời khỏi buồng lái.
Bằng chứng từ máy thu âm chuyến bay, trong hộp đen của chiếc phi cơ, gợi ý rằng Lubitz đã từ chối mở cửa buồng lái. Sau đó anh lái phi cơ vào dãy núi Alps, giết hết mọi người trên máy bay.
Tự tử và giết người hàng loạt vẫn là một trong những giả thuyết có xác suất cao nhất, xung quanh vụ tai nạn của chuyến bay MH370. Chiếc phi cơ Mã Lai này đã mất tích, mà không để lại dấu vết, ở đâu đó tại miền nam Ấn Độ Dương, trong tháng Ba năm ngoái.
Cảnh sát Mã Lai đã xác định phi công trưởng Zaharie Ahmad Shah là nghi can chính, sau khi họ không tìm thấy bất kỳ động lực khả nghi nào nơi tất cả các hành khách.
Phi công trưởng Shah đã có những vấn đề trong gia đình, vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn. Ông rất buồn sau khi cuộc hôn nhân bị tan vỡ.
Các nhà điều tra tai nạn máy bay lúc này sẽ xem xét bối cảnh thân thế và hoàn cảnh cá nhân của anh Lubitz, để xem có dấu hiệu nào cho thấy anh bị trầm cảm, hoặc có lý do để muốn kết liễu đời mình hay không.
Những vụ phi công tự tử là hết sức hiếm. Nhưng khủng khiếp thay, không ai có thể làm được gì nhiều, nếu chính người lái lại quyết định cho máy bay của họ rớt.
Trong tháng 11 năm 2013, chuyến bay TM470 của hãng Mozambique Airlines rớt xuống, trong khi đang bay một chuyến thường lệ, giữa Maputo và Luanda ở Angola, giết chết mọi người trên máy bay.
Có những điểm tương đồng rùng rợn giữa hoàn cảnh của vụ tai nạn này và thảm họa của chiếc máy bay Germanwings mới nhất của Đức.
Trong vụ rớt máy bay Mozambique Airlines ở Phi Châu, phi công chính chờ cho phi công phụ đi vào phòng vệ sinh, trước khi khóa cửa buồng lái. Máy thu âm chuyến bay trong hộp đen tiết lộ chuyện phi công phụ đã cố gắng một cách tuyệt vọng, để vào lại trong buồng lái.
Không có tín hiệu báo nguy, và sau đó máy thu âm tiết lộ rằng viên phi công trưởng đã có những vấn đề hôn nhân, và con trai của ông mới chết.
Trong năm 1999, một chuyến bay Egyptair giữa New York và Cairo rớt, làm 217 người thiệt mạng.
Cách 30 mươi phút sau khi cất cánh, chiếc Boeing 767 đầy khách đã giảm độ cao từ 36,000 bộ xuống 19,000 bộ, trong vòng chưa tới 30 giây, làm cho máy bay bị gãy.
Cuộc điều tra cho thấy rằng phi công Gamal al-Batouti lẩm bẩm một câu bằng tiếng Ả Rập. Câu này thường gắn liền với những khoảnh khắc trước khi chết: “Tôi nương tựa vào Thượng Đến,” và hệ thống lái tự động đã bị ngắt.
Các nhà điều tra Mỹ kết luận rằng vụ tai nạn này đã bị gây ra bởi việc phi công tự sát. Nhưng nhà chức trách Ai Cập đã tranh cãi kết luận này.
Trong năm 1997, một chuyến bay Silk Air bị rớt, trong khi đang bay giữa Jakarta ở Nam Dương và Singapore. Tất cả 97 hành khách và bảy người trong phi hành đoàn đều thiệt mạng.
Gần 100 người đã chết, trên một chuyến bay Silk Air mà người ta nghĩ là hậu quả của việc phi công tự tử.
Một lần nữa, các nhà điều tra Mỹ kết luận rằng phi công đã cố tình để cho máy bay bị rớt. Nhưng nhà chức trách Nam Dương nói rằng nguyên nhân của vụ tai nạn không thể xác định được.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT