Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Thành công của chương trình Hương Sắc Miền Nam

Saturday, 25/07/2015 - 09:44:26

Đem lại thích thú và ngạc nhiên cho khán giả trong chương trình “Hương sắc miền Nam” còn phải kể đến nghệ sĩ Hồng Nga. Giọng hát của người nghệ sĩ đã bước vào tuổi 70 vẫn còn nồng đượm khi thể hiện những bài hát mang âm hưởng dân ca như “Hoa cau vườn trầu“à đã đem lại bất ngờ cho khán giả khi bà vừa nhảy cha cha cha vừa hát ca khúc “Nếu có yêu tôi” (Thơ Ngô Tịnh Yên, nhạc Trần Duy Đức), nhưng khán giả tán thưởng nhiều nhất vẫn là được nghe bà hát những bài vọng cổ ngọt ngào, đặc biệt là bài vọng cổ về nỗi cô đơn khắc khoải của người nghệ sĩ khi bức màn nhung khép lại trong “Kiếp Cầm Ca” (soạn giả Viễn Châu).

 Bài BĂNG HUYỀN


      Nghệ sĩ Bình Trang (Vai công chúa Tây Sơn), Đăng Linh (vai Nguyễn Huệ), Thanh Vũ (vai Vũ Văn Nhậm)                                      trong trích đoạn “Mặt Trời Đêm Thế Kỷ.” (Băng Huyền/Viễn Đông)

 
 
Trước tình trạng đìu hiu của sân khấu cải lương nhiều năm gần đây, thì đêm diễn hát live, đàn live những trích đoạn cải lương chủ đề “Hương Sắc Miền Nam” do nghệ sĩ trẻ Thanh Vũ thực hiện với sự giúp sức của nghệ sĩ Lê Tín trong vai trò đạo diễn, vào tối Chủ Nhật, ngày 19- 7- 2015 vừa qua, tại nhà hàng Seafood Place (thành phố Garden Grove) đã không còn một ghế trống là một tín hiệu đáng mừng cho cải lương.

Trong chương trình, đạo diễn Lê Tín đã chú trọng đưa cải lương trở về cái gốc của mình với việc tập trung vào sàn diễn, vào người nghệ sĩ hơn là quá chú trọng đến một sân khấu nhiều cảnh trí. Chương trình “thuần cải lương” với các lớp diễn hay của 5 trích đoạn “Mặt trời đêm thế kỷ,” “Hòn vọng Phu,” “Trà Hoa Nữ,” “Tuyệt tình ca,” “Giang Sơn và Mỹ Nhân” (Tây Thi- Ngô Phù Sai). Xen giữa mội trích đoạn để nghệ sĩ có thời gian thay trang phục là phần trình diễn những bài tân nhạc mang âm hưởng ngũ cung, những bài tân cổ, vọng cổ của các nghệ sĩ tham gia. Những tràng pháo tay vang lên không ngớt, cùng những cái gật gù tấm tắc, những lời khen tặng thật to vang lên từ hàng ghế khán giả, “diễn hay quá!,” “ca hay quá!” dành cho các nghệ sĩ Hồng Nga, Ngọc Đáng, Thanh Thanh Tâm, Thoại Mỹ, Bình Trang, Tuấn Châu, Vũ Luân, Thành Đạt, Thanh Vũ, Đăng Linh, Tuấn Phong, Yến Linh, Tuấn Hải. Ban cổ nhạc nghệ sĩ Văn Hoàng, Kim Đồng, Thanh Tùng, tân nhạc Hoàng Nghĩa. MC Tuyết Nga- Quốc Bảo.
Bằng tài ca diễn sống động của mình, các nghệ sĩ đã thổi vào đó hơi thở nửa như quen thuộc nửa như mới lạ, đã đưa khán giả cùng “ôn” lại một thời vàng son của cải lương với nhiều cảnh ca diễn đặc sắc và gieo vào lòng người xem một xúc cảm đẹp cùng cảm giác muốn được xem nữa.
                                                                                                                                    

     Nghệ sĩ Ngọc Đáng trong vai mẹ nuôi của Thanh và nghệ sĩ nghệ sĩ Tuấn Phong(Vai Vịnh) trong trích đoạn                                               “Hòn Vọng Phu.” (Băng Huyền/Viễn Đông)


 Đem lại hài lòng cho những khán giả yêu thích cải lương

Có nhiều người đến từ những tiểu bang xa Georgia, Virginia... như anh Trần Châu (đến từ Virginia) về đây nghỉ hè, được mấy người quen rủ đi xem show này, anh đi ngay, vì anh vốn rất mê cải lương từ nhỏ, mà tại nơi anh ở ít có dịp được xem cải lương, nhất là được trực tiếp gặp gỡ nghệ sĩ như thế này. Anh nói anh vui lắm vì ở Mỹ mà nghe cải lương như thấy quê hương gần gũi vô cùng.
Còn với khán giả có pháp danh Viên Hải (ngoài 70 tuổi) cùng chị bạn sống ở vùng San Bernadino, đến xem chương trình vì rất hâm mộ những nghệ sĩ như Thoại Mỹ, Hồng Nga, Vũ Luân... Bà nói, “mình xa quê hương, mà được gặp gỡ nhau trong một chương trình cải lương như vậy rất quý. Lớn tuổi như tụi tôi mê cải lương hơn là nghe nhạc trẻ, đặc biệt là được nghe hát live, đàn live thì càng thú vị hơn.”
Nhìn thấy khán giả đến đông, ngồi kín hết các dãy bàn trong nhà hàng, nghệ sĩ Vũ Luân bày tỏ với người viết:
“Vũ Luân rất vui khi tham gia chương trình đầy ý nghĩa như thế này, đây là chương trình họp mặt các anh chị em nghệ sĩ sống tại quận Cam và một số anh chị em nghệ sĩ đến từ Việt Nam. Điều trước tiên, Vũ Luân thấy được sự nghiêm túc của anh Thanh Vũ, Lê Tín đã tổ chức một chương trình mang tính nghệ thuật cao, với đầy đủ thể loại ca nhạc, dân ca, tân cổ, trích đoạn cải lương tâm lý xã hội, cải lương Hồ Quảng, cải lương tuồng cổ... Sân khấu được các anh trang trí như ở rạp, dù đây chỉ là khán phòng của nhà hàng. Nhờ sân khấu này, Luân được gặp gỡ, giao lưu với khán giả quận Cam mà đã 3 năm rồi Luân mới gặp lại. Nhiều khán giả đến bắt tay, ôm hun mình như con, nhiều bác còn nói “con ơi, không biết má có đủ sức khỏe để đi coi tụi con diễn nữa không, tụi con diễn nghiêm túc quá.” Nghe những lời như vậy, Luân luôn tự dặn mình phải phấn đấu hơn nữa để không phụ lòng khán giả. Các bậc tiền bối đã ví nghệ sĩ như kiếp tằm nhả tơ, bằng sức khỏe, thể lực Luân luôn cố gắng cống hiến cho khán giả những vở diễn hay. Đối với Luân, không bao giờ lơ là từ phục trang cho đến cách ca, cách diễn. Nếu có kiếp sau, Luân cũng xin được tiếp tục làm nghệ sĩ. ”
Nghệ sĩ Lê Tín thì chia sẻ, “Lê Tín cám ơn báo Viễn Đông, đài truyền hình Vstar TV, đài Little Saigon TV, đã giúp đỡ các anh chị em nghệ sĩ quảng bá chương trình này đến các quý vị khán giả, nhờ vậy chương trình của chúng tôi mới được nhiều khán gỉa biết đến và ủng hộ rất đông. Đây là điều đáng mừng cho cải lương. Vì nhiều bầu show nói rằng thực hiện chương trình cải lương rất khó bán vé. Tổ chức chương trình tân nhạc thì chỉ cần thông báo là có khán giả đông, còn tổ chức cải lương phải bán từng chiếc vé, điều đó rất đúng. Chúng tôi đã lấy công làm lời. Đi giao từng chiếc vé cho khán giả, dù 1 vé cũng giao luôn. Chúng tôi luôn cố gắng đem lại niềm vui cho các khán giả của mình từ nội dung chương trình sao cho thật hấp dẫn, để khán giả lại tiếp tục những chương trình tiếp theo số 2, số 3...”

 Trích đoạn Mặt Trời Đêm Thế Kỷ
“Mượn xưa nói nay,” mượn chuyện sử không chỉ kể lại chuyện xưa, mà còn là đối chiếu chuyện nay, soi rọi lại bài học muôn đời, là điều mà soạn giả Phi Hùng- Lê Duy Hạnh đã thể hiện qua vở cải lương “Mặt trời đêm thế kỷ.” Trong chương trình nghệ sĩ Lê Tín đã chọn dàn dựng trích đoạn với lớp diễn Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ xử tội danh tướng Vũ Văn Nhậm, là danh tướng dưới quyền của Bắc Bình Vương đã ỷ vào quyền thế mà tham ô, ức hiếp những người dân vô tội, khiến người dân mất lòng tin vào Tây Sơn. Các nghệ sĩ Đăng Linh (vai Nguyễn Huệ), Thanh Vũ (vai Vũ Văn Nhậm), Bình Trang (Vai công chúa Tây Sơn) và Lê Tín (vai người dân) đã gây xúc động mạnh cho khán giả qua lớp diễn nhiều kịch tính. Một Nguyễn Huệ thần sắc uy nghi được nghệ sĩ Đăng Linh thể hiện trọn vẹn qua từng ánh mắt, điệu bộ và từng lời thoại, lời hát, đặc biệt là những giằng xé nội tâm buộc lòng phải trị tội “gia hình” (tử hình) Vũ Văn Nhậm.
Nghệ sĩ Lê Tín trong vai người dân đầy uất ức, công phẫn khi buộc tội danh tướng Vũ Văn Nhậm về những tha hóa, sa đọa, ức hiếp dân đen mà danh tướng này đã gây ra, khiến dân chúng không còn tin vào chính nghĩa của Tây Sơn.
Danh tướng Vũ Văn Nhậm của Thanh Vũ từng lập nên nhiều công trạng, nhưng nay đã không còn ngẩng cao đầu mà phải cúi đầu chịu tội vì những sai lầm mình đã gây ra. Nhưng cũng đầy tình cảm với người vợ trong phút giây giã từ để nhận tội “gia hình.”
Nghệ sĩ Bình Trang trong vai công chúa Tây Sơn, một nàng công chúa có số phận bi thương, mặc dù yêu chồng nhưng nàng vẫn quyết một lòng vì chính nghĩa, chấp nhận để chồng phải đền tội đã gây ra.


                   Nghệ sĩ Vũ Luân vai Ngô Phù Sai và Thanh Thanh Tâm vai Tây Thi. (Băng Huyền/Viễn Đông)

  

Trích đoạn Hòn Vọng Phu
Là chuyện kể về hai anh em ruột gặp nạn phải xa nhau từ nhỏ. Về sau họ gặp lại nhau mà không biết họ là anh em. Họ yêu nhau, cưới nhau làm vợ chồng rồi sinh ra một đứa con. Một hôm anh chồng nhìn thấy dấu sẹo ẩn trên đầu người vợ mà lâu nay vợ anh cố tình che giấu, anh nhận ra vợ mình là em gái mình. Người chồng ra đi không có ngày về, mang theo tâm sự thầm kín không để cho vợ con biết.
Lớp diễn cuối của vở cải lương được tái hiện lại qua sự hóa thân của nghệ sĩ Tuấn Phong trong vai Vịnh, người chồng, đồng thời cũng là anh trai, nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm trong vai Thanh là vợ và cũng là em gái của Vịnh; nghệ sĩ Ngọc Đáng trong vai mẹ nuôi của Thanh.
Nghệ sĩ Tuấn Phong khá tròn vai trong lớp diễn khi biết mình là kẻ có tội “loạn luân.” Đặc biệt khi anh và nghệ sĩ Ngọc Đáng ca, diễn đoạn cuối lúc Vịnh nói ra sự thật, đem lại cảm thương cho người xem trước số phận nghiệt ngã đã giáng xuống Vịnh- Thanh và con trai của 2 người. Nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm trong vai Thanh, vốn là vai diễn mà chị từng thành công trước đây cùng nghệ sĩ Vũ Linh (vai Vịnh) cách nay hơn 20 năm trên sân khấu ở trong nước, nay diễn lại vai này, nét thanh xuân trong lời ca, nét diễn của chị dường như vẫn không hề phai nhạt theo thời gian mà còn nồng đượm, đằm thắm hơn.

                   Nghệ sĩ Lê Tín vai Ngũ Tử Tư và Vũ Luân vai Ngô Phù Sai. (Băng Huyền/Viễn Đông)


 Trích đoạn Trà Hoa Nữ
Nghệ sĩ Thoại Mỹ đã qua Mỹ lưu diễn nhiều lần, nhưng tại quận Cam thì với chương trình “Hương sắc miền Nam” là dịp chị hội ngộ với khán giả quận Cam sau 5 năm vắng mặt. Chị tâm sự, “5 năm rồi mới trở lại đây, nhưng Thoại Mỹ vẫn cảm thấy tình cảm nồng nàn của bà con cô bác dành cho nghệ sĩ nói chung, cho Thoại Mỹ nói riêng, Thoại Mỹ rất vui và cảm thấy ấm cúng khi xa xứ. Lần này vì qua cận ngày quá, không có nhiều thời gian tập dợt với anh em nghệ sĩ bên này, nên Thoại Mỹ chỉ diễn một trích đoạn “Trà hoa nữ” với Thanh Vũ, hy vọng lần sau, Thoại Mỹ sẽ có dịp cống hiến nhiều tác phẩm hơn với bà con cô bác.”
Chị cũng cho biết dù chưa bao giờ diễn với nghệ sĩ Thanh Vũ, nhưng trong quá trình tập luyện trích đoạn này, nghệ sĩ Thanh Vũ chịu lắng nghe những lời góp ý của chị, để cả hai kết hợp được hài hòa khi ca diễn với nhau, nên chị rất an tâm về bạn diễn mới này.
Vở cải lương “Trà Hoa Nữ” được phóng tác theo tiểu thuyết “Trà hoa nữ” của đại văn hào Pháp Alaxandre Dumas “con”( xuất bản lần đầu vào năm 1848). Nội dung “Trà hoa nữ” kể về mối tình bất thành của anh chàng luật sư Duval với cô kỹ nữ Marguerite. Mặc dù Marguerite sống bằng nghề kỹ nữ nhưng cô là người có tâm hồn và giàu lòng vị tha, biết hi sinh bản thân mình cho người mình yêu. Tại Việt Nam, đã có nhiều kịch bản từ sân khấu kịch nói cho đến cải lương đã dựa vào chuyện tình đau thương của nàng kỹ nữ yêu hoa trà được Việt hóa thành câu chuyện xảy ra tại Việt Nam. Nổi bật nhất phải kể đến tác phẩm kịch nói của kỳ nữ Kim Cương. Trích đoạn cải lương “Trà hoa nữ” được trình diễn lần này là của tác giả Vĩnh Xuân - Thúy Phượng - Hữu Lộc.
Hóa thân vào nàng kỹ nữ tên Trang (Trà Hoa Nữ), tạo hình của nghệ sĩ Thoại Mỹ với vẻ đẹp thanh cao, nhưng cũng rất mong manh, yếu đuối. Trong lớp diễn gặp lại Đạt, cô van lơn anh hãy về lại bên gia đình với cha và em của anh, chăm lo đèn sách để thăng tiến trong sự nghiệp, chứ không nên vì thù hận cô mà sa ngã vào đời sống trụy lạc. Nét diễn cùng lời ca đầy tâm trạng của mình, nghệ sĩ Thoại Mỹ đã chuyển tãi đến người xem có những giá trị vượt lên trên cả tình yêu trai gái bình thường, đó là sự hi sinh cuộc sống của mình vì người mình yêu và người thân của người yêu.
Còn nghệ sĩ Thanh Vũ thể hiện tròn vai một anh chàng thật mãnh liệt trong tình yêu, nhưng cũng chính vì quá si tình mà chàng cũng đầy thù hận người yêu khi nàng vì lời hứa với cha anh (nhưng anh không biết) chịu rời xa anh để anh trở về với đời sống danh giá mà gia đình bao đời nay gìn giữ.
Ngoài vai diễn trong trích đoạn “Trà Hoa Nữ,” nghệ sĩ Thoại Mỹ còn ca vài bài tân nhạc và tân cổ (hát cùng với nghệ sĩ Hồng Nga) để tặng khán giả, đặc biệt chị còn thể hiện lại một đoạn diễn từng đem lại thành công cho chị trước đây, một lúc chị đảm nhận 2 vai diễn: Võ Tắc Thiên và Thái Bình công chúa, là hai vai diễn hoàn toàn trái ngược nhau: Một bà hoàng uy nghi, toát lên khí khái uy quyền của một bà hoàng hiểm ác và một cô công chúa hồn nhiên, trong sáng, chị biến đổi cách ca, diễn khi thể hiện hai nhân vật, từ ánh mắt sắc như dao cạo của bà hoàng Võ Tắc Thiên hay ánh mắt thơ ngây của công chúa Thái Bình đều được chị chăm chút và “thả” cảm xúc rất liều lượng, chuẩn mực.

                                         Ban nhạc trong chương trình. (Băng Huyền/Viễn Đông)

 
Nghệ sĩ Hồng Nga và trích đoạn Tuyệt Tình Ca

Đem lại thích thú và ngạc nhiên cho khán giả trong chương trình “Hương sắc miền Nam” còn phải kể đến nghệ sĩ Hồng Nga. Giọng hát của người nghệ sĩ đã bước vào tuổi 70 vẫn còn nồng đượm khi thể hiện những bài hát mang âm hưởng dân ca như “Hoa cau vườn trầu“à đã đem lại bất ngờ cho khán giả khi bà vừa nhảy cha cha cha vừa hát ca khúc “Nếu có yêu tôi” (Thơ Ngô Tịnh Yên, nhạc Trần Duy Đức), nhưng khán giả tán thưởng nhiều nhất vẫn là được nghe bà hát những bài vọng cổ ngọt ngào, đặc biệt là bài vọng cổ về nỗi cô đơn khắc khoải của người nghệ sĩ khi bức màn nhung khép lại trong “Kiếp Cầm Ca” (soạn giả Viễn Châu).
Trong phần hát vọng cổ và tân nhạc, bà đã nhận được tình cảm nồng nhiệt từ các khán giả, họ liên tiếp tặng hoa kèm với phong bao tiền tặng cho bà, cuối giờ diễn bà đã cảm ơn khán giả và thông báo số tiền thu được là 900 mỹ kim, bà gửi tặng lại cho ban nhạc 200 mỹ kim, còn lại 700 bà sẽ đem về Việt Nam, giúp các nghệ sĩ hiện đang sống trong Viện dưỡng lão nghệ sĩ tại Sài Gòn. Mọi người đã vỗ tay tán thưởng trước ý đẹp của người nghệ sĩ và 1 khán giả đã lên tặng thêm 100 mỹ kim để số tiền đủ tròn 800.
Vai cô giáo Lan, là vợ thứ của ông cò quận 9 còn gọi là cò Hương (nghệ sĩ Út Trà Ôn đảm nhận) trong vở cải lương Tuyệt Tình Ca vốn là vai diễn để đời của nghệ sĩ Hồng Nga. Tâm sự với người viết, nghệ sĩ Hồng Nga nói, “Hồng Nga hát vai này khi mới 18 tuổi, bây giờ Hồng Nga đã 70 tuổi, bây giờ diễn thì điêu luyện hơn, và cũng đã già vừa vặn. Hồi xưa phải vẽ nếp nhăn trên mặt, bây giờ không cần vẽ nó đã nhăn rồi. Nếu hồi xưa Hồng Nga diễn cùng bạn diễn là nghệ sĩ Út Trà Ôn, thì lần này lại diễn với một bạn diễn không chuyên nghiệp ngay tại đây, nhưng sự nghiêm túc học hỏi của bạn diễn này (nghệ sĩ Thành Đạt) chắc chắn không phụ lòng khán giả.”
Nghệ sĩ Thành Đạt cho biết, “Tôi chỉ là một nghệ sĩ nghiệp dư, đi làm công việc khác, vì mê cải lương mà đi hát thôi. Vai này đệ nhứt danh ca Út Trà Ôn đã đi vào lòng người rất ấn tượng rồi, thành ra tôi chỉ cố gắng học hỏi những cái hay của nghệ sĩ tiền bối Út Trà Ôn. Vai ông cò Hương trước đây tôi cũng đã đóng vài lần với vài nghệ sĩ tại đây như nghệ sĩ Ngọc Đáng, Phượng Hồng, lần này đặc biệt khi tôi được hát với nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu từng diễn với nghệ sĩ Út Trà Ôn, nên tôi đã bị rất nhiều áp lực. Nhưng cũng may được nghệ sĩ Hồng Nga và đạo diễn Lê Tín chỉ dẫn, nên tôi cố gắng hết sức mình. Ngày trước khi diễn vai này, tôi nói thoại nhanh lắm. Lần này nghệ sĩ Hồng Nga nhắc nhở tôi khi thoại chầm chậm lại và diễn thật nhiều, để thấm vào khán giả, vì đây là hai vợ chồng lâu ngày mới gặp nhau. Với người bạn diễn xuất sắc cũng làm cho tôi khi diễn có nhiều cảm xúc hứng thú, hòa nhập với lối diễn, cách diễn.”
Qua lớp diễn ông Cò Hương tái ngộ đầy nước mắt với bà Lan sau hai mươi năm cách biệt, cả hai nghệ sĩ đã để lại nhiều xúc cảm cho khán giả. Bà Lan với nỗi lòng đau khổ của một người đàn bà quá thương người chồng xa cách đến độ gìn giữ, nâng niu từng kỷ niệm, kỷ vật của chồng; Phải chịu đựng trong kiếp “làm thân vợ bé, chồng đã bỏ về với vợ lớn phải vất vả nuôi con mà bia đời còn nguyền rủa.” Còn ông cò Hương dù về bên vợ lớn và bị thất lạc nhau, nhưng hình ảnh người vợ thứ vẫn theo đuổi ông trong bao nhiêu năm xa cách, tình yêu của ông không mờ nhạt, vẫn như ngày còn sống chung. Chính cái tình chồng vợ đoàn tụ sau bao năm xa cách mà người diễn “tình” quá, khiến nhiều khán giả đã rơi nước mắt.

 Trích đoạn “Giang Sơn Mỹ Nhân”
Đây là trích đoạn chọn để kết thúc chương trình qua diễn xuất của nghệ sĩ Vũ Luân trong vai Ngô Phù Sai, Thanh Thanh Tâm trong vai Tây Thi và Lê Tín trong vai Ngũ Tử Tư. Cả ba nghệ sĩ thật xuất sắc từ tạo hình cho đến cách ca, diễn, đã đem lại hài lòng cho các khán giả vẫn ở lại đến cuối chương trình, lúc này đã gần 12 giờ đêm.
Đặc biệt là Tây Thi của Thanh Thanh Tâm và Ngô Phù Sai của Vũ Luân có sự kết hợp tuyệt vời trong diễn xuất, ăn ý trong từng ánh mắt, điệu bộ, từng nét biểu cảm tinh tế và đầy cảm xúc, đã tạo nên sức hút riêng biệt.
Buổi diễn kết thúc, nhưng mọi người dường như vẫn chưa muốn về, dù đã hơn 12 giờ đêm, nhiều khán giả còn ở lại để được chụp hình với nghệ sĩ, mua cd ủng hộ nghệ sĩ và trên đường ra bãi xe, họ vẫn tiếp tục cùng nhau bàn luận, nhận xét đầy hào hứng về các trích đoạn mà mình vừa xem.
Sân khấu cải lương cần lắm những chương trình có phẩm chất cao và tạo được hiệu ứng từ khán giả như chương trình “Hương Sắc Miền Nam,” để thắp lên bao hy vọng và củng cố thêm niềm tin không chỉ cho khán giả mộ điệu mà còn cho cả những nghệ sĩ đang miệt mài theo đuổi nghiệp dĩ cải lương. (bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT