Mẹo Vặt

Thực phẩm Organic: Có xứng đáng đồng tiền?

Thursday, 28/01/2016 - 08:00:38

Có thể trở thành mối đe dọa cho sức khỏe không? Tôi chưa biết. Nhưng đó cũng là điều đáng suy nghĩ khi chúng ta vô tình mang thân mình ra làm… vật thí nghiệm”

Bài VŨ HẰNG

Là người nội trợ, chúng ta phải đối diện với nhiều chọn lựa khi vào chợ. Hiện nay, các nhà dinh dưỡng hay nói về hai loại thực phẩm: Thực phẩm biến dạng di truyền (GMO) và thực phẩm hữu cơ (Organic). Mặc dầu cả hai thứ đều phổ thông, nhưng sự đón nhận của giới tiêu thụ lại đối nghịch: Trong khi GMO gặp phải sự e dè cảnh giác thì Organic lại được đón nhận một cách niềm nở mặc dầu giá cả đắt hơn. Bởi vì người ta cho rằng Organic an toàn hơn, bổ dưỡng hơn. Phải chi tất cả mọi người đều nói như vậy thì chúng ta đỡ nhức đầu: Có bóp bụng trả thêm mà được ăn thực phẩm tốt hơn thì cũng đáng. Nhưng nhiều người khác lại nêu câu hỏi: Thực phẩm Organic tốt tới cỡ nào? Hoặc, cứ cho rằng Organic là tốt đi thì nó có xứng đáng với giá cao như vậy không?

Sự tranh giành ảnh hưởng giữa 2 loại – thực phẩm nuôi trồng hữu cơ và thực phẩm nuôi trồng thông thường: Thứ nào tốt hơn?

Cổ động Organic

Những người cổ động Organic cho rằng thực phẩm hữu cơ an toàn hơn, bổ dưỡng hơn, và ngon hơn. Đồng thời, môi sinh không bị tổn hại; rau cỏ phát triển tốt hơn, gia súc được thoải mái hơn … với cách nuôi trồng hữu cơ. Chính vì tin tưởng như vậy mà thực phẩm hữu cơ được tiêu thụ mỗi ngày mỗi nhiều hơn. Bà Katherine DiMatteo, giám đốc điều hành Hiệp Hội Thực Phẩm Hữu Cơ OTA (Organic Trade Association) khoe: “Kể từ năm 1990 đến nay, thực phẩm hữu cơ được đón nhận với mức tiêu thụ tăng trưởng 20% mỗi năm.”

Để củng cố niềm tin về ưu điểm của thực phẩm hữu cơ, thầy John Reganold, giáo sư nghiên cứu đất của Đại Học Washington State tại Pullman, Washington, cho rằng, “Vì thực phẩm hữu cơ được nuôi trồng không dùng thuốc trừ sâu, nên hóa chất độc hại không qua thực phẩm mà vào cơ thể chúng ta được.”
Trưng ra kết quả của một cuộc nghiên cứu do Consumers Union thực hiện trên 94,000 mẫu thực phẩm của 20 loại hoa màu khác nhau, thầy Reganold cho biết dư lượng thuốc trừ sâu đọng trên thực phẩm hữu cơ chỉ bằng 1/3 so với thực phẩm trồng theo lối thông-thường.

Nhưng thầy Reganold cũng thừa nhận, “Nói như vậy không có nghĩa là dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm thông-thường đã đủ sức gây hại ngay cho chúng ta, nhưng mỗi ngày tích lũy một chút thì sau vài chục năm nó sẽ như thế nào? Có thể trở thành mối đe dọa cho sức khỏe không? Tôi chưa biết. Nhưng đó cũng là điều đáng suy nghĩ khi chúng ta vô tình mang thân mình ra làm… vật thí nghiệm”

Chưa chắc có lợi hơn…

Nhưng theo một số thầy cô khác thì chưa có đủ bằng chứng về ưu điểm vượt trội của thực phẩm hữu cơ. Tiêu biểu là Thầy David Klurfeld, giáo sư tiến sĩ, chủ tịch Khoa Dinh Dưỡng và Thực Phẩm của trường Đại Học Wayne State University tại Detroit với lời nhận xét đủng đỉnh rằng, “Hiện chưa có đủ chi tiết về kết quả của thực phẩm hữu cơ đối với con người. Những gì chúng ta biết chưa đủ để nói rằng thực phẩm nuôi trồng hữu cơ là tốt hơn nuôi trồng thông-thường với phân hóa học và thuốc trừ sâu.”

Thầy Carl Winter, giám đốc chương trình FoodSafe tại trường Đại Học University of California, Davis, phụ họa, "Thuốc trừ sâu do con người chế ra từ các hóa chất tổng hợp không phải là mối đe dọa duy nhất. Vì không dùng thuốc trừ sâu trừ cỏ, thảo mộc hữu cơ thường phải tranh đấu gay gắt hơn để có thể sống còn trước sự tấn công của sâu rầy và cỏ dại. Khi bị tấn công, thảo mộc đâu có chân để chạy trốn. Chúng vẫn phải trụ lại đó, nên Ông Trời cho chúng khả năng đối phó để sống còn bằng cách dùng tới kho vũ khí hóa học của mình. Để tự bảo vệ, thảo mộc phải tiết ra những chất đề kháng, có thể gọi là thuốc trừ sâu thiên nhiên, và vô tình để lại trong cơ thể mình dư lượng độc chất ấy. Rốt cuộc, thảo mộc lại phải đối phó với chính những độc chất do chúng tiết ra.”

Loại “thuốc trừ sâu thiên nhiên” này có độc hại khi chúng ta ăn những thảo mộc ấy không? Các thầy cô cho biết “chẳng kém gì thuốc trừ sâu nhân tạo, mà có khi còn độc hơn.” Chẳng hạn, Solanine, chất đề kháng do khoai tây tiết ra khi chúng lớn dần và chuyển sang màu xanh, chính là một độc chất có thể làm hại con người nếu chúng ta ăn nhiều quá.

***

Thật không ngờ câu chuyện về thực phẩm lại diễn biến với nhiều tình tiết bất ngờ và hồi hộp như vậy. Nhưng nói thật: Những chứng minh lật qua lật lại của các thầy cô làm Hằng hoa cả mắt rồi, cái đầu của em không thể chứa thêm được gì nữa. Hẹn lại kỳ sau thôi, các bạn nhé.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT