Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Tình yêu nhạc dân tộc của ca sĩ Thúy Anh

Saturday, 06/12/2014 - 07:49:38

Cô Đặng Tống Tịnh Nhân và nghệ sĩ Bửu Lộc đều đã mất rồi. Còn cô Hồng Vân thì có lần Thúy Anh làm MC trong một chương trình do trung tâm Thúy Nga tổ chức vào năm 2006 có mời cô hát, Thúy Anh đã gặp cô và gửi lời tri ân đến cô.”

Bài BĂNG HUYỀN

Kể từ năm 2007 đến nay, những khán giả yêu nhạc tại quận Cam, đặc biệt là dòng nhạc dân ca, quê hương, trữ tình Việt Nam và có theo dõi chương trình văn nghệ “Radio Chiều Thứ Bảy” trên làn sóng 1480 A.M, kéo dài từ 6 giờ chiều đến 9 giờ tối, cũng như một số chương trình đại nhạc hội do trung tâm băng nhạc Blue Ocean thực hiện, thì ca sĩ- xướng ngôn viên- MC Thúy Anh là một gương mặt rất thân quen. Gần đây, trong buổi diễn nhạc hội kỷ niệm 25 năm của đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng vào tối Thứ Bảy, 8-11-2014, ca sĩ Thúy Anh đã chinh phục người nghe khi chị thể hiện vẻ đẹp trữ tình đằm thắm nhưng thật sâu sắc của hát Chèo qua bài “Đường Trường Tiếng Đàn”.

Thúy Anh với áo tứ thân, nón quai thao



Nếu những ai có theo dõi những lần xuất hiện của chị trong vai trò ca sĩ tại những buổi diễn của các hội đoàn trong cộng đồng, hay trong một số chương trình của đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng, đều nhận ra rằng chất giọng trữ tình, sâu lắng, ngọt ngào của Thúy Anh rất thành công trong việc hát những ca khúc mang sắc thái dân tộc, các điệu hò, dân ca ba miền...
Không chỉ là những buổi diễn tôi đã xem chị hát, Thúy Anh còn tạo bất ngờ cho tôi, bởi những suy nghĩ rất giản dị, rất đời và lại rất sâu của chị qua câu chuyện tâm tình về tình yêu dành cho âm nhạc dân tộc đầy mê đắm, về những kinh nghiệm mà chị đã tích lũy để dễ dàng chạm được sâu vào trái tim người nghe khi họ nghe chị hát nhạc quê hương.

Tỏa sáng nhờ đam mê...
Chị kể chị được sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nhưng bố chị gốc người Hà Nội, mẹ chị vốn là cô gái Bắc Ninh. Bố mẹ di cư vào Nam năm 1954, vì từ nhỏ gia đình sống trong cư xá của những người gốc Bắc di cư, nên chị vẫn được giọng Bắc. Dù trong gia đình không có ai là ca sĩ, nhưng bố và mẹ chị rất yêu nhạc dân tộc và đã truyền tình yêu ấy sang khi chị còn bé thơ.
Là một người rất nặng tình với nhạc dân tộc, ca sĩ Thúy Anh bảo rằng không biết vì sao ngay từ hồi còn bé, cứ mỗi khi nghe những giai điệu ngũ cung của âm nhạc dân tộc ba miền Bắc- Trung- Nam, chị đều có những cảm xúc đặc biệt. Phải chăng vì trong mỗi người Việt, ai cũng có một miền quê, đó là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi đã nuôi dưỡng ta trưởng thành. Qua ca dao dân ca những hình ảnh của miền quê như trở nên gần gũi hơn, lung linh hơn nhờ những ca từ đầy hình ảnh. Là cánh đồng lúa thơm ngát, lũy tre xanh trải dài dọc bờ đê, cánh cò lả, nghiêng nghiêng vành nón lá, mái chèo, con đò..., lồng vào đó còn có đầy đủ các cung bậc cảm xúc của con người như vui buồn, giận hờn, thương yêu, hỉ nộ ái ố... từ nhẹ nhàng, sâu lắng đến cao trào, kịch tính.
Sở trường của chị là hát nhạc mang âm hưởng của miền Bắc, từ Chèo, ca Trù, hát Xẩm, hát Quan Họ... đến những bài dân ca như Trống Cơm, Đèn Cù, Se Chỉ Luồn Kim... Nhưng chị vẫn có thể hát rất ngọt âm điệu của người miền Nam qua những bài Lý mộc mạc, chân tình của miền Nam như Lý Ngựa Ô, Lý Cái Mơn, Hò Đi Thẻ Mực, Lý Chim Quyên... và chị cũng rất yêu và hát không thua gì những người gốc Huế khi thể hiện những ngậm ngùi, man mác của nhạc dân ca miền Trung qua Lý Con Sáo Huế, Lý Qua Đèo, Lý Tình Tang, Lý Giang Nam, Hò Huế à Giọng hát của chị thể hiện thật tràn đầy âm điệu, cảm xúc những giai điệu, sắc màu đa dạng của dân ca Việt Nam.

Từ những người thầy đầu đời
Kể về cơ duyên học hát những bài hò Huế và nhạc dân ca miền Trung, chị cho biết: “Từ lúc còn bé, Thúy Anh đã nghe và học theo cô Hồng Vân (ban tam ca Đông Phương) các bài hát hò Huế qua băng cassette. Khi vào học trường Gia Long vào cuối những năm thập niên 1970 đầu thập niên 1980, khi ấy cô giáo dạy Văn của trường là cô Đặng Tống Tịnh Nhân là người Huế, và hay hò Huế trong trường. Biết Thúy Anh thích hò Huế, cô đã chỉ thêm một số kỹ thuật hát hò Huế cho Thúy Anh. Vào thập niên 1980 Thúy Anh có đại diện trường đi thi hát dân ca ở nhà văn hóa quận 3, được giải 2, khi đó cô Thủy là cô giáo đệm đàn trong dàn nhạc dân tộc của nhà văn hóa quận 3 có đưa Thúy Anh đến nhà cô gặp bố cô là nhạc sĩ Bửu Lộc là nghệ sĩ kỳ cựu chuyên về nhạc cung đình Huế. Ông ngạc nhiên khi thấy Thúy Anh là người gốc Bắc, mà hát được giọng Huế, nên ông chỉ thêm cho Thúy Anh một vài kỹ thuật, luyến láy, cách ngân, cách lên, xuống giọng thật mượt mà khi ca Huế.”
“Riêng về ca Huế, may mắn Thúy Anh có 3 người thầy, Thúy Anh rất tri ân những vị thầy đó. Thầy đầu tiên là ca sĩ Hồng Vân, Thúy Anh chỉ học cách hát của cô qua băng nhựa khi nghe cô hát, cô giáo Tịnh Nhân và nghệ sĩ Bửu Lộc. Cô Đặng Tống Tịnh Nhân và nghệ sĩ Bửu Lộc đều đã mất rồi. Còn cô Hồng Vân thì có lần Thúy Anh làm MC trong một chương trình do trung tâm Thúy Nga tổ chức vào năm 2006 có mời cô hát, Thúy Anh đã gặp cô và gửi lời tri ân đến cô.”

Đến cách tự học
“Còn để hát những bài hát dân ca như Quan Họ Bắc Ninh, hát Xẩm hay hát Chèo, ca Trù, ngâm thơ... thật ra hồi đầu học hát Thúy Anh chưa có một vị thầy nào, chỉ nghe qua băng và bắt chước thôi. Nhưng cũng may vì mình yêu thích, nên bằng mọi cách học cho bằng được. Và cũng vì nhịp điệu nhạc dân ca Việt Nam đã có sẵn trong máu trong tim của mình rồi. Nên mình học rất dễ dàng. Cũng may là ở miền Nam California, có đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng, có giáo sư Nguyễn Thị Mai và giáo sư Nguyễn Châu, là những vị thầy đặc biệt của Thúy Anh. Đặc biệt là giáo sư Nguyễn Châu, khi có dịp trình diễn những thể loại nhạc này, thầy chỉ dẫn kỹ cách hát cho Thúy Anh. Thúy Anh thấy Đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng là nơi các phụ huynh có thể gửi con mình đến học những nhạc cụ dân tộc và Thúy Anh mong muốn có thời gian sẽ sắp xếp để dạy dân ca cho các bé. Thúy Anh nghĩ, mình đi học gì thì cũng có ngày quên. Nhưng dạy nhạc, nhất là dân ca, khi mà các cháu học được rồi, thì sẽ đi vào tâm thức của các cháu. Vì vậy, cách lưu giữ tiếng Việt là cho các bé học hát tiếng Việt. Giáo sư Nguyễn Thị Mai và Nguyễn Châu đã bơi ngược dòng, giúp lưu giữ nhạc cổ truyền Việt Nam cho các em, Thúy Anh luôn trân trọng các vị giáo sư đó.”
Chị nói nhờ chị có học đàn guitare, đàn tranh, đàn bầu và một chút đàn dương cầm nên chị nắm vững những ký âm cơ bản về nhạc lý và có học thanh nhạc với nhạc sĩ Vy Nhật Tảo ngay trong trường Gia Long khi chị còn học trung học. Bố mẹ chị dù rất thích cho chị hát nhạc dân ca, nhưng không muốn chị theo con đường trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, mà chỉ muốn chị hát chơi thôi. Ngay lúc chị còn ở Việt Nam vào đầu thập niên 1980, có những lời mời như của đoàn Cửu Long Giang, trưởng đoàn ca múa nhạc Bông Sen ca sĩ Thanh Trì, kỳ nữ Kim Cương đi xem phần thi của chị đại diện cho trường Gia Long trong liên hoan ca múa nhạc của học sinh, sinh viên. Họ có mời chị tham gia vào đoàn của họ để đào tạo thêm và trở thành nghệ sĩ của đoàn. Lúc đó bố chị không đồng ý và chỉ muốn chị trở thành cô giáo. Vì lý lịch có bố làm việc cho Bộ Nội Vụ của VNCH trước năm 1975, nên chị thi vào đại học sư phạm khoa Văn đã bị rớt. Năm sau chị thi đại học Sư Phạm môn Anh Văn thì đậu. Nhưng chị học 1 năm rồi nghỉ vì không muốn bị trường cắt hộ khẩu, do người yêu của chị sau này là phu quân của chị đã sang Mỹ muốn bảo lãnh chị đoàn tụ cùng anh.
Năm 1992, chị sang định cư tại Hoa Kỳ và sống tại Florida cùng gia đình của hôn phu, anh Nguyên Vũ. Lúc này cơ hội ca hát của chị đã không còn bị bố ngăn cản. Vì gia đình chồng là một gia đình chơi nhạc, “bố anh Vũ ngày xưa trong ngành cảnh sát có chơi saxophone trong đội kèn của Cảnh Sát và có chơi trong những phòng trà. Ông tên là Mã Đình Sơn, còn mẹ chồng thì là ca sĩ hát trong quân đội, ca sĩ Vân Khanh, nhưng khi bà lấy chồng, thì không đi hát nữa. Các anh em của anh Vũ thì mỗi người chơi một nhạc cụ khác nhau. Anh Vũ chơi chính là keyboard và piano, kiêm vai trò hòa âm cho ban nhạc gia đình. Ban đầu ban nhạc gia đình có tên là Hải Âu. Đến khi anh bảo lãnh Thúy Anh qua, thì lập ban nhạc tên mới là Chachacha band, đi hát trong những đám cưới, trong cộng đồng, trong những cuộc thi hoa hậu trong cộng đồng...”
Nói về lý do đến nay chị vẫn chỉ là một ca sĩ tài tử, mà không theo chuyên nghiệp để thỏa mãn ước mơ ca hát. Chị bảo: “Chồng muốn giúp để Thúy Anh phát triển đam mê ca hát theo hướng chuyên nghiệp. Nhưng Thúy Anh không đi theo chuyên nghiệp, vì không muốn đi hát bỏ chồng ở nhà, mà luôn muốn có đôi với nhau, nhất là khi có con, Thúy Anh càng không muốn rời xa mái ấm của mình. Tự thấy mình không còn trẻ như xưa để mà tìm sự nổi tiếng trên con đường ca hát chuyên nghiệp. Thêm một điều quan trọng, trong cuộc đời Thúy Anh, gia đình là trên hết. Vì vậy chỉ tham gia những chương trình trong cộng đồng nếu thấy thời gian đi hát phù hợp.”
Từ cơ duyên được mời làm MC trong một chương trình “Thương Về Miền Trung” của Trung Tâm Thúy Nga tổ chức vào năm 2006, nên sau đó Thúy Anh và ông xã quyết định dọn về Nam California sống vào năm 2007. Thời gian đầu chị làm xướng ngôn viên cho đài Little Saigon Radio 4 năm. Khi trung tâm Thúy Nga mở đài Phát Thanh Văn Nghệ Thúy Nga trên làn sóng radio 1480 a.m vào thứ Bảy, Chủ Nhật, họ mời chị cộng tác trong vai trò biên tập chương trình. Đến năm 2011, trung tâm Thúy Nga mở truyền hình Viet Face, vợ chồng chị được sự hỗ trợ của giáo sư Tô Văn Lai nên đã mạnh dạn mua lại đài, nhưng chỉ phát 1 ngày thứ Bảy từ 6 đến 9 giờ, chuyên về chương trình nghệ thuật, thi nhạc giao duyên, nhạc chủ đề, văn học nghệ thuật, chương trình Sống Vui, Bé Nói Tiếng Việt do bé Đức Khang con trai của vợ chồng chị giữ vai trò host chương trình. Đây là chương trình để các bé gọi điện vào nói tiếng Việt với mỗi đề tài khác nhau cho từng tuần. Cả nhà chị làm radio. Chồng chị, anh Nguyên Vũ vốn là kỹ sư về hỏa tiễn 16 năm, nay đảm nhận về kỹ thuật cho đài, là người bầu, sắp xếp các chương trình. Chị là xướng ngôn viên và biên tập chính chương trình.

Nhạc dân tộc chắp cánh
Được thiên phú khả năng nhạc cảm cao, chất giọng trữ tình, sâu lắng, ngọt ngào, ca sĩ Thúy Anh thật đa tài khi thể hiện thành công hầu hết các làn điệu dân gian như ngâm, vịnh, hát xẩm, ca trù, hát chèo truyền thống... Chị nói chị rất yêu nhạc truyền thống, nhất là nhạc dân ca 3 miền vì: “Nghe nhạc dân ca 3 miền, ta có thể thấy được tính cách của mỗi miền. Người miền Nam có những câu hò rất chân chất, dễ thương, đôn hậu. Mình có thể thấy được sự hiền hòa của người miền Nam, có cả sự dí dỏm trong đó. Còn người miền Trung khi nghe những câu hò Huế, nó tha thiết vô cùng, khi nghe, mình cảm nhận như là nơi đó gặp nhiều khác nghiệt về thời tiết, không được phong lưu như người miền Nam. Vì vậy khi nghe nhạc miền Trung, thấy buồn, cảm nhận nỗi buồn thấm sâu vào cõi lòng máu thịt của người miền Trung. Còn với dân ca miền Bắc, nơi chốn kinh đô xưa, Thúy Anh cảm nhận nó là sự trộn lẫn của cả hai. Có một cái gì đó vừa dí dỏm, vừa vui, nhưng cũng có những cái thâm trầm, sâu sắc của người miền Trung.
“Bố Thúy Anh hay bảo với các anh em Thúy Anh rằng: mình là người miền Bắc, nhưng lại sống trong miền Nam, bố mẹ rất thương sự thật thà của người dân miền Nam, nhưng bố mẹ cũng rất quý sự cẩn trọng, tế nhị của người miền Trung và sự khéo léo tế nhị của người miền Bắc. Nếu các con sống ở cõi đời mà con người có được phối hợp của cả 3 miền, thì đó là điều rất quý. Có được sự tế nhị, cẩn trọng nhưng đừng thiếu sự thật thà chân chất của người miền Nam. Đó là lời dạy của bố mình, mà mình vẫn luôn cố gắng áp dụng trong đời sống.”
“Thúy Anh sẽ yêu dân ca đến ngày nhắm mắt, ai mà hát dân ca, yêu dân ca, Thúy Anh đều rất trân trọng. Vì dân ca là những tinh túy của người Việt Nam. Nếu đã yêu nhạc, xin hãy thử nghe dân ca Việt Nam, để tự hào về cha ông chúng ta thật ý nhị và tinh tế vô cùng, những câu đối đáp có ý tình sâu đậm, tế nhị vô cùng. Các cụ ngày xưa sống với nhau trọn đời, còn nay không có sự kiên nhẫn với nhau. Phải chăng âm nhạc dân ca là văn hóa Việt Nam ngày xưa đã lưu giữ được cái nề nếp, phẩm chất của người Việt Nam. Đó chính là điều mà Thúy Anh rất yêu nhạc dân ca.”
Chính vì những lời ca giao duyên tế nhị, sâu sắc của dân ca nên mỗi khi hát, chị lại thấy càng yêu cái chất thơ tinh tế vô cùng đó, càng nghe lại càng thấm cái ý nhị đẹp đẽ trong nội dung câu hát. Chị bảo từ dân ca, chị học được rất nhiều, nhất là học cái thanh lịch nhẹ nhàng, cái tình rất nồng đượm mà không vồn vã... Ai đã trót say mê văn chương rồi, nếu có duyên bước vào thế giới duyên dáng của dân ca, biết nghe và hiểu dân ca thì có lẽ không tài nào mà không yêu cho được.
Còn với vẻ đẹp của làn điệu Chèo mượt mà, chị thể hiện thành công bởi giọng hát đậm chất dân gian, ngọt ngào và da diết. Nhưng chị cũng chân thành chia sẻ: “Hát chèo không hề dễ dàng, để trở thành một diễn viên chèo chuyên nghiệp, ngoài năng khiếu bẩm sinh đòi hỏi phải có sự rèn luyện thường xuyên, đòi hỏi diễn viên phải có nhiều yếu tố như giọng hát, hình thức, khả năng diễn xuất, múa... những yếu tố kỹ thuật rất đặc biệt, rất khó thể hiện, có những trường đoạn mình phải múa hát nhịp nhàng với nhau, không dễ chút nào. Thúy Anh chưa bao giờ đóng một tuồng chèo nào cả. Thúy Anh nghĩ có lẽ một dịp nào đó, sẽ tập hát đoạn Thị Mầu lên chùa, là bài kinh điển nhất. Về chèo, Thúy Anh thấy điệu bộ là quan trọng nhất, biểu cảm nét mặt, điệu múa tay... người hát Chèo không chỉ hát không, mà còn phải diễn tả chiếm 50 phần trăm so với giọng ca, mới đem lại thành công cho phần trình diễn. Thúy Anh nghĩ nếu sau này có dịp về thăm quê nhà, chắc chắn Thúy Anh sẽ dành thời gian tìm đến các nghệ nhân để học những nét hay của những thể loại nhạc dân gian này, như hát Quan Họ, hát Chèo, hát Xẩm, ca Trù... Vì đây là những thể loại nhạc tinh túy của văn hóa Việt Nam mà Thúy Anh yêu thích vô cùng.” (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT