Thế Giới

Tòa Libya kết án tử hình con trai của Gaddafi

Tuesday, 28/07/2015 - 08:55:20

Các cựu viên chức của chế độ Gaddafi bị tử hình bằng súng, trong những người này có cả cựu giám đốc tình báo Abdullah al-Senussi, cựu thủ tướng Baghdadi al-Mahmoudi, và Sadiq al-Sur, giám đốc điều tra tại Công Tố Viện quốc gia tại thủ đô Tripoli dưới thời Gaddafi.

Saif al-Islam xuất hiện tại tòa thông qua màn hình video.


TRIPOLI – Tòa án Libya hôm thứ Ba đã kết án tử hình đối với người con trai nổi bật nhất của nhà độc tài Muammar Gaddafi, là ông Saif al-Islam, và 8 cựu viên chức khác dưới thời Gaddafi, vì đã phạm nhiều tội ác chiến tranh, bao gồm cả việc sát hại những người biểu tình trong cuộc cách mạng năm 2011 tại Libya.
Nhà độc tài Muammar Gaddafi đã bị giết bởi quân nhân của phe nổi dậy sau khi bị bắt. Trước đó, ông ta đã phải sống lẩn trốn trong nhiều tháng trời.
Các cựu viên chức của chế độ Gaddafi bị tử hình bằng súng, trong những người này có cả cựu giám đốc tình báo Abdullah al-Senussi, cựu thủ tướng Baghdadi al-Mahmoudi, và Sadiq al-Sur, giám đốc điều tra tại Công Tố Viện quốc gia tại thủ đô Tripoli dưới thời Gaddafi.
Quá trình xét xử và bản án đã nhận được nhiều sự chỉ trích từ nước ngoài. Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch và nhiều luật sư quốc tế nói rằng, phiên tòa này còn nhiều sai lầm pháp lý và diễn ra trong bối cảnh tình trạng vô pháp luật tại Libya đang làm mất uy tín của ngành tư pháp.
Ngoài những người nêu trên, còn 8 cựu viên chức khác đã bị tuyên án chung thân, 7 người bị tuyên án 12 năm tù mỗi người. Có 4 trong số 37 bị cáo đã được miễn tội hoặc chỉ bị án tù trong thời gian ngắn. Các bị cáo bị truy tố rất nhiều tội danh, trong đó bao gồm tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại vì đã dùng vũ khí sát thương để đàn áp biểu tình, và cả tội tham nhũng.
Bản án của Saif al-Islam được tuyên bố trong sự vắng mặt của bị cáo, do ông ta vẫn đang bị giam giữ từ năm 2011 đến nay, bởi một tổ chức từng là phe nổi dậy trong thời Gaddafi, tại vùng núi Zintan, một khu vực ở phía Tây Libya nằm ngoài vòng kiểm soát của chính phủ. Mâu thuẫn nội bộ giữa các lực lượng quân sự tại Libya đã chia nhỏ nước này thành lãnh địa của nhiều phe phái.
Những người Zintan từ chối giao trả Saif al-Islam, vì nói rằng họ không tin tưởng chính phủ, nhưng vẫn đồng ý để Saif al-Islam tham dự phiên tòa thông qua màn hình video.
Bản án vừa công bố nêu trên vẫn có thể được kháng cáo và còn cần phải được sự chấp thuận của Tối Cao Pháp Viện Libya, nhưng các chuyên gia pháp lý và các nhóm nhân quyền nói rằng, quá trình xét xử đã mang động cơ chính trị và đã mắc sai lầm ngay từ khi bắt đầu.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT