Hôn Nhân, Cuộc Sống

Trầm cảm sau khi chia tay (kỳ 1)

Monday, 15/06/2015 - 12:07:06

Đau buồn và tức giận là bình thường, đó là những phản ứng lành mạnh trước sự mất mát có tác động rất mạnh này.



Tình yêu đã mất. Thật khó mà có được một nền văn chương vĩ đại mà thiếu đề tài muôn thuở này. Chẳng hạn liệu nhân vật Heathcliff của nhà văn Emily Bronte và niềm đam mê của chàng dành cho Cathy sẽ thu hút trí tưởng tượng của chúng ta hay không, nếu họ sống hạnh phúc mãi mãi về sau, trong cuốn tiểu thuyết “Wuthering Heights” (Đỉnh Gió Hú)? Và Romeo và Juliet sẽ là đáng nhớ hay không, nếu họ lặng lẽ kết hôn với sự chúc phúc của gia đình họ?
Rủi thay, những gì xảy ra trong văn chương lại không diễn ra tốt đẹp trong cuộc sống hiện thực. Cũng giống như trong việc phục hồi từ một chấn thương thể lý nghiêm trọng, thì việc chữa lành một trái tim tan vỡ phải tốn thời gian và sự quan tâm. Nếu thời gian không làm vơi đi nỗi đau của bạn, hoặc nó can thiệp vào công việc của bạn, hoặc vào khả năng của bạn trong việc kết nối với bạn bè và những người thân, thì bạn có thể cần sự giúp đỡ chuyên nghiệp: Bạn có thể đang chiến đấu với một trường hợp trầm cảm nặng.

Những cảm giác nào là bình thường sau khi một mối quan hệ tan rã

Sự gián đoạn của một mối tình thân mật giữa hai người gây ra khủng hoảng trong cuộc sống của hầu hết mọi người. Đau buồn và tức giận là bình thường, đó là những phản ứng lành mạnh trước sự mất mát có tác động rất mạnh này. Trong một cuộc chia tay, không những bạn mất đi người mà bạn yêu, mà bạn còn mất sự hiện hữu của chính bạn như là một phần của đôi lứa. Đối với hầu hết chúng ta, điều đó có nghĩa là sự mất đi cách thức chúng ta sống cuộc đời mình, mất đi phần nhiều trong những gì chúng ta coi là quý giá: tình yêu và sự thân mật, các hoạt động xã hội mà chúng ta quan tâm, những tình bạn được chia sẻ, và một ngôi nhà an toàn. Thế thì chẳng lạ gì việc chấm dứt một mối quan hệ có thể được cảm thấy như thể là cuộc sống cũng kết thúc.
Chắc chắn, nỗi đau gắn liền với chuyện mất đi một người thân yêu không chỉ được giới hạn nơi các cặp đã kết hôn. Theo một số cuộc nghiên cứu cho thấy, cứ năm thanh thiếu niên thì có một người bị trầm cảm vì một cuộc chia tay tình cảm. Trong thực tế, những thanh thiếu niên nào đã trải qua một cuộc chia tay tình cảm đều có xác suất cao là cảm nghiệm sự khởi đầu của một cơn trầm cảm lớn, trong khi vẫn còn ở độ tuổi vị thành niên. Một cuộc nghiên cứu được công bố trên tạp chí tâm lý học Journal of Abnormal Psychology cho biết như vậy.
Nếu câu nói “tình yêu là một loại thuốc gây nghiện” có căn cứ trong thực tế, thì chyện đột ngột mất đi tình yêu có thể được sánh ví như là phải nhịn thuốc, và thường liên quan đến cùng một loạt triệu chứng: nỗi đau thể lý có thực, mất ngủ, lo âu, trầm cảm, tuyệt vọng, mất động lực, và ý nghĩ tự tử. Nếu bạn cứ nghĩ hoài tới chuyện tự tử, thì điều quan trọng là bạn hãy nói chuyện với bác sĩ, hoặc gọi điện thoại ngay lập tức cho một đường dây khủng hoảng.
Sau 16 năm, Dona Blanchard vẫn còn nhớ cái đêm không ngủ mà cô đã trải qua, sau cuộc chia tay đau đớn đầu tiên của cô ở tuổi 24. Sự kết thúc của mối quan hệ xảy ra trong mùa nghỉ lễ. Thay vì ăn mừng với bạn bè, cô đã ở nhà khóc lóc trong dịp lễ Giáng sinh. Thay vì thông cảm với cô, một số người bạn nóng lòng mong cho cô vượt qua sự mất mát của mối quan hệ kéo dài ba năm của cô, và tận hưởng những ngày nghỉ lễ với họ.
Cô nói, “Tôi đã khóc suốt mùa lễ. Tôi muốn chết đi cho rồi. Thực sự như thể tôi đã mất đi một cánh tay. Nhưng nhiều bạn bè của tôi đã không biết mối quan hệ đó sâu đến chừng nào. Tựa như người ta thực sự không quan tâm nhiều đến điều đó. Họ nói với tôi, “Không sao. Bạn sẽ vượt qua được.”

Những người khác được phỏng vấn cũng trải qua kinh nghiệm của cô. Họ nói thêm rằng những người vừa mới ly dị thường được đối xử bằng sự hiểu biết và lòng nhân ái nhiều hơn bởi bạn bè của họ. Một phụ nữ nói, “Tôi nhớ rất rõ chuyện tan vỡ của mối quan hệ sâu nhất của tôi. Chúng tôi đã yêu nhau đuơc 5 năm, và tôi bị trầm cảm nặng đến nổi cảm thấy muốn tự tử. Tuy nhiên, trong tuần đầu tiên sau cuộc chia tay, bạn bè mời tôi đến dự các buổi tiệc, và gặp một số anh chàng dễ thương. Tôi cảm thấy như thể mình đang ở trong một nhà thương điên. Tôi thực sự tin rằng nếu người yêu của tôi và tôi đã kết hôn rồi, thì có thể người ta coi những cảm xúc của tôi một cách nghiêm chỉnh hơn.”
Những người bị trầm cảm không chỉ cảm thấy buồn. Họ thường tranh đấu với một cảm giác tuyệt vọng và thờ ơ dai dẳng. Khả năng tập trung và đưa ra quyết định bị suy yếu đi, cùng với sự quan tâm đến việc ăn uống hoặc đi chơi với bạn bè. Khi tình trạng cạn kiệt cảm xúc bắt đầu phát triển, ngay cả việc nghĩ tới những hoạt động mà có thể giúp họ giải trí cũng đều nằm ngoài phạm vi của hầu hết những người bị trầm cảm.
Khi Jack Anderson từ Ohio dời đến California, để ở với một phụ nữ mà anh từng quen biết từ thời còn học đại học, anh nghĩ rằng họ sẽ ở bên nhau mãi mãi. Nhưng khi cô tiết lộ cô đã gặp một người nào đó khác, anh hết sức buồn. Nó giống như cơ thể của anh đóng cửa ngưng hoạt động. Anh không thể ngủ ngon, cảm thấy không có động lực và cứ lờ đờ, đến nỗi chẳng bao lâu sau đó những bữa ăn tối của anh chỉ gồm một món đậu mà anh ăn thẳng từ một cái hộp. Anh nói, “Đó là tất cả những gì mà tôi còn có sức để làm.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT