Mẹo Vặt

Trong nhà ngoài ngõ, nơi nào sạch hơn?

Tuesday, 03/03/2015 - 06:22:33

Báo cáo của Bộ Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ (US Environmental Protection Agency) ước lượng không khí đằng sau cánh cửa sổ ngôi nhà thân yêu của chúng ta chẳng những không sạch bằng, mà nó còn ô nhiễm ít nhất gấp đôi, có thể gấp 5 lần không khí bên ngoài khung cửa.

Bài VŨ HẰNG

Quá dễ, hỏi vậy làm chi cho mất công. Trong nhà chắc chắn là sạch hơn ngoài ngõ, nếu không thì vợ chồng con cái cứ ra đường mà ở, việc gì phải mua nhà, thuê nhà cho tốn kém!
Nếu bạn nghĩ như vậy thì bạn đúng là … má của Hằng rồi đó.
Bởi vì, bà cụ nhà em, thuở còn sinh thời, thường hay mắng mỏ, “Cái con này, chẳng chịu động chân động tay thu dọn, nhà cửa bầy hầy không khác gì ngoài ngõ.” Nói như vậy có nghĩa là trong nhà đương nhiên phải sạch hơn, chỉ vì cái tính “lười chảy mỡ” của đứa con gái mà biến thành ngoài ngõ.

Rất nhiều nguồn ô nhiễm tác hại không gian trong nhà, như khói thuốc, bụi, phấn hoa, khí độc, lông chó mèo


Thần tượng của con gái thì có ai ngoài mẹ, nên Hằng cũng nhất định tin là trong nhà phải sạch hơn ngoài ngõ. Nhưng sau này, đi theo các thầy học được chút “mẹo vặt” mới vỡ lẽ ra rằng, sự thực không hẳn là như thế. Và để góp phần xoay chuyển những ý nghĩ đã ăn rễ sâu vào đầu óc con bé, các thầy cô còn trưng dẫn kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu khoa học như sau:
- Báo cáo của Bộ Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ (US Environmental Protection Agency) ước lượng không khí đằng sau cánh cửa sổ ngôi nhà thân yêu của chúng ta chẳng những không sạch bằng, mà nó còn ô nhiễm ít nhất gấp đôi, có thể gấp 5 lần không khí bên ngoài khung cửa.
- Hiệp Hội Bác Sĩ Chuyên Khoa Phổi Hoa Kỳ (American Lung Association) cho rằng nói như vậy là còn nhẹ, thực tế mức độ ô nhiễm cao hơn nhiều. Họ khẳng định rằng vấn đề không khí ô nhiễm trong nhà là nguyên nhân chính gây bệnh xuyễn và nhiều thứ dị ứng khác.
Chúng ta có thể ngạc nhiên về cái kết quả ngược đời này, và không khỏi băn khoăn tự hỏi: Tại sao trong nhà lại ô nhiễm? Cái gì làm ô nhiễm?
Thưa đó là những hạt bụi cực nhỏ, những hạt phấn hoa, khói thuốc lá; đó là những thứ khí độc hại phát sinh từ hơi nóng trong bếp lửa, như carbon monoxide, nitrous oxide; từ sự thoái hóa của hóa chất được sử dụng trong nhà, các hóa chất trong keo làm thảm, làm nệm, v.v. Ấy là chưa kể từ mồ hôi, gầu đầu, nước miếng, chất thải của cơ thể chúng ta. Tất cả đều quyện lại, bó cuốn lấy nhau, tích lũy từng ngày, từng tháng từng năm trong một không gian cô đọng tù túng.
Bụi thì tung tăng nhảy nhót khắp nơi, bình thường chẳng ai thấy nhưng hiển lộ rất rõ trong những tia nắng vô tình xiên vào từ bên ngoài; Phó phẩm độc hại thì dính kết với các đồ dùng trong nhà, bám vào tay, vào tóc, vào người, rồi từ đó vào trong cơ thể. Một không gian tù túng như vậy làm sao có thể sánh với thiên nhiên ở ngoài kia, đất trời cao rộng, không gian thoáng đãng, không khí vận chuyển luôn luôn, cuốn trôi và tẩy rữa mọi thứ ô nhiễm trong bao la lồng lộng?
Thật là những tiết lộ bất ngờ! Không biết thời đành chịu, chứ biết rồi thì nội tướng chúng ta khó mà ăn ngon ngủ yên khi chưa chiến thắng được thứ giặc ô nhiễm này. Hiện nay chúng ta có hai phương cách đối phó:
1. Làm thông thoáng không gian trong nhà bằng cách mở rộng các đường thoát hơi (ventilation)
2. Và hạn chế các chất ô nhiễm ngay từ nguồn gốc của chúng.
Nếu trong nhà có quá nhiều bụi, thì ắt hẳn thảm trải nền đóng góp một phần không nhỏ. Nếu không đặc biệt nặng nợ với thảm, tốt nhất đừng nên trải thảm, hoặc chỉ dùng thảm cá nhân (area rugs) thay vì trải thảm suốt từ chân tường bên này sang tường bên kia. Máy hút bụi là một khí giới thường được sử dụng. Nhưng đừng vội tin nhé, coi chừng …. gián điệp được gài vào đây, là vì có thứ máy chỉ làm tung bụi lên thôi chứ chẳng hút gì cả đâu.
Nếu có nuôi chó mèo, thì phải nhận rằng chúng là một nguồn ô nhiễm đáng kể. Bởi vì, chó mèo chả mấy khi rửa tay chân, lại không bao giờ đi giầy dép, và tiêu tiểu có bao giờ biết tự lau chùi đâu (không biết có ai thương chó mèo đến nỗi đi theo để chùi cho chúng không nhỉ?). Vậy, dù có cưng chúng đến đâu, bạn cũng phải có những nơi chó mèo bất khả xâm phạm. Nhưng với những người ôm chó mèo nằm ngủ, xin xem câu này như nước đổ lá khoai nhé, Hằng chỉ có ý nói võng lênh võng lang cho thiên hạ nghe chơi, chứ người đã có thể ngủ chung với chó mèo là thuộc hàng cao thủ, mình đồng da sắt, thì có hề gì ba cái lông chó mèo, hoặc da vẩy tróc ra từ những con vật cưng đó? Chắc chúng chẳng làm hại gì được đâu.
Còn đối với mọi người khác, nhà bếp lại phải có ống hút khói thật tốt, thật hiệu quả, để chẳng những hút khói mà hút cả mùi xào nấu nữa. Những thứ mùi làm thực phẩm thêm ngon sẽ trở thành mùi hôi và nguồn ô nhiễm nếu để chúng đi rông ra khỏi bàn ăn.
Phòng tắm phải luôn luôn có quạt hút (exhaust fan) thật mạnh để hút mùi hôi của chất thải, và để hút ẩm độ trong hơi nước, ngăn cản nấm mốc phát triển trên tường vách.
Thêm vào các biện pháp trên đây, máy sưởi và máy lạnh ngoài việc cung cấp nhiệt độ thích hợp để tạo sự thoải mái cho người trong nhà, chúng còn giúp thanh lọc không khí. Vì thế cần phải dùng màng lọc thích hợp, đúng yêu cầu, và thay mới sau một thời gian phục vụ nào đó.
Nếu chúng ta chú ý đúng mức tới những biện pháp kể trên thì căn nhà của chúng ta mới có thể được coi như một nơi nương ẩn ấm cúng, một “home sweet home” an toàn. Không được như vậy là thế nào cũng bị các nhà khoa học chê là “trong nhà không bằng ngoài ngõ.”
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT