Thể Thao

Từ bảng phân hạng của FIFA đến những thực tế ngoài sân cỏ cũng như ngoài đời

Sunday, 29/03/2015 - 09:35:17

Và họ căn cứ vào một lô một lốc đủ thứ hệ số để xếp hạng. Cho đến nay người ta vẫn chưa thấy ai thắc mắc hay khiếu nại gì về cách sắp hạng như vậy, cho nên ta cứ tạm coi như là một sự phân hạng có căn bản đàng hoàng.

Bài THANH NGUYỄN

Ngày thứ Bảy 28/3 các trận đấu ở vòng loại gồm 54 đội vẫn tiếp tục với 9 trận đấu giữa Kazakstan (138) với Iceland (35) bên Kazakstan, Tiệp (16) – Latvia (95) bên Tiệp, Do Thái (26) - Wales (37) ở thành phố cảng Haifa bên Do Thái, Azerbaijan (139) – Malta 145) ở Baku bên Azerbaijan, Croatia (19) – Na Uy (70) bên Croatia, Bulgaria (71) – Ý (10) tại Sofia bên Bulgaria, Hòa La (5) – Thổ Nhĩ kỳ (56) ở Amsterdam, Hòa Lan, Andorra (201) – Bosnia Herzegovina (30) ở Andorra và Bỉ (4) – Cyprus (đảo) (85) tại Brussels, Bỉ.

Minev của Bulgaria bất cẩn khiến banh đụng chân lọt lưới đội mình vào phút thứ 4. (Getty Images)



Chủ Nhật có thêm 8 trận, sau đó nghỉ một ngày và thứ Ba sẽ tiếp tục với trận giữa Do Thái với Bỉ.
Thiên hạ không có gì khác để xem vào những ngày gần đây vì hai giải UEFA Champions Leauge và UEFA Europa League mãi đến gần giữa tháng Tư mới bắt đầu qua tứ kết; còn trong nội bộ các nước thì Ligue 1 bên Pháp, Premier League bên Anh, Serie A bên Ý, Bundesliga bên Đức phải đến 4/4 mới bắt đầu giao đấu nội bộ với nhau trở lại cho đến hết mùa bóng để tranh giải vô địch trong nước.
Riêng La Liga bên Tây Ban Nha thì các trận đấu nội bộ đi trễ hơn một ngày, tức là tiếp tục vào ngày 5/4.
Trở lại với 9 trận vòng loại 54 đội của giải UEFA Euro trong ngày thứ Bảy. Những con số trong ngoặc đơn là thứ hạng của từng đội theo bảng sắp hạng của FIFA. Và họ căn cứ vào một lô một lốc đủ thứ hệ số để xếp hạng. Cho đến nay người ta vẫn chưa thấy ai thắc mắc hay khiếu nại gì về cách sắp hạng như vậy, cho nên ta cứ tạm coi như là một sự phân hạng có căn bản đàng hoàng.
Thế nhưng từ các thứ bậc theo bảng sắp hạng đó đến kết quả những trận đấu trên sân cỏ ở khắp mọi nơi thì người ta vẫn thường thấy những hiện tượng chẳng lấy gì làm “xuôi chèo mát mái”! Vẫn cứ thấy những nghịch lý khá kỳ quặc! Chẳng hạn như trận vào ngày 28 nói đây giữa Ý với Bulgaria. Có cái gì đấy rất không bình thường! Một anh được xếp hạng 10, tức là Ý, đấu vòng loại với một anh được xếp hạng 71 là Bulgaria mà vất vả điêu đứng lắm thì sau 90 phút thêm 1 vào hiệp 1 và 4 vào hiệp 2 thì mãi đến những phút cuối của hiệp 2 mới gỡ hòa được 2-2. Mà ấy là bàn thắng đầu tiên của mình trong hiệp 1 thì lại không phải một bàn thắng mà là một bàn do cầu thủ đối phương bất cẩn cho nên khiến quả banh lọt vào lưới của chính phe họ!
Nhưng trước hết, sau đây là kết quả của 8 trận đấu kia
Kazakstan- Iceland: 0-3
Tiệp – Latvia: 1-1
Do thái – Wales: 0-3
Azerbaijan – Malta: 2-0
Croatia – Na Uy: 5-1
Hòa Lan – Thổ Nhĩ Kỳ: 1-1
Andorra – Bosnia: 0-3
Bỉ - Cyprus: 5-0.

Trận giữa Bulgaria với Ý

Thực ra thì trận nào cũng đáng xem cả, thế nhưng các đội trong nhóm nêu trên như Bỉ, Hòa Lan và Ý là ba nước có đội bóng thuộc hàng cao cấp nhất của châu Âu. Mà anh nào cũng đấu với một đối thủ rất bất cân xứng nếu cứ xét theo bảng phân hạng của FIFA. Nhưng Hòa Lan đấu với Thổ Nhĩ Kỳ thì một anh hạng 5 còn một anh hạng 56. Bỉ đấu với đảo Cyprus thì một bên hạng 4 còn một bên hạng 85. Ý đấu với Bulgaria thì mức chênh lệch cũng đại để như hai trường hợp trên.
Nhưng sự khác biệt lớn là đảo Cyprus chỉ khoảng 9,000 cây số vuông và khoảng trên 1 triệu dân , trong khi Bulgaria rộng gần 111,000 cây số vuông, với trên 7 triệu dân, bởi thế mà trận đấu giữa Ý với Bulgaria cần được chú ý với nhiều yếu tố khác hơn là những hệ số này hay hệ số kia chỉ thuần túy có liên quan đến bóng đá về mặt kỹ thuật.
Hai trận giữa Hòa Lan với Thổ Nhĩ Kỳ và giữa Bỉ với Cyprus đã làm rõ thêm điều vừa nêu. Hòa Lan trên bảng của FIFA là như thế, Thổ Nhĩ Kỳ theo FIFA cũng là như thế, nhưng đôi bên đều là nước lớn xét về mặt kinh tế.
Trận đấu ở thủ đô Amsterdam là với một khán đài đông kín người xem. Hạng nào đấy thì hạng, nhưng đội nào cũng vì màu cờ sắc áo của mình cho nên anh hạng 5 cũng không thắng mà chỉ hòa 1-1 với anh hạng 56! Trận giữa Bỉ với Cyprus là ngay tại thủ đô Brussels cho nên khán đài chứa được bao nhiêu chỗ thì có bấy nhiêu người.
Người đi xem hầu hết là dân Bỉ cũng nhu du khách thập phương. Bỉ có thắng Cyprus 5-0 thì cũng chả lấy gì làm lạ vì ở kỳ World Cup 2014 thì không ai nghe nói đến Cyprus mà chỉ nghe nói đến Bỉ trong số những đội ngũ thuộc loại “có máu mặt” từ châu Âu đến.
Còn trận giữa Ý với Bulgaria tại sân Nasionalen Stadion Vasil Levski ở thủ đô Sofia của Bulgaria? Khán đài vắng tanh vắng ngắt như thể chả một ai tại Sofia được thông báo là có trận banh quốc tế trong ngày với đội quốc gia của mình giao đấu! Mà ấy là sân đấu lớn thứ nhì trong nước, với 43,300 chỗ.
Hai đội giao đấu với nhau trong mưa với bốn phía khán đài vắng vẻ, âm thầm đến ái ngại! Phải chăng vì dân người ta còn lo các mặt thực tế khác của đời sống? Mức lợi tức tối thiểu do chính phủ quy định bên Bỉ cho công nhân viên chức, thợ thuyền, v.v. là 1,923 Euros ($ 2,170) một tháng, trong khi mức lương tối thiểu bên Bulgaria là 184 Euros ($208) một tháng.
Ấy vậy mà trong trận vòng loại giải UEFA Euro Championsip ngày 28/3 thì đội Bulgaria (hạng 71) giữ banh trong chân trên dưới 60% thời lượng giao đấu, để cho anh hạng 10 vất vả đuổi theo banh trong chân người ta, và đến phút thứ 84 thì mới gỡ hòa 2-2, kể cả một bàn thắng không phải một bàn thắng vào phút thứ 4 của hiệp 1 khi cầu thủ đối phương để cho banh đụng chân và lọt vào lưới của chính đội mình!
Vẫn có cái gì đấy chưa thật ổn thỏa nếu cứ nhìn vào bảng phận hạng các đội bóng thế giới theo FIFA! Cứ khách quan mà xét thì 2 bàn thắng của Bulgaria và một bàn thắng thực thụ của Ý đều do tài nghệ của cầu thủ chứ không do gặp may! Vậy thì do đâu mà mức chênh lệch giữa hai đội là cỡ như vậy? (tn)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT