Đời Sống Việt

Từ việc thành công đưa Việt ngữ vào trung học đến ước mơ chương trình hai ngôn ngữ

Băng Huyền/Viễn Đông Sunday, 22/04/2012 - 08:50:45

Trong khi ngôn ngữ quốc gia được sử dụng chính thức ở mọi phạm vi và với mọi cấp độ trong cả nước, ngôn ngữ cộng đồng chỉ được sử dụng trong phạm vi một sắc tộc nhỏ.

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 17)

Băng Huyền/Viễn Đông


Trong bài viết “Dạy tiếng Việt dễ hay khó” đăng trên trang blog cá nhân của mình, nhà nghiên cứu phê bình văn học tại Úc Châu, Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Hưng Quốc đã nhận định: “Khi nói đến ngôn ngữ cộng đồng (community language) là nói đến phạm vi và giá trị sử dụng. Trước hết, nó đối lập với ngôn ngữ quốc gia (national language): Trong khi ngôn ngữ quốc gia được sử dụng chính thức ở mọi phạm vi và với mọi cấp độ trong cả nước, ngôn ngữ cộng đồng chỉ được sử dụng trong phạm vi một sắc tộc nhỏ. Ví dụ, ở Úc, tiếng Anh là ngôn ngữ quốc gia trong khi tiếng Việt chỉ là ngôn ngữ cộng đồng được sử dụng bởi một khối người khá nhỏ, chỉ chiếm một phần trăm dân số nước Úc. Thứ hai, khái niệm ngôn ngữ cộng đồng còn được hình thành trên sự đối lập với ngôn ngữ thương mại (business language). Ở Việt Nam, chúng ta xem tiếng Chàm, tiếng Thái, tiếng Tày, tiếng Mường… là ngôn ngữ cộng đồng; nhưng tiếng Anh hay tiếng Pháp, chẳng hạn, lại không phải là ngôn ngữ cộng đồng: Chúng là ngôn ngữ thương mại. Ở Úc, cũng thế. Tiếng Việt, tiếng Miên, tiếng Lào… là ngôn ngữ cộng đồng; nhưng một số ngôn ngữ lớn như tiếng Nhật, tiếng Tàu, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Đức… thì lại vừa lại ngôn ngữ cộng đồng vừa là ngôn ngữ thương mại. Chúng là ngôn ngữ cộng đồng khi chúng được giảng dạy cho con cái những người di dân muốn bảo tồn tiếng mẹ đẻ. Nhưng dưới mắt xã hội, nói chung, chúng chủ yếu vẫn là ngôn ngữ thương mại vì, thứ nhất, chúng có những giá trị thực dụng mà các ngôn ngữ cộng đồng không có; thứ hai, chúng mở rộng cho tất cả mọi người, không nhất thiết chỉ dành cho những người bản ngữ hoặc con cháu của họ. Cuối cùng, thứ ba, còn một sự đối lập khác: với ngôn ngữ quốc tế (như tiếng Anh, chẳng hạn)...”.


“Em thích học tiếng Việt” và “Em tự hào là người Việt” là hai trong số nhiều biểu ngữ được các học sinh chương trình Việt ngữ trung học La Quinta High School giương cao trong buổi diễn hành Tết Nhâm Thìn 2012 - ảnh: Quốc Hương/Viễn Đông

Theo Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Hưng Quốc thì ngôn ngữ cộng đồng có ý nghĩa tình cảm hơn là về kinh tế. Người ta học các ngôn ngữ thương mại, trước hết, vì các lợi ích thiết thực, ví dụ vấn đề công ăn việc làm. Còn với các ngôn ngữ cộng đồng? Lợi ích về kinh tế không đáng kể. Hầu hết là vì lý do tình cảm.
Ông cho rằng ở cấp tiểu học và trung học, trẻ em Việt Nam học tiếng Việt vì lý do tình cảm, phần lớn xuất phát từ cái nhìn của bố mẹ: họ muốn con cái họ duy trì tiếng Việt để, trước hết, có thể giao tiếp với gia đình và họ hàng vốn không phải ai cũng thông thạo tiếng Anh. Vì không gắn liền với những lợi ích kinh tế thiết thực, sức hấp dẫn của việc học các ngôn ngữ cộng đồng, kể cả tiếng Việt, rất yếu, do đó, động cơ của người đi học cũng yếu theo. Điều này dẫn đến hậu quả là số người ghi danh học các ngôn ngữ cộng đồng ở bất cứ nơi nào cũng thường ít hơn hẳn so với các ngôn ngữ thương mại, và càng ít hơn hẳn ngôn ngữ quốc tế.
Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Hưng Quốc nhận xét: “Vì ít người học nên các ngôn ngữ cộng đồng, kể cả tiếng Việt, lúc nào cũng ở trong tình trạng nghèo nàn về tài liệu giảng dạy. Đối với tiếng Việt, loại tài liệu công cụ càng ít. Một ví dụ: Tìm một cuốn sách ngữ pháp Việt Nam bằng tiếng Anh cho người mới học tiếng Việt không phải dễ, nếu không nói là vô vọng. Sách viết bằng tiếng Anh đã hiếm. Sách có tính chất thực dụng và thực hành thì hầu như không có. Cả thầy cô giáo lẫn học trò, khi muốn tìm tài liệu tham khảo, đành chịu bó tay. Với riêng học sinh Việt Nam ở hải ngoại, liên quan đến tiếng Việt, còn vấp phải hai hạn chế khác. Một, thứ tiếng Việt họ quen sử dụng chỉ dừng lại ở phạm vi đời sống hàng ngày trong gia đình, phần lớn tập trung ở hai kỹ năng nghe và nói. Hai kỹ năng khác, đọc và viết, rất ít có cơ hội để phát triển. Giờ giấc các lớp tiếng Việt cũng gây nhiều trở ngại: Hầu hết đều được tổ chức vào cuối tuần, Thứ Bảy hoặc Chủ Nhật, lúc đáng lẽ các em được nghỉ ngơi. Tất cả những vấn đề nêu trên làm cho cả việc học lẫn việc dạy tiếng Việt ở hải ngoại đều trở thành khó khăn”.

Từ sự thành công của cuộc vận động chương trình dạy tiếng Việt trong hệ thống trung học tại Quận Cam...
Trước câu hỏi làm sao để phát triển mạnh hơn nữa phong trào dạy tiếng Việt tại các trung tâm độc lập vào ngày cuối tuần, chứ không chỉ dừng lại việc giữ cho tồn tại các lớp học này như hiện nay, ông Nguyễn Văn Khoa, chủ tịch hội đồng quản trị Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California nói với phóng viên Viễn Đông: “Các cơ sở tôn giáo, nhà chùa, nhà thờ, các trung tâm độc lập… dạy tiếng Việt cuối tuần của cộng đồng chúng ta được mở ra trong suốt bao năm qua đã nỗ lực duy trì tiếng Việt, văn hóa Việt cho thế hệ trẻ gốc Việt. Nhưng việc làm này sẽ khó phát triển, nếu các em không thấy được động cơ để học tiếng Việt, các em phải thấy được quyền lợi cụ thể từ việc học này, mới giúp các em siêng năng hơn trong học tập, chứ những khái niệm trừu tượng như hướng về cội nguồn, gìn giữ văn hóa thật khó thuyết phục các em”.
Ông Nguyễn Văn Khoa cho rằng cộng đồng gốc Việt đã vận động để tiếng Việt trở thành ngoại ngữ giảng dạy trong 4 trường trung học tại Quận Cam để các học sinh được tính tín chỉ (credit) khi ra trường như các ngoại ngữ khác là một thành công rất đáng tự hào, ông mong rằng trong tương lai cộng đồng Việt Nam sẽ tiếp tục vận động để có thêm những lớp tiếng Việt dạy tại những trường trung học khác, những học khu khác, vì hiện nay tiếng Việt mới chỉ được dạy tại 4 trường, vẫn còn ít quá.
Ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ: “Chúng tôi ước mong trong tương lai các trung tâm Việt ngữ của cộng đồng sẽ liên kết với chương trình Việt ngữ của các trung học, đại học, để các em học tiếng Việt ở các trung tâm Việt ngữ khi lên trung học sẽ tiếp tục theo chương trình Việt ngữ trong trường một cách dễ dàng hơn. Nhưng nếu được vậy, thì rất cần nhiều hỗ trợ từ cộng đồng. Các trung tâm Việt ngữ cần phải có nguồn tài trợ lớn hơn để họat động có hiệu quả hơn. Hiện nay số tiền niên liễm ít oi thu được của các trung tâm chỉ đủ trả những chi phí cơ bản. Tất cả giáo viên đều dạy tự nguyện không lương. Rất khó có điều kiện để nâng cấp được phẩm chất giảng dạy, để hấp dẫn các em theo học hơn”.

Đến giấc mơ thực hiện chương trình hai ngôn ngữ
Ông Nguyễn Quốc Bảo, phó chủ tịch Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove, thì có ước mong trong thời gian không xa, học khu Gadern Grove sẽ thiết lập được chương trình học trong trường bằng tiếng Anh và một ngôn ngữ nữa, gọi là “Dual Language Immersion Programs” ngay từ lớp 1 trở đi, để các học sinh theo học tại trường sẽ nhận được sự hướng dẫn tất cả các môn học bằng tiếng Anh và một ngôn ngữ khác. Chẳng hạn ngôn ngữ thứ hai sẽ là tiếng Việt, nếu trường đó có nhiều học sinh gốc Việt.
Ông Nguyễn Quốc Bảo nói: “Vì tôi nghĩ khi tôi còn nhỏ, tôi cũng được ba mẹ cho đi học Việt ngữ tại nhà thờ St. Columban, nhưng chỉ học một ngày cuối tuần, không đủ, nó chỉ tượng trưng, nếu muốn các em thông thạo tiếng Việt, thì phải học từ nhỏ và dạy hằng ngày và học ngôn ngữ đó với tất cả các môn, sẽ giúp các em thông thạo được 2 ngôn ngữ ngay từ nhỏ, rất có ích cho các em khi trưởng thành”.
Ông Nguyễn Quốc Bảo cho biết khi ông thấy chương trình “Dual Language Immersion Programs” đã được cộng đồng người Mexico vận động thành công, cho nhập 2 ngôn ngữ tiếng Anh và Tây Ban Nha vào chương trình học tại trường Price Elementary và trường Juarez Elementary tại học khu Anaheim. Chương trình học 2 ngôn ngữ với tất cả các môn học dành cho tất cả các học sinh, không riêng gì học sinh gốc Latino. Nên ông hy vọng trong học khu Garden Grove với sức mạnh của cộng đồng Việt Nam, cùng sự đoàn kết cao của mọi người, thì chương trình “Dual Language Immersion Programs” có thể thực hiện được.
Ông Nguyễn Quốc Bảo cho biết: “Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng những nhà thương mại ở Âu Châu biết trung bình 3 ngoại ngữ, còn các nhà thương mại ở Hoa Kỳ chỉ biết trung bình 1,7 thứ tiếng. Cái đó rất nguy hiểm trong xu thế toàn cầu ngày nay. Chúng ta cần phải giáo dục cho con em từ nhỏ biết nhiều ngôn ngữ, đạt được mức thông thạo cả Anh ngữ và một ngoại ngữ khác sẽ là một lợi thế khi đi tìm việc trong một thị trường toàn cầu hóa như hiện nay. Tại vì các em ở những nước khác học nhiều ngôn ngữ rồi. Còn tại Hoa Kỳ, nhiều em chỉ biết tiếng Anh mà thôi, đôi khi tiếng Anh cũng không giỏi luôn. Vì vậy muốn cho các em có nhiều cơ hội, thì phải cần biết nhiều ngôn ngữ”.
Ông Bảo nói thêm: “Văn hóa ngày nay là văn hóa toàn cầu, những giá trị mà người Việt có thể đóng góp được cho đất nước Hoa Kỳ, cũng là giá trị của đất nước Hoa Kỳ, chứ không còn là của riêng người Việt nữa. Tôi thấy mình rất hãnh diện là người Việt Nam, và qua ngôn ngữ mẹ đẻ, tôi biết thêm nhiều kinh nghiệm của người Việt Nam. Kinh nghiệm của những người xây dựng đất nước Hoa Kỳ từ buổi đầu đến từ Anh Quốc là những người tị nạn, họ đi thuyền qua đây, gia đình tôi và các gia đình Việt Nam khác cũng đi thuyền để được qua đây, họ đến đây để kiếm tự do tôn giáo, chúng tôi cũng vậy. Họ kiếm tự do lập ra một chính phủ, một xã hội công lý, người Việt cũng muốn vậy. Văn hóa Hoa Kỳ được lập ra là từ văn hóa của những người di dân, tôi cũng là một di dân, và tôi cũng đóng góp cho văn hóa đất nước Hoa Kỳ bằng chính lịch sử của gia đình tôi. Biết được tiếng Việt giúp tôi cởi mở hơn tâm trí của mình để chú ý hơn vào câu chuyện của bố mẹ tôi. Tôi rất biết ơn thầy cô dạy tôi tiếng Việt, đó là cửa mở ra văn hóa của chính cá nhân tôi và gia đình tôi, nhờ học mà tôi hiểu được thêm”.
Tuy nhiên, nếu sau này vận động thành công chương trình “Dual Language Immersion Programs”, ông Nguyễn Quốc Bảo biết rằng nó sẽ rất khó khăn để thực hiện. Ông Bảo nói: “Tôi có xem qua những quyển sách tiếng Việt để dạy trong học khu hiện nay, tôi thấy rằng nếu muốn nhập 2 ngôn ngữ Anh Việt để dạy thì rất cần soạn rất nhiều cuốn sách để dạy, chứ không chỉ vài cuốn. Học khu phải nhờ những thầy cô giáo Việt ngữ chuyên về các môn học soạn ra sách. Điều này phải làm từng bước một. Hiện nay tôi đang nghiên cứu việc này và tôi nghĩ cái gì cũng có thể được, nếu cộng đồng chúng ta cùng đoàn kết với nhau để thực hiện” - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT