Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Tuyển lựa ca sĩ tân nhạc toàn Hoa Kỳ của trung tâm Hương Sỹ Nhân

Friday, 13/03/2015 - 11:28:05

Đối với người Việt ở Mỹ nói riêng hay tại hải ngoại nói chung thì tiếng Việt không chỉ đơn thuần là phương tiện giao tiếp mà còn là công cụ hữu hiệu để lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Bởi quên tiếng mẹ đẻ nghĩa là sẽ quên đi gốc gác, cội nguồn mà mình đã được sinh ra.

Bài Băng Huyền

“Tuyển lựa ca sĩ tân nhạc toàn Hoa Kỳ” là cuộc thi âm nhạc do trung tâm Hương Sỹ Nhân (tại San Diego) của nghệ sĩ Hương Sỹ Nhân tổ chức, dành cho các thí sinh khắp 50 tiểu bang từ 15 đến 49 tuổi. Cuộc thi được mở ra nhằm mục đích tìm kiếm những giọng hát hay cho trung tâm và tạo điều kiện cho những người đam mê âm nhạc có cơ hội thể hiện tài năng của bản thân đến khán giả mộ điệu gần xa. Nhưng quan trọng hơn hết, qua cuộc thi, nghệ sĩ Hương Sỹ Nhân muốn khuyến khích những bạn trẻ sinh ra và lớn lên tại hải ngoại không quên tiếng Việt, mà cách giữ gìn tiếng Việt đơn giản nhất là thông qua âm nhạc. Vì vậy yêu cầu của cuộc thi là các thí sinh được quyền chọn ca khúc yêu thích để dự thi, nhưng bắt buột phải là dòng nhạc Việt, thí sinh có thể chọn nhạc trẻ, nhạc thính phòng, nhạc quê hương, nhạc lính VNCH, nhưng không được dùng “nhạc đỏ” của chính quyền Việt Nam hiện tại. Cuộc thi sẽ diễn ra vào lúc 6 giờ 30 tối Thứ Bảy, ngày 4-4-2015 và sẽ được trực tiếp thu hình tại hí viện sang trọng Kroc performing arts center (địa chỉ 6611 University Ave, San Diego, CA 92115) với thành phần ban giám khảo gồm ca sĩ Phương Hồng Quế, ca sĩ Quốc Anh, ca sĩ Chung Tử Lưu và ca sĩ-MC Giáng Ngọc.

Poster của cuộc thi tuyển lựa ca sĩ toàn Hoa Kỳ

Thể lệ thi
Nếu so với những cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của các nơi khác tại Hoa Kỳ tổ chức từ trước đến nay, cụ thể là qua hai trung tâm lớn tại quận Cam là Thúy Nga (cuộc thi “VSTAR”) và Asia (cuộc thi “Giọng ca vàng Asia Voice”) thì cách thức thi tuyển của trung tâm Hương Sỹ Nhân có phần dễ dàng cho các thí sinh hơn. Theo lời của nghệ sĩ Hương Sỹ Nhân, để thi vòng sơ tuyển của trung tâm Hương Sỹ Nhân, thí sinh không cần phải thu trước giọng ca qua CD hay DVD, mà chỉ cần liên lạc với nghệ sĩ Hương Sỹ Nhân, thí sinh tự chọn ca khúc “sở trường” của mình và hát cho anh nghe, giọng hát “chay” (không nhạc đệm) qua cell phone, nếu nghệ sĩ Hương Sỹ Nhân chấm được giọng ca đó nghĩa là đã hoàn tất vòng sơ kết. Để bước vào vòng bán kết và chung kết diễn ra trong đêm thi ngày 4- 4- 2015, mỗi thí sinh phải chuẩn bị trước 2 bài hát (thí sinh được quyền chọn ca khúc yêu thích mà mình hát hay nhất). Nghệ sĩ Hương Sỹ Nhân cho biết “Các thí sinh sẽ hát live, nhạc đệm sẽ do nhạc sĩ Quốc Toản (đàn keyboard) và nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang (đàn guitare) đảm trách, vì muốn các giám khảo nghe rõ chất giọng của thí sinh, nên chúng tôi không mướn ban nhạc full band sẽ át đi tiếng hát của thí sinh. Sau khi thi 1 bài vòng bán kết, nếu đậu tiếp thì 8 thí sinh được ban giám khảo chọn vào chung kết, mỗi thí sinh hát tiếp bài thứ hai do thí sinh chọn. Vòng chung kết sẽ chọn 3 thí sinh đoạt giải 1 giải thưởng 2000 mỹ kim, giải 2 giải thưởng là 1500 mỹ kim, và giải 3 là 1000 mỹ kim do chính các nhà bảo trợ giải thưởng lên trao giải cho các thí sinh trong đêm thi.”

Nghệ sĩ Hương Sỹ Nhân trên sân khấu cùng nghệ sĩ Minh Vương




Nghệ sĩ Hương Sỹ Nhân nói thêm “Những ca sĩ dự thi vào vòng bán kết và chung kết mà không đoạt giải, có quyền ghi danh tiếp để dự thi kỳ sau. Vì trung tâm Hương Sỹ Nhân sẽ tiếp tục duy trì cuộc thi này dài lâu, mỗi năm sẽ có 3 lần thi tuyển lựa ca sĩ và 5 lần đại nhạc hội, những ca sĩ vừa đoạt giải xong sẽ được mời hát trong 2 đại nhạc hội kế tiếp. Trong đại nhạc hội của trung tâm Hương Sỹ Nhân, sẽ mời 3 ca sĩ nổi tiếng của trung tâm Thúy Nga và 3 ca sĩ nổi tiếng của trung tâm Asia cùng với 3 ca sĩ đoạt giải của trung tâm Hương Sỹ Nhân hát trong đại nhạc hội tại hý viện sang trọng ở San Diego, để những thí sinh vừa đoạt giải này có cơ hội đứng chung trên sân khấu với những ca sĩ nổi tiếng, đây là việc mà tôi đang sắp xếp.”

Tổ chức thi đơn giản vì muốn khuyến khích những bạn trẻ học tiếng Việt và hát nhạc Việt
Đối với người Việt ở Mỹ nói riêng hay tại hải ngoại nói chung thì tiếng Việt không chỉ đơn thuần là phương tiện giao tiếp mà còn là công cụ hữu hiệu để lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Bởi quên tiếng mẹ đẻ nghĩa là sẽ quên đi gốc gác, cội nguồn mà mình đã được sinh ra.
Thế hệ thứ nhất của di dân gốc Việt tại hải ngoại nói chung hay tại Hoa Kỳ nói riêng, vì hoàn cảnh lịch sử, đành phải rời xa quê hương, nhưng trong tâm thức họ khó ai quên được mảnh đất nghèo khổ, thân thương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Có người dù đã rời xa đã 40 năm nhưng vẫn mang theo bên mình hình ảnh của quê hương, vẫn còn vẹn nguyên niềm xúc động khi gợi nhắc lại những câu chuyện của quê nhà. Chính từ những gia đình vẫn còn nặng lòng với quê hương, thế hệ 1,5 hay thế hệ thứ 2, thứ 3 của họ đã sẻ chia được phần nào cái hồn dân tộc đi theo cùng với ông bà, cha mẹ, qua truyền thống gia đình, qua ngôn ngữ sử dụng hàng ngày, qua nếp sống với ít nhiều tập tục của nếp nhà Việt Nam, qua lối cư xử chan hòa nghĩa tình trong mọi quan hệ xã hội và qua âm nhạc Việt. Làm cách nào để gìn giữ “tiếng mẹ đẻ”, để thế hệ trẻ tiếp nối hiểu và trân trọng ý nghĩa của tiếng nói quê hương, cũng là điều mà nghệ sĩ Hương Sỹ Nhân luôn quan tâm. Anh kể anh vốn là người Đà Nẵng, trước khi vượt biên với cha, anh chưa bao giờ nghe cải lương, khi đến được Hong Kong năm 1981, lúc anh chỉ mới 10 tuổi, lần đầu tiên anh được nghe cải lương làm cho tâm hồn anh lắng dịu. Lời vọng cổ ngọt ngào, đã giúp anh nguôi bớt phần nào nỗi nhớ mẹ còn kẹt lại tại Việt Nam. Khi sang định cư ở Hoa Kỳ, anh tìm mua băng cải lương để nghe, rồi học hát theo băng, tìm đến các thầy đờn ca tài tử nơi vùng San Diego mà anh sống, để học cho rành nhịp nhàng, bài bản. Tiếng Anh của anh không thua kém những bạn trẻ tại Mỹ, vì anh đến Mỹ từ nhỏ, học trung học và đại học để trở thành thầy giáo dạy toán ở trường Trung Học tại San Diego (nay anh đã nghỉ dạy và trở thành đại lý bán bảo hiểm Nhân Thọ), nhưng tiếng Việt anh cũng không quên, mà càng ngày càng giỏi, giúp anh sáng tác được nhiều tập thơ bằng tiếng Việt, và anh ca vọng cổ ngọt ngào không kém gì những nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp, anh đã thu âm một số CD ca vọng cổ với các nghệ sĩ tài danh và diễn cùng các nghệ sĩ trong những đại nhạc hội do anh tổ chức. Anh tự hào nói rằng, đó cũng là nhờ tuổi thanh xuân của anh đã luôn đồng hành cùng cải lương. Con gái nhỏ của anh, bé Hương Sỹ Thương, sanh ra tại Mỹ, nhưng nói và hát tiếng Việt rất rành, bé cũng rất yêu thích cải lương. Trong những chương trình Đại Nhạc Hội mà anh bắt đầu làm bầu show từ năm 1995 đến nay, anh luôn có những tiết mục trích đoạn cải lương, ca vọng cổ, vinh danh những soạn giả cải lương, những nghệ sĩ cải lương... Ngay như cuộc thi “Tuyển lựa ca sĩ tân nhạc toàn Hoa Kỳ” do trung tâm Hương Sỹ Nhân tổ chức, dù là cuộc thi tân nhạc nhưng anh vẫn hát một bài vọng cổ để giới thiệu cho những khán giả trẻ theo dõi chương trình tập nghe cải lương.
Anh nói: “Vì tân nhạc có khán giả đông hơn cải lương, nên Hương Sỹ Nhân tổ chức cuộc thi tân nhạc trước, sau khi cuộc thi này thành công, đâu vào đó rồi, thì trong tương lai trung tâm Hương Sỹ Nhân sẽ có cuộc thi tân nhạc và cổ nhạc chung trong 1 buổi thi, sẽ có 2 ban giám khảo riêng của hai thể loại nhạc này.”

Nghệ sĩ Hương Sỹ Nhân (áo đỏ) đang được nghệ sĩ Lệ Thủy giúp sửa soạn trước khi ra sân khấu hát trong chương trình Đại nhạc hội do anh tổ chức


Nói về lý do trung tâm Hương Sỹ Nhân chọn cách thức thi hát dễ dàng cho các thí sinh tham dự “Tuyển lựa ca sĩ tân nhạc toàn Hoa Kỳ”, Nghệ sĩ Hương Sỹ Nhân giải thích: “Tôi nhìn vào thực tế tại hải ngoại khi tổ chức cuộc thi này. Nếu tôi ở Việt Nam thì sẽ làm cách khác, cuộc thi sẽ đòi hỏi thí sinh cao hơn. Vì mọi người bên đó đều nói tiếng Việt. Còn ở bên này, tuổi thí sinh từ 15 đến 49, với tuổi 49 thì sẽ có một người qua Mỹ từ nhỏ, còn tuổi 15 tuổi thì có thể có những em sinh tại Mỹ. Bây giờ khuyến khích các em nói tiếng Việt ở nhà đã là khó rồi, chứ nói gì đến hát nhạc Việt. Làm sao để dòng nhạc Việt tại Mỹ tồn tại dài lâu, nhất là với những thế hệ sinh ra tại Mỹ, bằng cách tổ chức cuộc thi hát nhạc Việt sao thật dễ dàng cho các em, để các em gần với nhạc Việt Nam. Chứ nếu quy định cuộc thi quá khó khăn, sẽ khiến các em không bao giờ ghi danh thi. Vì vậy tôi tổ chức một cách thi thật đơn giản, để các em trẻ đang học nói học hát tiếng Việt càng gần với nhạc Việt hơn khi ghi danh dự thi, vì chính những em trẻ này sẽ góp phần vào việc giữ nhạc Việt tiếp tục được lưu truyền đến thế hệ sau của các em nữa.”
Nghệ sĩ Hương Sỹ Nhân cho biết cuộc thi “Tuyển lựa ca sĩ tân nhạc toàn Hoa Kỳ“vào ngày 4-4-2015 là cuộc thi thứ hai trong năm này, cuộc thi đầu tiên đã được tổ chức vào là ngày 10- 1- 2015, với ban giám khảo gồm có ca sĩ Phương Hồng Quế, Trang Thanh Lan, Quốc Anh và Chung Tử Lưu, nhưng khi đó nghệ sĩ Hương Sỹ Nhân chưa lập trung tâm. “Tôi thấy thành công từ cuộc thi vừa rồi qua sự hưởng ứng của nhiều thí sinh ở các tiểu bang xa, người đoạt giải nhất là anh Ngô Tiến Minh sống tại thành phố Atlanta thuộc tiểu bang Georgia. Kỳ rồi có cô bé Minh Châu 10 tuổi, sinh ra ở Mỹ, hát tiếng Việt rất hay, nhưng tiếc là em mới 10 tuổi mà đi đấu với các anh chị, các cô chú lớn, nên có sự khác biệt. Tôi nghĩ nếu tổ chức cho các em thiếu nhi từ 15 trở xuống, thì tôi nghĩ bé Triệu Vy 13 tuổi và bé Minh Châu 10 tuổi sẽ đoạt giải 1, 2.
“Cho nên khi tổ chức kỳ này, Hương Sỹ Nhân đổi lại tuổi thí sinh là từ 15 tuổi đến 49, chứ không còn là 5 tuổi đến 55 tuổi như lúc đầu nữa, vì kỳ rồi có mấy anh tuổi 52, 53 thi, một số khán giả nói thí sinh già quá. Tôi cũng mở rộng cuộc thi cho các thí sinh khắp 50 tiểu bang, lập trung tâm Hương Sỹ Nhân và khuếch trương cuộc thi lớn hơn, quảng cáo trên 8 đài truyền hình như đài SBTN (của trung tâm Asia), Vietface TV (của trung tâm Thúy Nga), Quê hương Sài Gòn (Ở San Jose), đài Phát Thanh Tiếng Nước Tôi (San Diego) 2 đài truyền hình ở Houston... Trung tâm Hương Sỹ Nhân đã quảng bá về cuộc thi trên 8 đài truyền hình kể trên, ca sĩ nào đoạt giải thì sẽ được mời hát với trung tâm Hương Sỹ Nhân và sẽ được lăng xê trên 8 đài truyền hình trên.”
Nghệ sĩ Hương Sỹ Nhân cho biết thêm: “Những ca sĩ đoạt giải sẽ có hợp đồng với trung tâm Hương Sỹ Nhân hát 4 show liên tiếp, gồm 3 đại nhạc hội và 1 buổi thi tuyển lựa ca sĩ kế tiếp, khi ký hợp đồng với trung tâm, tùy theo lựa chọn của ca sĩ đó có 3 loại hợp đồng A, B, C để họ chọn con đường nghệ thuật. Nếu ký với trung tâm muốn được trung tâm lăng xê thành ca sĩ nổi tiếng rộng khắp ở Mỹ, thì trung tâm sẽ đưa hình ca sĩ đó quảng bá trên 8 đài truyền hình mà trung tâm hợp tác. Còn nếu ca sĩ đó chỉ muốn đi hát tại địa phương thôi (San Diego), thì sẽ là một hợp đồng khác, còn nếu ca sĩ không muốn nổi tiếng mà chỉ muốn hát tài tử thì là 1 hợp đồng khác. Ngoài ra, nếu những trung tâm khác hoặc bầu show khác muốn mời ca sĩ của trung tâm Hương Sỹ Nhân qua hát, thì trung tâm vẫn chấp thuận cho ca sĩ đó đi hát trong các chương trình khác, chứ không khó dễ với người ca sĩ đó, nhưng trong lúc đó, người ca sĩ vẫn còn hợp đồng riêng trong 3 năm với trung tâm Hương Sỹ Nhân.”
Nghệ sĩ Hương Sỹ Nhân nói tiếp “Nếu không có gì thay đổi thì ngày 19 tháng 7 năm 2015 trung tâm Hương Sỹ Nhân sẽ có đại nhạc hội giới thiệu 3 giọng ca đoạt giải của kỳ thi 4 tháng 4 này cùng 3 ca sĩ của trung tâm Thúy Nga và 3 ca sĩ của Asia hát trong đại nhạc hội này. Và ngày 6 tháng 9 sẽ có thêm một đại nhạc hội nữa, đến 25 tháng 10 sẽ có tiếp cuộc thi tuyển lựa ca sĩ. Tháng 11 ngày 29-2015 sẽ có tiếp đại nhạc hội, tháng 3 năm 2015 sẽ có đại nhạc hội tiếp và tháng 4 năm 2016 sẽ có kỳ thi tuyển lựa ca sĩ tiếp theo.”
Khi người viết hỏi việc thí sinh chọn ca khúc dự thi có sợ vi phạm về tác quyền không vì buổi thi có ghi hình và sẽ phát trên các đài truyền hình mà trung tâm Hương Sỹ Nhân có hợp tác, nghệ sĩ Hương Sỹ Nhân bày tỏ: “Theo như tôi nghĩ đây là cuộc thi, thì vấn đề về tác quyền ca khúc mà thí sinh dự thi chưa cần thiết phải xin phép nhạc sĩ, vì chương trình không có in băng để bán. Theo tôi, nhạc sĩ khi sáng tác ra bài nhạc, luôn muốn phổ biến ca khúc được rộng khắp, để nhiều người biết đến. Nếu thí sinh phải xin phép nhạc sĩ cho phép hát trong cuộc thi và chờ đợi sự cho phép thì sẽ rất mất thời gian, vì thí sinh dự thi chứ không hát ca khúc này đi thu âm kiếm tiền. Hoặc trường hợp thí sinh muốn xin phép nhạc sĩ, nhưng không thể liên lạc với nhạc sĩ hoặc gia đình nhạc sĩ (nếu vị đó đã qua đời) vì không có số điện thoại... thì cũng hơi khó cho thí sinh. Còn nếu trường hợp người nhạc sĩ đó hoặc gia đình của nhạc sĩ đòi hỏi bản quyền khắt khe, cấm sử dụng ca khúc khi không xin phép và phải trả tác quyền trong những trường hợp như dự thi của thí sinh hoặc những buổi văn nghệ không mang tính thương mại, thì tôi nghĩ để tránh phiền phức người ta sẽ không chọn ca khúc của nhạc sĩ đó hát nữa. Nếu dài lâu thì theo thời gian ca khúc ấy không được khán giả biết đến, không thể lưu truyền qua đời này sang đời khác nữa.”
Nghệ sĩ Hương Sỹ Nhân nhờ nhật báo Viễn Đông chuyển đến độc giả lời mời gọi của anh: “Nếu khán giả còn yêu dòng nhạc Việt Nam, xin hãy đến ủng hộ tinh thần cho các thí sinh vào ngày 4-4 sắp tới, hiện có 2 loại vé là 35 mỹ kim và loại VIP là 50 mỹ kim. Còn các thí sinh muốn dự thi thì xin hãy liên lạc với Hương Sỹ Nhân qua địa chỉ email huongsynhan@yahoo.com. Những nhà bảo trợ nào muốn bảo trợ cho cuộc thi xin liên lạc với Hương Sỹ Nhân, chương trình sẽ quảng bá tên thương hiệu của các ân nhân bảo trợ cho cuộc thi và gửi vé mời và trưng băng rôn của nhà bảo trợ trong cuộc thi... Muốn tìm hiểu thêm về cuộc thi xin vào trang nhà www.huongsynhan.com”
(B.H)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT