Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Vài giờ với buổi thuyết trình văn hóa Việt là gì? - và chương trình nhạc thính phòng Việt Nam quê hương mến yêu

Saturday, 20/09/2014 - 09:44:07

Mở đầu phần thuyết trình của mình, nhà văn bác sĩ Nguyễn Xuân Quang đã chia sẻ ý nghĩa của việc “đi tìm bản sắc Việt, sắc thái Việt, căn cước Việt, thì đầu tiên phải hiểu Việt là gì?”.

Băng Huyền/Viễn Đông

Với gần 20 tác phẩm đã xuất bản từ trước năm 1975 đến nay, gồm nhiều thể loại: thơ, tùy bút, tập truyện, sách nghiên cứu văn hóa Việt, và cả ngàn bài viết sưu khảo đăng trên blog cá nhân ở địa chỉ bacsinguyenxuanquang.wordpress.com; Không biết nên xếp Nguyễn Xuân Quang vào ngành nghề nào cho thật chuẩn, là nhà thơ, thầy thuốc, nhà nghiên cứu, nhà văn?
Đối với ông, vị trí nào cũng chính xác. Bởi những gì ông viết, đã xuất bản và đến tay độc giả đều tròn đầy, khiến họ từ thích thú đến bất ngờ.


Ban hợp ca Lạc Hồng thể hiện phiên khúc “Tiếng Sông Hương” của trường ca Hội Trùng Dương (sáng tác Phạm Đình Chương). (Băng Huyền/Viễn Đông)



Ngoài cốt cách văn chương, trong trái tim đầy tình yêu với văn hóa Việt Nam, nhà văn bác sĩ Nguyễn Xuân Quang chưa bao giờ muốn ngừng lại việc ghi chép, nghiên cứu để lại cho thế hệ sau những điều quý giá về việc “đi tìm căn cước Việt, sắc thái Việt, bản sắc Việt,” để góp phần làm sáng tỏ cội nguồn văn hiến của dân tộc Việt. Ngoài ý nghĩa khoa học, những công trình nghiên cứu của ông còn có tác dụng hun đúc lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, khích lệ ý chí phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của tổ tiên.

Việt là gì?

Nhằm giúp phổ biến ý nghĩa “đi tìm căn cước Việt, sắc thái Việt, bản sắc Việt”, vào chiều Chủ Nhật, 14-9-2014 tuần qua, tại hội quán Lạc Hồng (thành phố Westminster), chương trình sinh hoạt văn học nghệ thuật định kỳ mỗi hai tháng một lần của Đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng đã giới thiệu buổi thuyết trình “Việt là gì?” với diễn giả là nhà văn bác sĩ Nguyễn Xuân Quang, thu hút rất đông người tham dự. Trong đó có những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhà văn hóa của cộng đồng và sự có mặt của nghị viên thành phố Garden Grove Chris Phan, thị trưởng Thành phố Westminster Tạ Đức Trí đã gửi tặng bằng tưởng lục cho nhà văn bác sĩ Nguyễn Xuân Quang về những đóng góp của ông cho sự phát triển văn hóa Việt Nam tại hải ngoại.
Buổi thuyết trình đã diễn ra trong không khí thân mật, đầm ấm, gần gũi, đậm chất “văn nghệ”, bởi sau phần trình bày của nhà văn bác sĩ Nguyễn Xuân Quang cùng phần đặt câu hỏi thảo luận của quan khách với diễn giả, là chương trình ca nhạc thính phòng “Việt Nam quê hương mến yêu” do phu nhân của diễn giả, luật sư Nguyễn Thanh Mai Michelle thực hiện với sự góp mặt của ban hợp ca Lạc Hồng và các thân hữu.
Mở đầu phần thuyết trình của mình, nhà văn bác sĩ Nguyễn Xuân Quang đã chia sẻ ý nghĩa của việc “đi tìm bản sắc Việt, sắc thái Việt, căn cước Việt, thì đầu tiên phải hiểu Việt là gì?”.
Ông nói rằng, “Tất cả người Việt chúng ta phải biết Việt là gì? Vì chúng ta không biết Việt là gì, chúng ta không biết bản sắc chúng ta là gì, chúng ta không biết cốt lõi văn hóa chúng ta là gì, chúng ta không biết căn cước chúng ta là gì. Từ trước giờ người Việt hãy còn mù mờ về nghĩa của từ Việt bởi vì từ Việt từ trước tới nay chỉ được nghiên cứu dựa vào sử sách Trung Hoa và do các nhà Nho Việt bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa.”
Xuyên suốt hơn một giờ đồng hồ thuyết trình, những dẫn chứng của nhà văn bác sĩ Nguyễn Xuân Quang hoàn toàn không mơ hồ, mang tính cảm quan. Mà nó luôn được thẩm định một cách chặt chẽ bằng những tiêu chí khoa học, là những chuẩn mực trong việc mô tả và minh chứng cho những lập luận của ông. Chúng được dựa vào sự nghiên cứu đa ngành như “Cổ Sử Học, Ngôn Ngữ Học, Nhân Chủng Học, Dân Tộc Học, Sử Đá từ thời tân thạch (petroglyphes), Sử Miệng qua truyền thuyết, Sử Sách, Khảo Cổ Học, Sử Đồng…”


Ký giả Phạm Long giới thiệu đôi nét về nhà văn bác sĩ Nguyễn Xuân Quang. (Băng Huyền/Viễn Đông)

 
Nhà văn bác sĩ Nguyễn Xuân Quang trong buổi thuyết trình Việt là gì? (Băng Huyền/Viễn Đông)


Tiếng hát của luật sư Nguyễn Thanh Mai Michelle đầy khắc khoải trong ca khúc “Mây Trôi Trôi Hết Một Đời,” nhạc Phạm Duy, phổ thơ của nhà văn bác sĩ Nguyễn Xuân Quang, phu quân của chị. (Băng Huyền/Viễn Đông)

ừ việc nêu lên “Các học giả từ trước đây giải thích từ Việt chỉ tên tộc, tên nước có thể qui vào ba nhóm: Việt là rìu, Việt là vượt và Việt là trên hết cả, siêu Việt,” diễn giả Nguyễn Xuân Quang đã chứng minh có hệ thống, nhất quán và mô tả hợp lý những mối liên hệ từ đơn giàn đến phức tạp với những dẫn chứng và luận cứ sắc xảo một cách hoàn chỉnh. Bài nói chuyện là một chuyên khảo công phu, nó đầy ắp các thông tin, những thông tin đó được trình bày bằng một cung cách rất logic và rõ ràng, diễn giả đã xác định dân tộc Việt thuộc vào những dân tộc đã từng văn minh ngay từ thời Thượng cổ sử như văn hóa Aztec, Maya, cổ Ai Cập, v.v. nghĩa là các nước nằm trong Đế Quốc Mặt Trời (Empire du Soleil) với Vũ trụ giáo làm phương châm. Từ việc xác định một cách có hệ thống, diễn giả đã hướng tới một mục đích chứng minh rất rõ ràng: “Người Việt là Người Mặt Trời, People of The Sun, Xích Quỷ có:

T- Biểu tượng là chiếc rìu-mặt trời, Rìu Việt.
- Vua Tổ Hùng Vương dòng Thần Mặt Trời Viêm Đế (Đế Minh cháu ba đời thần mặt trời Viêm Đế). Hùng Vương là Vua Mặt Trời.
- Trống Đồng Mặt Trời là trống biểu của người Việt Mặt Trời, của Vua Hùng Mặt Trời.
- Nghệ thuật vẽ trên đá ở Sapa, ở trên vách đá Hoa Sơn Thờ Mặt Trời của Lạc Việt Tráng Zhuang ở Quảng Tây.
- Thủ đô Mê Linh Chim Việt Mỏ Cắt của Hai Bà Trưng dòng Hùng Vương mặt trời…”
Kết thúc bài diễn thuyết của mình, diễn giả Nguyễn Xuân Quang khẳng định: “ Hãy hãnh diện nhận mình là người Việt Mặt Trời.
Các nhà làm văn hóa, truyền thông Việt Nam xin hãy viết lại văn hóa và lịch sử cổ Việt, lấy bộ sử đồng Đông Sơn làm tiêu chuẩn. Khẩu hiệu của người Việt. “Mặt trời còn, người Việt mặt trời còn.”
Phần đặt câu hỏi của quan khách thảo luận với diễn giả khoảng 30 phút, diễn ra khá sôi nổi nhằm rõ hơnchứng minh Việt là Mặt Trời thái dương, Đại Tộc Việt là đại tộc Người Mặt Trời thái dương rạng ngời điều mà nhà văn bác sĩ Nguyễn Xuân Quang đã chứng minh trong bài thuyết trình “Việt là Mặt Trời thái dương, Đại Tộc Việt là đại tộc Người Mặt Trời thái dương rạng ngời.” Để trả lời cho câu hỏi của một quan khách “Bao thế hệ trôi qua, chúng ta được giảng dạy người Việt chúng ta là dòng giống Rồng Tiên, làm sao bác sĩ thay đổi được ý niệm này”, diễn giả Nguyễn Xuân Quang cho rằng: “Cốt lõi của văn hóa Việt là Vũ Trụ Tạo Sinh có tín ngưỡng là Vũ Trụ giáo dựa trên nguyên lý lưỡng hợp chim-rắn. Mẹ là Chim-Lửa Âu Cơ và Cha Rắn-Nước Lạc Long Quân. Còn Rồng Tiên là nền văn hóa muộn, nền văn hóa đã thần thoại của các nhà Nho chúng ta đặt ra, chúng ta nên trở về nguồn cội, điều trên vẫn còn bằng chứng trên trống đồng, trên bãi đá cổ Sapa....”
Trò chuyện với phóng viên nhật báo Viễn Đông, nhà văn bác sĩ Nguyễn Xuân Quang bày tỏ: “Đây là những điều mà tôi đã nghiên cứu trong 30 năm nay, đó là những điều khám phá và đã được chứng thực qua nhiều bộ môn như cổ sử học, nhân chủng học, dân tộc học, ngôn ngữ học, khảo cổ học, cả DNA nữa. Chúng ta đã tìm ra được nghĩa của chữ Việt là gì, chữ Việt đó là cái rìu, cái rìu mang biểu tượng, đó là mặt trời. Chúng ta thấy dấu tích vẫn còn rành rành trên bãi đá cổ Sapa, rành rành trên vách đá Hoa Sơn, rành rành trên Trống Đồng. Thành ra cốt lõi của chúng ta là Chim- Rắn (Tiên Rồng) và chúng ta là người Mặt trời. Thành ra tôi mong rằng những người làm văn hóa, cơ quan truyền thông báo chí sẽ có dịp kiểm chứng lại những điều tôi trình bày, hy vọng nếu thấy đúng, thì hãy phổ biến, phát triển ra cái cốt lõi căn cước mình, đó là điều chúng ta phải làm, vì phương Bắc Trung Hoa tìm mọi cách đồng hóa chúng ta, mà nếu họ đồng hóa thành công về Văn Hóa thì chúng ta hoàn toàn bị tiêu diệt, hoàn toàn bị xóa sổ. Tôi mong các nhà văn hóa, các nhà truyền thông, các giới có thẩm quyền… hãy giúp một tay tìm lại căn cước cũ đó. Đây là buổi nói chuyện khởi đầu để chúng ta biết Việt là gì, sau này có dịp tôi sẽ nói cốt lõi văn hóa của mình về chim- rắn. Cốt lõi đó còn ghi khắc trên trống đồng Đông Sơn mà tôi đã nghiên cứu và viết hai bộ sách đã xuất bản. Trong tương lai hy vọng có dịp tôi sẽ nói về cổ sử Việt Nam và trống đồng.”
Để phổ biến đến người tham dự tâm huyết mà ông đã thực hiện suốt bao năm qua, nhà văn bác sĩ Nguyễn Xuân Quang đem đến buổi thuyết trình một số tác phẩm của ông đã xuất bản trước đây như Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt, Ca Dao Tục Ngữ, Tinh Hoa Dân Việt, Tiếng Việt Huyền Diệu, Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc, Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á… được bán nửa giá (so với giá gốc) và toàn bộ số tiền thu được ông tặng lại cho quỹ sinh hoạt của đoàn văn nghệ Lạc Hồng.

Chương trình ca nhạc thính phòng Việt Nam quê hương mến yêu

Phần hai được tiếp nối là chương trình ca nhạc thính phòng chủ đề “Việt Nam Quê Hương Mến Yêu”. Khuất sâu trong từng nốt nhạc là nỗi xao xuyến, bồi hồi để lại cho người nghe sự bâng khuâng, lắng đọng bên trong tâm hồn khi nghe “Hà Nội Ngày Tháng Cũ” (nhạc và lời Song Ngọc, Thanh Mai ca), “Nỗi Lòng Người Đi” (sáng tác Anh Bằng,Thúy Nga ca), “Gợi Giấc Mơ Xưa” (Đỗ Trọng Thái ca), “Hương Bình Lưu Luyến” (Quỳnh Hoa hát); Là những chất chứa đầy những nỗi xót xa, nỗi niềm u uẩn của nhũng người con buộc phải lìa xa đất mẹ “Sài Gòn Ơi, Vĩnh Biệt” (sáng tác Nam Lộc, Ngọc Vân ca), “Người Di Tản Buồn” (sáng tác Nam Lộc, Connie Kim hát); Những trăn trở đầy nhức nhối về thân phận người dân Việt Nam đã và đang còn ở lại quê hương Việt Nam trong cảnh cùng một giòng máu, cùng một màu da, một tiếng nói thế mà lại đang tâm chém giết lẫn nhau:

“Em, tiểu thơ rừng thiêng kinh tế
Em, công chúa Lọ Lem nơi nông trường
Em, Thúy Kiều mán rừng cây quế
Em, ni cô địa ngục khám đường
Máu em nồng quỷ uống mềm môi
Thịt trầm hương quỷ đói say mồi
Máu em nồng quỷ uống mềm môi
Thịt trầm hương quỷ đói say mồi
Đã cơn say thế rồi lũ quỷ
Bỗng ngu ngơ vuốt mặt thành người
Người mà lại phản bội người
Người mà lại hận thù người
Người mà lại hành hạ người
Không nhận mình là người...”

(Trích ca khúc “Mây trôi trôi hết một đời” Thơ của nhà văn bác sĩ Nguyễn Xuân Quang, nhạc Phạm Duy, do Thanh Mai ca); Là nét nhạc rộn ràng, vui tươi tôn vinh vẻ đẹp của Sài Gòn- một Hòn Ngọc Viễn Đông trước 1975, “Ghé Bến Sài Gòn” (sáng tác Văn Phụng, Lâm Dung- Ngọc Quỳnh song ca).
Những ca khúc trên đã khắc chạm vào thời gian những giá trị vĩnh cửu, bởi vậy khi những tiếng hát của Thanh Mai Michelle, Connie Kim, Thúy Nga, Ngọc Vân, Quỳnh Hoa, Đỗ Trọng Thái, Ngọc Quỳnh, Lâm Dung, chạm tới được phần hồn của tác phẩm và truyền tải tới người nghe thì thực sự đó là những giây phút tuyệt vời.
Thông điệp của chiều nhạc đúng với tên của chương trình “Việt Nam quê hương mến yêu,” vẻ đẹp của 3 miền Bắc Trung Nam và những biến động trên quê hương Việt Nam đã được giới thiệu thật súc tích, nghệ thuật và hấp dẫn. Trường ca Hội Trùng Dương của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương gồm đoạn mở đầu và 3 phiên khúc viết về 3 dòng sông lớn tượng trưng cho 3 miền đất Việt: Tiếng Sông Hồng (miền Bắc), Tiếng Sông Hương (miền Trung), và Tiếng Cửu Long (miền Nam) với tiết tấu, giai điệu khi thì hào sảng, lúc thì sâu lắng trầm tư, khi thì tự tình đắm say, lúc mênh mang phiêu bạt. Mỗi phiên khúc là tiếng nói của một dòng sông tiêu biểu cho mỗi miền được biểu tượng hóa bằng nỗi lòng của ba thiếu nữ, là lời tâm sự về cuộc sống, về nỗi khó khăn trong sự khuất phục thiên nhiên, sự can trường tranh đấu với ngoại xâm.
Mỗi phiên khúc của trường ca Hội Trùng Dương qua tiếng hát của ban hợp ca Lạc Hồng, gồm Thanh Mai, Ngọc Quỳnh, Lâm Dung, Hoài Hạnh, Tạ Trung, Trương Minh Cường, Đỗ Trọng Thái, Lê Quân, Tony Thạch và Thế Đăng, đã được dùng để mở đầu cho từng phần của buổi diễn, nhằm giới thiệu khái quát vẻ đẹp 3 miền Bắc, Trung, Nam của đất mẹ Việt Nam và những thăng trầm của quê hương từ cột mốc lịch sử 1954 chia đôi đất nước, cho đến biến cố đau thương tháng 4 năm 1975 và khát vọng ước mong một Việt Nam tự do của những người Việt ly hương qua ca khúc “Triệu Con Tim” (sáng tác Trúc Hồ) do ban hợp ca Lạc Hồng thể hiện cùng phần lĩnh xướng của Thế Đăng, chất giọng khỏe khoắn, truyền cảm của anh đã truyền tải được hết cái “hồn” của ca khúc đến khán giả, là một kết thúc đầy ý nghĩa cho chương trình, đọng lại nhiều cảm xúc nơi người nghe. (bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT