Mẹo Vặt

Xe đạp và mũ bảo vệ

Tuesday, 31/03/2015 - 07:41:03

ProtectionMũ bảo vệ đối với người đi xe đạp cũng quan trọng không kém người đi xe mô tô FitMũ bảo vệ phải trùm kín đầu …. UnfitChứ không thể chỏng chơ, ...

Bài VŨ HẰNG

Chúng ta đã nói về những ích lợi to lớn mà việc đi xe đạp có thể mang lại. Bên cạnh đó, xe đạp lại không gây ra nhiều tai nạn như xe hơi. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng tai nạn với xe đạp dù ít xảy ra, nhưng nếu đã xảy ra thì dễ đưa đến những thương tích trầm trọng, mà phần lớn là thương tích nơi đầu khi ngã té xuống đường, đầu cộp vào nền đá, vào gờ đường, vào cột điện…. Vết thương ngoài da rồi sẽ lành lại, nhưng sự tổn thương não bộ thì kéo dài, và có thể không bao giờ khỏi hẳn.
Hoàn cảnh bi đát ấy thực ra là có thể tránh được, mà biện pháp đầu tiên là đừng quên đội mũ bảo vệ. Nhưng thực tế thì sao? Đa số những người đi xe đạp mà chúng ta nhìn thấy trên lề đường đều có đội mũ, nhưng chắc không phải là mũ bảo vệ (Helmet). Có thể họ nghĩ rằng “mình đạp xe trên lề đường, đâu có đua tranh gì với ai mà sợ bị đụng!”

Mũ bảo vệ đối với người đi xe đạp cũng quan trọng không kém người đi xe mô tô



Nhưng thống kê cho biết, có đến 90% số tai nạn xảy ra không liên quan gì đến một đối tượng khác, lại càng không phải do đụng vào xe hơi. Đa phần những tai nạn xe đạp trầm trọng xảy ra tại những con hẻm nhỏ, giữa các “làng” mobile home, hoặc ở bãi đậu xe, đôi khi trên lane dành riêng cho xe đạp…. Nạn nhân có thể là bất cứ ai, dù đó là người dùng xe đã lâu hay chưa quen sử dụng, người già hoặc người trẻ… Thì đây, xin bạn nghe lời “thú tội” của Shaun B, một lực sĩ điền kinh đang chuẩn bị vào Thế Vận Hội Olympics:
“Tôi ngã té xe đạp, bị thương nơi đầu và ngất xỉu, may sao còn sống sót. Nhân dịp này tôi muốn nói với mọi người về giá trị của cái mũ bảo vệ. Vì hôm đó tôi không đội mũ bảo vệ, nên mới bị thương nặng như vậy, làm tôi mất cơ hội tham gia thế vận hội Olympics, cũng như không còn đủ điều kiện vào Không Quân Hoa Kỳ. Tôi đã hồi phục 85-95% sau ba tháng hôn mê. Tuy nhiên, trí nhớ của tôi đã suy giảm nhiều, và đi lại không thăng bằng. Tin tôi đi, các bạn, chắc không ai muốn bị một tai nạn ảnh hưởng tới thần kinh nặng nề như tôi chứ.” (Shaun B, Arkansas).
Bên cạnh bao nhiêu sự ích lợi, cái xe đạp chỉ đòi hỏi chúng ta có một điều đơn giản: “Xin các bạn hãy đội mũ vào trước khi cỡi lên mình tôi, dù bạn có là một chàng trai trẻ hoặc một ông già, dù chỉ chạy ngang một đường hay là đi xuyên bang!” Có nghĩa rằng lên xe là đội mũ, cũng như ngồi sau tay lái xe hơi là phải gài seatbelt vậy, bất cứ đi xa đi gần….
Chính Hằng đã chứng kiến cảnh người cô của mình bị té khi bánh xe đạp của cô cán qua một cái khe nhỏ chạy ngang mặt đường: Mặt cô bị bầm dập, máu me lênh láng, và gẫy mất cái răng cửa. Thật là thương quá: Phải chi ngày đó, Hằng đã kịp thời nhắc nhở cô về cái mũ bảo vệ!
Nhờ màu sắc đẹp đẽ, mũ làm cho những tài xế khác dễ dàng nhìn thấy mà tránh người đi xe đạp. Mũ còn bảo vệ chúng ta khỏi nắng mưa, bão gió…. Nhưng trên hết, cái mũ là khí cụ bảo vệ bộ sọ não của chúng ta trước mọi nguy cơ va chạm.
Thế nhưng, tên gọi cái mũ có thể làm nhiều người hiểu lầm. Nói ai xa, ngay cả ông tướng nhà em cũng từng gân cổ lên cãi: “Tôi với bà thì … cần gì mũ với áo! Mà bảo vệ cái gì, bảo vệ ai nữa cơ chứ!” Ông Cả Đẫn ơi là ông Cả Đẫn, chẳng lẽ cứ phải gọi rõ là cái “helmet” thì ông mới không hiểu sang các thứ mũ khác. Thôi thì cẩn tắc vô áy náy, xin các bạn nhớ dùm chữ “helmet” là mũ đặc chế để bảo vệ sọ não của những người đi xe hai bánh, như xe đạp và xe gắn máy nhé!
Trên thị trường Hoa Kỳ hiện nay, bạn phải tìm cho được những cái mũ có dán nhãn CPSC bên trong. Nếu có được loại mũ đạt tiêu chuẩn Snell B-95 và N-94 lại càng tốt. Ở Âu châu thì phải tìm cho ra tiêu chuẩn CEN, chỉ kém phẩm chất hơn CPSC một chút.
Cái mũ Helmet được coi là tốt phải có khả năng thẩm thấu sức va chạm để chịu đòn thay cho sọ não của chúng ta. Nói cụ thể, đa số Helmet gồm có ba thành phần: Vỏ (shell), phần đệm (liner), dây và khóa.
Vỏ (Shell): Đây là phần vỏ cứng, bao bọc bên ngoài, có khả năng thẩm thấu và dàn trải tác động va chạm khi đầu của chúng ta đập mạnh vào nền cứng, vật nhọn hoặc sắc. Vỏ có thể có những lỗ thông hơi để cho đầu thoải mái khi trùm lên, nhưng vẫn phải đủ sức để bảo vệ. Vật liệu thông thường để làm vỏ là Fiberglass, Lexan, và keo ABS. Vỏ không được có những điểm nhọn chĩa ra ngoài.
Thị trường cũng có những loại Helmet vỏ mềm hoặc không vỏ, nhưng vẫn đạt yêu cầu về khả năng bảo vệ khi đã qua những cuộc thử nghiệm va chạm, gọi là Impact Test. Mũ vỏ mềm thì nhẹ, nhưng mũ không vỏ còn nhẹ hơn, thường có bao nylon bao bọc bên ngoài, khi sử dụng vẫn phải giữ bao nylong lại, không được lột vất đi.
Phần đệm (Liner): Đó là lớp “mút” mền, quấn quanh đầu người đội mũ, làm bằng Styrofoam có khả năng thẩm thấu chấn động, không để ảnh hưởng đến sọ não chúng ta. Những cái Helmet tốt nhất được đệm bằng EPS (expanded Polystyrene). Độ dầy của phần đệm là quan trọng, càng dầy càng đắt và càng tăng sức bảo vệ.
Dây và khóa (Strap & Buckle): Dù có bị va chạm mạnh hoặc va chạm vài lần, helmet vẫn phải trụ lại trên đầu. Chính vì thế chúng ta cần có dây cài và khóa vững.
Và quan trọng nhất là, phải nhớ đội vào mỗi khi lên yên. Helmet có tốt tới đâu cũng chẳng có thể bảo vệ được ai khi mà nó chỉ an vị ở trên … tay lái.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT