Phóng Sự

Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể Việt Nam (phần cuối)

Tuesday, 18/03/2014 - 05:01:05

Việc huấn luyện Tông đồ Đội Trưởng rất quan trọng trong việc giáo dục cá nhân bằng tinh thần đồng đội tương thân. Nếu việc huấn luyện càng chu đáo, đầy đủ bao nhiêu thì nhờ đó, các đoàn sinh sẽ được hấp thụ và thăng tiến bấy nhiêu.

Băng Huyền/Viễn Đông

Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể Việt Nam (phần cuối)

Những yêu cầu cần có của một Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể

Giúp các đoàn sinh Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT) đến với Chúa, người Huynh Trưởng của đoàn TNTT có sứ mạng quan trọng là hướng dẫn và giáo dục đoàn sinh, làm cho đức tin của các em thiếu nhi nẩy nở, do đó người Huynh Trưởng phải là một tấm gương sáng, phải luôn luôn tu luyện để có một tư cách và tác phong đứng đắn, một đời sống đạo đức, một tầm hiểu biết sâu rộng, cùng những đức tính tốt. Đối với các đoàn sinh, người Huynh Trưởng là thầy, là anh chị, là bạn, là tấm gương. Để thành công trong việc hướng dẫn, người Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể phải biết lắng nghe các em đoàn sinh.
Huynh Trưởng Vinson Nguyễn của đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể nhà thờ St Polycarp (Quận Cam) nhắc lại lời tuyên hứa của một người Huynh Trưởng, đó chính là: “Hứa nỗ lực thánh hóa bản thân để việc tông đồ được hữu hiệu. Hứa luôn vâng phục bề trên và sẵn sàng hợp tác với mọi thành phần của Giáo Hội. Hứa cố gắng trau dồi khả năng để nhiệt thành phục vụ tuổi trẻ. Làm Huynh Trưởng, theo em phương pháp giáo dục tốt nhất là sống như một chứng nhân. Để hoàn thành sứ mạng một cách dễ dàng, người Huynh Trưởng phải có kinh nghiệm, có trách nhiệm, có kiến thức, biết sử dụng kiến thức của mình và phải biết tự học. Người Huynh Trưởng cần phải có trái tim, thương yêu và tha thứ những lỗi lầm của các đoàn sinh.”
Còn Liên Đoàn Trưởng Vân Nguyễn (Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể nhà thờ Công Giáo VN. St. Anthony Wichita, Kansas) thì cho rằng “Người Huynh Trưởng là một người lãnh đạo nên phải có những đức tính của một nhà lãnh đạo. Phải có tính tình vui vẻ, lịch sự, điềm đạm để giải quyết công việc. Phải thật tế nhị: đặc biệt là trong vấn đề thưởng phạt. Phải kiên nhẫn, không lùi bước trước khó khăn và hoàn tất công việc. Phải có trách nhiệm với đoàn, luôn chu toàn bổn phận. Luôn biết phục thiện, biết lỗi và sửa sai. Luôn chân thật, kỹ lưỡng. Với sứ mệnh hướng dẫn các em thiếu nhi, người Huynh Trưởng phải biết lắng nghe đoàn sinh. Ngoài ra, người Huynh Trưởng luôn xem thánh lễ và thánh thể là trung tâm của đời sống, hiểu rõ ý nghĩa và tầm cao trọng của thánh lễ và thánh thể.”
Tuy nhiên Huynh Trưởng không thể nào điều khiển nổi cả Đoàn TNTT, nhất là những Đoàn có đông đoàn sinh, nên cần phải phân chia Đoàn thành nhiều nhóm nhỏ gọi là Đội. Huynh Tưởng không trực tiếp coi đội mà chỉ là hậu thuẫn. Đội Trưởng trong Đoàn TNTT là những thành viên cộng tác với Huynh Trưởng để phục vụ Phong Trào. Vì còn trẻ nên các em chưa có đầy đủ tư cách, óc thủ lĩnh, tinh thần trách nhiệm. Vì thế, muốn cho đoàn tiến mạnh, các Huynh Trưởng luôn lưu tâm đến vấn đề huấn luyện Đội Trưởng. Huấn luyện Đội Trưởng bên TNTT lấy nguyên tắc Hàng Đội Tự Trị làm căn bản. Phương pháp Hàng Đội Tự Trị là phương pháp phân công và trao trách nhiệm. Chia các em thành từng nhóm do một em làm Đội trưởng chỉ huy, dưới sự giám sát, hướng dẫn của Huynh Trưởng. Với mục đích giáo dục: có thể đến với từng em. Để các em biết làm việc chung, điều rất cần cho các em sau này khi lớn lên. Để các em tập lãnh trách nhiệm, tự đào luyện và giáo dục nhau.
Việc huấn luyện Tông đồ Đội Trưởng rất quan trọng trong việc giáo dục cá nhân bằng tinh thần đồng đội tương thân. Nếu việc huấn luyện càng chu đáo, đầy đủ bao nhiêu thì nhờ đó, các đoàn sinh sẽ được hấp thụ và thăng tiến bấy nhiêu.

Thay lời kết

Tại Việt Nam, kể từ khi thành lập phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể vào năm 1929 (do hai linh mục Léon Paliard và Paul Urureau, Tu hội Xuân Bích, mang tên Nghĩa Binh Thánh Thể). Phong trào được hàng giáo phẩm và giáo dân hưởng ứng nên đã phát triển khắp Việt Nam vào thập niên 1930. Biến cố năm 1954 chia đôi đất nước, đã khiến phong trào TNTT miền Bắc ngưng hoạt động gần 50 năm, nhưng TNTT miền Nam lại phát triển mạnh và qui mô tổ chức TNTT Việt Nam đã được hình thành tại miền Nam trong thời gian này.
Biến cố 1975 tưởng chừng TNTT Việt Nam đã vĩnh viễn không còn, nhưng bù lại TNTT lại được lan rộng và phát triển mạnh mẽ theo chân người Việt gầy dựng lại đời sống mới tại các nước Âu châu, Úc Châu, Hoa Kỳ... Ngày nay, TNTT Việt Nam đã và đang phát triển tại các giáo phận ở khắp nơi có cộng đoàn công giáo Việt Nam sinh sống, đã tiếp tục sứ mệnh giáo dục thiếu nhi, góp phần vào việc tông đồ của Giáo hội, và góp phần xây dựng xã hội càng thêm tươi sáng hơn.
Đối với Giáo Hội Công Giáo, những bạn trẻ thanh thiếu niên sinh hoạt trong những đoàn thể Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT) không chỉ là tương lai của Giáo hội mà chính họ cũng là hiện tại của một Giáo hội đầy sức sống. “Một Giáo hội được xây dựng trên nền tảng Chúa Ki tô và liên kết con cái mình trong tình yêu của Người. Chính hồng ân đức tin giúp các bạn trẻ hiểu rằng đời sống của mỗi người là vô giá, mỗi người là hoa trái của tình yêu.” Nếu Giáo hội là tình yêu, thì mỗi bạn trẻ là một mắt xích quan trọng trong chuỗi tình yêu đó, một tình yêu đi đến tận cùng và hàm chứa bên trong là sự hy sinh, bỏ mình. Và đó chính là Thập giá.
Các bạn trẻ luôn được mời gọi phải sống làm sao cho xứng đáng với danh hiệu là Thiếu Nhi Thánh Thể, và phải lấy Chúa Giêsu Thánh Thể làm chủ lực sống cho bản thân mình, hãy yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể bằng những việc làm đơn sơ và sống chăm ngoan, đạo đức trong gia đình, giữa Giáo xứ, Giáo Hội và xã hội, được định hướng cho một đời sống yêu thương phong phú, có một đời sống đức tin tươi sáng vững vàng để khi không còn được nâng đỡ bởi những bầu khí đạo đức của giáo xứ, của gia đình, mà vẫn có thể vững vàng trong đời sống đức tin, đồng thời thông truyền đức tin đó tới mọi người qua việc loan báo Tin Mừng. (bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT