Người Việt Khắp Nơi

Phỏng vấn chiến hữu Tần Nam, Chủ Tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH nhân 45 Năm Quốc Hận

Monday, 27/04/2020 - 05:42:21

Vào những ngày này 45 năm trước, quân và dân miền Nam Việt Nam đang phải sống trong những giờ phút đau buồn


Chiến hữu Tần Nam, Chủ Tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH, trong buổi lễ tưởng niệm cố Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu năm 2019. (Thanh Phong/ Viễn Đông)


Bài THANH PHONG

LITTLE SAIGON - Vào những ngày này 45 năm trước, quân và dân miền Nam Việt Nam đang phải sống trong những giờ phút đau buồn, lo âu, sợ hãi nhất, mọi người tìm đường thoát thân khỏi chế độ Cộng Sản khi chúng đang tiến vào Saigon, thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, nhiều chiến sĩ Quân Lực VNCH cũng như Cảnh Sát Quốc Gia đồn trú ở những vùng xa xôi hẻo lánh vẫn chưa tin VNCH sẽ rơi vào tay Việt Cộng, họ vẫn giữ chặt tay súng chiến đấu đến cùng để rồi sau đó bị bắt buộc buông súng theo lệnh của bại tướng Dương Văn Minh, và bị quân Cộng Sản Bắc Việt giam giữ nhiều năm trong tù. Một trong các chiến sĩ đó là chiến hữu Tần Nam, hiện đang cư ngụ tại Quận Cam, California và đảm nhiệm chức vụ Chủ Tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH, một tổ chức quy tụ hầu hết các binh chủng trong QL/VNCH tại miền Nam Cali.

Nhân ngày Tưởng Niệm 45 năm Quốc Hận, Viễn Đông đã phỏng vấn chiến hữu Tần Nam, được ông cho biết, ông xuất thân từ quân trường Đồng Đế, Nha Trang, hiện cũng là Hội Trưởng Hội Quân Trường Đồng Đế Nam California. Năm 1975, lúc đó ông là sĩ quan Đại Đội Trưởng thuộc Đại Đội Địa Phương Quân Lưu Động bảo vệ vòng đai phi trường tỉnh lỵ Sóc Trăng.

Cuối tháng 4/1975 đơn vị của ông được lệnh tăng phái cho một Trung Đoàn thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh để bảo vệ an ninh cho phi trường và tỉnh lỵ Sóc Trăng. Khoảng 4, 5 giờ sáng ngày 27 tháng Tư, 1975 toán Biệt Kích gọi máy về báo cho ông biết đã nhìn thấy bộ đội Việt Cộng đang tiến về phía trung tâm thành phố rất đông, họ xin lệnh ông có nên tấn công hay không?
Đại Đội Trưởng Tần Nam phân vân và hỏi lại toán biệt kích xem đơn vị Việt Cộng khoảng bao nhiêu người? Mấy anh em cho hay, khoảng một Trung Đoàn, trong khi mình chỉ có một Đại Đội nên ông nói họ chờ và gọi máy về Bộ Chỉ Huy nhưng không liên lạc được, chỉ nói chuyện được với ông Tiểu Đoàn Trưởng, ông Tiểu Đoàn Trưởng cũng bảo cứ chờ đó.

Đơn vị ông chờ đến sáng ngày 30 tháng Tư, ông ra phía bờ ruộng nhìn thì thấy bộ đội Việt Cộng đi khá đông, chúng được lệnh vào tiếp thu thành phố mà lúc đó, đơn vị ông đang tác chiến nên không nghe được lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh nên vẫn cầm súng chiến đấu. Đến chiều ngày 30/4, Tiểu Đoàn Trưởng của ông ra lệnh án binh bất động, chờ lệnh ở trên.
Qua ngày 1 tháng 5, Đại Đội rút về hậu cứ và về đến hậu cứ mới nghe nói sẽ “bàn giao.” Ông nói, “Tôi nghĩ rằng bàn giao thì mình vẫn còn cơ hội chứ đâu nghĩ rằng bàn giao là mình mất nước đâu, mình đâu có nghĩ VNCH phải đầu hàng vì vào thời gian cuối tháng Tư 1975 miền Tây vẫn yên tĩnh, chưa có trận đánh lớn xảy ra.
“Qua ngày 2 tháng 5/1975 thì ông Tiểu Đoàn Trưởng ra lệnh cho các Đại Đội Trưởng tùy quyền quyết định về Đại Đội của mình. Lúc đó tôi nói với các anh em trong Đại Đội Tình thế này không xong rồi, thôi bây giờ anh em để súng ống, đạn dược lại đây, tự tìm về gia đình đi. Riêng tôi, tôi thay đồ dân sự định đi vào thành phố nhưng có hai người lính cận vệ của tôi, hai anh em này rất thương tôi và muốn đi cùng tôi, sống chết có nhau.
“Lúc đó họ nghĩ tôi tìm đường vào mật khu kháng chiến tiếp nên hai anh đòi đi theo tôi. Họ tìm được chiếc xe máy Honda chở tôi đi, vì sợ tôi đi một mình sẽ bị bắt và giết. Trên đường về tỉnh, tôi thấy tụi du kích cổ quấn khăn rằn, đầu đội mũ tai bèo cầm loa đi rao là từ cấp Tỉnh Trưởng, Phó Tỉnh Trưởng, Tiểu Đoàn Trưởng, Đại Đội Trưởng của ngụy quân, ngụy quyền phải trình diện đi học tập cải tạo ba ngày. Tôi quyết định không tuân lệnh chúng, tôi bảo hai người lính về lo cho gia đình, còn tôi, tôi vào khách sạn tìm giấc ngủ.

“Bà chủ khách sạn rất thương lính VNCH, bà bảo tôi thay đồ sơ vin đi, tối nay tụi nó vào nó lục xét đó. Tôi nghe lời bà, thay áo quần dân sự và đổi chỗ ngủ, sáng hôm sau tức là ngày 4 hay 5 tháng 5 gì đó tôi về gia đình tại Saigon. Ở nhà được hơn hai tuần, một hôm có một tên bộ đội tìm đến nhà tôi, yêu cầu tôi phải đi trình diện học tập cải tạo, chúng trao cho tôi tờ giấy lệnh tập trung và nói, chính quyền cách mạng đã biết anh thuộc diện bắt buộc phải cải tạo nên yêu cầu anh chấp hành ngay.
“Sau khi trình diện, chúng đưa tôi đến trại Cà Tum thuộc tỉnh Tây Ninh, sau đó chuyển qua trại Long Giao rồi chuyển đến trại Hóc Môn, trại Bù Gia Mập, cuối cùng chúng đưa về trại K4 Hàm Tân và thả tôi vào năm 1981.
“Suốt 45 năm qua, mỗi lần đến tháng Tư, lòng tôi lại chùng xuống, tôi buồn vô cùng, buồn vì biết bao bạn bè và chiến hữu của tôi đã ngã gục, biết bao đồng bào của tôi đã bỏ thây nơi rừng sâu, ngoài biển cả và vừa buồn, vừa tức vì Quân Lực VNCH của mình đâu đến nỗi nào, ngay khi Tết Mậu Thân năm 1968, bọn Việt Cộng bất ngờ đánh chiếm nhiều tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Cà Mau nhưng mình đã đánh bật chúng ra, lấy lại hết những nơi chúng tạm chiếm. Vậy mà ngày 30 tháng Tư, mình không đánh mà phải bị buông súng, cho nên chúng tôi hận lắm, tức lắm!

“Năm nay, vì đại dịch Coronavirus, chúng ta không thể tổ chức Buổi Tưởng Niệm Quốc Hận được, nên chúng tôi đã bàn với các vị trong Ban Cố Vấn và Ban Điều Hành Liên Hội gửi một lá thư ngỏ kính gửi đến các vị lãnh đạo tôn giáo, quý hội đoàn cựu quân nhân QL/VNCH, quý cơ quan truyền thông báo chí, ban chấp hành cộng đồng cũng như quý hội đoàn, và quý đồng hương với lời tâm tình nhân Tháng Tư Đen như sau:
“Theo như thông lệ hàng năm, để tưởng nhớ đến ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư, chúng ta thường có các buổi lễ tổ chức ngoài trời, nhưng tình hình đại dịch Covid - 19 từ Wuhan đã lan tràn khắp nước Mỹ và trên thế giới khiến cho việc tổ chức Ngày 30 Tháng Tư năm nay bị giới hạn bởi các quy định Safety Stay in Home và Social Distance tại các thành phố trong nước Mỹ. Nhưng chúng ta vẫn không bao giờ quên Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư hàng năm. Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, ngày Đảng Cộng Sản miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam, khiến hàng triệu người miền Nam phải rời bỏ quê hương đi tìm Tự Do, mà hơn trăm ngàn người đã tử nạn trên biển cả, trong rừng sâu trên đường vượt biên, vượt biển. Và khởi đầu cho các trại tập trung tù cải tạo đã giam cầm quân nhân các cấp QL/VNCH. Ngày 30 Tháng Tư năm nay, mặc dù chúng ta không có dịp tổ chức buổi lễ ngoài trời, không có nghi thức chào Quốc, Quân kỳ, không phút mặc niệm… nhưng trong lòng chúng ta, người Việt tỵ nạn Cộng Sản vẫn một hoài niệm đau thương và mất mát lớn lao, một vết thương lòng không xóa được… Vào đúng 12 giờ trưa Thứ Năm ngày 30/4/2020 cùng đài Little Saigon Radio chúng tôi mời gọi quý cựu quân nhân QL/VNCH và quý đồng hương, chúng ta hãy dành một phút Tưởng Niệm đến Dân, Quân, Cán Chính VNCH đã hy sinh vì quốc gia dân tộc, đồng bào đã tử nạn trên đường tìm lý tưởng Tự Do, Và chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam sớm có được Tự Do, Dân Chủ và không Cộng Sản.”

Trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn, chiến hữu Tần Nam có lời kính mong toàn thể các cựu quân nhân QL/VNCH cũng như Cảnh Sát Quốc Gia và quý đồng hương hãy dành một phút vào lúc 12 giờ trưa để cùng Little Saigon Radio Tưởng Niệm các Quân, Cán, Chính VNCH đã hy sinh vì tổ quốc và đồng bào đã tử nạn trên đường tìm tự do sau ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư năm 1975.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT