Người Việt Khắp Nơi

Phỏng vấn cô Đỗ Linh Trân, tác giả bộ bài Vạn Xuân lấy cảm hứng từ văn hóa Việt Nam

Monday, 22/06/2020 - 04:10:02

"Trân muốn giới thiệu văn hoá Việt Nam bằng một cách nhìn tổng quát và liên quan mật thiết với nhau. Mỗi một nhóm lá bài biểu tượng cho một điều khác biệt của văn hóa Việt Nam."


Họa sĩ Đỗ Linh Trân (Hình cung cấp)


THANH PHONG thực hiện


Trong số báo Viễn Đông ra ngày thứ Sáu, 19 tháng 6, 2020, chúng tôi đã giới thiệu một họa sĩ gốc Việt rất trẻ tên là Đỗ Linh Trân (Linh-Trân Đỗ), con của một bác sĩ Nhãn Khoa và thân mẫu là bà Ngô Thị Quý Linh, chủ nhân nhà xuất bản Ý Linh từ năm 1989 tại Houston,Texas. Là một họa sĩ đồ họa và thiết kế, cô đã tham dự cuộc thi “Queen of Hearts.” Có 170 đồ án dự thi vẽ bộ bài Bicycle nhưng chỉ có 20 đồ án được chọn triển lãm, và một trong số 20 đồ án có tên cô Linh-Trân Đỗ với bộ bài hình danh nhân Việt Nam mang tên “Vạn Xuân.”

Để tìm hiểu thêm về đồ án Queen of Hearts cũng như những ý tưởng độc đáo của người họa sĩ trẻ này, xin quý độc giả theo dõi bài phỏng vấn cô Linh-Trân Đỗ sau đây.

Thanh Phong: Xin cô nói qua một chút về cá nhân cô và tại sao cô chọn học ngành thiết kế đồ họa (graphic designer).

Linh-Trân: Linh-Trân sinh ra tại một tỉnh nhỏ ở Texas và gia đình Trân dọn lên ở Houston khi Trân mới hai tuổi. Từ nhỏ Trân đã thích vẽ và muốn trở nên một hoạ sĩ. Trân tốt nghiệp Đại Học Rice về Visual Arts (Nghệ Thuật Tạo hình) và làm công việc thiết kế đồ họa (graphic designer). Trân chọn ngành này vì nhận thấy ngành nghệ thuật này đa năng, có thể phối hợp minh họa, hình ảnh và bài viết để người xem hiểu rõ hơn điều mình muốn diễn tả.

TP: Tại sao cô chọn vẽ 18 lá bài Việt Nam và lấy tên “Vạn Xuân?” Cô có thể giải thích ý nghĩa và tầm quan trọng của những hình ảnh trong bộ bài mà cô nghĩ rằng những hình ảnh đó có thể đại diện văn hóa Việt Nam?

LT: Trân muốn giới thiệu văn hoá Việt Nam bằng một cách nhìn tổng quát và liên quan mật thiết với nhau. Mỗi một nhóm lá bài (Suit) biểu tượng cho một điều khác biệt của văn hóa Việt Nam. Nhóm lá bài Cơ hình tim (Suit of Hearts) tượng trưng cho triều đại cuối cùng và hiện đại nhất của Việt Nam. Nhóm lá bài Bích (Suit of Spades) tượng trưng cho triều đại đầu tiên và cổ xưa nhất của Việt Nam. Nhóm lá bài Rô (Suit of Diamonds) tượng trưng cho các võ tướng của Việt Nam. Nhóm lá bài Chuồn (Suit of Clubs) tượng trưng cho các văn gia (học giả, thi nhân) Việt Nam. Bốn con ách (Aces) có hình Tứ Linh là bốn con thú linh thiêng huyền thoại, và hai lá jokers có hình hai nhân vật tưởng tượng trong dân gian Việt Nam còn hai chữ “Vạn Xuân” có nghĩa là vùng đất của Mùa Xuân Vĩnh Cửu.

TP: Những hình ảnh tiêu biểu mà cô chọn để vẽ cho bộ bài gồm những hình ảnh gì? Và ý nghĩa của mỗi hình ra sao?

LT: Những hình minh hoạ trên các lá bài Tây xưa nay là hình vua, bà hoàng, người hầu cận theo văn hóa Tây phương. Khi còn nhỏ, lúc chơi bài, Trân tưởng tượng nếu đó là những hình ảnh về vua chúa Việt Nam thì các lá bài ấy sẽ trông như thế nào. Bây giờ Trân làm công việc thiết kế đồ họa và biết vẽ nên Trân có thể thực hiện những lá bài theo văn hóa Việt Nam. Hình minh họa vua, hoàng hậu, cận thần trong bộ bài Vạn Xuân là những nhân vật có tên tuổi trong lịch sử Việt Nam.
Nhóm Bích (Suit of Spades): Lạc Long Quân, Âu Cơ, Phù Đổng Thiên Vương
Nhóm Rô (Suit of Diamonds): Ngô Vương Quyền, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo
Nhóm Chuồn (Suit of Clubs): Nguyễn Trãi, Bà Huyện Thanh Quan, Lê Quý Đôn
Nhóm Cơ (Suit of Hearts): Vua Bảo Đại, Hoàng Hậu Nam Phương, Hoàng Tử Bảo Long.

TP: Khi chọn đề tài này để vẽ bộ bài, cô có nhắm vào những người không phải người Việt, khi họ cầm lá bài họ sẽ tìm hiểu về những hình vẽ trong lá bài ấy để biết về lịch sử và văn hóa Việt Nam?

LT: Những ai không phải người Việt, hoặc là không quen với văn hoá Việt, khi thấy những hình ảnh mới lạ trên bộ bài sẽ khiến họ tò mò tìm hiểu về văn hoá Việt Nam. Trân mong là họ sẽ tìm hiểu thêm về văn hoá Việt Nam và sẽ cảm thấy thích thú.

TP: Có ai giúp cô tìm hiểu về văn hóa và bản sắc dân tộc Việt để giúp cô đạt được giấc mơ này hay không? Thí dụ cha mẹ, bạn bè, thầy giáo?

LT: Trân cảm ơn cha mẹ và thầy, cô giáo tại trường dạy tiếng Việt đã giúp cho Trân có căn bản và giúp cho Trân làm quen với văn hoá Việt Nam. Mẹ Trân là bà Ngô Thị Quý Linh, đã viết và soạn rất nhiều sách về văn hóa và lịch sử Việt Nam do nhà xuất bản Ý Linh phát hành. Nhờ vậy mà Trân có thể tra cứu trong đó để thực hiện bộ bài Vạn Xuân. Trân có nhiều bạn, Trân thấy không phải ai cũng có cơ hội để có được căn bản như thế về văn hóa Việt Nam ở Hoa Kỳ. Trân mong rằng Trân có thể giới thiệu văn hóa Việt Nam đến các bạn trẻ qua hình thức trò chơi này.



Bộ bài Vạn Xuân (Facebook)

TP: Cô đã hoàn thành phần nghệ thuật này trong thời gian bao lâu?

LT: Trân chỉ mất có hai tuần để vẽ các tranh minh họa nhưng tiến trình để thực hiện chương trình này cần đến bốn tháng.

TP: Chiến dịch gây quỹ để có $9,000 đã có kết quả thế nào và cô có hy vọng đến hạn chót là ngày 16 tháng 7, 2020 sẽ gây quỹ được đủ số tiền để thực hiện việc sản xuất bộ bài Việt Nam Vạn Xuân?

LT: Trân không ngờ đã được nhiều người sốt sắng yểm trợ. Mới đến ngày thứ Sáu, 19-6, tức là bốn ngày kể từ khi bắt đầu gây quỹ, thì đã nhận được hơn 90% số tiền cần thiết để thực hiện. Điều này chứng tỏ có nhu cầu đón nhận thêm văn hoá Việt Nam vào trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Nếu quỹ nhận được nhiều tiền hơn thì Trân sẽ có thêm quà tặng để tiếp tục việc gây quỹ. Trang Kickstarter cập nhật các mục tiêu gây quỹ sớm sủa nhất.

TP: Công trình của cô mang tên “Queen of Hearts” là một trong 20 lựa chọn của hơn 170 bài dự thi, cô có hy vọng mình sẽ được chọn đứng đầu để tham gia cuộc triển lãm quốc tế House of Card, OGE Group của Discovery Green?

LT: Triển lãm quốc tế House of Cards là một cuộc triển lãm chung gồm có 20 hoạ phẩm của các hoạ sĩ tại Houston. Các hoạ phẩm này được chọn để đại diện và cho thấy sự phong phú của văn hóa tại thành phố Houston. Khi cuộc triển lãm House of Cards được thực hiện, khu vực triển lãm sẽ có đèn chiếu sáng về đêm. Quý vị có thể xem những đoạn phim ngắn về các triển lãm trước đây trên trang mạng OGE Group.

TP: Cô là người tìm tòi về văn hóa của người Mỹ gốc Việt và sự quan trọng của đại diện văn hóa. Vậy sau project này, cô có dự định thực hiện một việc làm nào khác để tiếp tục thể hiện nét văn hóa đặc thù của người Việt Nam?

LT: Trân sẽ tiếp tục tìm hiểu để biết là làm một người Mỹ gốc Việt thì nên như thế nào và tiếp tục giới thiệu văn hoá Việt Nam bằng hình ảnh minh họa và thiết kế. Trong quá khứ, Trân đã trình bày và minh hoạ nhiều sách cho nhà xuất bản Ý Linh và sẽ tiếp tục việc này trong tương lai. Trân mong sẽ tìm ra những phương cách mới như là bộ bài Vạn Xuân để giúp những người khác cũng thấy thích và hòa nhập vào với văn hóa Việt Nam.

TP: Cô có thể chia sẻ đôi điều tâm sự của cô với độc giả báo Viễn Đông chúng tôi?

LT: Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, Trân vẫn thường nghĩ là mình sẽ sống cuộc đời như một người Mỹ bình thường. Ở nhà, Trân theo gia đình sống với văn hóa truyền thống Việt Nam, nhưng ra ngoài, Trân thỉnh thoảng e ngại khi phải biểu lộ nét văn hóa Việt, như mặc áo dài hoặc đem món ăn Việt đến trường vào giờ ăn trưa vì thấy như thế không đúng “là Mỹ.” Khi Trân lớn hơn, Trân thấy rất nhiều điều hay trong văn hoá Việt Nam. Mục đích của Trân là truyền bá văn hoá Việt Nam và cố gắng thực hiện điều này để giúp giới trẻ, con cháu những người di dân, sẽ luôn luôn tự hào về văn hoá của mình.

TP: Cám ơn họa sĩ Linh-Trân Đỗ đã dành cho nhật báo Viễn Đông cuộc phỏng vấn này.

LT: Trân xin gửi lời cảm ơn Bác Sĩ Nguyễn Thị Nhuận, Chủ Nhiệm Nhật Báo Viễn Đông, đã cho Trân cơ hội để trình bày về tác phẩm văn hoá này là bộ bài Vạn Xuân. Trân cũng xin cảm ơn phóng viên Thanh Phong đã dành thì giờ quý báu thực hiện cuộc phỏng vấn này.

*

Quý độc giả muốn hỗ trợ để đồ án được thực hiện bằng cách hứa mua một hay nhiều bộ bài để có đủ số tiền $9,000 như đòi hỏi của công ty United States Playing Cards Company (Công ty Bài Hoa Kỳ) là công ty mẹ sản xuất bộ bài hiệu Bicycle. Xin hãy liên lạc với họa sĩ Linh Trần qua email: ylinhpublishing@gmail.com.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT