Người Việt Khắp Nơi

Phỏng vấn Frances Nguyễn Thế Thủy Tân Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Westminster

Friday, 06/03/2020 - 07:02:38

Một khuôn mặt phụ nữ Việt Nam khả ái, tha thiết với công tác giáo dục, tận tụy với mọi công việc được đảm nhận


Cô Frances Nguyễn Thế Thủy, tân Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Westminster. (Thanh Phong/ Viễn Đông)


Bài THANH PHONG

LITTLE SAIGON - Một khuôn mặt phụ nữ Việt Nam khả ái, tha thiết với công tác giáo dục, tận tụy với mọi công việc được đảm nhận, từng là Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam Cali, từng chất vấn ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger trong Hội Nghị Quốc Tế Về Việt Nam tại trung Tâm Kleber, Paris, Pháp quốc vào các ngày 3 và 4 tháng 12, 1987; người Việt Nam đầu tiên làm Chủ Tịch Phòng Thương Mãi Westminster, chủ nhân công ty Golden Trophy & Promotions trên 37 năm nay, là Chủ Tịch Boy Scouts of America, Orange County, El Capitan District & Orange Frontier District (now is Golden West District) với khoảng 92 đoàn Hướng Đạo, và mới đây được bầu vào chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Dục (HĐGD) Học Khu Westminster.

Đây là niềm hãnh diện cho Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại, nhân cơ hội này, Viễn Đông đã phỏng vấn bà Frances Nguyễn Thế Thủy.
Viễn Đông: Cô cho biết đã được bầu vào chức vụ này vào lúc nào?
Thế Thủy: Trước khi làm Chủ Tịch HĐGD Westminster, tôi đã làm Phó Chủ Tịch từ năm ngoái và tháng 12/2019 tôi được bầu làm Chủ Tịch.
VĐ: Cô cho biết Học Khu Westminster hiện nay có bao nhiêu trường Trung, Tiểu học và có khỏang bao nhiêu em học sinh?
Thế Thủy: Học Khu Westminster có 17 trường Trung và Tiểu học với khoảng trên 10,000 học sinh thuộc nhiều sắc dân nhưng đa số là học sinh gốc Việt Nam.
VĐ: Được biết, Học Khu Westminster là Học khu đầu tiên có chương trình song ngữ. Xin cô cho biết qua về chương trình này?

Thế Thủy: Học Khu Westminster là Học Khu đầu tiên ở California cũng như ở nước Mỹ có chương trình song ngữ. Chương trình này các học sinh có 4 tiếng học tiếng Việt, 4 tiếng học tiếng Mỹ. Trong thời gian học tiếng Việt các em không được nói tiếng Anh, cô giáo cũng phải nói tiếng Việt luôn và ngược lại khi học tiếng Anh, các em không được nói tiếng Việt. Hiện nay một số Học Khu khác cũng đang bắt chước Học Khu Westminster để thực hiện chương trình song ngữ.
VĐ: Như vậy tất cả các trường trong Học Khu đều áp dụng chương trình song ngữ hay chỉ mới có một số trường?
Thế Thủy: Không nói theo trường mà nói theo lớp, trường nào có lớp mẫu giáo, lớp 1, lớp 2 thì có chương trình song ngữ, và trong tương lai, Học Khu muốn tiếp tục chương trình song ngữ cho đến lớp 8, vì khi các em đã biết đọc, biết viết tiếng Việt thì các em mới bắt đầu học lịch sử, văn hóa Việt Nam trước khi vào Trung học , Đại học.

VĐ: Cô cho biết thành phần giáo viên dạy tiếng Việt được tuyển chọn ra sao?
Thế Thủy: Nhu cầu giáo viên dạy song ngữ rất cần tại học Khu Westminster nhưng chúng tôi chỉ tuyển chọn giáo viên trong hàng ngũ người Việt tỵ nạn Cộng sản, thông thạo hai ngôn ngữ Anh - Việt và có đủ điều kiện quy định.
Chúng tôi khuyến khích các em nào muốn trở thành giáo viên dạy song ngữ tại Học Khu Westminster, các em ngoài việc phải có bằng 4 năm đại học, sau đó hãy học lấy bằng chuyên môn về dạy học. Nếu quý vị nào đã học qua Khóa Sư Phạm rồi mà muốn tiến xa hơn nữa đi vào dòng chính thì phải trở lại trường Đại Học lấy cái bằng đó thì mới có thể trở thành giáo viên chính thức dạy song ngữ.
VĐ: Trong vai trò là người đứng đầu Học Khu Giáo Dục, cá nhân cô có cảm thấy đây là nhiệm vụ khó khăn cần được chia sẻ?
Thế Thủy: Như anh đã biết, Thế Thủy đã sinh hoạt từ khi còn là sinh viên đến nay đã 37 năm, những khó khăn trở ngại Thế Thủy cũng đã trải qua rất nhiều nên đối với Thế Thủy, việc gì khó, mình cần phải làm sao cho nó không khó nữa để đạt tới mục tiêu của mình. Với vai trò Chủ Tịch, Thủy thấy dễ hơn vì mình có quyền quyết định trong khả năng mình làm được và có thể giúp ích cho học sinh Việt Nam ở đây, và cũng có thể giúp ích cho các học sinh khác trong Học Khu, tạo ra một môi trường rất tốt đẹp để các em chuẩn bị vào Trung học, Đại học.

VĐ: Có khi nào cô dự tính sẽ ra tranh cử một chức vụ gì khác trong chính quyền Hoa Kỳ?
Thế Thủy: Tương lai thì mình không nói trước được. Thế Thủy sinh hoạt từ khi làm Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên tới khi làm Chủ Tịch Phòng Thương Mãi Westminster, trong phong trào Hướng Đạo cũng như trong ngành gíao dục, bất cứ việc gì Thủy cũng cố gắng làm tới nơi tới chốn. Nếu sau này cộng đồng cần và mình thấy có thể đóng góp được thì Thế Thủy sẽ tiến thêm một bước nữa.
VĐ: Được biết, trước đây cô có đề ra chương trình thi vẽ “Cái Giá Của Sự Tự Do”, chương trình này vẫn còn tiếp tục hay đã chấm dứt?
Thế Thủy: Nếu nói về cá nhân thì đó là niềm hãnh diện riêng của Thế Thủy trong vai trò Ủy Viên Giáo Dục, tại vì không có gì làm cho mình vui bằng khi nhìn giới trẻ hiểu được cái giá của sự tự do. Khi Hội Cựu Chiến Binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam ( Vietnam Veterans of America, Chapter 756) ngỏ ý muốn phối hợp với Thế Thủy và Học Khu để thành lập một chương trình thi vẽ cho học sinh thì Thế Thủy nghĩ ngay ra đề tài là “Cái Giá Của Sự Tự Do” để cho các em hiểu thế nào là tự do, thế nào là vượt biên, thế nào là tù cải tạo, thế nào là nhân quyền và tại sao mình có mặt hôm nay tại Hoa Kỳ, chẳng phải vì vấn đề kinh tế mà vì mình không chấp nhận chế độ Cộng Sản như họ đang làm cho đồng bào của mình tại Việt Nam. Đó là vấn đề Thế Thủy nhấn mạnh cho những người trẻ sinh ra tại Mỹ phải tìm tòi, học hỏi. Chương trình này vẫn được các em hưởng ứng. Tuy nhiên, trong tương lai có thể mình sẽ mở rộng thêm nữa. Mấy năm vừa qua mình chỉ áp dụng cho các em lớp 7 lớp 8, năm nay có thể sẽ áp dụng cho các em lớp 6 và tương lai cho các lớp dưới nữa để các em hiểu được cái giá của sự tự do, và bố mẹ, họ hàng, bà con các em có nói gì cho các em biết về những gì họ đã phải trải qua để có được ngày hôm nay.

VĐ: Trong các mục tiêu mà cô đang hướng tới có chủ trương tạo một môi trường kiến thức và khuyến khích giới trẻ đi sinh hoạt cùng một lúc, cô có thể nói rõ hơn về mục tiêu này?
Thế Thủy: Trước đây khi còn trẻ, đi sinh hoạt và gặp các bậc trưởng thượng, các đảng phái hay những người có chức vụ cao trong xã hội, Thế Thủy thường nghe câu nói: “Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ.” Thế Thủy thấy câu nói hơi khôi hài vì tu thân đến bao giờ mới tu xong, Tề gia cũng vậy. Khi tu thân xong, tề gia xong thì tuổi đã quá già còn làm sao trị quốc, bình thiên hạ được? Cho nên Thủy thường nhắc nhở các em phải thực hành cùng một lúc câu nói trên, lúc nào cũng phải phải tu thân bằng cách ăn ở ngay thẳng, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, kính trên, nhường dưới, không vu khống, nói hành nói xấu người khác, trong lúc đó mình phải sống hòa mình với mọi người trong gia đình, chung thủy trong đạo vợ chồng, yêu mến nhau. Nếu mình không làm được chuyện đó thì đừng nói đến chuyện trị quốc hay bình thiên hạ. Thế Thủy nghĩ rất đơn giản, mình phải làm mỗi thứ một chút và phải làm đều đặn trong cuộc sống thì xã hội mới có an bình.
VĐ: Là người Việt Nam đảm nhận công việc đứng đầu Học Khu, cô có kế hoạch gì mới trong những ngày sắp,tới?

Thế Thủy: Dĩ nhiên tôi không thể thiên về các học sinh gốc Việt mà phải lo chung cho tất cả học sinh trong Học Khu và mình phải đưa ra những kế hoạch gì hữu ích cho các em học sinh.. Vừa rồi cô Tổng Quản Trị của Học Khu đã đi từng trường, gặp gỡ các vị Hiệu Trưởng để đề nghị mỗi trường phải có một sắc thái riêng cho trường mình, thì dụ có trường chuyên về song ngữ, có trường chuyên về Toán, có trường khác chuyên về Khoa Học hay Nghệ Thuật; đó là chủ trương của Học Khu để làm sao cho các em thấy Học Khu Westminster là một môi trường cần thiết cho các em, nhất là các em học sinh Việt Nam hãnh diện đến học tại đây, có hoài bảo, có lý tưởng và có quan tâm đến đất nước Việt Nam , và luôn tự hào là mình đã từng học trong Học Khu này.
VĐ: Cô có điều gì muốn tâm tình với phụ huynh và giới trẻ Việt Nam tại đây?

Thế Thủy: Thế Thủy không mong gì hơn là đào tạo thế hệ kế tiếp để giới trẻ hãnh diện là người Việt Nam. Khi hãnh diện là người Việt Nam thì mình mới quan tâm đến vấn đề Việt Nam, quan tâm đến vấn đề cộng đồng, mà khi quan tâm đến vấn đề cộng đồng thì mình sẽ quan tâm đến vần đề đất nước. Với ý chí đó, vấn đề hành trang rất là quan trọng và mình sẽ cho các em những hành trang gì để chuẩn bị trên con đường đó. Mình không thể nào nói các em phải hãnh diện là người Việt Nam mà không nói cho các em biết tại sao các em hãnh diện là người Việt. Mong rằng qúy phụ huynh, các bậc trưởng thượng, mỗi ngày hãy nhắc nhở các em trẻ và cho các em hành trang cần thiết trong cuộc sống gia đình để các em có thể hãnh diện là người Việt Nam.
VĐ: Vào năm 1987, tại Hội Nghị Quốc Tế Về Việt Nam tổ chức tại Paris, Pháp Quốc, cô đã chất vấn cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Kissinger về vấn đề gì, và ông ta trả lời cô ra sao?

Thế Thủy: Khi đó tôi và anh Phan Minh Hoàn là sinh viên được đại diện Tổng Hội Sinh Viên VN tham dự hội nghị, nhưng vào phút chót anh Phan Minh Hoàn không tham dự được, và trong Hội Nghị, tôi đã hỏi tiến sĩ Kissinger hai câu: Xin ông cho biết tại sao ông lại làm điều phương hại tới quyền lợi của Việt Nam Cộng Hòa, và liệu ông sẽ làm gì để mang lại tự do cho người dân Việt Nam chúng tôi? Câu hỏi thứ hai: Xin ông giải thích về cái “thời hạn phải chăng” của ông? TS Kissinger không dấu được sự bực bội, đầu lắc lư và nổi nóng nói: “Damned questions!” (Câu hỏi mắc dịch) và ông không trả lời. Một nhà ngọa giao Pháp ngồi bên cạnh tôi lúc đó nói “Cô này đặt câu hỏi hay quá, đánh đúng vào chỗ yếu của ông ta thì làm sao ông ta trả lời được”. Nội dung hai câu hỏi của tôi như vậy.
VĐ: Cám ơn cô Frances Nguyễn Thế Thủy và chúc cô tân Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Westminster nhiều sức khỏe để làm tròn nhiệm vụ mói này.
Thế Thủy; Thủy xin cám ơn Ban Giám Đốc nhật báo Viễn Đông và ký giả Thanh Phong.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT