Người Việt Khắp Nơi

Phỏng vấn nhà văn Lê Anh Dũng Về lễ tưởng niệm hàng ngàn nạn nhân chết thảm trên Tỉnh Lộ 7B

Wednesday, 04/03/2020 - 07:33:40

Trong cuộc chiến tại Việt Nam, trước khi kết thúc vào ngày 30.4.1975 có một cuộc di tản trên Tỉnh Lộ 7B từ Pleiku về Tuy Hòa


Nhà văn lê Anh Dũng đọc Văn Tế trong đại lễ Vua Quang Trung (Thanh Phong/ Viễn Đông)


Bài THANH PHONG

LITTLE SAIGON - Trong cuộc chiến tại Việt Nam, trước khi kết thúc vào ngày 30.4.1975 có một cuộc di tản trên Tỉnh Lộ 7B từ Pleiku về Tuy Hòa khiến hàng ngàn người dân chết thê thảm. Để tưởng niệm những người kém may mắn này, anh em chiến hữu Tiểu Khu Pleiku phối hợp với Liên Trường Pleiku đứng ra tổ chức buổi lễ Tưởng Niệm tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt - Mỹ, TP. Westminster vào lúc 10 giờ sáng ngày thứ Ba, 17 tháng 3, 2020 và anh em đã nhờ nhà văn Lê Anh Dũng và bà Mỹ Hương đại diện cho ban tổ chức mời đồng hương tham dự.

Nhân dịp này, Viễn Đông đã phỏng vấn nhà văn Lê Anh Dũng về cuộc di tản kinh hoàng này.

Viễn Đông: Xin ông cho biết nguyên nhân có cuộc di tản trên?

Lê Anh Dũng: Sau khi mất Ban Mê Thuột và tình hình quân sự tại Quân Khu I được lệnh co cụm lại và vỡ trận nên Tổng Thống Thiệu mở cuộc họp mật tại Cam Ranh với các tướng lãnh chỉ huy Quân Khu II. Trong cuộc họp này, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu quyết định di tản Quân Đoàn II từ Pleiku về Tuy Hòa. Đúng ra quân lệnh này được bí mật thi hành nhưng đã bị lộ khiến dân chúng, đa phần là vợ con lính ùn ùn bỏ nhà cửa di tản theo đoàn quân khiến cuộc di tản trở nên vô trật tự, không kiểm soát được và Việt Cộng lợi dụng cơ hội này pháo kích tới tấp vào đoàn người di tản khiến cho hàng ngàn quân lính và thường dân vô tội chết thê thảm trên tỉnh lộ 7B, đọan từ Phú Bổn về Tuy Hòa.

VĐ: Cuộc di tản bắt đầu từ ngày nào và tại sao bị thất bại?

LAD: Cuộc di tản bắt đầu từ sáng ngày 15 tháng 3, 1975. Hai ngày sau tức ngày 17 tháng 3, 1975 Việt Cộng đã tăng cường pháo kích hàng ngàn quả đạn vào đoàn người tản. Sở dĩ có sự thất bại vì kế hoạch di tản quá gấp rút, thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng, một phần có thể do chính các quân nhân vì không nỡ để vợ con ở lại nên đã tiết lộ cuộc di tản, và gia đình quân nhân cũng như đồng bào ùn ùn bỏ chạy theo đoàn quân, khiến cuộc di tản trở nên hỗn loạn. Lúc đó các đơn vị quân đội vì có vợ con và dân chúng xen kẽ nên không xoay sở được dưới cơn mưa pháo của Việt Cộng. Xe tăng, xe quân đội các loại chạy bừa bãi hoảng loạn cũng làm cho một số người chết ngoài đạn pháo của cộng quân.

VĐ: Lý do nào khiến có buổi lễ Tưởng Niệm này?

LAD: Trước cuộc di tản 10 ngày tôi được lệnh từ Tiểu Khu Pleiku thuyên chuyển về Đặc Khu Cam Ranh. Sau khi cuộc di tản sẩy ra, tôi đã được các anh em đồng ngũ cũ kể lại cảnh chết chóc kinh hoàng, có một không hai trong lịch sử các cuộc di tản chiến thuật của quân đội, trong số hàng ngàn người chết thảm có nhiều em nhỏ học sinh tại các trường trong tỉnh Pleiku. Tôi được các anh em trong Tiểu khu Pleiku cử tôi đại diện cho họ và mời bà Mỹ Hương đại diện Liên Trường Pleiku để kính mời quý vị Quân, Dân, Cán, Chính VNCH thuộc Quân Đoàn II, Quân Khu 2 cùng thân hữu và hậu duệ đến tham dự Lễ Tưởng Niệm, để chúng ta cùng thắp nén hương lòng tưởng nhớ những nạn nhân kém may mắn đã bỏ mình trên Tỉnh Lộ 7B, cầu nguyện cho hương linh họ sớm được về cõi vĩnh hằng.

VĐ: Từ trước đến nay có ai trong đoàn người di tản kể lại thảm cảnh này chưa?

LAD: Anh có thể đọc đoạn văn sau đây do cô giáo Vũ Thị Bích, nhân chứng sống trong cuộc di tản kể lại và đã đăng trên tập san Quê Hương và Trường Cũ do Liên Trường Pleiku ấn hành năm 2014

Vũ Thị Bích: “...Thế là cứ dắt nhau đi, đi đâu, đi bằng gì, nào ai biết! Mọi người chỉ biết chạy tán loạn. Và rồi, đạn réo, bom rơi, nắng cháy đổ lửa, không thực phẩm, không nước uống... đã khiến bao người chết, chết đứng, chết ngồi, chết la liệt trên tỉnh lộ 7, máu loang đỏ chảy dọc sông Epa. Hàng ngàn chiếc xe dân sự và quân sự nối tiếp nhau, nằm vất vưởng trên suốt đoạn đường dài trên 30 cây số, từ Phú Bổn về phía Tuy Hòa. Những trẻ thơ lạc mẹ, những cụ già lạc con cháu, những tiếng khóc, tiếng la thất thanh trong đêm tối... Nỗi kinh hoàng ngày đó, vẫn còn mãi trong tôi…”

Nhà văn Phạm Huấn cũng đã kể: “Thật kinh hoàng, khủng khiếp... biển người và biển máu khắp nơi nơi, chỗ nào cũng có xác người, chồng chất lên nhau. Họ đã chết tức tưởi, oan nghiệt!”

Ký giả Nguyễn Tú cũng viết: “Nhiều xe vận tải chở đầy binh lính, trẻ em, người lớn tuổi bị trúng đạn pháo, bùng cháy và nổ tung. Xác người tung vãi khắp nơi. Những người đi bộ thì bị đạn súng máy gục xuống, máu họ tuôn thành dòng. Tiếng đạn pháo ầm ầm, tiếng nổ răng rắc của vũ khí cá nhân, tiếng kêu la của người sắp chết cùng với tiếng khóc của trẻ em, tất cả hòa thành một âm điệu duy nhất… vang lên từ hỏa ngục...”

VĐ: Cám ơn nhà văn Lê Anh Dũng đã cho độc giả Viễn Đông biết qua về cảnh tượng hãi hùng, bi thảm sẩy đến với quân, dân vùng II di tản trên Tỉnh lộ 7B năm 1975.

LAD: Xin cám ơn nhật báo Viễn Đông, và chúng tôi đại diện ban tổ chức kính mời tất cả quý đồng hương, không phân biệt người ở vùng nào, Quân Khu nào hãy dành một chút thời gian đến Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ vào lúc 10 giờ sáng thứ Ba, ngày 17 tháng 3, 2020 là ngày có nhiều thương vong nhất trong cuộc di tản để chúng ta thắp nén hương tưởng niệm đồng bào chúng ta trong tinh thần “máu chảy ruột mềm, một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ.” Chân thành cảm tạ sự tham dự của tất cả quý chiến hữu và đồng hương.

Cần liên lạc xin gọi ông Lê Anh Dũng (714) 234-1487, email: ldung3@gmail.com, hay bà Mỹ Hương (959)331-4232, email: mh.nguyn@icloud.com.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT