Văn Nghệ

Phỏng vấn P.Q. Phan về buổi hòa nhạc On Life và âm nhạc (kỳ 2)

Friday, 10/03/2017 - 08:24:58

Hình ảnh chiếu trên màn hình là sự đóng góp của 2 họa sĩ Ann Phong và Trinh Mai. Nhật Báo Viễn Đông đã có buổi phỏng vấn giáo sư P.Q. Phan về chương trình On Life và những chia sẻ của ông về âm nhạc. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả!

Bài BĂNG HUYỀN

Vào lúc 4 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 26 tháng 3, 2017, tại đại hí viện sang trọng MUSCO CENTER FOR THE ARTS (thuộc Chapman University, địa chỉ: 1 University Dr, Orange, CA 92866), là một hí viện với sức chứa một ngàn một trăm ghế ngồi, có không gian âm thanh tốt nhất, giúp khán giả thưởng thức được âm thanh trung thực nhất từ các nhạc khí và tiếng hát của các nghệ sĩ mà không cần qua trung gian của hệ thống khuếch âm, sẽ diễn ra buổi hòa nhạc rất giá trị On Life, do hội nghệ thuật bất vụ lợi VASCAM-Vietnamese American Society for Creative Arts and Music (www.vascam.org) thực hiện, với sự tham gia của 40 nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Soạn nhạc gia P.Q.Phan trong buổi nói chuyện quảng bá về chương trình hòa nhạc On Life với đồng hương Quận Cam tại tư gia của thành viên trong hội VASCAM. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Chương trình gồm 2 phần, phần đầu sẽ giới thiệu một số tác phẩm âm nhạc hiện đại của nhạc sĩ Cung Tiến, Tôn Thất Tiết, soạn nhạc gia P.Q. Phan (Phan Quang Phục) và phần 2 sẽ giới thiệu các trích đoạn tiêu biểu trong vở opera Câu Chuyện Bà Thị Kính (The Tale of Lady Thị Kính) của giáo sư, soạn nhạc gia P.Q. Phan viết, được hát bởi những giọng opera chuyên nghiệp Bryan Arreola, Veronica Jensen, Angela Yoon, Bích Vân, Teresa Mai cùng dàn nhạc VASCAM Ensemble điều khiển bởi nhạc trưởng Nguyễn Bội Cơ và sự phụ họa hợp xướng của nhóm Ngàn Khơi. Hình ảnh chiếu trên màn hình là sự đóng góp của 2 họa sĩ Ann Phong và Trinh Mai.

Nhật Báo Viễn Đông đã có buổi phỏng vấn giáo sư P.Q. Phan về chương trình On Life và những chia sẻ của ông về âm nhạc. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả!

Viễn Đông: Vì hạn chế về kinh phí, nên từ vở đại nhạc kịch viết cho dàn nhạc đại hòa tấu, sắp tới, vở opera “Câu Chuyện Bà Thị Kính” chỉ được diễn trích đoạn và đã được ông viết lại cho dàn nhạc khiêm tốn hơn, ông có e ngại điều này sẽ khiến khán giả thất vọng hay không? Vẻ đẹp của tác phẩm có bị giảm sút nhiều không?

P.Q. Phan: Lời ca không hề bị ảnh hưởng, nó luôn đẹp và sâu đậm cho dù có hát với một cây đàn hay nguyên dàn nhạc.
Nhạc cho dàn nhạc do tôi viết lại nên tất cả những yếu tố quan trọng đều đủ cả. Tuy nhiên, đúng là kết quả sau cùng sẽ không được ngoạn mục và đầy màu sắc như trong thiết kế của một sân khấu đầy đủ. Khán giả sẽ được chiêm ngưỡng điều này khi VASCAM dựng lại toàn bộ vở opera vào năm 2020.

VĐ: Ông và các thành viên của VASCAM có tính đến những rủi ro khi thực hiện dự án nghệ thuật On Life?

P.Q. Phan: Ý bạn muốn nói đến mặt kinh phí? Production của ON LIFE cũng khá lớn và đầy tham vọng. Chúng tôi hoàn toàn ý thức được những rủi ro và khó khăn. Tuy nhiên chúng tôi quyết thực hiện dự án này và sẵn sàng chấp nhận những rủi ro mà mình đã lường trước. Chúng tôi quan niệm rằng cuộc sống quá ngắn ngủi và do vậy không nên an phận. Làm hết sức mình là phương châm của chúng tôi. Chúng tôi có lòng tin sâu sắc rằng cộng đồng chúng ta sẽ ủng hộ chúng tôi, khi họ biết rằng đây là dự án phục vụ cho cộng đồng, phục vụ một mục tiêu cao đẹp. Vâng, điều này nghe có vẻ lý tưởng quá, nhưng thực tế là cho đến thời điểm này, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ nhiều hơn là mình đã mong đợi và tưởng tượng. Tóm lại, một dự án không lợi nhuận là hướng đi đúng.

VĐ: Sau On Life, còn nhạc sĩ gốc Việt nào khác sẽ được “lọt vào tầm ngắm” của VASCAM thực hiện chương trình kế tiếp hay không?

P.Q. Phan: Tất nhiên là có. Tôi luôn tìm kiếm những nhà soạn nhạc gốc Việt khác, đặc biệt là lớp trẻ. Theo chương trình đã tính toán, năm 2018 VASCAM sẽ giới thiệu thêm ít nhất một nhà soạn nhạc trẻ người Mỹ gốc Việt. Tôi chưa muốn tiết lộ tên để dành cho khán giả một sự ngạc nhiên.
Tôi khuyến khích những nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Việt liên lạc với tôi qua trang mạng www.vascam.org nếu họ muốn được giới thiệu trong chương trình của VASCAM. Bởi đây chính là mục đích của VASCAM.

VĐ: Qua những buổi gặp gỡ quảng bá chương trình với cộng đồng người Việt tại quận Cam, những điều mà ông và hiền thê của mình ấn tượng và nhớ mãi qua những buổi nói chuyện này? Có đúng với những suy nghĩ trước đó của ông và hiền thê của mình hay không?

P.Q. Phan: Con người có một khả năng tiếp nhận và cảm nhận tuyệt vời. Tôi và Anvi luôn tin rằng mình không bao giờ nên xem thường khán giả. Chúng tôi luôn xúc động vì sự tiếp đón và tiếp nhận của những người mình đã gặp trong các buổi nói chuyện. Họ rất rộng lượng, hết lòng ủng hộ và khuyến khích những điều chúng tôi đang làm.

VĐ: Trong quá trình nghiền ngẫm và sáng tác vở opera “Câu Chuyện Bà Thị Kính”, giữa tính cách, thân phận, cảm xúc của hai người đàn bà, hai tính cách trái ngược, một bên là biểu tượng của chữ Nhẫn, một bên là biểu tượng của sự khát khao được yêu, được sống. Hai tính cách, hai nhân vật đối diện với những nỗi đau trái ngược nhau, một người ẩn giấu vào trong, một người hiển lộ ra ngoài, cá nhân ông có lúc nào ưu ái người đàn bà nào hơn không? Vì sao?

P.Q. Phan: Tôi mừng vì cô đưa ra vấn đề này. Sự trái ngược trong tính cách của Thị Kính và Thị Mầu là biểu hiện của sự vẹn toàn trong một con người, cả đàn ông và đàn bà. Tôi cho rằng cả Thị Kính và Thị Mầu đều đẹp và hấp dẫn theo cách riêng của họ. Hai nhân vật này được hư cấu theo nghĩa họ đại diện cho hai thái cực. Tuy nhiên họ cũng đại diện cho thực tế của những người có đời sống tâm hồn phức tạp. Làm sao có thể nói mình thích người nào hơn? Đồng thời, tôi cũng phải nói rằng mình không có thẩm quyền gì mà thích người này và phê bình người kia. Có lẽ đây chính là vấn đề mà câu chuyện muốn giãi bày.

VĐ: Nếu nói tài năng của một người mang dòng máu Việt và môi trường sáng tạo nghệ thuật tại Hoa Kỳ đã tạo nên nhà soạn nhạc P.Q. Phan, ông thấy điều đó có đúng không?

P.Q. Phan: Tôi không thể chối bỏ cũng không thể khẳng định câu này. Khi còn nhỏ ở Việt Nam, không ai tước đi hoặc cấm đoán tôi sáng tác. Tôi sáng tác nhạc vì tôi yêu thích nó. Tôi không nghĩ môi trường xung quanh có thể cho phép hoặc cấm đoán người ta sáng tác nhạc, đặc biệt là nhạc giao hưởng. Tuy nhiên, nước Mỹ khuyến khích tôi với nhiều cơ hội để phát triển nếu như tôi nhận biết chúng. Cơ hội không đến với mình mà mình phải nắm lấy nó và tạo ra nó.

VĐ: Thế giới nội tâm của ông có ảnh hưởng đến cách ông nhìn thế giới âm nhạc khi sáng tác ra sao? Ông nắm bắt trọng tâm như thế nào để dò ra được hết các chi tiết mà ông muốn thể hiện qua các tác phẩm của mình từ trước đến nay và đặc biệt là với opera “Câu chuyện Bà Thị Kính”?

P.Q. Phan: Công bằng mà nói thì tất cả các sáng tạo là được sinh ra từ những cảm xúc và suy nghĩ sâu đậm của người sáng tạo. Vì vậy cách tôi suy nghĩ và cảm xúc liên quan chặt chẽ tới cách tôi sáng tác và những gì tôi sáng tác. Đối với tôi, sự chân thành là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong sáng tác của tôi. Thêm vào đó, tôi luôn muốn làm những điều mới mẻ mình chưa từng làm và tìm ra phương pháp mới chưa có trong ngành, cùng lúc với việc hòa trộn một cách tinh tế và sâu sắc quá khứ vào đó. “Câu Chuyện Bà Thị Kính” là một ví dụ của phương pháp tôi mới nhắc đến: Lấy một điều tôi yêu và quý trọng làm nền tảng căn bản rồi phối hợp với ngôn ngữ và kỹ thuật sáng tác âm nhạc đương đại, tôi kể lại câu chuyện theo một cách thích hợp và gắn kết với thời đại của chúng ta.

VĐ: Thế giới công nghệ luôn biến đổi không ngừng, còn ông thì có xu hướng tìm kiếm những gì trường tồn nơi con người. Làm thế nào ông nắm bắt được sự đối nghịch đầy căng thẳng giữa “những gì còn lại” và “những gì đổi thay” trong các nỗ lực sáng tạo âm nhạc của mình?
P.Q.Phan: Có lẽ cô nhầm lẫn giữa 'sáng tạo' và 'trực giác'. Một nhà sáng tác nhạc đương đại luôn phải tiếp cận sáng tạo dựa vào nghiên cứu-suy tư-tính toán-diễn đạt, chứ không chỉ dựa vào trực giác. Trực giác không thay đổi, hoặc thay đổi rất ít; nhưng ý thức/tâm thức thay đổi liên tục với thời gian và môi trường xung quanh. Trong trường hợp này, trí tuệ là yếu tố quan trọng trong sáng tạo. Như tôi đã nói ở trên: âm nhạc hàn lâm là một ngành khoa học tự nhiên.

VĐ: Cách ông nhìn nhận các tác phẩm của mình có thay đổi gì theo thời gian không? Tương tự, cách người khác tiếp nhận các tác phẩm của ông có đổi thay không?

P.Q. Phan: Tất nhiên rồi. Tất cả các tác phẩm đều được sáng tác vào một thời điểm nhất định. Khi thời thế thay đổi, tôi thay đổi, vì vậy tôi nhìn nhận chúng khác đi. Có thể nói, tôi không hề thỏa mãn với những gì mình đã làm, bởi vì chúng không thể đáp lại những thôi thúc và cảm xúc của tôi ngay tại thời điểm này. Giá trị khách quan và thật của các tác phẩm không thay đổi; tuy nhiên chúng không còn hợp thời cho chính bản thân tôi vì tôi đã thay đổi qua thời gian.
Đối với khán giả của mình, giá trị các tác phẩm của tôi đối với họ không thay đổi bởi vì chúng không có sự kết nối chủ quan với họ. Cách họ tiếp nhận các tác phẩm là khách quan và họ cố gắng tìm hiểu chúng theo cách của riêng họ.
(Quý vị muốn tìm hiểu thêm về buổi hòa nhạc On Life và đặt mua vé online, hãy vào website: http://muscocenter.org/event/on-life/ . Vé có các hạng: $75, $60, $45, $30. Hoặc mua vé tại Nhật Báo Viễn Đông, Việt Báo, Người Việt, nhà sách Tú Quỳnh.)
(Câu hỏi được trả lời bằng tiếng Anh. Bản tiếng Việt do Anvi Hoàng thực hiện.)
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT