Văn Nghệ

Phỏng vấn soạn nhạc gia P.Q. Phan về âm nhạc và buổi hòa nhạc On life (kỳ 1)

Friday, 03/03/2017 - 07:37:02

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt là một trong những cộng đồng mạnh về kinh tế, nhưng về mặt tham gia vào việc phục vụ xã hội và nghệ thuật thì đóng góp của mình không cân xứng với tầm vóc kinh tế của cộng đồng.

Bài BĂNG HUYỀN

Vào lúc 4 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 26 tháng 3, 2017 sắp tới, tại đại hí viện sang trọng MUSCO CENTER FOR THE ARTS (thuộc Chapman University, địa chỉ: 1 University Dr, Orange, CA 92866), là một hí viện với sức chứa một ngàn một trăm ghế ngồi, có không gian âm thanh tốt nhất, giúp khán giả thưởng thức được âm thanh trung thực nhất từ các nhạc khí và tiếng hát của các nghệ sĩ mà không cần qua trung gian của hệ thống khuếch âm, sẽ diễn ra buổi hòa nhạc rất giá trị On Life, do hội nghệ thuật bất vụ lợi VASCAM-Vietnamese American Society for Creative Arts and Music (www.vascam.org) thực hiện, với sự tham gia của 40 nghệ sĩ chuyên nghiệp.


Soạn nhạc gia P.Q. Phan (hình cung cấp)

Chương trình gồm hai phần, phần đầu sẽ giới thiệu một số tác phẩm âm nhạc hiện đại của nhạc sĩ Cung Tiến, Tôn Thất Tiết, soạn nhạc gia P.Q. Phan (Phan Quang Phục) và phần hai sẽ giới thiệu các trích đoạn tiêu biểu trong vở opera Câu Chuyện Bà Thị Kính (The Tale of Lady Thị Kính) của giáo sư, soạn nhạc gia P.Q. Phan viết, được hát bởi những giọng opera chuyên nghiệp Bryan Arreola, Veronica Jensen, Angela Yoon, Bích Vân, Teresa Mai cùng dàn nhạc VASCAM Ensemble điều khiển bởi nhạc trưởng Nguyễn Bội Cơ và sự phụ họa hợp xướng của nhóm Ngàn Khơi. Hình ảnh chiếu trên màn hình là sự đóng góp của hai họa sĩ Ann Phong và Trinh Mai.
Phóng viên Nhật Báo Viễn Đông đã có buổi phỏng vấn soạn nhạc gia, giáo sư P.Q. Phan (Phan Quang Phục) về chương trình On Life và những chia sẻ của ông về âm nhạc. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả!

Viễn Đông: Thưa soạn nhạc gia P.Q. Phan, ý tưởng ban đầu của VASCAM là gì? Nói cách khác, điều gì thôi thúc ông cùng người bạn đời của mình bắt tay thực hiện dự án này? Những thuận lợi và khó khăn khi lập ra VASCAM?
P.Q. Phan: Mục đích của VASCAM là gieo tưới, nuôi dưỡng và phát triển sáng tạo nghệ thuật của người Mỹ gốc Việt, và cả người Việt sống ở nước ngoài.
VASCAM nhắm vào việc thúc đẩy một truyền thống hàn lâm trong nghệ thuật sáng tạo đi đôi với khía cạnh giải trí của nó. Những người sáng lập VASCAM là tôi (Indiana), vợ tôi Anvi Hoàng, Trường Hoàng (California), Kim Zung Lê (Texas), và Nhuận Nguyễn (California). Chúng tôi muốn góp phần làm cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt nổi bật hơn về phương diện văn hóa đương đại và tiếp tục đặt nền cho một nền văn hóa mạnh mẽ của tương lai.
VASCAM là tổ chức không lợi nhuận mới thành lập đang đương đầu với nhiều thách thức. Tuy nhiên vấn đề cần lo về quản lý không đáng kể so với việc phải làm sao có những hoạt động liên kết chặt chẽ với cộng đồng, và làm sao thuyết phục được cộng đồng là công việc chúng tôi đang làm là quan trọng. Có thể nói sự sống còn của VASCAM là tùy thuộc vào cộng đồng.


Poster chương trình On Life

VĐ: Hợp tác với các nghệ sĩ Việt có ý nghĩa thế nào với ông? Qua những chương trình trước đó đã thực hiện tại Houston và San Jose và đặc biệt là với chương trình “On Life” sắp ra mắt cộng đồng người Việt tại quận Cam vào 26 tháng 3 năm 2017 này?
P.Q. Phan: VASCAM làm việc với người Mỹ gốc Việt chứ không phải người Việt Nam. Suy nghĩ một cách nghiêm túc thì “Vietnamese American” có nghĩa là: chúng ta là người Mỹ, và thuộc nhóm người có gốc gác Việt Nam. Nói cách khác, VASCAM phục vụ cho xã hội Mỹ nói chung và cộng đồng người Mỹ gốc Việt nói riêng.
VASCAM tạo ra sân chơi cho nghệ sĩ sáng tạo người Mỹ gốc Việt đồng thời kết nối với nghệ sĩ biểu diễn người Mỹ gốc Việt càng nhiều càng tốt. Mục tiêu của chúng tôi là mỗi năm giới thiệu trong chương trình một nghệ sĩ sáng tạo mới toanh. Chúng tôi rất vui có Bích Vân, Teresa Mai, Nguyễn Hải Hoàng, Nguyễn Bảo Thi tham dự chương trình lần này. Chúng tôi may mắn có nhạc trưởng Nguyễn Bội Cơ, và Ban Ngàn Khơi góp sức và làm việc hết mình cho buổi hòa nhạc ON LIFE/ CUỘC ĐỜI.

VĐ: Ông nhận xét ra sao về việc tiếp nhận dòng nhạc “hàn lâm” của khán giả Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ?
P.Q. Phan: Nếu nói một cách thẳng thắn thì vẫn còn nhiều chỗ để phát triển. Nhiều người bạn và người quen của chúng tôi hay nói rằng con cái họ phải lo ổn định vấn đề tài chính trước rồi mới lo đến âm nhạc nghệ thuật. Họ đúng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể lo chuyện tài chính song song với việc tham gia và ủng hộ nghệ thuật hết sức mình. Cộng đồng người Mỹ gốc Việt là một trong những cộng đồng mạnh về kinh tế, nhưng về mặt tham gia vào việc phục vụ xã hội và nghệ thuật thì đóng góp của mình không cân xứng với tầm vóc kinh tế của cộng đồng.

VĐ: Ông có nghĩ tâm tình nghe nhạc giữa người Việt Nam và phương Tây là hoàn toàn khác nhau: Một bên “lụy” với những gì quen thuộc, gần gũi, một bên “háo hức” với những gì mới, lạ? Khán giả phương Tây khá thoải mái đón nhận các thử nghiệm và những pha trộn, nhưng phần đông khán giả Việt Nam thì có thể không dễ dàng chấp nhận với dòng nhạc quá khác biệt với thói quen nghe nhạc bấy lâu nay của mình. Với kinh nghiệm của mình, ông nghĩ rằng người Việt đến dự chương trình “On Life” cần có sự chuẩn bị gì không?
P.Q. Phan: Có và không. Cũng như bất kỳ người da trắng bình thường nào, người Mỹ gốc Việt không thích những tác phẩm mới. Điểm khác biệt là người Mỹ trắng có phần sẵn lòng hơn trong việc đón nhận một tác phẩm sáng tạo nghệ thuật mới mà không có định kiến.
Tôi có thể cam đoan rằng khán giả người Mỹ gốc Việt sẽ yêu thích chương trình nhạc ON LIFE/ CUỘC ĐỜI. Họ sẽ nhận ra rằng âm nhạc ở đây có ý nghĩa đối với họ và thậm chí nói lên được tâm tình của họ. Điều họ cần làm chỉ là: đi đến nghe với một đầu óc cởi mở, rằng họ sắp sửa được khám phá một thế giới âm nhạc nhiều hứng thú hơn nữa, mà quen thuộc hơn là họ tưởng tượng.

VĐ: Với ông, âm nhạc có cũ - mới hay không?
P.Q. Phan: Có và không. Nếu người ta chấp nhận rằng âm nhạc là một loại ngôn ngữ thì rõ ràng là có ngôn ngữ cũ và mới. Nhạc cũ và mới sử dụng ngôn ngữ âm nhạc khác nhau (harmony) và dùng để diễn đạt những tình cảm xã hội và tâm lý khác nhau. Trong truyền thống âm nhạc phương Tây, âm nhạc được xem là khoa học và vì vậy cần được tiếp tục khám phá và tiếp tục phát triển.

VĐ: Theo ông điểm chung lớn nhất giữa ông và nhạc sĩ Cung Tiến, nhạc sĩ Tôn Thất Tiết là gì? Nếu phải vẽ ba bức chân dung của cả ba, ông sẽ nhấn mạnh vào những điểm giống và khác nào, trên hành trình tìm về nguồn cội Việt của mỗi người?
P.Q. Phan: Một điều chung giữa chúng tôi là có trải nghiệm lớn lên ở Việt Nam. Vì vậy mỗi chúng tôi mang trong mình giá trị văn hóa Việt Nam thân thuộc với mình. Chúng tôi sống trong văn hóa đó chứ không học nó như một người ngoại quốc. Và một điều đơn giản là chúng tôi rất khác nhau bởi vì mỗi người chúng tôi là một cá nhân riêng biệt. Mỗi người trong chúng tôi đào sâu vào khái niệm cá nhân và đem cái tốt nhất của mình mà chia sẻ với khán giả. Trong trường hợp ở đây, Cung Tiến là nhà viết ca khúc nghệ thuật, Tôn Thất Tiết và tôi là nhà sáng tác nhạc giao hưởng.

VĐ: Theo ông sự hứng thú mà chương trình On Life sẽ đem lại cho khán giả ở những điều gì?
P.Q. Phan: Một kinh nghiệm đáng tự hào! Đúng thế, đặc điểm chính của buổi hòa nhạc này là: những tình cảm và biểu hiện sâu sắc mà khán giả sẽ cảm nhận trong buổi nhạc được truyền đạt bởi những nhà soạn nhạc. Bởi vì họ chính là người đã sống và có trải nghiệm trực tiếp những gì họ diễn đạt trong buổi nhạc, chứ không phải học hỏi những điều đó như một nhà nghiên cứu đứng ở bên ngoài.
Khán giả sẽ có cơ hội hiểu được làm sao chất liệu của âm nhạc truyền thống và câu chuyện có thể hòa quyện trong một loại hình âm nhạc sâu sắc như thế, và chúng được được diễn giải qua một giọng nói đương đại toàn cầu ra sao. Âm nhạc sẽ hút hồn khán giả vì tính mỹ thuật sâu đậm chứ không phải như một điều kỳ lạ (exorticism).

VĐ: Trở về với một cái rất cũ từ vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính” để tạo ra một thứ rất mới là vở opera “Câu Chuyện Bà Thị Kính” và đã đạt được những thành công, đánh giá cao từ các nhà chuyên môn và khán giả dòng chính. Theo ông, điều gì khiến âm nhạc hai miền đất này có thể đứng cạnh nhau, khi mà nền tảng và bối cảnh văn hóa, chủng tộc của chúng vô cùng khác nhau?
Riêng trong lần trình diễn với cộng đồng người Việt tại quận Cam vào tháng 3 này, ông kỳ vọng vào điều gì nhất khi công diễn trích đoạn vở opera này trong chương trình On Life?
P.Q. Phan: Như đã nói ở trên, chìa khóa để vượt ranh giới âm nhạc là qua yếu tố mỹ thuật. Điều kỳ lạ (exorticism) chỉ có thể tô vẽ nét đẹp bên ngoài. Cái đẹp bên ngoài này tạo ra một khoảng cách, một sự tách biệt vô cùng giữa người sáng tạo và người tiếp nhận. Trong khi đó, mỹ thuật không áp đặt vào người xem. Sự biểu đạt của tính nhân bản cùng với tính thẩm mỹ sẽ xóa mờ ranh giới. Tính chất dân tộc trong nghệ thuật là yếu tố cộng thêm nhưng không nên là yếu tố chính yếu trong một tác phẩm nghệ thuật toàn cầu.
Tôi hy vọng khán giả tìm được một kinh nghiệm âm nhạc đương đại chân thành và thú vị một cách không ngờ tại buổi hòa nhạc ON LIFE.

(Quý vị muốn tìm hiểu thêm về buổi hòa nhạc On Life và đặt mua vé online, hãy vào website: http://muscocenter.org/event/on-life/
. Vé có các hạng: $75, $60, $45, $30. Hoặc mua vé tại Nhật Báo Viễn Đông, Việt Báo, Người Việt, nhà sách Tú Quỳnh.]
(Câu hỏi được trả lời bằng tiếng Anh. Bản tiếng Việt do Anvi Hoàng thực hiện.)
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT