Hôn Nhân, Cuộc Sống

Phụ huynh nên tránh dùng roi vọt

TS. Nguyễn Hữu Phước/Viễn Đông Sunday, 25/03/2012 - 11:48:54

Có tất cả ba mươi mốt tiểu bang, trong đó có California, đã ra đạo luật cấm dùng roi vọt. New Mexico là tiểu bang thứ ba mươi mốt, theo thứ tự thời gian, cấm dùng hình phạt nầy vào năm 2011.

Gia Đình và Giáo Dục

TS. Nguyễn Hữu Phước/Viễn Đông


Phụ huynh ở Hoa Kỳ nói chung, có dùng roi vọt (corporal punishment) để phạt những hành vi sai trái của con em họ không?
Cho đến hiện tại, 2012, vấn đề dùng roi vọt để phạt con em, khi con em phạm lỗi, vẫn là một vấn đề thuộc loại “đề tài đang tranh luận” (controversial topic, controversial subject) của dân Hoa Kỳ, nói đúng hơn là sự tranh luận của các nhà giáo dục, các chuyên viên tâm lý, xã hội, an sinh trẻ em, và các nhà lập pháp, v.v..
Do đó chúng ta không lấy làm lạ khi thấy có sự sai biệt trong luật lệ về “áp dụng roi vọt” giữa các tiểu bang, nhứt là khi liên bang không có một đạo luật riêng cho vấn đề nầy. Có tất cả ba mươi mốt tiểu bang, trong đó có California, đã ra đạo luật cấm dùng roi vọt. New Mexico là tiểu bang thứ ba mươi mốt, theo thứ tự thời gian, cấm dùng hình phạt nầy vào năm 2011.
Ở California đạo luật cấm dùng roi vọt ban hành vào năm 1986. Tuy nhiên trong phụ khoản 300(a) của một đạo luật khác về An Sinh, WIC 300(a), của California lại có ghi là việc đánh bép vào mông (spanking) trẻ em tương đối nhẹ, hợp lý tùy theo lứa tuổi và không gây thương tích, để áp dụng kỷ luật, thì được miễn khỏi phụ khoản Wic 300(a). Phụ khoản WIC 300(a) nầy ghi rõ rằng hình phạt nào gây đau đớn nghiêm trọng về thể chất do cha mẹ làm ra, thì coi như vi phạm luật.
Elizabeth Thompson Gershoff, chuyên gia tâm lý của Hoa Kỳ thuộc Đại Học Columbia, sau một cuộc nghiên cứu về việc trừng phạt bằng roi vọt, với những dữ kiện của 62 năm liên tiếp, có phúc trình tất cả những hậu quả tốt và xấu của cách trừng phạt nầy. Chuyên viên nầy cho biết là trong 11 lãnh vực như: Quan hệ giữa con và cha mẹ; sự sửa đổi tức thời về tánh xấu của con em; những thay đổi về tâm lý và hành vi của những con em bị roi vọt, v.v., thì sự liên hệ nầy rất rõ rệt. Trong mười một phạm vi nghiên cứu, chỉ có một là có hậu quả tốt: Biện pháp roi vọt có ảnh hưởng tức khắc trên hành vi của con em qua việc tránh cái lỗi vừa phạm.
Bài nghiên cứu nầy được nhiều chuyên gia trong nhiều ngành khác đóng góp ý kiến xây dựng cho vấn đề có nên dùng roi vọt hay không.
Đa số cho rằng việc dùng roi vọt có thể đạt được kết quả tức thời trên việc cảnh cáo những hành vi xấu của con em.
Tuy nhiên hành vi dùng roi vọt có thể dẫn tới nhiều điều không tốt cho cả hai phía cha mẹ, và con em:

1. Biện pháp nầy dẫn tới những hành vi bạo hành của cả con em, và cha mẹ. Con em, nhứt là những em “chịu đòn giỏi”, coi chuyện phạt vạ bằng vũ lực như một hành vi để dùng trên các anh chị em khác trong nhà, hay trên các bạn của mình. Do đó, khi anh chị em hay các bạn không làm theo những gì mà đứa trẻ cho là đúng, nó sẽ dùng bạo hành.
2. Cha mẹ có thể có căn bản văn hóa, chủng tộc, trình độ học vấn và hiểu biết khác nhau về việc dùng roi vọt, trước khi đến Hoa Kỳ. Cha mẹ cũng có nhiều mức độ hấp thụ khác nhau về văn hóa, và giáo dục Hoa Kỳ. Việc dùng roi vọt có thể có sự khác biệt từ gia đình nầy đến gia đình khác, tùy theo tương quan giáo dục và sự đối xử hằng ngày giữa con cái và cha mẹ. Do đó biện pháp roi vọt dễ đưa tới việc bạo hành con em vì ở California, con em hấp thụ văn hóa Hoa Kỳ qua học đường, nơi mà hình phạt roi vọt vắng bóng. Tình trạng nầy còn tệ hại hơn khi cha mẹ phải đi làm nhiều giờ, và vì vậy có quá ít giờ tìm hiểu con em, sinh ra có nhiều hiểu lầm trong lời nói hay cử chỉ của con em mà cha mẹ cho là sai trái.
Hơn nữa dù cho luật của tiểu bang có cho phép dùng roi vọt, thì việc phân định ranh giới giữa biện pháp roi vọt và sự bạo hành đối với trẻ em, không rõ rệt. Cha mẹ có thể phải ra tòa khi trẻ em bị thương tích, mặc dù mục tiêu rõ ràng là dạy dỗ con em họ.
3. Biện pháp roi vọt cũng có thể làm cho trẻ em bị khủng hoảng tinh thần, nếu đứa trẻ không chịu nổi sự đau đớn về thể xác. Hậu quả là nó sẽ nói dối để “tránh bị đòn”. Hậu quả khác, nguy hại hơn, là con em có thể bị bệnh tâm thần (mental health). Nó sẽ có hành vi gây hấn với anh chị em trong nhà, hay với bạn bè trong trường. Nó còn có những hành vi chống đối xã hội qua sự bất hợp tác với những dự án giáo dục dùng huấn luyện sự làm việc tập thể của một nhóm học sinh. Vì quá sợ bị đòn, nó có thể bị chứng trầm cảm (depression), rút vào phòng tránh làm, hoặc phát biểu ý kiến, về bất cứ điều gì, để khỏi bị roi vọt. Nguy hại hơn, là nó có thể bỏ nhà hay trốn khỏi nhà (run away) mà không nghĩ đến những hậu quả tai hại khi không tìm đến nhà bà con, mà lại đi theo các bạn có tánh tình không tốt.
Vậy phụ huynh người Hoa Kỳ gốc Việt Nam có nên dùng roi vọt để phạt vạ con em không?
Chúng ta, những phụ huynh người Hoa Kỳ gốc Việt Nam, thường nổi tiếng vì có con em học giỏi hơn, hoặc không thua gì con em của xã hội Hoa Kỳ nói chung. Thêm vào con em của chúng ta còn có hạnh kiểm tốt, và còn đạt nhiều thành tích về phục vụ cộng đồng nói chung. Trong lối giáo dục con em, những phụ huynh, nhứt là các phụ huynh nào mới qua định cư sau nầy, nên dùng những cách khen thưởng, hoặc những phạt vạ có tính cách răn bảo, hay hướng dẫn, để dạy con em hơn là dùng roi vọt. Xin nhắc lại là ở tiểu bang chúng ta đang cư trú, tiểu bang California, có luật lệ cấm dùng roi vọt để phạt vạ trẻ em.
Khi quí vị gặp trường hợp có một con em trong nhà không chịu vâng theo lời khuyên răn, chúng tôi đề nghị quí vị nên tìm hiểu thêm về cách thưởng phạt qua các bạn bè có kinh nghiệm hơn. Nếu cần hơn nữa, thì nên tiếp xúc với chuyên viên hướng dẫn (counselor) ở trường, trình bày trường hợp khó khăn của gia đình, và xin vị chuyên viên nầy giúp đỡ. Quý vị cần hợp tác với chuyên viên và con em để tìm một phương thức có thể thi hành (khả thi) để giúp cho con em và qui vị vượt qua khó khăn.
Giáo dục muốn đạt được kết quả tốt, là một tiến trình cần thời gian, cần kiên nhẫn, và cần sự hiểu biết của phụ huynh, của con em, và của chuyên viên hướng dẫn. Nói theo một nhà giáo dục ở Hoa Kỳ, một người chống biện pháp roi vọt: Chúng ta không cho con em đánh đập hay hành hạ con chó, không cho đánh lộn với anh chị em nó, hay bạn bè nó, và cấm không được hành hung người lớn; và chính chúng ta cũng không được đánh người khác. Vậy không có lý do nào có thể chứng minh hợp lý cho việc phụ huynh dùng “roi vọt” trên thân thể con em để gọi là “dạy dỗ” cho nó nên người. - (NHP)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài rên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT