Thế Giới

Phu nhân thủ tướng Israel bị buộc tội gian, bội tín

Thursday, 21/06/2018 - 08:59:00

Trong một cáo buộc khác, Thủ Tướng Netanyahu được cho là đã tìm cách mua chuộc các hãng truyền thông lớn tại Israel, để đổi lấy các bản tin có lợi cho danh tiếng của bản thân và gia đình.

JERUSALEM - Cơ quan công tố Israel hôm thứ Tư chính thức đưa ra cáo buộc gian lận tài chính đối với bà Sara Netanyahu, phu nhân đương kim Thủ Tướng Benjamin Netanyahu. Bà Sarah bị truy tố các tội gian lận và lợi dụng lòng tin, sau cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng của cảnh sát Israel. Cơ quan công tố Israel cáo buộc bà Sara đã sử dụng tiền công quỹ để chi trả cho các bữa tiệc xa hoa, với tổng giá trị lên tới gần $100,000 Mỹ kim, tại tư dinh của Thủ Tướng Netayahu, trong thời gian từ năm 2010 đến 2013.
Bà Sara cũng bị cáo buộc cung cấp lời khai không trung thực, trước nghi vấn về việc dùng công quỹ để thuê đầu bếp riêng tại tư gia. Số tiền thuê đầu bếp riêng được cho khoảng $10,000 Mỹ kim. Trong khi đó, Thủ Tướng Netanyahu cũng đang bị điều tra tham nhũng, khi ông và thành viên gia đình bị nghi nhận các quà tặng đắt tiền như xì-gà, rượu và đồ trang sức trị giá gần $300,000 Mỹ kim từ những người giàu có.
Trong một cáo buộc khác, Thủ Tướng Netanyahu được cho là đã tìm cách mua chuộc các hãng truyền thông lớn tại Israel, để đổi lấy các bản tin có lợi cho danh tiếng của bản thân và gia đình. Vợ chồng Thủ Tướng Netanyahu nhiều lần bác bỏ cáo buộc, khẳng định gia đình thủ tướng là nạn nhân của một âm mưu vu oan, do cơ quan công tố tiến hành với mục đích chính trị. Bất chấp các cáo buộc tham nhũng, cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy đảng Likud của ông Netanyahu đang được ủng hộ nhiều nhất trên chính trường, và nhiều khả năng chiếm thế đa số tại quốc hội nếu cuộc bầu cử tháng 11, 2019 diễn ra như dự kiến.

Singapore: Án tù cho nghi can vụ tham nhũng Mỹ
SINGAPORE CITY - Một phụ nữ Singapore 57 tuổi đã ra tòa tại đảo quốc này vào thứ Năm, do có liên quan đến vụ hối lộ và gian lận lớn nhất trong lịch sử Hải quân Hoa Kỳ. Bà Sharon Rachael Gursharan Kaur bị công tố viên đề nghị hình phạt tối thiểu là 3 năm và 7 tháng tù giam. Vụ tai tiếng tham nhũng này liên quan đến khoảng $35 triệu Mỹ kim, và đã khiến một số viên chức cao cấp của Hải quân Hoa Kỳ bị bắt giữ và kết tội. Công tố viên Jiang Ke-yue nói, là một nhân viên cao cấp của chính phủ Hoa Kỳ, bà Kaur đã vi phạm các yêu cầu về sự thanh liêm, và đã lợi dụng chức vụ để tư lợi cá nhân.
Bà Kaur là một chuyên gia được thuê theo hợp đồng của Hải quân Hoa Kỳ, và làm việc tại Trung tâm cung cấp hậu cần của lực lượng này tại Singapore. Bà Kaur bị cáo buộc đã nhận hối lộ gần $96,000 Mỹ kim từ giám đốc người Malaysia của hãng Glenn Defense Marine Asia, một công ty hoạt động tại Singapore, chuyên cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các tàu Hoa Kỳ tại ít nhất 1 chục quốc gia ở châu Á. Vị giám đốc đưa hối lộ được xác định là ông Leonard Glenn Francis, 50 tuổi. Bà Kaur nhận tiền hối lộ trong thời gian từ năm 2006 đến 2011, sau khi đã cung cấp nhiều thông tin mật của Hải quân Hoa Kỳ cho ông Francis. Bà Kaur hiện đã được thả sau khi đóng tiền tại ngoại, và sẽ bị tuyên án vào ngày 6 tháng 7. Ông Francis đã nhận tội tại Hoa Kỳ vào ngày 15 tháng 1, 2015, và vẫn đang bị giam tại đây. Ông này đang đối mặt với án tù 25 năm, và đã đồng ý bồi thường $35 triệu Mỹ kim bằng tài sản cá nhân.

Miến Điện: Thông điệp thù ghét gây chia rẽ
YANGON – Nữ lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi hôm thứ Năm nói rằng, các thông điệp thù ghét từ nước ngoài đang gây chia rẽ các cộng đồng dân cư tại nước này. Bà Suu Kyi cũng nói với bà Christine Burgener, đặc sứ Liên Hiệp Quốc tại Miến Điện, rằng việc khôi phục sự tin tưởng giữa các cộng đồng cần có thêm thời gian và sự kiên nhẫn. Bà Suu Kyi không nêu đích danh các cộng đồng đang bị chia rẽ. Bà cũng khẳng định cần có các phương pháp tiến bộ để giải quyết các vấn đề hiện nay. Phát ngôn viên của chính phủ Myanmar từ chối giải thích các thông điệp thù ghét mà bà Suu Kyi nhắc tới là gì.
Trong các bài đăng trên Facebook và Twitter từ tháng 8 đến nay, chính phủ Suu Kyi bày tỏ sự ủng hộ đối với những người không phải là Hồi giáo bị ảnh hưởng bởi bạo động, và chỉ trích cộng đồng quốc tế đã truyền bá tin tức giả về việc vi phạm nhân quyền. Từ tháng 8 năm ngoái đến nay, gần 700,000 người Hồi giáo Rohingya từ tỉnh miền bắc Rakhine của Miến Điện đã phải bỏ chạy sang Bangladesh, sau các đợt đàn áp tàn nhẫn của quân đội chính phủ. Nhiều người cáo buộc quân đội Miến Điện đã gây ra nhiều vụ sát hại thường dân, cưỡng hiếp, và đốt phá làng mạc.
Liên Hiệp Quốc gọi chiến dịch quân sự này là một ví dụ điển hình cho hành động thanh lọc sắc tộc, trong khi Miến Điện vẫn bác bỏ mọi cáo buộc. Người Rohingya không được Myanmar coi là công dân, không được tự do di chuyển, và không được tiếp cận với các dịch vụ như giáo dục và y tế. Đầu tháng này, Myanmar và Liên Hiệp Quốc đã ký một thỏa thuận sơ khởi về việc cho người Rohingya hồi hương.

Libya: Lực lượng LNA tái chiếm khu vực dầu hỏa
BENGHAZI – Một lực lượng ở phía đông Libya hôm thứ Năm đã chiếm lại các cơ sở khai thác và xuất cảng dầu Es Sider và Ras Lanuf, vào vài giờ sau cuộc đụng độ ở phía nam Ras Lanuf với các phe đối thủ. Nhân viên đã được di tản khỏi các cảng dầu, và hoạt động xuất cảng đã bị đình chỉ từ thứ Năm tuần trước, khi các tay súng đối lập với lực lượng của chỉ huy quân sự Khalifa Hafta tấn công và chiếm đóng các cảng này. Việc cảng dầu bị đóng cửa khiến sản lượng bị giảm khoảng 450,000 thùng một ngày, và 2 tàu chở dầu đã bị phá hủy và hư hại bởi đạn pháo từ trận chiến. Bắt đầu từ tuần trước, lực lượng quân sự LNA của chỉ huy Hafta đã không kích vào khu vực để giành lại các cảng dầu, và tiếp tục truy đuổi các tay súng đối thủ vào hôm thứ Năm khi họ rút lui.
Chỉ huy Hafta là một trong các nhân vật đang tranh giành quyền lực tại Libya, kể từ khi quốc gia này chia năm xẻ bảy sau cuộc nổi dậy năm 2011. Chỉ huy Hafta đang dần nhận được sự chấp nhận của quốc tế, kể từ khi giành được khu vực các cảng dầu vào năm 2016. Ông Hafta cũng cho phép hãng dầu quốc gia NOC tái khởi động các nhà máy và hải cảng tại đây, dù không công nhận chính phủ được Liên Hiệp Quốc ủng hộ ở thủ đô Tripoli. Phát ngôn viên của lực lượng LNA cho biết, họ tái chiếm cảng Es Sider vào gần trưa. Khu vực Ras Lanuf, vốn bao gồm một thị trấn dân cư, một phi đạo, các bồn chứa dầu, và một nhà máy lọc dầu nằm dọc một hải cảng, cũng được LNA chiếm lại. Các lực lượng đối thủ rút lui vào sa mạc và được cho là bị tổn thất nghiêm trọng.

Cổ động viên Anh có thể bị tù vì chào kiểu phát xít
VOLGORAD – Một nhóm các cổ động viên túc cầu người Anh, du lịch tại thành phố Volgorad, Nga, đang có nguy cơ phải nhận án tù lên tới 5 năm, vì đã chào kiểu phát xít và hát những bài hát ủng hộ phát xít. Hành động của nhóm fan túc cầu, đã được người khác ghi hình lại và đăng lên mạng, diễn ra tại quán Galereya Pub, thuộc thành phố Volgograd, sau khi đội tuyển Anh giành chiến thắng 2 – 1 trước đội tuyển Tunisia. Truyền thông Nga đã chỉ trích mạnh mẽ hành động của các cổ động viên Anh, do họ ủng hộ phát xít ngay tại một trong những thành phố từng trải qua những trận đánh ác liệt để cản bước tiến của phát xít Đức.
Các cổ động viên Anh này sẽ bị truy tố vì tội có các hành động công khai ủng hộ phát xít cả ở Nga lẫn Anh. Tại Nga, theo luật hình sự, các hành động bao gồm việc cổ vũ phân biệt chủng tộc hoặc phân biệt tôn giáo có thể dẫn đến án tù 5 năm. Theo truyền thông Anh, cảnh sát nước này cũng đang làm việc với Liên đoàn túc cầu để điều tra về đoạn video.

Di dân lợi dụng World Cup để trốn vào châu Âu
NGA - Từ khi World Cup khai mạc tới nay đã có 5 người mang quốc tịch Nigeria, Morocco và Trung Quốc bị phát hiện vượt biên trái phép từ Nga sang Phần Lan. Họ tới Nga bằng vé xem World Cup và thẻ cổ động viên, những giấy tờ được nhà chức trách Nga chấp nhận thay cho visa trong thời gian diễn ra giải đấu. Công dân Nigeria vượt biên tới Phần Lan hôm 15 tháng 6 bằng hộ chiếu Brazil giả, còn ba người Morocco lập kế hoạch vượt biên hôm 17 tháng 6. Một người đàn ông Trung Quốc cũng có ý định vượt biên khi tới Helsinki trên một chuyến bay từ Nga, chỉ mang theo các giấy tờ của cổ động viên World Cup.
Nga có chung đường biên giới với một số nước trong khối Schengen của Liên Âu. Một khi đặt chân được vào khu vực này, người di cư có thể di chuyển tự do xung quanh 19 nước mà không bị kiểm tra. "Chúng tôi đã chuẩn bị cho tình huống này, bởi chúng tôi biết một số người có thể vào Nga mà không cần visa, nhưng thật bất ngờ khi mọi thứ xảy ra ngay khi giải đấu vừa bắt đầu,” ông Marko Saareks, nhân viên tuần tra biên giới Phần Lan, cho biết. Ông tiết lộ thêm rằng, những trường hợp tương tự cũng xảy ra tại biên giới các nước vùng Baltic và Ba Lan sau khi World Cup khai mạc.
Một số người di cư đã cố vượt biên giới Nga - Phần Lan để tới các nước EU trong cuộc khủng hoảng di cư vào năm 2015, trong khi hơn 1 triệu người từ châu Phi và Trung Đông tới châu Âu chủ yếu bằng cách vượt biển Địa Trung Hải. Nhà chức trách Nga từ hôm 16 tháng 6 tới nay đã chặn khoảng 10 công dân từ các quốc gia châu Phi và châu Á có vé World Cup, do nghi ngờ họ có ý định vượt biên sang Phần Lan và Na Uy.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT