Thế Giới

Phụ nữ phải "đợi hơn 250 năm nữa để được bình đẳng giới"

Sunday, 22/12/2019 - 09:39:17

Báo cáo của WEF cho thấy các nước Bắc Âu đi đầu về thực hiện bình đẳng giới, với Iceland ở vị trí đầu bảng, tiếp theo là Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển. Trong khi đó, Syria, Pakistan, Iraq và Yemen là các quốc gia xếp cuối bảng trong danh sách các nước tham gia khảo sát.


(Getty Images)

THỤY SỸ - Phụ nữ có thể phải chờ thêm 257 năm nữa để đạt được bình đẳng giới tại nơi làm việc, theo báo cáo của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới. Tuy khoảng cách giới tính đã dần thu hẹp ở nhiều lãnh vực như chính trị, y tế và giáo dục, nhưng nạn bất bình đẳng tại nơi làm việc vẫn chưa thể được xóa bỏ cho tới năm 2276, theo báo cáo được công bố hồi giữa tuần của Diễn Đàn Kinh Tế Thế giới (WEF). Điều đó đồng nghĩa với việc phụ nữ phải mất 257 năm nữa mới được trả lương và có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp như nam giới.
Dù số lượng lao động lành nghề và lãnh đạo cấp cao là nữ giới tăng lên, tỷ lệ tham gia thị trường lao động và tiền thưởng của nữ giới vẫn thấp so với nam giới. Trong khi 78% nam giới tham gia thị trường lao động, con số này ở nữ giới là 55%. Báo cáo của WEF cũng cho thấy sự chênh lệch về tiền lương giữa nam giới và nữ giới dần thu hẹp ở các nước thuộc Tổ Chức Hợp tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD) trong thập niên qua, nhưng lại mở rộng ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Báo cáo thường niên được WEF thực hiện dựa trên số liệu theo dõi 153 quốc gia ở 4 lãnh vực: giáo dục, y tế, cơ hội kinh tế và trao quyền chính trị. Khoảng cách giới tính chung cho tất cả lãnh vực này giảm còn 99.5 năm so với 108 năm vào năm ngoái. Trong lãnh vực giáo dục, khoảng cách giới tính đã giảm 96% và cần thêm 12 năm để xóa bỏ. Trong lãnh vực y tế, khoảng cách này tương đối nhỏ, nhưng các nhà nghiên cứu chưa biết cần bao lâu để đạt bình đẳng giới tính hoàn toàn. Trong khi đó, chính trị cũng ghi nhận cải thiện lớn về vấn đề này. Năm 2019, phụ nữ giữ 25.2% số ghế trong các quốc hội, và 22.1% các vị trí bộ trưởng, so với tỷ lệ 24.1% và 19% trong năm 2018.
Báo cáo của WEF cho thấy các nước Bắc Âu đi đầu về thực hiện bình đẳng giới, với Iceland ở vị trí đầu bảng, tiếp theo là Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển. Trong khi đó, Syria, Pakistan, Iraq và Yemen là các quốc gia xếp cuối bảng trong danh sách các nước tham gia khảo sát.
Xét trong 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, Đức xếp ở vị trí thứ 10, theo sau là Pháp (15), Nam Phi (17), Canada (19) và Anh (21). Hoa Kỳ rớt 2 bậc xuống vị trí 53. Báo cáo của WEF nói rằng "phụ nữ Mỹ vẫn phải đấu tranh cho các vị trí lãnh đạo công ty, và chưa được công nhận trong vai trò lãnh đạo chính trị.”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT